Tuesday, July 16, 2019

CHÚA CHỔM KHÔNG THẬT SỰ NỢ NHIỀU NHƯ CHUYỆN DÂN GIAN VẪN KỂ

Người Việt có câu “nợ như Chúa Chổm” để nói về ai đó mắc nợ quá nhiều, câu chuyện về Chúa Chổm cũng chỉ được truyền miệng trong dân gian, nhưng sự thật về câu chuyện này thì không phải ai cũng biết.


Chúa Chổm là vua Lê Trang Tông – đây là vị Vua đầu tiên thời Lê Trung Hưng, ở ngôi từ năm 1533 đến 1548. Vì sao lại gọi Chúa Chổm thì quá nhiều quan điểm khác nhau, có người cho rằng Chổm là tên riêng, còn Chúa là ngôi vị; hoặc vì ông có chỏm tóc trái đào nên ông có tên là “Chỏm”, rồi đọc lệch thành “Chổm”; cũng có quan điểm cho rằng người ta khi nhìn thấy ông trong chợ, gối đầu trên đòn gánh nhìn rất giống chữ “Chẩm”, bèn gọi ông là “Chúa Chẩm”, rồi bị chệch thành “Chúa Chổm”.

Dân gian miêu tả rằng khi trong cảnh nghèo khó, “Chúa Chổm” phải vay mượn và ăn chịu, hứa sau này sẽ trả nợ. Đến khi làm Vua thì người đến đòi nợ rất đông, Vua quyết định miễn thuế cho cả làng một năm để trừ nợ. Từ đó mà trong dân gian lưu truyền câu “nợ như Chúa Chổm”.

Bối cảnh lịch sử

Khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, lập ra nhà Mạc, nhiều trung thần của nhà Lê không theo nhà Mạc, chạy đến các nơi chờ dịp phục hưng nhà Lê, trong đó có Hữu Vệ Điện Tiền Tướng quân An Thanh Hầu Nguyễn Kim.

Nguyễn Kim chạy sang Ai Lao (ngày nay thuộc Lào, giáp với các tỉnh miền Trung của Việt Nam) được vua Xạ Đẩu giúp đỡ, cho mượn đất Sầm Châu để dựng bản doanh, chiêu mộ quân sỹ. Rồi đi tìm hậu duệ nhà Lê để phò tá lên ngôi Vua.

Triều đình thời Lê trung hưng. (Ảnh từ kienthuc.net.vn)

Nguyễn Kim đã tìm được hậu duệ nhà Lê là Lê Duy Ninh (tức vua Lê Trang Tông sau này). “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú chép: “Nguyễn Kim tìm thấy Lê Duy Ninh ở vùng thượng du Thanh Hóa, đón sang Ai Lao lập làm vua”.

Tìm lại thân thế của Chúa Chổm

Tại Thanh Hóa, các cuốn sách cổ xưa của người Thái được lưu truyền lại từ ông quan bản Dộc là Hà Văn Yên tại Mường Khoòng xưa (xã Lũng Cao, Bá Thước hiện nay) có ghi chép về thân thế vua Lê Trang Tông – người mà dân gian gọi là Chúa Chổm.

Ông Hà Nam Ninh, người còn giữ lại những cuốn sách Thái cổ viết về Mường Khoòng và Chúa Chổm. (Ảnh từ tienphong.vn)

Theo cuốn sách cổ ghi chép lại thì tại bản Dộc thuộc vùng đất Mường Khoòng, nơi giao thoa văn hóa giữa người Thái và người Mường Bi (Mường ngoài). Nơi đây hẻo lánh, có núi bốn bề bao bọc, đất đai phì nhiêu, cuộc sống bản làng êm ấm. Ông Hà Văn Yên là người có uy tín với dân bản nên được tôn là quan bản Dộc, ông hiền lành lại chịu khó và hào phóng nên được nhiều người yêu quý.

Một hôm quan Dộc đang cày ruộng thì thấy một người phụ nữ bụng chửa từ phương xa đến vì bị kẻ gian hãm hại và đang bị truy sát. Dù chưa biết rõ chuyện thực hư ra sao nhưng quan Dộc vẫn vui vẻ giúp đỡ. Ông đưa người phụ nữ này đến một hang lớn kín đáo để dấu tung tích, đồng thời cũng sai người đến chăm sóc chờ ngày sinh nở.

Một hôm nghe tin có ông Quốc Công là quan lớn ở miền xuôi đang mộ binh trong vùng, ông liền tìm đến hỏi chuyện, vị Quốc Công nọ nói rằng:

“Kinh thành vừa có loạn lớn, gian thần lộng quyền, lòng người không thuận. Gần đây, ta xem thiên văn, thấy sao Thái vương chiếu sáng vùng Mường Khoòng, lẽ nào là điềm lành rằng nơi này sắp có thiên tử?”

Ông bèn thuật lại chyện có người phụ nữ phương xa tới đang sắp đến ngày sinh nở, vị Quốc Công liền nói rằng:

“Ngươi nên chăm sóc người đó cẩn thận, nếu linh ứng thì đúng là hồng phúc của nước nhà. Người thường thì chửa thường, còn trứng rồng thì phải đủ 12 tháng mới nở. Lúc sinh thì vào ban ngày, trời quang mây tạnh”.

Quả nhiên người phụ nữ phải 12 tháng mới trở dạ, suốt từ sáng đến chiều tối vẫn chưa sinh được. Quan Dộc phải làm lễ cúng trời đất thì trời bỗng sáng lại, đứa trẻ được sinh ra.

Quan Dộc tiếp tục nuôi dấu hai mẹ con thêm nhiều năm nữa, người làng biết chuyện thì hay gọi cậu bé là “Chù Chốm” nghĩa là “dấu trộm”, ý nói là cả hai mẹ con được trộm dấu đi nuôi nấng, sang tiếng người kinh đọc trệch thành “Chúa Chổm”.

Mường Khoòng ngày nay. (Ảnh từ tienphong.vn)

Đến năm 1533 thì cậu bé đã lớn hơn, lúc này quan Tày Ngự (chỉ Nguyễn Kim) đến đón để phò làm Vua, lúc đó người dân mới biết về thân thế của “Chù Chốm”.

Thành quốc, thành nước

Có vua Lê Trang Tông là hậu duệ chính thống nhà Lê, lực lượng phù Lê diệt Mạc của Nguyễn Kim được “danh chính ngôn thuận” nên được nhiều người ủng hộ, trở nên ngày càng mạnh.

Sau này triều đình tổ chức ban thưởng cho những ai có công lao, công đầu thuộc về Mường Khoòng vì đã nuôi dấu nhà Vua, giúp đỡ quân lương rất nhiều trong buổi đầu triều đình còn trứng nước.

Đền thờ các vua Lê. (Ảnh qua vtc.vn)

Mường Khoòng sau này được gọi là xã Quốc Thành, lấy ý từ lời vua Lê Trang Tông rằng “thành quốc, thành nước là từ mảnh đất này”.

Nhà Vua phong cho Nguyễn Kim tước Thượng phụ Thái sư Hưng Quốc công, thay vua xử lý mọi công việc lớn nhỏ của triều đình.

Quan bản Dộc là Hà Văn Yên được Vua gọi là bố nuôi, rất mực kính trọng. Tuy nhiên quan bản Dộc vốn đã quen sống cảnh thanh đạm, ông để lại hết mọi của cải và tước vị để trở về bản Dộc tiếp tục cuộc sống như xưa kia của mình.

“Nợ như Chúa Chổm” liệu có tồn tại?

Những cuốn sách cổ của người Thái lấy từ nhà của ông quan bản Dộc là Hà Văn Yên không hề nhắc đến chi tiết như trong dân gian miêu tả là Chúa Chổm nợ tiền người dân quá nhiều. Mẹ con của “Chúa Chổm” được quan Bản Dộc cưu mang, sau này vua Lê Trang Tông rất mang ơn ông, gọi ông là bố nuôi, thì khó có cả năng “Chúa Chổm” phải vay mượn hay ăn chịu như trong dân gian truyền miệng lại. Vậy phải chăng câu chuyện “nợ như Chúa Chổm” thật sự không hề tồn tại?

Trần Hưng

No comments: