Thursday, August 31, 2023

CÓ CON TRÂU XANH HẾT LÒNG GIÚP ĐỠ

Trong ca khúc Ngày trở về của Phạm Duy, ngoài nỗi mừng mừng tuổi tuổi của buổi trùng phùng thời bình giữa người với người, còn có hình ảnh tích cực của một startup nông phu-thương binh: “Ngày trở về, có anh nông phu chống nạng cày bừa/ Vì thương yêu anh nên ngày trở về/ Có con trâu xanh hết lòng giúp đỡ”.


Ca khúc chẳng cho ta thấy anh thương binh bận lòng gì đến các thủ tục hành chánh, mà xăn ống quần, chống nạng xuống ruộng ngay. Đúng là tác phong của một chiến binh.

Ngày trở về, chẳng bao lâu “lúa ngô thi nhau hát đùa trước ngõ.” Nhưng cảnh thanh bình của Phạm Duy dựng lên vẫn tài hoa nhất là sự mất mát, đền nghì kín đáo nghĩa trúc mai: “Ngày trở về, những đóa hoa/ Thấm thoát mười năm nhớ anh vắng xa/ Có nhiều khi đời hoa chóng già vì thiếu mặn mà.” Nhờ có hết “thiếu mặn mà” nên mới có “đàn trẻ đùa bên lũ trâu”. Chỉ vài nốt nhạc-câu hát, cảnh thanh bình có vẻ vuông tròn.

Cái startup của anh nông phu thời Phạm Duy là kiểu khởi đầu theo mô hình “con trâu là đầu cơ nghiệp”. Nhưng anh ta có cái may mắn hơn những người khác, vì ông bà thường phân tích tình huống tiền startup: “Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà/ Cả ba việc ấy thật là khó thay.” Từ chiến trường trở về anh ta có đủ số tư bản ấy và có cả “trợ lý” vợ. Bằng không, ảnh chẳng biết trở về đâu.

Trong thi ca và trong nghệ thuật Việt Nam, hình ảnh con trâu được nói tới nhiều hơn con bò. Nhất là con trâu và mục đồng. Phạm Duy trong bài Em bé quê thấu cảm cảnh chăn trâu của đứa trẻ mới học vần: “Ai bảo chăn trâu là khổ/ Chăn trâu sướng lắm chứ/ Ngồi mình trâu, phất ngọn cờ lau/ Và miệng hát nghêu ngao/ Vui thú không quên học đâu/ Nằm đồi non gió mát/ Cất tiếng theo tiếng lúa đang reo/ Em đánh vần thật mau…”


Bài Khi tôi về của Phạm Duy phổ nhạc thơ Kim Tuấn: “Khi tôi về có con chim câu nằm trong tổ ấm./ Dây thép gai hết rào quanh đồn phòng ngự và người lính đã trở về cày đám ruộng xanh./ Khi tôi trở về có con diều bay đùa trong gió./ Ở quê nhà, trên thảm cỏ xanh, có đứa trẻ để bụng lòi rốn đen cười thanh bình./ Buổi chiều có con trâu rung mỏ vu vơ như trong giấc mộng.” Cảnh thanh bình của người Việt, một thời, không thể thiếu con trâu.

Chăn trâu lại được Đào Duy Từ, đệ nhất khai quốc công thần triều Nguyễn, phân ra làm hai loại “chăn trâu anh hùng” và “chăn trâu tôi tớ”. Ông khơi lại dòng lịch sử qua các nhân vật ngày xưa bên Tàu để chứng minh cho lập luận của mỉnh:

– Gia Cát Lượng cày ruộng ở Nam Dương. Lưu Bị ba lần đến lều tranh của Gia Cát Lượng mời ra giúp sức, để chống nhau với Tào Tháo và Tôn Quyền.
– Nịnh Thích vì nhà nghèo phải sang nước Tề ở chăn trâu cho người khác. Một hôm, đang gõ sừng trâu ca hát, gặp Tề Hoàn Công đi qua. Tề Hoàn Công nghe tiếng hát lấy làm cảm động, liền dùng Nịnh Thích làm thượng khanh.
– Lý Bá Hề làm quan ở nước Ngu, biết nước này sắp bị diệt vong, bèn bỏ sang nước Tần, đi ở chăn trâu. Mục Công nước Tần biết Hề là người giỏi, dùng làm tướng, làm nên nghiệp bá.

Bản thân của Đào Duy Từ cũng một thời biệt xứ, vào Bình Định chăn trâu mướn. Chăn trâu anh hùng của Đào Duy Từ và chăn trâu sướng của Phạm Duy quả có khác trời vực!


Quan niệm “tứ ẩn” của người xưa gồm có: ngư, tiều, canh và độc (đánh cá, chặt củi, làm nông và đọc sách). Chẳng hiểu sao trong các bộ tranh như tranh khắc gỗ, Henri Oger lại dùng hình ảnh chăn trâu để minh họa cho ‘canh’. Trong tứ ẩn, “cha chú” nhất là cái anh kẻ sĩ tối ngày lang thang ở Đường Sách, Sài Gòn!

Trong nghệ thuật trên giấy bạc có: tờ bạc 100 đồng của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do họa sĩ Nguyễn Huyến vẽ có hình con trâu xanh, phát hành vào năm 1946-47; tờ 500 đồng của Việt Nam Cộng hòa cũng có hình con trâu xanh phát hành năm 1963.

Con trâu xanh cũng là một thứ “tư bản” “grab bike” ship Lão Tử vào núi. Lão lái “trâu-bike” bằng sợ dây cương xỏ mũi trâu, nên về sau những người theo học đạo của ngài được gọi là đạo sĩ mũi trâu. Trước khi vào núi liễu đạo, ông đã để lại cuốn Đạo Đức kinh cho một viên hải quan, theo khẩn khoản của người này. Hình ảnh này cũng không khác mấy anh chàng thuế vụ lùn ngộ được lời giảng của Chúa Giêsu khi leo lên cây để nghe ngài rao giảng, được tường thuật lại trong Kinh thánh Tân ước. Lạ là toàn mấy anh thuế… ngày xưa sớm thấu hiểu lẻ đạo.


oOo

Trong Bình ca Một, Phạm Duy đã an ủi con trâu: “Này em con trâu già/ Nhiều năm trâu vất vả/ Cùng với bác xã nơi đồng quê/ Này em con trâu già/ Nằm chơi trâu nhai cỏ/ Nhìn những chiếc máy đang cầy bừa./ Trâu đừng buồn vì máy cầy nghe…”

Khi những chiếc máy cày đã cho những “tư liệu sản xuất trâu” về vườn “đọc sách” như kẻ sĩ nọ trong “tứ ẩn”, năm 2019, châu Âu bắt đầu triển khai dự án tái hoang dã hóa trâu xanh. Họ đã thả 18 con trâu nước lên cù lao Ermakov, một trong những hòn đảo lớn, rộng 3.500 ha, ở hạ lưu sông Delta thuộc Ukraina. Các nhà bảo tồn trong tổ chức Rewilding Europe cho rằng không phải họ làm bộ làm tịch mang những hồn ma thời xưa trở lại. Trâu, theo họ, là những kỹ sư vĩ đại của thiên nhiên.

Công Khanh
Theo: saigonthapcam



CÁC THỦY TRẤN ĐẸP GẦN THƯỢNG HẢI

Khi giới thiệu về du lịch Trung Quốc, các danh thắng vùng Giang Nam chính là những điểm đến đẹp không thể nào bỏ qua. Trong đó phải kể đến các thủy trấn - thị trấn cổ nằm bên sông - với “tiểu kiều, mái xanh” bên bờ liễu rủ dịu dàng quyến rũ.


1. Ô Trấn

Du lịch Ô Trấn Trung Quốc luôn là gợi ý không tồi cho một chuyến đi ngắn ngày từ Thượng Hải. Du khách sẽ di chuyển bằng tàu hỏa hoặc xe ô tô, với thời gian khoảng một giờ từ Hàng Châu và hai giờ từ Thượng Hải.

Đây là một trong những thủy trấn cổ nổi tiếng nhất Trung Hoa phong kiến, có lịch sử hơn 1.000 năm. Ô Trấn được bao quanh bởi hệ thống kênh rạch chằng chịt, nối liền hai bên của thị trấn. Nếu như bờ Đông là nơi trú ngụ của các nhà xưởng cổ kính, cửa hàng bán đồ thủ công mỹ nghệ, nơi biểu diễn nghệ thuật dân gian thì bờ Tây lại được phục dựng nhưng vẫn mang nét truyền thống như các quán trọ và nhà hàng.

Ô Trấn, địa điểm du lịch Trung Quốc hấp dẫn. Ảnh: Unsplash

Khi du lịch Ô Trấn Trung Quốc, bạn nên ở lại ít nhất một đêm để tận hưởng cảm giác “lạc trôi” về quá khứ, lênh đênh trên chiếc thuyền nhỏ giữa các dòng kênh, nghe câu hát cổ văng vẳng phát ra từ một quán ven đường hay ngắm nhìn ánh sáng lung linh huyền ảo từ những chiếc đèn lồng đỏ, in bóng xuống dòng nước. Dẫu đã bị thương mại hóa nhiều nhưng du lịch Ô Trấn Trung Quốc chưa bao giờ hết hot không chỉ với người bản địa mà còn với du khách bốn phương.

2. Chu Gia Giác

Khi đọc những giới thiệu về du lịch Trung Quốc, hẳn bạn từng nghe tới cái tên Chu Gia Giác - thủy trấn cổ nhộn nhịp gần Thượng Hải. Nằm tại quận Thanh Phố, cách trung tâm Thượng Hải một giờ đi tàu, Chu Gia Giác là nơi tuyệt vời để đi bộ và chụp ảnh sống ảo trên những cây cầu đá. Với diện tích nửa dặm vuông, Chu Gia Giác có tới 36 cây cầu cổ và nhà truyền thống, thu hút rất đông khách du lịch, đặc biệt là vào cuối tuần. Các con kênh nhỏ dẫn ra một hồ nước tự nhiên khá lớn, rất thích hợp cho hoạt động chèo thuyền và hít thở không khí trong lành.

Khi giới thiệu về du lịch Trung Quốc ta không thể nào bỏ qua Chu Gia Giác. Ảnh: Booking China

Chu Gia Giác theo tiếng Trung có nghĩa là “căn nhà của họ Chu”, có tuổi đời gần 2.000 năm với nhiều kiến trúc thời Minh, thời Thanh nay vẫn còn nguyên vẹn. Tuy không quá lớn nhưng vì khoảng cách thuận lợi nên nơi này luôn đứng đầu bảng xếp hạng các thủy trấn nổi tiếng ở Trung Quốc.

3. Thất Bảo

Thất Bảo gần Thượng Hải nhất trong danh sách này và cũng là thị trấn nhỏ bé nhất. Nơi đây thích hợp cho những ai có quỹ thời gian hạn hẹp bởi bạn chỉ mất nửa ngày để trải nghiệm nơi này. Thất Bảo trấn nằm tại quận Mẫn Hàng, ngoại thành Thượng Hải và có thể di chuyển từ trung tâm thành phố theo line 9 để đến ga Thất Bảo (Qibao).

Thất Bảo trấn. Ảnh: Unsplash

Thực tế, Thất Bảo chỉ có hai con phố đi bộ chính, dọc theo hai bờ kênh. Nơi đây bày bán nhiều đồ lưu niệm và các món ăn địa phương. Du khách có thể tìm hiểu về quá trình chưng cất rượu truyền thống nổi tiếng tại Thất Bảo hoặc chiêm ngưỡng các bản khắc cổ. Giống như Chu Gia Giác, Thất Bảo là địa điểm vui chơi cuối tuần quen thuộc của người Thượng Hải.

4. Châu Trang

Nằm gần Tô Châu và cách Thượng Hải một giờ đi tàu, thủy trấn Châu Trang là nơi mà bạn phải dành ít nhất một ngày mới tận hưởng được vẻ đẹp của chốn “thiên đàng dưới hạ giới”. Nếu như các thủy trấn phía trên đều nằm ngoài rìa thì Châu Trang đích thực nằm ở “trái tim” của vùng Giang Nam sông nước.

Một góc Châu Trang thanh bình. Ảnh: Booking China

Nơi đây mang dấu ấn lịch sử và văn hóa đậm nét từ các kiến trúc cổ cho đến mặt hàng thủ công dân gian, hài hòa giữa hiện đại và truyền thống. Ngày nay, vẫn có 1.000 hộ gia đình sống trong những ngôi nhà cũ được xây dựng dưới thời nhà Thanh và thời Trung Hoa dân quốc. Đi thuyền quanh thị trấn này vào buổi sớm mai để ghi lại hình ảnh bình yên và tinh khôi nhất là trải nghiệm thực sự tuyệt vời. Nên dẫu đã được khai thác thương mại hóa khá nhiều nhưng Châu Trang vẫn rất được yêu mến và đặc biệt rất đông khách vào cuối tuần và trong các dịp lễ lớn.

5. Nam Tầm

Giới thiệu về du lịch Trung Quốc trước đây ít nhắc tới cái tên Nam Tầm nhưng thời gian gần đây, nơi này đang được du khách để mắt tới. Nhiều website tư vấn du lịch nổi tiếng nhất Trung Quốc cũng đề xuất Nam Tầm là địa danh đáng để đi bậc nhất vùng Giang Nam. Cổ trấn này nằm cách Hàng Châu một tiếng rưỡi tàu hỏa và hai tiếng từ Thượng Hải, rất thích hợp cho chuyến đi từ 2 ngày trở lên.

Chính vì sự ít nổi tiếng mà Nam Tầm vẫn mang trong mình nét bình yên, cổ kính và mộc mạc mà ít nơi có được. Cũng là kênh đào, cầu đá, các căn nhà gỗ cũ kỹ cùng những con đường lát đá nhỏ hẹp nhưng Nam Tầm lại sở hữu lối kiến trúc khá đặc biệt, pha trộn giữa truyền thống Trung Quốc và nét hiện đại của phương Tây hồi đầu thế kỷ.

Nam Tần trấn. Ảnh: Naic

Đi bộ dọc theo con kênh của khu phố cổ, bạn sẽ cảm thấy như đang bước vào quá khứ xa xưa. Không phải chen chúc giữa đám đông khách du lịch, bạn sẽ tận mắt nhìn người dân địa phương giặt quần áo, nhấm nháp tách trà buổi sớm hoặc chơi mạt chược bên dòng nước. Đây cũng là cơ hội hiếm hoi để bạn chứng kiến các công đoạn làm bút lông truyền thống hay tham gia vào một đám rước dâu trên dòng kênh xanh. Đừng quên mang máy ảnh nhé vì đây chắc chắn là thiên đường sống ảo đấy.

Giới thiệu về du lịch Trung Quốc chẳng bao giờ là đủ, vậy nên, hãy tắt máy tính đi và bắt đầu chuyến đi trong mơ của mình đến những địa danh cổ kính này. Hãy để Yeudulich cùng bạn lạc về miền quá khứ nhé.

Theo: yeudulich

TÁC ĐỘNG TỪ VIỆC TRÙM WAGNER YEVGENY PRIGOZHIN TỬ NẠN

Bill Burns, giám đốc CIA, gần đây đã bình luận về số phận có thể đang chờ đợi Yevgeny Prigozhin, thủ lĩnh nhóm lính đánh thuê đã gây ra một cuộc nổi loạn ngắn ngủi ở Nga hồi tháng 6. Theo ông, Vladimir Putin, Tổng thống Nga, “nói chung là người nghĩ rằng trả thù là món ngon nhất khi được ăn nguội. Theo kinh nghiệm của tôi, Putin là bậc thầy về trả thù nên tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu Prigozhin có thể thoát khỏi đòn thù.” Vào ngày 23 tháng 8, đúng hai tháng sau cuộc binh biến đó, máy bay phản lực của Prigozhin đã lao xuống đất.


Theo dữ liệu theo dõi hàng không công khai, chiếc máy bay thương mại Embraer của Prigozhin đã bay lên độ cao gần 30.000 feet (9,1 km) trước khi bất ngờ rơi xuống khu vực Tver gần Moskva sau chưa đầy 30 phút bay. Theo cơ quan hàng không Nga và truyền thông nhà nước, tất cả 10 người trên máy bay đều thiệt mạng, và Prigozhin có tên trong danh sách hành khách. Dmitry Utkin, một nhân vật cấp cao trong Tập đoàn Wagner của Prigozhin, đồng thời là chỉ huy nhóm binh sĩ hành quân đến Moskva hồi tháng 6, cũng có tên trong danh sách hành khách.

Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân vụ tai nạn. Các nhân chứng cho biết đã nghe thấy tiếng nổ trước khi xảy ra vụ việc, làm nảy sinh suy đoán rằng nó có thể đã bị lực lượng phòng không bắn hạ. Một khả năng khác, mặc dù ít người bình luận trực tuyến có vẻ tin vào điều đó, là đó chỉ là một tai nạn. Ukraine đã tiến hành 15 cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhắm vào Moskva và khu vực xung quanh kể từ ngày 3/5, bao gồm các cuộc tấn công trong 7 đêm liên tiếp cho đến ngày 23/8. Do đó, hoạt động phòng không địa phương có thể đã tăng vọt. Hồi năm 2020, Iran đã bắn rơi một máy bay Ukraine ở Tehran trong giai đoạn báo động cao độ. Tuy nhiên, khó có khả năng các nhà điều hành radar của Nga nhầm lẫn máy bay phản lực với máy bay không người lái, vì máy bay không người lái chậm hơn, nhỏ hơn và bay thấp hơn.

Vị trí máy bay rơi. Nguồn: The Economist

Một nguồn tin tình báo cấp cao của Ukraine cho biết một số nhân vật ở Nga đã tức giận đến mức muốn Prigozhin phải chết, trong đó có Sergei Shoigu, Bộ trưởng Quốc phòng Nga, người thường xuyên là mục tiêu trong các đoạn video giận dữ của Prigozhin mùa hè này. Tuy nhiên, một hoạt động kiểu này không thể được tiến hành nếu không có sự cho phép của chính Vladimir Putin. Joe Biden, tổng thống Mỹ cho biết: “Tôi không biết thực tế chuyện gì đã xảy ra nhưng tôi không ngạc nhiên. Không có nhiều chuyện xảy ra ở Nga mà Putin không đứng sau”. Ông Burns không phải là chuyên gia tình báo duy nhất dự đoán Prigozhin sẽ gặp rắc rối. Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 6, Kyrylo Budanov, người đứng đầu cơ quan tình báo quân sự của Ukraine, cũng tuyên bố rằng FSB, cơ quan an ninh của Nga, đã được giao nhiệm vụ ám sát kẻ nổi loạn.

Đáng chú ý, vụ rơi máy bay xảy ra sau một biến cố mang tính trả thù khác. Trước đó, trong ngày 23/8, Tướng Sergei Surovikin, người từng giữ chức chỉ huy các lực lượng Nga ở Ukraine cho đến khi bị giáng chức hồi tháng 1, đã được miễn nhiệm khỏi chức vụ chỉ huy các lực lượng không quân và vũ trụ của Nga. Tướng Surovikin có quan hệ mật thiết với Prigozhin và bị nghi ngờ đã hỗ trợ cuộc binh biến hoặc biết trước về nó. Vị tướng này được cho là đã bị quản thúc tại gia.


Cái chết của Prigozhin có thể sẽ ảnh hưởng không đáng kể đến tình hình chiến trường ở Ukraine. John Foreman, tùy viên quốc phòng Anh tại Moskva cho đến năm ngoái, cho biết Tướng Valery Gerasimov, Tổng tham mưu trưởng Nga, người mà Prigozhin thường xuyên tấn công, đã “giúp phục hồi một số trật tự thay cho sự hỗn loạn quân sự năm ngoái”. Lực lượng Wagner đã bị gạt sang một bên sau khi họ dẫn đầu cuộc tấn công vào Bakhmut hồi tháng 5. Foreman nói, quân xung kích của Wagner không còn quan trọng nữa một khi Ukraine bắt đầu phản công, và những người lính bị nghi ngờ về mặt chính trị ít được chào đón hơn trong các chiến hào.

Tác động đối với các nước châu Phi, nơi Wagner đang hoạt động, là ít chắc chắn hơn. Prigozhin được cho là đã đến Châu Phi, cố gắng ngăn chặn GRU, cơ quan tình báo quân sự của Nga, đẩy lực lượng của ông ra khỏi lục địa này. Wagner không phải là công ty đánh thuê duy nhất ở đây, và các nhà lãnh đạo châu Phi đang cần hỗ trợ quân sự sẽ không quan tâm nhiều đến việc binh sĩ Nga tuân theo lệnh của Prigozhin hay một quan chức khác của Điện Kremlin.


Những gợn sóng lớn nhất đến từ sự kiện sẽ là những gợn sóng bên trong nước Nga. Nếu Prigozhin bị giết theo lệnh của Putin, điều đó sẽ củng cố hình ảnh của vị tổng thống như một lãnh đạo độc tài đầy thù hận, sẵn sàng bỏ qua các quy trình và luật pháp. Lần đầu tiên ông thu hút trí tưởng tượng của công chúng Nga với tư cách tổng thống là khi đưa ra cam kết đáng nhớ rằng phải “bắt [phiến quân Chechnya] trong toilet” và “quét sạch chúng khỏi các nhà kho”. Trong những năm tiếp theo, các kẻ thù của ông phải hứng chịu một loạt các phương pháp tấn công và ám sát ngày càng bất thường — từ chất đồng vị phóng xạ bỏ vào trà cho đến chất độc thần kinh bôi trên nắm tay cửa và quần lót — tất cả được thiết kế để trấn áp các đối thủ.

Tuy nhiên, những phương pháp này cũng làm xói mòn quan điểm cho rằng Nga là một quốc gia bình thường, vạch trần chế độ của Putin như một tổ chức mafia được điều hành bởi ý muốn cá nhân và hận thù. Sự tồn tại của Wagner – một đội quân tư nhân bị luật hình sự Nga chính thức cấm – là dấu hiệu cho thấy Putin không tin vào các thể chế chính thống của nhà nước, cũng như thể hiện sự phụ thuộc của ông vào các mối quan hệ không chính thức.


Cái chết của Prigozhin có thể giúp củng cố quyền lực của Putin. Nhưng nó cũng có thể củng cố huyền thoại về nhà lãnh đạo Wagner như một người yêu nước dám nói lên sự thật, đồng thời gây bất ổn cho lực lượng cử tri ủng hộ chiến tranh bằng cách làm những người đi theo và ủng hộ Putin thấy ghê sợ. “Vụ ám sát… sẽ gây ra hậu quả thảm khốc”, Gray Zone, một nhóm liên kết với Wagner, đã cảnh báo trên mạng xã hội Telegram. “Những người ra lệnh hoàn toàn không hiểu tâm trạng và tinh thần của binh sĩ”.

Khi sự cố diễn ra, Putin đang phát biểu tại một cuộc họp ở Kursk, ca ngợi chiến thắng của quân đội Liên Xô trước quân xâm lược Đức 80 năm trước. Các công tố viên Nga, những người vừa nhanh chóng chấm dứt cuộc điều tra về cuộc binh biến của Prigozhin sau khi ông chấp nhận thỏa thuận sống lưu vong ở Belarus, đã nhanh chóng mở cuộc điều tra về hành vi vi phạm “các quy tắc an toàn giao thông hàng không”. Công chúng Nga có thể sẽ được thông báo rằng chính sai sót của phi công hoặc lỗi của máy bay đã khiến Prigozhin tử nạn. Ở Nga, không ai mong đợi được nghe sự thật.

Nguồn: “Yevgeny Prigozhin’s reported death may consolidate Putin’s power”, The Economist, 24/08/2023.

Phan Nguyên biên dịch
Theo: nghiencuuquocte

Link tham khảo:

https://carnegieendowment.org/politika/90436

https://www.cnbc.com/2023/08/25/wagner-chief-progizhins-apparent-death-strengthens-putins-hand-bolton.html



Wednesday, August 30, 2023

MONTESQUIEU: TRI THỨC KHÔNG CÓ LƯƠNG TRI LÀ TỘI ÁC

Nhà tư tưởng người Pháp, Charles de Secondat Montesquieu, người nổi tiếng với thuyết tam quyền phân lập có ảnh hưởng lớn tới sự hình thành Hiến pháp Hoa Kỳ, đã từng trình bày và phân tích về mười tội ác (thập ác), trong đó ông cho rằng tri thức không có lương tri chính là một tội trong số đó. Montesquieu nói mục đích học tri thức là nhằm cải thiện hiện trạng của con người và cuộc sống, mà việc cải thiện cuộc sống nên nằm dưới sự chỉ dẫn của lương tri thì mới có thể hoàn thành một cách tốt đẹp hơn. Tri thức không có lương tri tức là tri thức làm tổn hại con người, nắm giữ chúng càng nhiều thì nguy hại càng lớn. Ví như những tri thức và kỹ năng về lừa gạt, làm giả, trộm cắp đều thuộc loại này. Tri thức không có lương tri chỉ có thể mang lại cho con người nguy hại và tai họa. Trong lịch sử nhân loại tràn ngập những giáo huấn như vậy.

Charles de Secondat Montesquieu. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Trong đại chiến thế giới lần thứ nhất, nhằm hỗ trợ quân Đức đánh bại liên quân Anh và Pháp, nhà hóa học người Đức gốc Do Thái Fritz Haber đã nghiên cứu và chế tạo ra đạn khí độc trong phòng thí nghiệm. Nó được sử dụng trong các cuộc chiến tranh khiến cho gần một triệu người bị thương vong. Việc làm của Fritz Haber không chỉ bị các nhà khoa học các nước khiển trách mà ông còn bị chính người vợ cũng là đồng nghiệp của ông là Clara Immerwahr phản đối.

Ngay khi Haber lần đầu nghiên cứu chế tạo khí độc cho quân đội Đức, bà Clara đã thường xuyên cãi nhau với Haber vì vấn đề này, nhưng Haber không muốn từ bỏ nghiên cứu về khí độc. Vì quá thất vọng về chồng, bà Clara đã dùng chính khẩu súng của chồng để tự sát. Dù vậy, cái chết của vợ không hề đánh thức lương tri của Haber, thậm chí khi ông còn chưa kịp tổ chức xong tang lễ cho vợ thì lại lao mình vào thử nghiệm loại khí độc mới.

Năm 1917, quân đội Đức đã đưa thành tựu mới nhất của Haber ra chiến trường, khiến cho vô số binh sĩ đã phải chết trong đau đớn với một cơ thể thối giữa. Nhưng khí độc của Haber không cứu được vận mệnh thất bại của quân Đức trong Thế chiến thứ nhất. Sau khi chiến tranh kết thúc, vì sợ bị bắt làm tù binh, Haber đã chạy về quê ẩn náu. Sau nửa năm, Haber bí mật trở về phòng thí nghiệm của mình và tiếp tục dấn thân vào nghiên cứu khoa học.

Là một người Do Thái, Haber không ngờ rằng khi Hitler lên nắm quyền, khí độc do mình nghiên cứu chế tạo ra đã bị sử dụng để giết hại chính đồng bào của mình, giết chết hàng triệu người Do Thái. Bản thân Haber buộc phải chạy trốn khỏi đất nước mà ông đã dốc sức phục vụ.

Fritz Haber

Có thể thấy, cùng với sự phát triển của lịch sử, không ít người ngày càng hiểu rõ hơn những suy nghĩ sâu sắc của Montesquieu, và ngày càng có nhiều người nhận ra nhân cách mới là mục tiêu giáo dục hàng đầu. Ví dụ, người sáng lập Andover, trường tư thục độc lập danh giá hàng đầu Hoa Kỳ, đã viết: “Trọng tâm chính trong công việc của hiệu trưởng là chú ý đến sự phát triển tâm linh và đạo đức của những đứa trẻ mà ông ấy chịu trách nhiệm, điều này là cao hơn bất kỳ trách nhiệm nào khác”.

Trong thế giới của thế kỷ 21, văn minh nhân loại đã nhận thức được rằng lương tri quan trọng hơn tri thức. Đáng tiếc là ở nhiều nơi, trong hệ thống giáo dục lấy thi cử lấn át chất lượng giáo dục, giáo dục đã trở thành một nấc thang trong hệ thống thứ bậc, và điểm số đã trở thành mục tiêu cao nhất của việc học. Dưới một hệ thống như vậy, trẻ em có thể đạt điểm kiểm tra cao, nhưng tâm trí của chúng khó phát triển và tiến bộ. Khi lớn lên, chúng có thể đạt được địa vị cao trong xã hội, nhưng chúng không biết linh hồn là gì, đạo đức và lương tri đã trở thành những thứ khuyết thiếu trầm trọng.

Nhưng khi lương tri khuyết thiếu ở bình diện rộng trên xã hội, mỗi chúng ta đều có thể là nạn nhân. Thậm chí tội phạm công nghệ cao nổi lên không ngừng, và không ít người đặt câu hỏi đâu là căn nguyên.

Kỳ thực lương tri là ngọn nến được Đấng tối cao đặt sâu vào tâm linh con người, là tình cảm cao quý của con người. Lương tri là tiền đề của sự ăn năn, không có lương tri và sự ăn năn thì con người sẽ không điều ác nào mà không dám làm. Sử học gia Tư Mã Quang nói rằng: “Có đức có tài là thánh nhân, có đức không tài gọi là quân tử, không đức không tài là người tầm thường, có tài không đức là tiểu nhân. Kẻ tiểu nhân vì lợi ích thì không từ bất cứ việc ác nào”.

Bức “Học viện Athens” của Raphael mô tả các nhà thông thái đang tranh luận về tri thức, vật chất và tinh thần. (Tranh: Wikipedia, Public Domain) 

Montesquieu nói tri thức là của cải quý giá tạo phúc cho nhân loại, nếu nó không được sử dụng vào mục đích tốt mà rơi vào tay những kẻ chà đạp lên điều thiện thì sẽ gây nguy hại cho lẽ phải, cho chính nghĩa. Nếu nền giáo dục chỉ chú trọng đến lợi ích vật chất mà bỏ qua việc hướng dẫn, uốn nắn tình thương và lẽ phải cho trẻ em thì sẽ tạo thành nguy hại và hậu họan vô cùng cho nhân loại và xã hội. Ngày nay, chúng ta có thể tổng kết sự nguy hại đó bằng một câu: Lưu manh không đáng sợ, chỉ sợ lưu manh có văn hóa!

Theo Sound of Hope
An Hòa biên tập / Nguồn: trithucvn



NẤM MỐI ĐEN CHẲNG MẮC MỚ GÌ CON MỐI

Hôm 10/11/2020, tôi mua một lạng nấm mà người bán gọi tên là ‘nấm mối’ tại chợ Bàn Cờ với giá 30.000/100g. Quái lạ, sao nấm mối mà rẻ dễ sợ? Về nhà hỏi Google mới biết là ‘nấm mối đen’. Giá 300.000 đồng/kg là đúng. Không mắc không rẻ.


Hồi nào tới giờ loài mối gò có tên khoa học là macrotermes không hề đăng ký patent loại nấm do chúng sản xuất và cộng sinh. Cho đến khi Zhimin Ding giới thiệu tại Hội chợ triển lãm sản phẩm và công nghệ mới nấm ăn được năm 2015 ở Thanh Đảo, Trung Quốc, mọi người bắt đầu chú ý. Nấm đó được ông ta đăng ký dưới tên Black Termitomyces Heim, người Việt gọi là nấm mối đen, vì nó có cái dù đen. Từ sau cùng trong cái tên là tên của nhà sinh học phát hiện ra nấm termitomyces.

Nấm này chẳng liên quan gì đến mối, tên khoa học của nó là Xerula radicata. Còn phân loại là loại nấm rễ sâu. Vì mối không biết đăng ký sản phẩm của chúng, nên ông Ding nhà Tàu bèn phổng tay trên. Nhiều người, trong đó có tôi, tưởng là nấm mối thứ thiệt. Ăn cũng tạm được, nhưng gà làm sao so với phượng là nấm mối trắng? Chỉ có điều là khi trồng nấm mối này, người ta chỉ cần mua phôi từ người nuôi trồng phôi, không phải viện đến một tổ mối. Cho tới nay, loài người, hồi trước vào những năm 1970, ở ta thường được giao cho nông hội, vẫn chưa nhơn tạo được sự cộng sinh này để sản xuất nấm mối. Nhiều người ắt vẫn còn nhớ khẩu hiệu dưới dạng ca dao giả: “Để cho nông hội thay trời làm mưa”.


Nấm mối thứ thiệt có rất nhiều loài, nhưng ở Việt Nam chỉ có một nghiên cứu của Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Nhi, Đại học Thủ Dầu Một. Công trình của bà đã phân lập được sáu chủng nấm mối, trong đó có hai chủng thuộc loài Termitomyces clypeatus. Các chủng còn lại dựa vào dẫn liệu về hình thái, đặc điểm khuẩn lạc và kết quả giải trình tự, kết luận chúng đều thuộc chi nấm mối Termitomyces. Nghĩa là chưa xác định loài nào. Chẳng ai biết nấm mối nổi tiếng Bến Tre và nấm mối kém nổi tiếng hơn ở Xuân Lộc thuộc loài nào. Trong khi TS Else C. Vellinga, đại học California, Berkeley, công bố trên tạp chí Mycena News, số ra tháng 5/2004,(1) có từ 30 đến 40 loài nấm mối. Loài nấm được bà cho là to nhất vào thời điểm công bố là nấm mối titanicus có mũ rộng non một mét.

Vì không có nghiên cứu nên câu chuyện thú vị về cuộc sống cộng sinh của mối và nấm mối thường được các phương tiện truyền thông trong nước đoán mò và cóp chép lẫn nhau. Không phải mối nào cũng cộng sinh với nấm mối. Các nhà nghiên cứu của Đại học Harvard(2) đã có một chương nói về sự cộng sinh đáng ngạc nhiên này.


Các đàn mối macrotermes có mối quan hệ cộng sinh khắng khít với loại nấm basidiomycete, chi termitomyces. Mối nuôi trồng nấm trong một vườn nấm bao gồm hàng trăm tàng nấm. Ai đã từng phá gò mối, sẽ biết những cấu trúc tàng nấm đủ hình dạng gồm có dạng chất liệu như đất và những khoảng rỗng. Các tàng nấm ấy thực ra là lá cây, gỗ, có khi là giấy đã được tiêu hóa thô, và được cấy các bào tử nấm vào đó. Hàng năm, nếu tổ mối đừng bị loài người phá đi, thứ nấm này sẽ đãi loài người một vụ nấm lớn, một thứ trân sản có một không hai, ngon không chê vào đâu được. Chỉ cần xào đơn giản với lá cách là bạn ‘biết tay’ nấm mối dù trắng này.

Không giống như các loại nấm được nuôi trồng bởi kiến cắt lá(3) mà đàn kiến sử dụng làm thức ăn, việc nuôi cấy nấm mối của một tổ mối hỗ trợ phân hủy cellulose và lignin thành một loại compost bổ dưỡng hơn, dùng làm thức ăn nuôi sống mối. Do đó vườn nấm là một hệ thống tiêu hóa ngoài cơ thể – một tác nhân outsourcing – giúp cho mối tiêu hóa cellulose.


Nấm mối cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc cân bằng nội môi quần thể bên trong các gò mối, đặc biệt là hỗ trợ cân bằng nước trong tổ. Điều này giúp cho các đàn mối macrotermes chịu được điều kiện khô hạn hơn nhiều so với các loài mối khác, cho phép chúng tồn tại trong môi trường khô hơn so với các loài mối thường thấy.

Chức năng của nấm là gì? Nấm là một phần của hệ thống tiêu hóa ngoài cơ thể mối, có chức năng chuyển hóa vật liệu gỗ không tiêu hóa được trong thực vật thành oligosaccharide chất lượng cao hơn và đường phức hợp dễ tiêu hóa hơn. Đồng thời một số quá trình cố định nitơ cũng diễn ra.


Các loại nấm được nuôi lớn trong các cấu trúc gọi là tàng nấm. Tàng được làm từ chất liệu gỗ đã được ‘nhão hóa’, trước đó được mối thợ gom lại, nhai và nuốt. Khi mối thợ quay về tổ, chúng thải loại chất liệu này ra rất nhanh dưới dạng ‘cứt giả’, chuyển giao cho mối thợ chuyên làm tổ để lên meo chúng trong các tàng nấm.

Ở một lúc nào đó trong hành trình này, có lẽ là trong các ống tiêu hóa của mối kiếm ăn hoặc mối kiến tạo, loại bùn bằng gỗ này được cấy hàng chục loại bào tử nấm. Khi đã lắng đọng trong tàng nấm, bào tử nấm termitomyces (ta gọi là nấm mối) nảy mầm và bắt đầu phát tán sợi nấm qua tàng nấm. Khi sợi nấm lớn lên, chúng tách linhin (delignify) và tiêu hóa cellulose, chuyển hóa các thứ đó thành các loại đường và nitơ đơn giản hơn. Và, sau đó mối sẽ ăn thứ thức ăn thô xanh giàu chất này để sống qua ngày. Cấu trúc của tàng nấm thuộc thể động. Vật liệu tươi liên tục được bổ sung lên phía trên, và vật liệu đã tiêu hóa được tiêu thụ bên dưới. Thực phẩm chìm trên kệ, giống như thức ăn ủ chua chìm trong một cái xi lô.


Mỗi tàng nấm được đặt trong không gian nửa kín được gọi là gallery. Tổng khối lượng của tàng nấm thường vượt quá khối lượng toàn bộ mối trong đàn khoảng tám lần – chừng 25-40 kg tàng ở mỗi đàn.

Sự cộng sinh của nấm termitomyces và mối macrotermes được cho là phần lớn có tính chất tiêu hóa: mối cung cấp cho nấm một nguồn gỗ sơ chế phong phú và nấm cung cấp cho mối một chế độ ăn được tiêu hóa trước và bổ dưỡng. Còn loài người cộng hưởng cái nhất khoái này từ lượng nấm thặng dư kia khi trời sa mưa đầu mùa, ở một số nơi có mối macrotermes.

Ngữ Yên / Theo: saigonthapcam

========

(1) http://www.mykoweb.com/articles/BiggestMushroom.html

(2) https://www.esf.edu/efb/turner/termitePages/termiteFungSym.html

(3) Kiến cắt lá (leafcutter ants) là loài kiến nhai lá cây để nuôi nấm, có thể mang một khối lượng nặng gấp hai mươi lần cơ thể chúng. Kiến sống trong các tổ dưới lòng đất.



BÍ ẨN CÔNG TY QUÂN SỰ TƯ NHÂN WAGNER ĐANG THAM CHIẾN GIÚP NGA Ở UKRAINE

Dù là công ty tư nhân, Wagner hiện đóng vai trò lực lượng tác chiến chính của Nga ở miền Đông Ukraine và giúp Moskva giành được nhiều chiến thắng quan trọng.


Công ty quân sự tư nhân Wagner

Wagner Group được tỷ phú người Nga Yevgeniy Prigozhin thành lập năm 2014. Một trong những nhiệm vụ đầu tiên của công ty quân sự này được thực hiện ở Crimea khi Nga tiến hành quá trình sáp nhập bán đảo này vào tháng 2/2014.

Tại Crimea, lính đánh thuê của Wagner giúp lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn kiểm soát bán đảo. Sau đó, Wagner tiếp tục hỗ trợ lực lượng ly khai thân Nga tại vùng Donbass.

Tính đến tháng 4/2022, Wagner chỉ có khoảng 8.000 lính đánh thuê. Hầu hết trong số này được cho là những cựu quân nhân được đào tạo bài bản.

Người đứng đầu Wagner - tỷ phú Yevgeniy Prigozhin cùng một đơn vị Wagner bên trong mỏ muối Soledar (miền Đông Ukraine) sau khi phía Nga kiểm soát thị trấn chiến lược này vào tháng 1/2023. (Ảnh: RIA Novosti)

Còn theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Wagner không phải là một công ty quân sự tư nhân đơn thuần mà là một hệ thống chuyên cung cấp từ dịch vụ hỗ trợ an ninh, cố vấn quân sự cho đến lính đánh thuê. Wagner hiện đang hoạt động tại 30 quốc gia và có hai trung tâm huấn luyện tại Nga.

Trong nhiều năm, Wagner bị nghi tham gia vào các hoạt động quân sự của Nga ở châu Phi và Trung Đông nhưng Moksva luôn phủ nhận việc có liên quan đến công ty này.

Sự tồn tại của Wagner tại Nga nhận được hậu thuẫn đặc biệt từ điện Kremlin. Trên thực tế, luật pháp Nga cấm hoạt động cung cấp dịch vụ quân sự từ một công ty tư nhân, trong khi đó hiện không có khung pháp lý rõ ràng cho các hoạt động của Wagner, theo CSIS.

Cũng theo báo cáo của CSIS, hoạt động của Wagner có sự liên kết chặt chẽ với quân đội và các cơ quan tình báo của Nga. Đứng sau điều hành Wagner là tỷ phú Yevgeniy Prigozhin. Theo truyền thông phương Tây, ông là “đồng minh thân cận” của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Bản thân ông Prigozhin cũng chỉ mới thừa nhận là người đứng đầu Wagner trong một tuyên bố vào tháng 9/2022.

Cùng với việc công khai vai trò người lãnh đạo Wagner, tỷ phú Prigozhin cũng bắt đầu đứng ra tuyển mộ hàng nghìn lính đánh thuê tham chiến ở Ukraine.

Đầu bếp riêng của Tổng thống Nga

Theo Guardian, tỷ phú Yevgeny Prigozhin, sinh năm 1961, lớn lên ở Leningrad nay là St. Petersburg, cùng quê hương với Tổng thống Putin. Ông Prigozhin từng bị tòa án Liên Xô cũ kết án 9 năm tù vì trộm cắp và một số tội danh khác vào đầu những năm 1980.

Sau khi được trả tự do vào năm 1990, ông Prigozhin bắt đầu kinh doanh với một quầy bán xúc xích và chỉ vài năm sau đã sở hữu một nhà hàng sang trọng tại St. Petersburg bằng một quyết định đầu tư mạo hiểm.

Nhà hàng của Prigozhin nhanh chóng trở thành nơi các quan chức và người nổi tiếng Nga ở St. Petersburg hay lui tới bởi phong cách phục vụ và những món ăn ngon. Trong số đó có cựu Thị trưởng St. Petersburg Anatoly Sobchak và cấp phó của ông khi đó – Tổng thống Nga Putin.

Năm 2001, nhà hàng của Prigozhin đích thân phục vụ bữa tối cho 2 thượng khách: một người là tân Tổng thống Nga lúc đó - ông Putin, người còn lại là Thủ tướng Nhật Yoshiro Mori.

Ông Prigozhin (ngoài cùng bên phải) phục vụ Tổng thống Mỹ George W. Bush và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong bữa tối giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Nga năm 2006. (Ảnh: AP)

Không lâu sau, công ty của Prigozhin liên tiếp được chọn để tổ chức và phục vụ những bữa tiệc quan trọng trong Điện Kremlin, trong đó có tiệc sinh nhật ông Putin năm 2003. Từ đó Prigozhin được gọi là “đầu bếp riêng” của Tổng thống.

Mối quan hệ tốt đẹp với giới tinh hoa Nga đã mang lại cho tỷ phú Prigozhin những hợp đồng lớn, cho phép cung cấp suất ăn cho các trường học, bệnh viện và cả quân đội Nga.

Những tài liệu ít ỏi bị rò rỉ đã khắc họa hình ảnh ông Prigozhin như doanh nhân, nhà quản lý có tài trong lĩnh vực dịch vụ hậu cần. Bên cạnh việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ an ninh ở châu Phi và Trung Đông, những công ty liên quan tới Prigozhin cũng đã đẩy mạnh xuất khẩu lương thực, thực phẩm phục vụ ngày càng nhiều nhân lực và chuyên gia quân sự của Nga hoạt động trên khắp thế giới.

Vào tháng 9/2022, trong một lần hiếm hoi chia sẻ về những ngày đầu khi thành lập Wagner, tỷ phú Prigozhin cho biết: “Tôi đã tự lau chùi những vũ khí cũ, tự mình phân loại áo chống đạn, tự tìm những chuyên gia có thể giúp tôi việc này”.

“Kể từ thời điểm đó, ngày 1/5/2014, một nhóm những người yêu nước Nga đã ra đời. Nhóm này sau này sau đó lấy tên là Wagner”, ông Prigozhin nói thêm.

Ông Prigozhin cũng nói thêm Wagner đã giúp “bảo vệ người dân Syria, các dân tộc khác của các quốc gia Ả Rập, những người dân châu Phi và Mỹ Latinh có hoàn cảnh khó khăn”.

Vai trò của lực lượng Wagner ở Ukraine

Ngay từ năm 2014, Wagner đã giúp huấn luyện, tổ chức và trang bị vũ khí cho các lực lượng ly khai thân Nga đang chiến đấu giành quyền kiểm soát vùng Donbas của Ukraine. Theo CSIS, cố vấn quân sự của Wagner cũng tham gia chiến đấu và thu thập thông tin tình báo.

Wagner bắt đầu hoạt động trở lại ở Ukraine từ giữa mùa hè 2022, sau khi quân đội Nga chịu nhiều tổn thất trên chiến trường và cần đến sự bổ sung nhân lực từ Wagner. Hiện có hơn 50.000 lính đánh thuê của Wagner đang được triển khai ở Ukraine.

Ngay sau khi tham chiến, Wagner luôn đóng vai trò lực lượng tấn công chủ lực của Nga trên nhiều mặt trận nóng ở miền Đông Ukraine. Hai trận đánh tiêu biểu của Wagner cho đến hiện hay có thể kể đến như Soledar và Bakhmut ở vùng Donetsk vào đầu năm 2023, tuy nhiên thành tựu này đạt được với sự hỗ trợ của pháo binh từ các lực lượng chính quy Nga.

Ông Prigozhin (thứ ba, từ trái sang) và các thành viên Wagner chụp ảnh tại đài tưởng niệm nằm ở phía Đông thành phố Bakhmut ngày 8/3/2023. (Ảnh: Wagner)

Hãng tin AFP dẫn lời Tham mưu trưởng lục quân Pháp, Đại tướng Pierre Schill cho biết Wagner hiện là lực lượng đóng vai trò tích cực nhất trong chiến dịch của Nga ở Ukraine, đồng thời xem công ty quân sự tư nhân là đối thủ đáng gờm vì sẵn sàng trả giá để đạt được mục tiêu.

"Wagner đang gửi thông điệp rằng ở bất cứ nơi đâu, Wagner sẵn sàng trả giá để đạt được mục tiêu và sẽ là đối thủ đáng gờm", tướng Schill nói.

Vị tướng này cho rằng những nhóm lính đánh thuê như Wagner sẽ có vai trò quan trọng trong tương lai. Tuy nhiên, ông cho rằng không phải nhóm nào cũng hiệu quả như Wagner vốn nhận được "sự hỗ trợ của nhà nước ở mức độ đáng kể", nhờ mối quan hệ giữa ông Prigozhin với Tổng thống Putin.

Bên cạnh đó, giới phân tích còn cho rằng ông Prigozhin và nhóm Wagner đóng vai trò quan trọng trong chính trị ở điện Kremlin. Điều này có thể thấy qua việc ông Prigozhin luôn có mặt ở những mặt trận nóng nhất.

Hiện tại, lực lượng Nga đang dồn nguồn lực đáng kể, bao gồm cả nhân lực và khí tài, tới Bakhmut với quyết tâm giành quyền kiểm soát thành phố chiến lược này. Từ Bakhmut, quân đội Nga có thể mở đường kiểm soát toàn bộ phần còn lại của vùng Donetsk

Ông Prigozhin ngày 13/2 tuyên bố các đơn vị tấn công của Wagner chỉ còn cách trung tâm Bakhmut khoảng 1,2 km, nhưng cho biết thêm rằng càng tiến vào trung tâm thành phố giao tranh càng ác liệt. Việc bao vây Bakhmut vẫn đang diễn ra nhưng gặp nhiều khó khăn.

Vai trò của lực lượng Wagner tại Bakhmut có ý nghĩa quan trọng đối với chiến dịch quân sự của Nga. Sự hiện diện của các chiến binh Wagner là nguồn bổ sung kịp thời để lực lượng Nga tiếp tục cuộc tiến công không chỉ ở Bakhmut, mà còn các mặt trận khác tại Donbass. Thậm chí Wagner được coi là hy vọng khả quan nhất của Nga ở thời điểm hiện tại, giúp Moskva tin vào một chiến thắng ở chiến trường miền Đông Ukraine.

(Nguồn: Washington Post; Guardian)
Trà Khánh / Theo:VTCNews
Link tham khảo:



KHI BẠN HAY MỘNG MƠ GIỮA BAN NGÀY


Hãy thử ngồi xuống, thư giãn và không nghĩ gì cả? Bạn thấy khó ư?

Có lẽ bạn muốn biết nguyên nhân vì sao trí óc của bạn cứ vẩn vơ khắp nơi, ngay cả khi bạn chỉ muốn thư giãn: Não của bạn không bao giờ nghỉ.

Trái với những cách hiểu thông thường từ trước tới nay, thực ra thì những giấc mơ ban ngày như vậy có lợi cho bạn.

Bộ máy hoạt động không ngừng nghỉ

Nhiều năm qua, các chuyên gia thần kinh học đã thực hiện các công trình nghiên cứu dựa trên giả định rằng não bộ của chúng ta chỉ hoạt động cật lực khi được giao một nhiệm vụ gì đó, và tắt đi khi chúng ta ngưng động não.

Các khoa học gia đã làm một số thử nghiệm, trong đó những người tình nguyện được yêu cầu nhịp ngón tay, tính nhẩm và các bức hình trong lúc não đang được hồi tưởng.


Kết quả não cho thấy vùng nào của bộ não hoạt động mạnh trong lúc họ thực hiện những nhiệm vụ này, và vùng nào ít năng động hơn.

Theo cách này, chúng ta có thể suy đoán ra não của chúng ta kiểm soát hành động của mình ra sao.

Các nhà khoa học thần kinh muốn tìm hiểu hoạt động của não bộ trong lúc nó thực hiện các nhiệm vụ khác nhau, vì vậy họ cần tìm cách đưa não bộ về tình trạng nghỉ ngơi giữa các lần thử nghiệm.


Điều này thường được thực hiện bằng cách yêu cầu người tham gia thử nghiệm nhìn xoáy vào một hình chữ thập màu trắng ở giữa màn hình nền đen.

Các nhà khoa học đặt ra giả thiết rằng não bộ sẽ tự động tắt đi nếu chúng ta không suy nghĩ gì.

Thế nhưng vấn đề là não bộ của chúng ta không hoạt động theo cách đó.

Từ hai thập niên trước, người ta đã phát giác được các dấu hiệu cho thấy não bộ rất năng động ngay cả khi chúng ta đang nghỉ ngơi.

Bharat Biswal là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Medical College of Wisconsin ở Milwaukee.

Trong lúc nghiên cứu cách thức để có được tín hiệu rõ hơn từ máy x-quang não, ông phát giác ra não bộ không phải là hoàn toàn không hoạt động trong lúc nghỉ.

Ngay cả khi một người nào đó được yêu cầu làm trống đầu óc bằng cách nhìn vào một hình chữ thập, các hoạt động trong não vẫn tiếp tục.


Không những vậy, các kết quả x-quang não cũng chỉ ra rằng đây là hoạt động có phối hợp.

Mạng lưới 'luôn sẵn sàng'

Sau đó, vào năm 1997, một phân tích dựa trên chín kết quả x-quang não tiếp tục gây bất ngờ.

Ông Gordon Shulman đã hy vọng rằng phân tích của ông sẽ giúp xác định được mạng lưới nào đi vào hoạt động khi chúng ta tập trung cao độ.

Nhưng ông đã hiểu biết điều trái ngược: Mạng lưới được kích hoạt khi chúng ta không làm gì cả.

Lẽ ra khi não bộ phải trở nên năng động hơn trong khi các tình nguyện viên chuyển từ nghỉ ngơi sang làm một nhiệm vụ nào đó.

Tuy nhiên, Schulman lại hiểu được một số khu vực của não trở nên ít năng động hơn khi quá trình nghỉ ngơi chấm dứt.

Điều này cho thấy rằng khi người tình nguyện nằm yên, không làm gì trong máy x-quang, một số khu vực trong não họ thậm chí còn năng động hơn những người tình nguyện đang thực hiện một nhiệm vụ nào đó.


Đã phải tốn một thời gian ý kiến cho rằng não bộ của chúng ta không bao giờ ngừng nghỉ mới trở nên thuyết phục hơn.

Suốt nhiều năm trời, các nhà khoa học thần kinh đã cho rằng dây thần kinh của chúng ta tắt nguồn khi chúng không được cần đến.

Năm 1998, nhà khoa học thần kinh Marcus Raichle, hiện là một trong những gương mặt đầu ngành, thậm chí còn bị bác bỏ kết quả nghiên cứu vì người đánh giá công trình của ông cho rằng hoạt động này hẳn phải do lỗi dữ liệu.


Ngày nay, mọi thứ đã khác trước rất nhiều. Gần 3000 công trình nghiên cứu khoa học đã được công bố về tình trạng ‘bận rộn’ của não bộ trong lúc chúng ta nghỉ ngơi.

Một số ý kiến phản đối nói rằng nếu giả thuyết này đúng thì có nghĩa là bộ não không hề nghỉ ngơi. Thay vào đó, họ cho rằng có ‘mạng lưới chế độ mặc định’ - các khu vực trong não bộ tiếp tục hoạt động ngay cả khi chúng ta nghỉ ngơi.

Câu hỏi lớn ở đây là vì sao não bộ lại năng động ngay cả khi chúng ta nghỉ ngơi?

Có nhiều giả thuyết, nhưng giới khoa học gia vẫn chưa đạt được sự thống nhất.

Có thể là do các khu vực khác nhau trong não đang tập hoạt động cùng nhau. Có thể não bộ tiếp tục hoạt động giống như một chiếc xe đang dừng - phòng trường hợp nó phải hoạt động đột ngột.

Chuẩn bị cho tương lai?

Nhưng cũng có thể việc trí óc của chúng ta vẩn vơ và ôn lại các sự kiện trong ngày sẽ giúp chúng ta củng cố các ký ức.

Chúng ta biết rằng các giấc mơ của mình dường như đóng vai trò phân loại các ký ức của chúng ta - và giờ đây, có các bằng chứng cho thấy điều này cũng xảy ra vào ban ngày.

Chúng ta cũng biết rằng khi trí óc chúng ta nghĩ vẩn vơ, nó thường tập trung vào tương lai.


Chúng ta thường nghĩ về việc sẽ ăn gì vào buổi tối hoặc sẽ đi đâu vào tuần sau.

Cả ba vùng chính trong não chịu trách nhiệm tưởng tượng ra tương lai đều năm trong mạng lưới chế độ mặc định này.

Não của chúng ta dường như là được lập trình để hình dung ra tương lai bất cứ khi nào nó cảm thấy rảnh rỗi.


Moshe Bar từ Harvard Medical School cho rằng có lý do xác đáng để não bộ hoạt động theo cách đó.

Điều này giúp chúng ta có các chuỗi ‘tiền trải nghiệm’, giúp chúng ta quyết định sẽ hành động ra sao nếu điều đó trở thành sự thật.

Ví dụ, nhiều hành khách máy bay đã từng tự hỏi mình điều gì sẽ xảy ra nếu máy bay gặp tai nạn.

Giả thuyết của Bar là nếu máy bay thực sự lâm nạn, tất cả các ký ức từ những giấc mơ giữa ban ngày trước đây sẽ giúp những hành khách đó quyết định phải làm gì.

Thế nhưng tình trạng nghỉ ngơi của bộ óc không dễ để nghiên cứu.

Một số nhà tâm lý học đã chỉ ra rằng chuyện một người nằm một mình trong máy quét não không có nghĩa là họ tách biệt với thế giới bên ngoài.

Họ có thể đang nghĩ về tiếng động của máy quét não và những gì xảy ra quanh mình.

Vì lý do này, vẫn có rất nhiều câu hỏi chưa được giải đáp.

Ví dụ, liệu các giấc mơ giữa ban ngày mà chúng ta trải nghiệm diễn ra khi chúng ta tìm cách tập trung vào công việc có khác gì với những giấc mơ giữa ban ngày khi mà chúng ta đang cố gắng nghỉ ngơi không?


Bất động khác thường

Tuy nhiên, giới nghiên cứu đã đạt được nhiều tiến triển trong lĩnh vực này. Một nghiên cứu được công bố hồi đầu năm nay cho thấy chúng ta có thể nghỉ ngơi theo những cách khác nhau.

Các nhà nghiên cứu đã thực hiện quét não của năm người, vốn đã được huấn luyện để ghi nhớ về những gì họ nghĩ tới trong giấc mơ ban ngày của mình mỗi khi họ nghe thấy tiếng báo hiệu từ máy tính.

Các nhà khoa học đã ghi nhận những sự khác biệt đáng kể giữa suy nghĩ và trải nghiệm trong giấc mơ giữa ban ngày của mỗi người.

Vào tháng Chín, các nhà nghiên cứu từ Đại học Oxford đã sử dụng kết quả quét từ Human Connectome Project của não bộ 460 người trong tình trạng nghỉ ngơi để khám phá ra các khu vực nào của bộ não liên lạc với nhau khi chúng ta ngưng hoạt động.

Một lần nữa, các kết quả cho thấy sự khác biệt trong quá trình nghỉ ngơi - liên quan trực tiếp đến các kỹ năng và trải nghiệm trong cuộc sống.

Tín hiệu kết nối giữa các phần khác nhau trong não tuỳ thuộc vào khả năng nhớ của mỗi người, thời gian đi học và sức khoẻ.

Có vẻ như một số phần trong não bộ vẫn được kết nối ngay cả khi chúng ta nghỉ ngơi, phòng trường hợp chúng ta cần chúng làm gì đó.

Năng lượng đen

Về mặt khoa học, khám phá cho thấy não bộ không bao giờ thực sự nghỉ ngơi giúp phần nào giải thích điều bí ẩn lâu nay: Vì sao não bộ dùng hết 20% năng lượng của cơ thể khi các hoạt động của nó lẽ ra chỉ tốn 5%?


Marcus Raichle đã gắn mác ‘năng lượng đen’ cho 15% cò lại và cho rằng nó liên quan trực tiếp đến quá trình nghỉ ngơi.

Khám phá ra tình trạng nghỉ ngơi cũng giúp chúng ta thay đổi cách cảm nhận về bộ não của mình.

Chúng ta biết cách để làm trống trí óc mình. Chúng ta biết rằng não bộ của mình có thói quen nghĩ vẩn vơ ngay cả khi chúng ta không muốn vậy.

Thế nhưng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy điều này có thể mang lại lợi ích, ngay cả khi nó khiến chúng ta không kịp hoàn thành một việc gì đó đúng hạn.

Claudia Hammond
Theo: BBC Tiếng Việt
Link tiếng Anh:

Tuesday, August 29, 2023

SAU 50 TUỔI, NGƯỜI BIẾT TUÂN THỦ NGUYÊN TẮC "3 KHÔNG QUAN TÂM, 3 KHÔNG HỎI, 3 KHÔNG CHẠM", TUỔI GIÀ TỰ TẮC AN YÊN

Từ độ tuổi trung niên trở đi, chúng ta cần đặt ra những nguyên tắc sống nhất định để lúc nào cũng cảm thấy an yên, vui vẻ. Dưới đây là 3 nguyên tắc chúng ta có thể tham khảo để không vướng bận âu lo.


“3 không quan tâm”

Ở độ tuổi trẻ trung, chúng ta đã dành nhiều thời gian, công sức để làm việc. Từ khi về hưu, ta có thêm nhiều thời gian để nghỉ ngơi, tận hưởng cuộc sống hơn. Vì vậy lúc này chúng ta nên bỏ đi những mối quan tâm không đáng có để cuộc sống bình yên.

Khi bạn ở ngưỡng tuổi 60, 70, hầu hết con cái đều đã khôn lớn, trưởng thành. Vì thế bạn không nên quan tâm thái quá về cuộc sống, tương lai của các con. Một người bố, người mẹ tốt sẽ chỉ khuyên răn các con chứ không can thiệp sâu vào cuộc sống riêng tư của chúng.

Bạn cũng không cần quan tâm tới tuổi tác của mình và có những suy nghĩ tiêu cực về sức khỏe. Nhiều người tự làm bản thân tiêu cực bằng cách lo sợ về tuổi tác, về bệnh tật. Thế nhưng cuộc sống của chúng ta vẫn còn rất nhiều điều tốt đẹp. Thay vì chúng ta tiêu cực, lo lắng, chán nản thì hãy nhìn vào những điều tốt đẹp mà mình đang có.

Việc quan tâm tới những lời bàn tán, gièm pha của người đời cũng sẽ khiến bạn sống trong mệt mỏi và áp lực. Khi đã có tuổi ta nên bỏ ngoài tai những lời phán xét để sống cuộc đời mình mong muốn.

“3 không hỏi”

Nếu bạn thắc mắc về chuyện không liên quan tới mình, bạn sẽ trở thành người kém duyên trong mắt người khác. Để tình trạng này không xảy ra, bạn cần nhớ nguyên tắc “3 không hỏi” và áp dụng trong cuộc sống. Đầu tiên, chúng ta không nên hỏi quá nhiều về thu nhập của người khác. Đây là vấn đề riêng tư, dễ khiến đối phương khó xử nên bạn cần cân nhắc trước khi hỏi.

Một người khéo léo sẽ không hỏi người khác lương tháng bao nhiêu. Ảnh minh họa: Internet

Thứ hai, bạn không nhất thiết phải hỏi về chuyện gia đình người khác. Mỗi gia đình lại có hoàn cảnh, cuộc sống khác nhau và không thể tránh được bất hòa. Tuy nhiên, đó là chuyện không liên quan tới cuộc sống của bạn, vì vậy bạn không nên tò mò. Bạn nên tận hưởng cuộc sống vui vẻ và bình yên của mình thay vì cứ mãi tò mò những câu chuyện ấy. Khi có tuổi, con người ta được sống bên cạnh con cháu, không phải lo nghĩ chuyện gì đã là điều may mắn và nên tận hưởng điều đó.

Việc hỏi về những kế hoạch tương lai của người khác cũng là điều bạn nên tránh né. Mỗi chúng ta đều có những dự định và kế hoạch của riêng mình, vì thế không thể tiết lộ với bất kỳ ai. Nếu như bạn cứ gặng hỏi về chuyện tương lai của người khác, rất có thể bạn sẽ trở thành 1 kẻ vô duyên.

“3 không chạm”

Từ tuổi trung niên trở đi nhiều người sẽ có dấu hiệu sa sút về sức khỏe. Lúc này chúng ta cần phải tránh xa những yếu tố tác động tiêu cực đến sức khỏe. Khi đã có tuổi, bạn không nên chạm vào các loại chất kích thích. Nếu trước đây bạn đã hình thành thói quen sử dụng chất kích thích thì nên bỏ càng sớm càng tốt để có thể kéo dài tuổi thọ. Bạn cũng nên chú ý đến chế độ ăn uống thường ngày của mình, không nên ăn quá no hoặc quá nhiều đồ dầu mỡ.

Bạn cần chú ý tới chế độ ăn uống để luôn khỏe mạnh. Ảnh minh họa: Internet

Chúng ta không nên đụng chạm vào tài chính của con cái khi về già. Mỗi chúng ta cần phải có 1 khoản tiền tiết kiệm để chủ động chi tiêu trong cuộc sống. Nếu như ta tự lo được cho bản thân mình, con cái cũng sẽ yên tâm hơn.

Thứ ba, chúng ta không được chạm vào những trò chơi may rủi. Nếu như bạn ham mê các trò chơi này, bạn sẽ sớm tán gia bại sản, sống trong khổ sở vì không có tiền. Một người khôn ngoan sẽ giữ tiền để chi tiêu vào những mục đích chính đáng, đảm bảo cuộc sống bình an, đủ đầy.

(Theo: Toutiao)
Huyền Giang / Theo: Soha

DU TRIỆU THÔN HẠNH HOA - BẠCH CƯ DỊ


DU TRIỆU THÔN HẠNH HOA - BẠCH CƯ DỊ

Triệu thôn hồng hạnh mỗi niên khai,
Thập ngũ niên lai khán kỷ hồi.
Thất thập tam nhân nan tái đáo,
Kim xuân lai thị biệt hoa lai.


遊趙村杏花 - 白居易

趙村紅杏每年開,
十五年來看幾回。
七十三人難再到,
今春來是別花來。


Chơi thôn Triệu xem hoa hạnh 
(Người dịch: mailang)

Hạnh Triệu năm năm khoe sắc hồng,
Mười lăm năm ấy mấy lần trông.
Bảy ba tuổi khó mà lui tới,
Xuân đến thăm hoa, biệt sắc hồng.


Sơ lược tiểu sử tác giả:

Bạch Cư Dị 白居易 (772-846) tự Lạc Thiên 樂天, hiệu Hương Sơn cư sĩ 香山居士 và Tuý ngâm tiên sinh 醉吟先生, người Hạ Khê (nay thuộc Thiểm Tây). Ông là thi nhân tiêu biểu nhất giai đoạn cuối đời Đường, là một trong những nhà thơ hàng đầu của lịch sử thi ca Trung Quốc. Người ta chỉ xếp ông sau Lý Bạch và Đỗ Phủ. Ông xuất thân trong một gia đình quan lại nhỏ, nhà nghèo nhưng rất thông minh, 9 tuổi đã hiểu âm vận, Mười lăm tuổi ông đã bắt đầu làm thơ, thuở nhỏ nhà nghèo, ở thôn quê, đã am tường nỗi vất vả của người lao động.
 
Năm Trinh Nguyên ông thi đậu tiến sĩ được bổ làm quan trong triều, giữ chức Tả thập di. Bởi mâu thuẫn với tể tướng Lý Lâm Phủ, ông chuyển sang làm Hộ tào tham quân ở Kinh Triệu rồi lại được triệu về kinh lo răn dạy thái tử.
 
Năm Nguyên Hoà thứ 10 (Đường Hiến Tông), do hạch tội việc tể tướng Vũ Nguyên Hành bị hành thích và ngự sử Bùi Độ bị hành hung, đám quyền thần cho là ông vượt qua quyền hạn, đày làm Tư mã Giang Châu. Ông chủ trương đổi mới thơ ca. Cùng với Nguyên Chẩn, Trương Tịch, Vương Kiến, ông chủ trương thơ phải gắn bó với đời sống, phản ánh được hiện thực xã hội, chống lại thứ văn chương hình thức.
 
Ông nói: "Làm văn phải vì thời thế mà làm... Làm thơ phải vì thực tại mà viết", mục đích của văn chương là phải xem xét chính trị mà bổ khuyết, diễn đạt cho được tình cảm của nhân dân.
 
Thơ ông mang đậm tính hiện thực, lại hàm ý châm biếm nhẹ nhàng kín đáo.

"Trường hận ca" để nói mối tình đẹp của Đường Minh Hoàng và Dương Quý Phi, nhưng đọc kỹ thì những ý châm biếm, mỉa mai kín đáo đều có. Ông cùng Nguyên Chẩn đề xướng phong trào Tân Nhạc Phủ, nên trong thơ, ông luôn công kích đời sống xa hoa dâm dật của bọn quý tộc, bóc trần sự bóc lột của bọn quan lại, thông cảm với nỗi thống khổ của dân chúng ("Tần trung ngâm", "Tân nhạc phủ").


Thơ ông thấm nhuần tư tưởng nhân đạo, nhân văn. Ông hòa đồng cùng dân chúng, không coi việc làm quan của mình là gì, mà thấy mình cũng bị cuộc đời làm cho bảy nổi ba chìm chẳng khác gì người đời ("Tỳ bà hành"). Ông thông cảm với những thân gái chịu bao tập tục hủ bại và cảnh nghèo túng mặc dù sắc đẹp thì chẳng thua ai ("Nghị hôn").
 
Bạch Lạc Thiên chủ trương thơ ca phải giản dị để dân chúng đều hiểu được. Không những thế, tình cảm, tư tưởng phải giàu tính nhân dân, nói được nỗi lòng của mọi người trước thế sự.
 
Thơ ông giàu tính trữ tình. Khi ông bị đi đày từ Tràng An đến Tây Giang, ba bốn ngàn dặm, dọc đường thấy trường học, chùa chiền, quán trọ... đều có đề thơ của mình, nên càng tự tin ở chủ trương của mình hơn.
 
Riêng hai bài "Tỳ bà hành" và "Trường hận ca" đã đủ tỏ tài thơ của Bạch Cư Dị. Bằng lối kể chuyện miêu tả, với chủ đề khác nhau, hai bài thơ dài của ông, bài thì bay bướm, hình ảnh đẹp, lời bình trầm lắng, ý ngoài lời, ca tụng, mỉa mai đều kín đáo, bài thì hoà đồng vào cảnh ngộ cùng nhân vật, viết lên những tâm trạng gửi gắm của cả hai, người gẩy - người nghe, vào tiếng đàn trên bến Tầm Dương, bài thơ da diết, buồn thấm thía mà nỗi đời thì vời vợi mênh mang.
 
Ngoài ra ông còn làm một số bài thơ về thiên nhiên, nhàn tản. Lối nói u hoài, vương một nỗi buồn riêng kín đáo. Ông thích đàm đạo về thiền, về Lão Trang, cũng như là biểu hiện trốn đời, sau khi đã quá ngán về nhân tình thế thái.
 
Ông để lại hàng ngàn bài thơ. Thơ ông lời lẽ rất bình dị, tác phẩm của ông đầy đủ nhất là tập "Bạch thị trường khánh", gồm 71 quyển, trong đó có hơn 40 quyển là thơ.

Nguồn: Thi Viện

ĐỜI KHÔNG NHƯ LÀ ... TÊN

Người Việt mình, khi đặt tên cho con cái, thường chọn tên có ý nghĩa hoặc gửi gắm theo tình yêu thương với niềm mơ ước, nhưng cũng lắm khi…. “đời không như là tên”.


Hồi đó, cách nhà tôi vài căn, có chị Nguyễn Thị Ngọc Ngà. Lẽ ra, là “ngọc ngà châu báu” phải được nâng niu, quý hoá, nhưng chị thì ngược lại, chồng say xỉn thường xuyên rồi lên cơn, đem “ngọc ngà” ra… tra tấn, thượng cẳng tay hạ cẳng chân và cả bằng đòn gánh. Hàng xóm trong đó có anh rể tôi phải xông vào giải cứu chị. Nghe nói hiện nay chồng chết, chị thoát được chồng, nhưng tiếp tục khổ vì con, vì cháu!

Cùng ngõ là nhà Bác Cả goá phụ với hai người con, là chị Vui và thằng Sướng. Chị Vui cả ngày tất bật lam lũ phụ bác Cả bán buôn lặt vặt với cuộc sống giật gấu vá vai, người lúc nào cũng đầu bù tóc rối. Còn thằng Sướng chẳng hiểu buồn khổ gì mà vào một ngày trời âm u, nó đã thắt cổ tự vẫn, tìm về thế giới bên kia, để lại cho Bác Cả và chị “Vui” nỗi đau giằng xé tâm can.

Ngược ra xóm chợ, nhà bà Tám Sương Sa, tôi học chung với hai đứa con bác ấy, thằng Sang con Giàu. Mà nào có sang có giàu gì đâu, thau sương sa của bà Tám chỉ đủ cơm cháo qua ngày, lắm khi đi học chúng không có củ khoai mì ăn sáng.

o O o

Lúc tôi vào lớp Sáu, mới “giải phóng” được vài năm, trường chúng tôi đón nhận một số học sinh miền Bắc theo cha mẹ vào Nam rất sớm. Mấy đứa con gái trong nhóm đó có tên cũng bình thường, nhưng mấy thằng con trai thì tên khá đặc biệt, nghe là biết ngay lý lịch xuất xứ, khỏi cần suy nghĩ. Trong khối lớp tôi, có hai anh em sanh đôi, Nguyễn Văn Thống Nhất và Nguyễn Văn Hữu Nghị. Thống Nhất là anh, có vẻ hiền lành, hắn muốn la cà kết thân với chúng tôi như cái tên của hắn. Nhưng khổ nỗi, lũ chúng tôi tuy còn bé nhưng đã biết ảnh hưởng từ gia đình chòm xóm, trước cảnh chia lìa tù “cải tạo”, kinh tế mới, cảm nhận tiếng thở dài của cha mẹ trong cuộc đổi đời, nên chúng tôi rất… phản động, dứt khoát tránh xa đám “bên kia”, không chơi với hắn, không cho hắn “thống nhất” chúng tôi. Còn thằng em tên Hữu Nghị thì ngược lại, không hề “hữu nghị” tí chút nào, hắn luôn luôn hùng hổ gây sự với chúng tôi mỗi khi có chuyện tranh cãi (có lẽ hắn hiểu được nguyên nhân sự e dè lạnh lùng của đám Miền Nam chăng?).


Tuy nhiên, chung lớp tôi có một đứa khá dễ thương. Hắn nói giọng nửa Nam nửa Bắc, vì cha mẹ hắn là dân tập kết. Hắn tên Lê Anh Nuôi, bản tính vui vẻ hoà đồng. Tôi hỏi:

– Thà ông mang tên như anh em thằng Thống Nhất Hữu Nghị, hoặc đại loại như Quyết Thắng, Bất Khuất, Kiên Cường… tôi còn dễ hiểu. Còn Anh Nuôi là cái gì thế?!

Hắn cười vang:

– Bà đúng là… nhà quê! Hồi ba tui ở trong bưng, ba tui nấu ăn cho đồng đội, gọi là “anh nuôi”, nên má tui đặt tên này cho tui làm kỷ niệm đó! Mà nè, bà nên gọi tui là…anh nhé, vì tui hơn bà một tuổi, và tên tôi là…Anh Nuôi.

Tôi chu mỏ:

– Còn khuya! Ông về rừng mà nghe người ta gọi là anh, còn tui nhà quê đâu dám!

Nhưng đặc biệt trong nhóm đó, có một cái tên mà tôi nhớ mãi cả tên lẫn… người! Hắn trắng trẻo, dáng thư sinh con nhà giàu (tôi đoán ba má hắn phải thuộc hàng tiểu thư công tử trí thức Hà Nội, vượt Trường Sơn vào Nam với chức vụ cao chót vót, nên được ở nhà ngay khu sĩ quan trong khu Quân Cụ mà trước đây chỉ dành cho những gia đình sĩ quan quân đội VNCH). Hắn có đôi mắt đẹp, cái miệng duyên với môi dưới hơi trề rất hấp dẫn, tổng thể là một khuôn mặt đẹp trai, và cái tên của hắn càng hấp dẫn hơn: Mai Kiêu Hùng!

Ðược cái, hắn thờ ơ chuyện xung quanh trường lớp, không quan tâm chúng tôi chia phe “Nam-Bắc” cãi nhau chí choé, không thân thiện mà cũng không xích mích với ai. Chẳng biết sau này lớn lên hắn có “kiêu hùng” với lý lịch nhà hắn, với vẻ đẹp trai của hắn hay không, chớ lúc đó hắn rất vô tư, một vài lần đụng mặt tôi ở trường, hắn mỉm cười nhìn tôi với ánh mắt bối rối, có thấy “kiêu hùng” gì đâu, khiến tim tôi… tan chảy và mủi lòng thương (quên cả chuyện giai cấp). Cũng may là sau năm học đó gia đình hắn chuyển đi nơi khác, chớ nếu hắn còn học tiếp với tôi, biết đâu tôi lại…cảm cái nét đẹp khi bối rối của hắn, rồi sẽ ra sao khi lập trường “hai đứa hai khung trời khác biệt”, liệu gia đình tôi bị chính quyền mới xếp hạng là “nguỵ quân nguỵ quyền” có chấp nhận hắn không, căng lắm chớ chẳng chơi! (Ủa, mà biết hắn có… cảm tôi không mà lo xa chi cho mệt!!!).

o O o

Vui nhất là khi vào học trường Sư Phạm, có một anh chàng trong ban văn nghệ, thỉnh thoảng ôm cây đàn guitar ngồi dưới gốc phượng trong sân trường đàn hát, bạn bè vây quanh ngưỡng mộ, nhất là mấy nường nữ sinh. Tên của hắn cũng rất ư đặc biệt, khó có một người thứ hai trùng tên: Mai Cúc Trường Sơn.

Tôi bĩu môi, nói với nhỏ bạn:

– Gì chớ, nghe hai chữ Trường Sơn là tao…dị ứng từ bài hát “cùng mắc võng trên rừng…” á!!

Nhỏ bạn nguýt tôi:

– Úi dào, “ếch ngồi đáy giếng” tội chưa! Bà tưởng Trường Sơn là của riêng mấy ổng bên kia sao? Nói cho bà dỏng tai lên nghe rõ nè: hắn là con trai của sĩ quan VNCH đang ở trong trại “cải tạo” chưa về, còn má của hắn là người nổi tiếng, bà muốn biết là ai không?

Tôi hơi bị quê, liền đổi giọng tươi tỉnh làm huề:

– Là ai thì bà nói luôn đi, còn úp úp mở mở chi nữa?

– Là cô Hồng Vân, người ca sĩ có tài ngâm thơ, mới đây hát các bài hát được công chúng mê mẩn: “Người Ði Xây Hồ Kẻ Gỗ”, “Có Anh Ba Hưng”…

– Bà nói ca sĩ Hồng Vân ngâm thơ là tui biết rồi, khỏi cần dài dòng. Té ra, hắn là phe ta?!

Lần này thì nhỏ bạn vênh mặt lên:

– Ừa, hắn học chung với tui hồi cấp ba đó, giờ có muốn làm quen với chàng không nà, tui bắc cầu cho!

– Quỷ sứ! Mà tao chịu… cái tên lắm nha. Tao mà lấy hắn, sanh con tha hồ đặt tên, Mai Cúc Mùa Xuân, Mai Cúc Thắm Tươi …

o O o

Sau này ra đời đi làm, rồi qua trại tỵ nạn, tôi còn biết thêm nhiều cái tên “ấn tượng” rổn rảng: Phạm Thông Thái, Trần Triệu Phú, Phan Huy Hoàng, Cao Uy Tín, Huỳnh Thiên Tài, Ðỗ Thủ Khoa, Nguyễn Như Ý…mà có mấy ai được “đời giống như tên”?

“Loan” trong tiếng Anh có nghĩa là “Nợ”

Và… tôi nữa, má muốn đặt tên tôi là Kim Thoa cùng vần Th với anh chị em trong nhà, nhưng khi ba lên xã làm khai sanh, lúc ấy ca sĩ Kim Loan đang nổi với “Căn Nhà Ngoại Ô” nên ông nhân viên hộ tịch mơ mộng đã ghi lộn tên tôi thành Kim Loan. Mang tên của một ca sĩ nổi tiếng nhưng kết quả thế nào thì mọi người biết rồi đấy: “tôi ca không hay, tôi đàn nghe cũng dở”.

Qua đến Canada thì tên “Loan” của tôi có nghĩa là “Nợ”, nhiều người khi đi học, mua xe, mua nhà đều trải qua, rồi than vãn: “ Sầu vì… Loan” “Nghèo vì… Loan”. Hãi hùng nhất là các quảng cáo của mấy chuyên gia cố vấn tài chánh, nào là: “Nói Không Với Loan”, “Tránh Xa Loan Xấu”, “Làm Thế Nào Ðể Thanh Toán Loan Mau Lẹ”… thiệt là đau lòng!

Dù sao cũng có chút an ủi, tuy tên “Loan” nhưng tôi không nợ nần tiền bạc gì của ai (nợ… chuyện khác thì có, để kiếp sau trả!)

Ðời không như là tên, đôi khi còn ngược lại, nhưng có ai nỡ đặt tên con là Nguyễn Vô Phước để sẽ được Hữu Phước, hoặc Lê Văn Nghèo để sẽ thành người giàu có, phải không quý vị?!

Kim Loan
Theo: baotreonline