Sunday, July 21, 2019

"TRẢ LẠI EM YÊU": BÙNG BINH CÂY LIỄU

Chỉ trong vài năm, thành phố này mất đi cùng lúc những cảnh quan liên hoàn tiêu biểu của trung tâm Sài Gòn có từ 100 năm trước: công viên Lam Sơn, thương xá Tax, bùng binh Sài Gòn và giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi. Và trước đó nữa, là công viên Chi Lăng, thương xá Eden.

Vòng Xoay Cây Liễu – Bùng Binh Bồn Kèn trước năm 75

Ngày ấy, nhiều người dân viết blog, viết trên facebook, viết báo in, quay phim, chụp hình, kể cả ký kiến nghị điện tử bày tỏ mong muốn dừng lại việc đập phá, xem lại việc thay đổi khu vực này. Nhưng rồi, những tiếng kêu đau buồn ấy vẫn không làm lay chuyển được khung cảnh những công trường xây dựng mới, nhân danh metro, nhân danh phố đi bộ, nhân danh thì tương lai mỹ miều, không đoái hoài thì quá khứ hay đẹp.

Ngày ấy, tôi còn nhớ trong những người trẻ U30 đến chụp những bức hình cuối cùng bên trong thương xá Tax có một cặp vợ chồng bác sĩ trẻ - Hoàng và Thư. Từ tiệm cà phê Highlands trên tầng ba thương xá, cả hai bồn chồn nhìn những chiếc máy vô tri đập phá đài phun nước giữa bùng binh.

Cả hai lặng người trước những cây liễu mảnh mai bị đốn ngã, và phía sau là công viên Lam Sơn hoang tàn. Các bạn hỏi tôi vì sao? Và rồi, các bạn đi học tiếp ở Mỹ, mang theo một ký ức buồn. Gần đây các bạn về thăm nhà, lại tìm đến bùng binh xưa và hỏi: “Sao Sài Gòn vẫn còn ngổn ngang quá?”.

Một giao lộ, một hồ nước được thiết kế cách đây 139 năm

Biết trả lời các bạn thế nào! Paris không chỉ xây trong một ngày. Trung tâm đô thị Sài Gòn hình thành đâu ra đó cũng mất trên dưới một thế kỷ. Những ai ra lệnh và chỉ huy phá hồ nước cùng đài phun nước ở vòng xoay giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi (Charner - Bonard) có hỏi tuổi đời và lịch sử của biểu tượng này? Chiếc hồ nhân tạo tròn xoay và đài phun nước hai tầng - giống như một đài hoa xinh xắn, được xây cuối năm 1942.

Trên trang bìa tờ Nam Kỳ tuần báo số ra ngày 14.1.1943, có đăng ảnh công trình ấy hiện lên hài hòa, tô điểm cho Dinh Xã Tây (tòa thị chính) Sài Gòn thêm vẻ lộng lẫy. Tra cứu sách báo xưa, ta có thể biết thêm công trình ra đời trong kế hoạch chỉnh trang Sài Gòn đầu thập niên 1940, vào chính thời điểm chuẩn bị cho một hội chợ quốc tế đồ sộ diễn ra ở vườn Ông Thượng (vườn Tao Đàn).

Chi tiết khắc họa hồ nước và đài phun nước giao lộ Charner và Bonard trên tranh vẽ phối cảnh quy hoạch Sài Gòn 1880, lưu giữ tại Thư viện Quốc gia Paris

Rất tiếc, tôi chưa tìm được thông tin về tác giả thiết kế kiến trúc trên. Lạ thay, kiểu dáng hồ nước và “đài hoa” mộc mạc ấy không hề đem đến cảm giác cổ xưa, ngược lại từ giữa thế kỷ XX sang đầu thế kỷ XXI, vẫn tạo ra vẻ đẹp thanh tân. Nhìn từ phía bờ sông vào, chiếc hồ là mặt gương soi tòa lâu đài thị chính (hotel de ville) trên đại lộ Charner.

Còn nhìn từ công trường Cuniac (Quách Thị Trang ngày nay) trên đại lộ Bonard, chiếc hồ là gương soi Nhà hát Tây diễm lệ. Sau này, vào những năm cuối thập niên 1960, chiếc hồ có thêm hàng liễu nhỏ yêu kiều viền quanh. Người Sài Gòn vốn dĩ chất phác, gọi ngay là “bùng binh cây liễu”, không cần thêm một cái tên văn hoa đài các nào!

Hơn nữa, cái tên “bùng binh Sài Gòn” hay “bồn kèn” là tên gọi dân dã của giao lộ này, từ cuối thế kỷ XIX. Bởi đơn giản, nơi đây là điểm duy nhất có quân nhạc biểu diễn như thường thấy ở trung tâm các thành phố châu Âu. Những bưu ảnh đầu thế kỷ XX cho thấy, cái “bồn kèn” được đặt giữa giao lộ Charner - Bonard, là một bục cao hình tròn, được xây kiên cố, có hàng rào sắt chạy quanh thâm thấp.

Cụ Vương Hồng Sển kể, nơi đây vào Chủ nhật và ngày lễ, “lính kèn” của Tây biểu diễn các bài hành khúc Pháp và nhạc châu Âu. Hiện giờ, cái cảnh “lính kèn” chơi nhạc cuối tuần, chúng ta vẫn còn được thưởng ngoạn trước cửa Nhà hát thành phố vào sáng Chủ nhật, như một phong tục đẹp.

Còn cái “bồn kèn” thời Pháp, ta có thể gặp lại vật thể tương tự - hiện còn tồn tại trên bờ sông Hương - gần đầu cầu Trường Tiền ở Huế, hay mặt sau vườn hoa Lý Thái Tổ ở Hà Nội. Mong sao, ngành văn hóa và Hội Âm nhạc nên đặt bảng kỷ niệm các “bồn kèn” kể trên, để ghi dấu “sự tích” âm nhạc hiện đại đi vào đời sống dân chúng Việt, mở màn từ Sài Gòn!

Hồ nước và đài phun nước trước cửa Nhà hát lớn Paris (ảnh tư liệu)

Hơn thế nữa, “bùng binh cây liễu” không chỉ là “cổ tích” kiến trúc và âm nhạc mà còn là dấu tích lịch sử và tầm nhìn quy hoạch đô thị. Thật kinh ngạc, vòng xoay giao lộ Charner - Bonard với trung tâm là hồ và đài phun nước đã được “tượng hình” cách đây 139 năm! Thư viện Quốc gia Pháp vẫn đang lưu giữ bản vẽ phối cảnh quy hoạch Sài Gòn năm 1880, trên đó các tác giả phác họa hình ảnh đại lộ Charner và Bonard (lúc ấy vẫn còn là những con kênh), là hai con đường lớn giao nhau thẳng góc. Cả hai đều có dải ngăn cách giữa đường là những cây xanh đầy đặn, theo kiểu các đại lộ ở Paris. Nằm giữa giao lộ, bản vẽ khắc họa rất rõ, có một chiếc hồ nhỏ - viền quanh là cây xanh, ở giữa là đài phun nước.
Khi phá bỏ các biểu tượng đã có và ngăn không cho xe lưu thông qua ba giao lộ này, phải chăng người đề xuất và người duyệt dự án phố đi bộ Nguyễn Huệ, đã không tính đến các yếu tố lịch sử, kể cả khoa phong thủy của tổ tiên?
Cuối thế kỷ XIX, tại các đô thị châu Âu như Paris, London, Rome, Brussel, đã có khá nhiều những chiếc hồ nhân tạo và đài phun nước tráng lệ, vừa là vật chuẩn cho vòng xoay giao thông, vừa là tượng đài nghệ thuật, đã trở thành điểm tham quan tấp nập của ngày nay.

Thời ấy, đô thị Sài Gòn được thiết kế theo tiêu chuẩn châu Âu, trong đó có lẽ hồ nước và đài phun nước ở giao lộ Charner - Bonard được dự kiến “hoành tráng” không kém “nguyên mẫu” trước cửa nhà hát Opéra ở Paris.

Song, cái giá cho sự “hoành tráng” đó hẳn rất đắt vào cái thời chính quyền thành phố còn chưa đủ tiền xây tòa thị chính (phải 20 năm sau mới xây và thiếu kinh phí nên mất hơn 10 năm mới hoàn thành - 1909!). Và dĩ nhiên, quan trọng hơn, chính quyền còn tập trung cho nhiều công trình hạ tầng quan trọng khác để có được một đô thị Sài Gòn “đâu ra đó” vài chục năm sau. Cho nên, hồ nước và đài phun nước không được xây như dự kiến, thay vào đó chỉ có cái “bồn kèn” giản dị.

Hình hồ nước và đài phun nước trên bìa Nam Kỳ tuần báo của nhà văn Hồ Biểu Chánh (tên thật Hồ Văn Trung), số đề ngày 14.1.1943. Phúc Tiến chụp lại từ bản photocopy còn lưu tại Thư viện Khoa học Xã hội TP.HCM

Thế nhưng, cuối cùng, dù phải trải qua 62 năm, thế hệ sau vẫn kiên trì kế thừa ý tưởng và tầm nhìn quy hoạch của thế hệ trước, để xây xong hồ nước và đài phun nước đặc sắc này vào năm 1942. Khi Sài Gòn chuyển quyền quản trị hoàn toàn qua người Việt từ 1955, thì may mắn lớn, chính quyền mới đã không phá bỏ “cổ tích” ấy, cũng như không làm biến dạng hay xóa đi nhiều công thự, công trình, kiến trúc cảnh quan mỹ lệ và ích lợi mà người Pháp để lại sau thời kỳ thuộc địa.

Ba vòng xoay - giao lộ cùng “bay lên trời”

Vậy mà, sang đầu thế kỷ XXI, năm 2016, chúng ta bị “mất cắp” chiếc hồ và đài phun nước đầy ắp ký ức của nhiều thế hệ. Không những thế, còn mất tiếp ba vòng xoay - giao lộ trên đại lộ Nguyễn Huệ.

Ngoài giao lộ - “bùng binh cây liễu”, người dân không còn thấy giao lộ Nguyễn Huệ - Mạc Thị Bưởi với tháp đồng hồ duyên dáng. Tháp đầu tiên mang tên Orient (hãng đồng hồ Nhật), kiểu dáng thanh tao, xây dựng năm 1964, tồn tại được 44 năm, đến năm 2008 bị thay thế bởi một tháp đồng hồ “tròn trĩnh” do ngân hàng ANZ tài trợ.

Cả hai tháp đồng hồ tuy kiểu dáng khác nhau nhưng nhiều năm liền là vật trang trí thân quen, trở thành tâm điểm của giao lộ và là cột đồng hồ công cộng duy nhất trong toàn thành phố.

Công trường xây dựng hồ và đài phun nuoc mới ở vòng xoay - giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi, ảnh chụp tháng 3.2019

Đặc biệt, cả hai tháp đồng hồ trở thành điểm nhấn yêu kiều không thể thiếu cho người dân thưởng ngoạn chợ hoa và rồi đường hoa Nguyễn Huệ, mỗi độ Xuân về. Than ôi, giống như “bùng binh cây liễu”, không chỉ các kiến trúc biểu tượng ở tâm điểm giao lộ bị xóa đi một cách phũ phàng mà ngay cả vòng xoay giao lộ cũng bị “hóa kiếp” để trở thành hai “sân nhạc nước” trống rỗng, xe cộ không được qua lại.

Giao lộ kế tiếp, Nguyễn Huệ - Ngô Đức Kế, cũng bị “xóa sổ” cùng lúc để giờ đây trên đại lộ Nguyễn Huệ chỉ có độc nhất một “khe nhỏ” cho xe lưu thông một chiều (từ xế cửa Kho bạc thành phố, băng qua phía trước cao ốc số 8 Nguyễn Huệ).

