Thursday, August 24, 2023

KHÁM PHÁ VĂN HÓA NGƯỜI MIÊU Ở PHƯỢNG HOÀNG CỔ TRẤN

Khi nghĩ đến Phượng Hoàng cổ trấn, hẳn nhiều người sẽ không còn xa lạ với hình những người con trai con gái trong những bộ trang phục dân tộc màu xanh dương và đỏ, đầu đội mũ bạc xuất hiện trong những bức thiệp, tấm hình du lịch về thị trấn cổ này. Họ chính là người Miêu, một trong những dân tộc thiểu số chiếm đến một nửa dân số tại Phượng Hoàng Cổ Trấn cùng với người Thổ Gia. Không chỉ là cư dân, người Miêu tại đây còn chính là người bảo tồn và giữ lửa truyền thống cho những giá trị văn hóa tốt đẹp lâu đời của thị trấn Phượng Hoàng.


Người Miêu

Với dân số vào năm 2010 là hơn 9,426 triệu, người Miêu là nhóm dân tộc thiểu số đông dân thứ 5 tại Trung Quốc và nằm trong danh sách 55 dân tộc thiểu số chính thức được công nhận bởi chính phủ Trung Quốc. Từ “Miêu” thực chất là một từ tiếng Hán chứ không phải là một pháp danh khoa học dùng để chỉ một tộc người.

Người Miêu ở Trung Quốc bao gồm năm tộc người khác nhau là người Hmong, Hmub, Xong và A-Hmao và được chia thành hai nhóm là người Miêu Thuần và Dã Miêu. Người Miêu Thuần là những người Miêu đã định cư ở vùng đồng bằng và sống hòa nhập với cuộc sống hiện đại. Trong khi đó, nhóm người Dã Miêu lại sinh sống ở những vùng núi non hiểm trở, duy trì những nét văn hóa và lối sống vô cùng khác biệt với người Hán hoặc những người dân tộc thiểu số khác sinh sống ở các thành thị trung tâm.


Người Miêu gốc ở Phượng Hoàng Cổ Trấn nói riêng hay tỉnh Hồ Nam nói chung thuộc nhóm người Dã Miêu. Vì vậy họ có ý thức bảo tồn và thể hiện văn hóa dân tộc vô cùng mạnh mẽ. Với sự phát triển chóng mặt của ngành du lịch tại Phượng Hoàng Cổ Trấn và các khu vực lân cận, ngày nay người Miêu ở đây đã tiếp xúc nhiều hơn không chỉ với nền văn hóa người Hán mà còn với cả nhiều nền văn hóa quốc tế từ khách du lịch bốn phương. Mặc dù vậy, họ vẫn giữ được những giá trị văn hóa truyền thống ngàn năm qua của dân tộc mình ngay trong mỗi nếp nhà. Chính vì thế, sẽ thật thiếu sót cho một chuyến du lịch tới Phượng Hoàng Cổ Trấn nếu như du khách không được trải nghiệm văn hóa độc đáo của người Miêu tại đây.

Ẩm thực

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người vẫn gọi đùa rằng đi du lịch chính là đi ăn chơi (ăn và chơi). Đặc biệt, đồ ăn chính là một trong những cách “ngon” nhất và nhanh nhất để tìm hiểu về một nền văn hóa. Cũng như bữa cơm người Việt thể hiện rất rõ nét truyền thống của nền văn minh lúa nước, nhiều món ăn ở Phượng Hoàng Cổ Trấn cũng mang đậm những điều rất riêng về văn hóa của người Miêu.

Súp dưa muối đậu phụ

Dưa muối là một trong những món ăn truyền thống của người Phượng Hoàng Cổ Trấn nói chung và người Miêu nói riêng. Các loại rau củ như củ cải, lá củ cải, bắp cải sẽ được phơi khô trong hai ngày rồi muối với nước cơm và men chua trong một ngày. Các loại dưa muối thường được ăn kèm với sốt tương ớt đỏ hoặc dùng để nấu thành súp.

Để nấu súp, người ta sẽ nấu chung các loại dưa muối, đậu phụ cùng củ hẹ, ớt đỏ và gia vị. Những bát súp dưa muối đậu phụ ánh vàng và tan chảy trong miệng với những miếng đậu non mềm sẽ giúp cho bữa cơm thêm phần hấp dẫn.

Ảnh: Eating in Instead

Du khách có thể thưởng thức món súp dưa muối đậu phụ này tại nhà hàng Kim Giang Ngạn (金江岸酒楼) cùng với nhiều món ăn vùng Tương Tây truyền thống khác. Nhà hàng Kim Giang Ngạn này cũng rất nổi tiếng với các loại dưa muối của người Miêu.
Địa chỉ: Đường Kim Bình, bãi đỗ xe Lật Loan Đình (Gần đầu cầu Nam Hoa Kiều)
Điện thoại: 13574396399

Cá muối kiểu người Miêu

Cuộc sống ở vùng cao với điều kiện thời tiết khắc nghiệt và mối lo mưa lũ đã hình thành nên một tập quán tích trữ các loại lương thực dài hạn ở người Miêu. Không chỉ muối rau củ, người Miêu còn muối cả các loại thịt, trong đó nổi tiếng nhất là món cá trích muối.

Cá trích này được nuôi trong các ruộng lúa nước. Sau khi thu hoạch xong, người Miêu sẽ tát nước để bắt cá và làm thành cá muối để lưu trữ lâu dài. Sau khi làm sạch, cá sẽ được ướp với muối, tiêu và một loại nước súp đặc biệt trong ba ngày. Sau đó người Miêu sẽ bỏ thêm bột gạo nếp, bột ngô vào cá và ướp thêm trong vòng một tháng nữa.

Khi ướp xong, miếng cá có vị rất đặc trưng từ các loại gia vị dùng để ướp cá với thịt và xương đều mềm ngọt. Cá ướp có thể ăn luôn với cơm hay xôi nếp, hoặc được dùng để nấu canh cá với các loại rau củ muối truyền thống.

Ảnh: Google image

Để thưởng thức món cá muối này, du khách nên ăn tại các quán ăn trong các khách sạn lớn để tránh bị lừa đảo về giá cả. Nhiều nhân viên các nhà hàng nhỏ vô danh có thể sẽ đưa cho du khách xem các menu không đề rõ giá và tính tiền lên gấp nhiều lần khi thanh toán. Ngoài ra du khách cũng có thể ghé quán Bản Sắc Xan (本色餐馆) để nếm thử món cá độc đáo này theo phong cách nhà làm.
Địa chỉ: Cầu Vĩnh Phong, Nam Môn, Phượng Hoàng Cổ Trấn (gần thành Tân Triều, cạnh nhà hàng Tấn Tử Phạn)

Trang phục

Thường thường, trang phục của người Miêu được làm từ vải dệt thô và sau đó được nhuộm hoặc thêu các hoa văn truyền thống. Tuy nhiên người Miêu ở Phượng Hoàng Cổ Trấn có phong cách ăn mặc theo kiểu vùng Tương Tây nên có những đặc điểm khác hẳn so với người Miêu ở các vùng khác như vùng Đông Nam hay Vân Quý tại Trung Quốc.

Tập tục búi tóc thành những búi khổng lồ không còn được duy trì ở đây nữa. Ngày nay, các cô gái người Miêu ở Phượng hoàng thường mặc áo ngắn cổ tròn rộng với vai áo được thêu đơn giản, quần ống loe với viền thêu, đeo băng đô ngang trán thêu hoa và viền bằng bạc. Đàn ông người Miêu ở đây lại mặc áo có vạt giống với người Mãn Chu và có hình thêu.

Tạp dề là một phần rất quan trọng trong trang phục của các cô gái người Miêu tại Phượng Hoàng Cổ Trấn. Nữ giới ở đây chuộng tạp dề eo cao để có thể giúp họ tránh làm bẩn quần áo khi lao động. Các loại tạp dề tinh xảo hơn được mặc trong các dịp lễ quan trọng, khi đón tiếp khách hoặc khi tới thăm nhà người khác, chủ yếu để khoe được tài nữ công trong việc thêu thùa của người mặc.

Vải vóc may quần áo thường có màu xanh lá đậm hoặc màu xanh lam và được thêu lên bằng chỉ nhiều màu như đỏ, cam, vàng, trắng và tím. Có tới hơn 40 loại hình mẫu thêu cơ bản trên trang phục của người Miêu, một sống hình nổi bật nhất trong đó bao gồm: hoa Xà Bì hồng, hoa mào gà, hoa đào, hoa tre, bốn đóa hoa đỏ nhỏ,...


Trang sức bằng bạc cũng là một điểm khiến cho trang phục của người Miêu trở nên nổi bật. Những chiếc mũ miện đồ sộ với cặp sừng cong, đính các bông hoa mộc lan đang nở rộ, các miếng bạc đúc hình rồng, hình phượng hoàng với chỉ đỏ đính các mảnh bạc chạm khắc hình hoa lá quanh viền chính là niềm tự hào của người Miêu. Ngoài ra họ cũng rất thoải mái trong việc phô bày vẻ đẹp của nhiều loại trang sức bạc khác trên người cùng một lúc như vòng cổ, vòng tay, khuyên tai, miếng hộ tâm….

Đi dọc các dãy nhà trong Lầu Miêu Miêu, sẽ không khó để du khách có thể tìm được những căn nhà cho thuê trang phục dân tộc người Miêu với giá chỉ khoảng 10 NDT (khoảng 35.000đ). Một bộ trang phục thường sẽ bao gồm áo ngắn tay, váy dài, tạp dề ngắn, một mũ miện bằng bạc và một vòng kiềng hộ tâm đeo trước cổ. Còn không, du khách cũng có thể mua các vòng hoa đội đầu để chụp ảnh với giá chỉ từ 15.000đ.

Kiến trúc

Thông thường, mỗi một dòng họ trong tộc người Miêu lại tự thành lập một ngôi làng riêng. Các dòng họ thường xây nhà thành các khu riêng biệt và tách rời nhau với vật liệu chủ yếu là gỗ. Người Miêu từ xa xưa đã rất linh hoạt trong việc thiết kế nhà ở sao cho phù hợp với địa hình và môi trường sống nên nhà của người Miêu ở các vùng khác nhau lại có cách xây dựng khác nhau.

Nhà của người Miêu ở Phượng Hoàng Cổ Trấn thường là nhà gỗ xây trên các cột trụ cao và có tên gọi là Điếu Cước Lâu. Vì được xây ở các khu vực có địa hình dốc, cạnh sông nước nên người Miêu khi xây nhà sẽ san bằng phần móng nhà, sau đó dùng các cột trụ chống ở bên dưới để đỡ các phần của căn nhà nhô ra khỏi phần móng bằng phẳng đó.

Thường thì mỗi căn nhà sẽ có ba tầng, tầng một là khoảng đất được ngăn với tầng hai bằng các cột nhà sẽ là nơi chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tầng hai là tầng sinh hoạt chung của cả gia đình còn tầng ba là kho lưu trữ lương thực và thóc gạo. Mái nhà thường có hình vòm với lỗ thông gió. Bên ngoài mỗi tầng nhà là một ban công gỗ với lan can gỗ chạm trổ hình hoa lá.

Ảnh: Pxhere

Du khách khi đến Phượng Hoàng Cổ Trấn sẽ thấy ngay các dãy nhà gỗ của người Miêu và cả người Thổ Gia nằm dọc theo dòng sông Đà Giang. Dãy các ngôi nhà này có một cái tên ngộ nghĩnh là Lầu Miêu Miêu và đã có tuổi đời hơn 1300 năm. Thực tế, du khách không hề mất tiền khi vào Phượng Hoàng Cổ Trấn. Vé tham quan với giá chung 148 NDT chỉ dùng để tham quan các điểm chính trong trấn như nhà cũ của Thẩm Tòng Văn, Đông Môn Thành Lầu, Từ đường Dương gia,... Còn du khách có thể tự do đi lại giữa các phố phường của cổ thành và chụp ảnh. Nếu muốn ngồi thuyền dọc sông để ngắm cảnh, du khách có thể trực tiếp thuê thuyền tại bến và trả giá với lái đò. Giá cả đi thuyền du ngoạn sẽ rơi vào khoảng 30-40 NDT/ khách lẻ.

Lễ hội

Mỗi năm, thị trấn cổ Phượng Hoàng lại trở nên náo nhiệt với hai lễ hội lớn của người Miêu. Đó là lễ Khiêu Hoa (跳花节) và hội đua thuyền Rồng.

Lễ Khiêu Hoa

Lễ hội Khiêu Hoa (Tiaohua hoặc Tiao Hua Po) là một lễ hội truyền thống của người Miêu được tổ chức lần đầu từ năm thứ 15 của vua Càn Long (1750). Tới nay lễ hội đã tổ chức được 67 lần. Vào ngày này, người Miêu sẽ cùng tập trung để ăn mừng ngày thứ 5 của tháng 2 âm lịch. Tuy nhiên thời gian chính thức của lễ hội tại từng vùng cũng có thể sẽ khác nhau. Lễ Khiêu Hoa thường được tổ chức vào tháng 5 dương lịch hàng năm tại Phượng Hoàng Cổ Trấn.


Vào dịp hội Khiêu Hoa, ở Phượng Hoàng Cổ Trấn sẽ có rất nhiều hoạt động truyền thống đặc biệt như lễ tế trời, múa sạp, chọi trâu, đua ngựa, đấu vật, bắn tên, diễu hành,... Và đặc biệt không thể thiếu được những tiết mục múa trên nền nhạc truyền thống.

Du khách tới Phượng Hoàng Cổ Trấn vào tiết Khiêu Hoa có thể thuê một bộ đồ trang phục người Miêu để cùng hòa vui với không khí lễ hội cùng đoàn diễu hành. Nếu muốn chiêm ngưỡng lễ thành hôn truyền thống của người Miêu, du khách hãy tới bên bờ sông Đà Giang để ngắm những chiếc thuyền hoa đang chở đôi tân lang, tân nương. Du khách cũng có thể tới trấn Sơn Giang cách Phượng Hoàng khoảng 20km để ghé thăm một làng người Miêu địa phương và chiêm ngưỡng những vũ khúc dân tộc xinh đẹp.

Hội đua thuyền Rồng

Đua thuyền Rồng là một hoạt động truyền thống diễn ra vào tháng 6 hàng năm tại Phượng Hoàng Cổ Trấn với sự tham gia của người Miêu sinh sống trong trấn cũng như từ các bản làng gần đó. Một điều đặc biệt là các tay đua thuyền sẽ phải vừa đứng vừa chèo thuyền trong khi hoàn thành một chặng đua dài khoảng 400m trong vòng 2 phút.

Ảnh: Justdial

Sau cuộc đua thuyền, ban tổ chức lễ hội còn mở thêm một cuộc thi bơi lội và bắt vịt trên sông để tăng thêm sự hấp dẫn cho người tham dự. Thi bắt vịt là một môn thể thao gần như chưa từng thấy ở nơi nào khác, nhưng hoạt động này từng xuất hiện trong cuốn tiểu thuyết “Thị trấn Vùng biên” của nhà văn Thẩm Tòng Văn. Ông là một trong những nhà văn vô cùng nổi danh tại Trung Quốc và là người gốc Phượng Hoàng Cổ Trấn.

Để quan sát lễ hội đua thuyền Rồng, du khách có thể đứng ở ven bờ sông Đà Giang hoặc ngồi trên ban công của những căn nhà Điếu Cước Lâu ven sông để có tầm nhìn tốt nhất để theo dõi cuộc đua.

Nếu các bạn có dịp ghé thăm Phượng Hoàng Cổ Trấn, đừng quên thử hết những trải nghiệm trên mà Yeudulich.com đã gợi ý để có một chuyến đi thật thú vị nhé.

Theo: yeudulich




No comments: