Nếu có cuộc bình chọn danh sách những bài nhạc vàng viết về đời lính hay nhất, tin chắc rằng bài hát “Trên Bốn Vùng Chiến Thuật” phải là một trong số đó.
Những bài nhạc vàng viết về người lính, lẽ dĩ nhiên là vẫn đang bị cấm lưu hành ở trong nước. Tuy nhiên không vì vậy mà làm giảm đi niềm yêu thích của công chúng đối với loại nhạc này. Hơn nữa, với bất kỳ người lính nào, dù ở chiến tuyến nào cũng sẽ thấy một phần của mình trong những bài lính nhạc vàng, những bài hát có sự cảm thông sâu sắc và nói lên những niềm tâm sự của người ở trên chiến trận. Đó là lý do mà có nhiều người đi lính bộ đội vẫn có thể yêu tha thiết những bài nhạc vàng lính.
Trở lại với bài hát Trên Bốn Vùng Chiến Thuật của nhạc sĩ Trúc Phương – một bài hát được sáng tác trong thập niên 1960. Không thể tìm hiểu được hoàn cảnh sáng tác chính thức của bài hát này, nhưng theo suy luận từ tựa đề “4 vùng chiến thuật” thì bài hát chắc chắn được sáng tác trong khoảng thời gian từ 1964 tới năm 1970. Vùng chiến thuật được thành lập năm 1961 với 3 vùng, đến năm 1964 lập thêm vùng thứ 4. Sang năm 1970 thì chính quyền đổi tên thành Quân Khu.
Bài hát này nhắc tới những địa danh và trận đánh nổi tiếng nhất ở cả 4 vùng chiến thuật:
Gio Linh đón thây giặc về làm phân xanh cây lá: Vùng 1 chiến thuật, bộ chỉ huy đặt ở Đà Nẵng, gồm các tỉnh miền Trung, từ Quảng Trị (Gio Linh) đến Quảng Ngãi.
Pleime gió mưa mùa: Vùng 2 chiến thuật, gồm các tỉnh vùng tây nguyên và Nam Trung Bộ ngày nay.
Tây Ninh nắng nung người, mà trận địa thì loang ma’u tươi: Vùng 3 chiến thuật, gồm 1 số tỉnh Nam Bộ: Tây Ninh, Hậu Nghĩa, Long An, Bình Long, Phước Long, Bình Dương, Bình Tuy, Phước Tuy, Long Khánh, Biên Hòa, Vũng Tàu.
Đồng Tháp vắng bóng hồng, tôi yêu ai? Vùng Đồng Tháp Mười, các tỉnh miền Tây ngày nay.
Bài hát này, ngay câu đầu, tác giả dùng danh xưng là “tôi”, đóng vai là một người lính đi chinh chiến khắp các vùng chiến thuật, trải dài khắp miền Nam. Có thể “tôi” này là đại diện cho rất nhiều người lính khác nhau, nhưng cũng có thể là người lính này đã tham gia trên cả 4 vùng chiến thuật. Người nghe nhạc sẽ đặt câu hỏi liệu có đơn vị nào tham gia được hết cả miền Nam như vậy? Sẽ là rất hiếm, nhưng cũng có thể có đối với trường hợp lực lượng Trừ Bị Lưu Động với sự di chuyển rộng khắp cả miền Nam.
Dĩ nhiên, nhạc sĩ Trúc Phương có quyền hư cấu khi viết bài hát này, nhưng chúng ta giả sử có một anh lính như vậy thật, thì có thể anh ta thuộc binh chủng nhảy dù, với chi tiết trong bài hát: Gặp gỡ trong cơn lốc. Họ gặp nhau trong lúc trực thăng đang quạt mạnh và mù mịt như một cơn lốc. Chỉ có anh lính nhảy dù mới nhìn thấy được vẻ tuyệt đẹp của khung cảnh “mây mù trên núi cao, rừng sương che lối vào”. Ngoài ra, chỉ có binh chủng nhảy dù mới tham gia đầy đủ ở những nơi chiến trường khốc liệt nhất là Pleime, vùng Đồng Tháp Mười, Tây Ninh, đặc biệt là Gio Linh.
“gặp gỡ trong cơn lốc”
Trong các binh chủng, chỉ có Nhảy Dù, Biệt Động Quân và Thủy Quân Lục Chiến là các đơn vị có thể lưu động trên khắp các vùng. Riêng trận Gio Linh như trong bài hát, trước năm 1970 chỉ có binh chủng nhảy dù là tham gia trận đánh lớn ở Gio Linh, vào năm 1967 trong cuộc hành quân Lam Sơn 54. Vì vậy có thể chắc chắn, nếu anh lính trong bài Trên Bốn Vùng Chiến Thuật là có thật, thì đó là 1 anh lính dù mũ đỏ.
Những người lính ngày xưa chân chất, từ cách xưng hô thân mật mày tao, đến những hoàn cảnh mà bất kỳ người lính nào cũng nếm trải: bùn đen in dấu giày, đêm đêm nằm đường… Đời lính gian khổ, nhưng ai cũng phải “vì đời mà đi”, vì phía sau họ còn có “vạn người thân lưu luyến”, là những đồng bào lúc nào cũng bị bất an dưới khói lửa chiến chinh.
Như hầu hết các ca khúc của miền Nam trước 1975, ca khúc “Trên Bốn Vùng Chiến Thuật” không có lời lẽ hận thù, đơn thuần đây chỉ là hình ảnh người lính xa nhà lúc nào cũng khó nhọc, cô đơn, nhưng vì thương quê hương mà cất bước lên đường.
Tôi thường đi đó đây, bùn đen in dấu giày, lửa thù no đôi mắt
Chân nghe lạ từng khu chiến thuật,
áo đường xa không ấm gió phương xa,
nghìn đêm vắng nhà.
Mây mù trên núi cao, rừng sương che lối vào
Đồng ruộng mông mênh nước
Đêm đêm nằm đường ngăn bước thù
Áo nhà binh thương lính lính thương quê
Vì đời mà đi
Gio Linh đón thây giặc về làm phân xanh cây lá
Pleime gió mưa mùa
Tây Ninh nắng nung người, mà trận địa thì loang ma’u tươi
Đồng Tháp vắng bóng hồng, tôi yêu ai?
Ân tình theo gót chân, bọn đi xa đánh trận.
Gặp gỡ trong cơn lốc
Xưng tao gọi mày thương quá gần.
Bốn vùng mang lưu luyến bước bâng khuâng,
của vạn người thân.
(Tóm lựa dựa theo bài của Cao Đắc Tuấn)
Theo nhacxua.vn
No comments:
Post a Comment