Thực tế cho thấy, khi mất các vòng xoay - giao lộ, đại lộ Nguyễn Huệ chỉ còn là hai “tiểu lộ”, giữa một rừng cao ốc ngày càng mọc lên tua tủa. Xe cộ qua lại khu vực này dễ ùn tắc, trong khi phố đi bộ - cấm xe, thực sự chỉ đông đúc vào các tối cuối tuần.

Các kiến trúc sư quy hoạch Sài Gòn từ thế kỷ XVIII và XIX, cũng như các kiến trúc sư sau này hẳn lắc đầu không hiểu vì sao thế hệ nối tiếp lại có sáng kiến “bứng đi” những thiết kế giao thông và kiến trúc hợp lý đã đứng vững hàng trăm năm, “bứng đi” những ký ức trung tâm đô thị tồn tại lâu đời? Nếu cần những đại lộ mới mẻ, sáng loáng, tại sao thế hệ quản trị và quy hoạch đô thị ngày nay, không xây dựng chúng ở đô thị mới Thủ Thiêm hay những quận ven mới phát triển?

Bản thân vòng xoay “bùng bình cây liễu” đã tạo ra sự lưu thông hài hòa và thông suốt giữa “bộ ba” con đường thương mại lịch lãm (Nguyễn Huệ - Lê Lợi - Đồng Khởi). Hai giao lộ còn lại, tạo sự liên kết dễ dàng giữa khu vực bờ sông (công trường Mê Linh và khách sạn Majestic) với khu vực Cảng Sài Gòn và chợ Bến Thành (các con đường Ngô Đức Kế, Mạc Thị Bưởi thông ra Huỳnh Thúc Kháng, Tôn Thất Thiệp, Hồ Tùng Mậu, Hàm Nghi...).

Thêm nữa, khi phá bỏ các biểu tượng đã có và ngăn không cho xe lưu thông qua ba giao lộ này, phải chăng người đề xuất và người duyệt dự án phố đi bộ Nguyễn Huệ, đã không tính đến các yếu tố lịch sử, kể cả khoa phong thủy của tổ tiên?

“Bùng binh cây liễu” và đài phun nước bị phá thành “bình địa” tháng 4.2016, ảnh chụp từ thương xá Tax. Ảnh: Phúc Tiến

Theo phong thủy phương Đông, người ta tin rằng khi xây dựng một tòa nhà, cần tránh để con đường phía trước “đâm thẳng” vào cửa. Trong tình thế xây dựng chẳng đặng đừng, nếu có những con đường như thế thì cần tạo ra những bức “bình phong” che chắn từ xa cho kiến trúc và chủ nhân của nó.

Thật vậy, xem lại các bản vẽ thành Gia Định năm 1790 và 1815, chúng ta có thể nhận ra nơi xây dựng cung vua - nằm ở giao lộ Lê Duẩn - Hai Bà Trưng ngày nay. Cung vua nằm ở trung tâm tòa thành được tường thành phía Nam (chính là đường Lê Thánh Tôn hiện tại), che chắn. Thời ấy, các cổng thành đều không trổ ở trung điểm các tường thành để tránh các con đường bên ngoài tiến thẳng vào “cung cấm”.
Hãy phục hồi và tôn tạo đúng cách, hãy “trả lại em yêu”, trả lại Sài Gòn những kiến trúc và cảnh quan độc đáo. Hãy để các kiến trúc sư và các chuyên gia quản trị đô thị - với những hiểu biết lịch sử đầy đủ, được thi thố tài năng và sáng tạo trên nền di sản vô giá của thành phố này.
Trong đó, con kênh Chợ Vải, sau này là đại lộ Nguyễn Huệ, là đường nối thành Gia Định, thẳng ra sông Sài Gòn. Nói cách khác, tường thành là bức “bình phong” lớn, vững chắc bảo vệ vùng cấm địa. Chắc hẳn, người Pháp khi xây dựng tòa thị chính Sài Gòn trên nền tường thành xưa, ngoài việc quy hoạch giao thông hợp lý, không thể không tham khảo các yếu tố truyền thống của người Việt Nam.

Chúng ta không quên, trong Hội đồng thành phố Sài Gòn, từ năm 1877, đã có đại biểu người Việt đầu tiên là Petrus Trương Vĩnh Ký. Chính Petrus Ký đã viết sách sử và địa lý của Sài Gòn bằng cả tiếng Việt và tiếng Pháp, đồng thời giúp dựng lại bản vẽ thành Gia Định.

Vòng xoay - giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi qua nhiều năm tháng...

Không ai khác, Petrus Ký là người cố vấn tin cậy về cả lịch sử và văn hóa Việt Nam mà người Pháp cần hỏi ý kiến trước nhất khi quy hoạch thành phố và lập kế hoạch xây dựng các công thự. Có thể chính vì tiếp nhận cách nhìn phong thủy của Việt Nam cho nên, khi chính quyền thành phố tính toán vị trí tòa thị chính đặt ở cuối kênh Chợ Vải, họ đã thiết kế ba giao lộ lớn trên đại lộ Charner làm “bình phong” che chắn nhiều lớp cho công trình quan trọng này.

* * *

Những tháng gần đây, người dân thành phố và du khách trông thấy khu vực nhạc nước, từng là vòng xoay - giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi được rào lại vuông vức, trở thành công trường xây dựng. Theo các nguồn thạo tin, tại đây đang làm lại hồ nước và đài phun nước - rất hiện đại. Bản thân nước phun lên sẽ trở thành màn hình để trình chiếu hình ảnh bằng công nghệ laser. Dự kiến công trình mới, sẽ khai trương vào dịp 2.9.2019. Tôi chưa rõ việc phục hồi và làm mới hồ nước và đài phun nước, có đi liền với việc khôi phục vòng xoay - giao lộ hay không?

Theo tôi, chính quyền thành phố, sau việc sửa sai rất ý nghĩa này, cần làm tiếp việc khôi phục lại các giao lộ trên đại lộ Nguyễn Huệ để trả lại đầy đủ cách thiết kế hợp lý cho giao thông và phong thủy. Hẳn nhiên với các công nghệ hiện đại, việc cho xe lưu thông qua ba giao lộ kể trên vào những giờ nhất định để giảm nạn kẹt xe ở khu trung tâm là việc khả thi.

Thêm nữa, chính quyền không thể quên lời hứa khi xây dựng lại thương xá Tax ở khu vực giao lộ này, sẽ phục hồi mặt ngoài nguyên mẫu của kiến trúc, chứ không phải dựng lên một cao ốc chọc trời tân kỳ, không liên quan gì đến dáng hình xưa và kể cả nội thất bên trong.

... và trước khi biến mất năm 2016 (ảnh tư liệu)

Hiện tại, chính quyền cũng đang dự kiến biến đại lộ Lê Lợi trở thành phố đi bộ thứ hai, sau
khi đường ngầm và ga metro hoàn thành. Càng mong, phố đi bộ Lê Lợi sẽ không lập lại sai phạm cũ - phá đi các giao lộ đang có!

Mặt khác, cả hai phố đi bộ Nguyễn Huệ và Lê Lợi đều rất cần những bảng kỷ niệm ghi dấu lịch sử, những biểu tượng mỹ thuật, những bảo tàng mini trên mặt đường, trong lòng các tầng ngầm metro và trong các tòa nhà dọc hai con đường - dấu tích đặc sắc của ba thế kỷ phát triển đô thị hiện đại.

Hãy phục hồi và tôn tạo đúng cách, hãy “trả lại em yêu”, trả lại Sài Gòn những kiến trúc và cảnh quan độc đáo. Hãy để các kiến trúc sư và các chuyên gia quản trị đô thị - với những hiểu biết lịch sử đầy đủ, được thi thố tài năng và sáng tạo trên nền di sản vô giá của thành phố này. Xin dừng đập phá, dừng lãng quên những gì đã biến thành tâm hồn, thành bản sắc của Sài Gòn! Đừng để Sài Gòn ngổn ngang những nỗi đau của một thành phố đang mất mát ký ức khá nhiều!

Phúc Tiến
Nguồn: Người Đô Thị Online



No comments: