Hồi sinh viên, trước khi nghỉ hè năm thứ hai, anh ghé nhà chơi cho chị một túi quà tạm biệt. Thời đó còn xấu hổ, chưa biết “mở quà” trước mặt bạn. Bởi lời thích, lời thương gì đó người ta còn chưa có nói.
Anh về, chị mới dám giở ra, bên cạnh chôm chôm, ổi, còn có một bịch khoảng 1 ký lô, đựng toàn trái lạ. Chị hỏi ba: “Trái gì lạ quá ba?”. Ba chị nhìn vào chiếc túi ngạc nhiên: “Ôi, tiêu lốp, lâu lắm rồi ba mới thấy nó. Nói mẹ con mang kho cá đi, chiều nay nhà mình có ơ cá ngon nhứt năm nghen!”.
Nhiều người còn gọi là tiêu lớp, vì bên ngoài những hạt tiêu còn như có một lớp (lốp) màng bọc lại
Đó là lần đầu tiên, cô gái chính gốc Sài Gòn ấy được ăn cá kho tiêu lốp trong đời. Có thể nói vị ngon đúng như ba tả. Nhờ tài khéo của mẹ, nồi cá tra kho nâu vàng, sánh mỡ, thơm lừng. Cái mùi tiêu, mà không phải… mùi tiêu ấy nồng nồng, dìu dịu làm người ta muốn gắp thử.
Ba nói: “Phải 7 năm rồi ba mới thấy lại nó nghen. Năm đó đi công tác Tây Ninh, ghé Hóc Môn ăn cơm quán, được ăn thịt kho tiêu lốp, tới giờ nhắc vẫn còn thơm. Con nói thằng Phong bữa nào lên mang cho mình một dây tiêu lốp ba trồng ở gốc cau hông nhà nghen con”.
Nói rồi, ông quay sang mẹ của chị: “Công nhận mẹ giỏi nghen, món gì cũng nấu ngon lành. Bộ em ướp từ đầu luôn hay sao mà hương nó thấm dữ vậy?”. Mẹ cười: “Em ướp từ đầu có 3 trái dập dập thôi, sợ cay. Sau cá gần chín, em đập thêm 3 trái nữa vô ơ cá. Biết anh mê nên em thêm cho anh 2 trái nguyên”.
Dây tiêu lốp còn trồng làm cảnh bởi khi kết trái, cây nhìn rất đẹp.
Mâm cơm hôm ấy quanh chủ đề tiêu lốp. Ba và mẹ kể nhiều món có thể nêm được món gia vị thần thánh này cho chị em chị nghe.
Sau bữa cơm, mẹ lấy hơn phân nửa bịch tiêu còn lại ra sân phơi. 3 nắng, mẹ kêu chị lấy cối xay tiêu khô. Mẹ chị nói tiêu này còn làm được nhiều bài thuốc hay. Tiêu rang xong, mẹ chị lấy một hũ nhỏ để vào, nói để dành nêm canh, kho cá. Còn lại, bà chỉ con gái rang muối hầm trộn chung để làm muối tiêu.
Khác với hồ tiêu, tiêu lốp khi xay, rang lên không làm người ta nhảy mũi mà vẫn nghe thơm nồng. Không phải chỉ rang muối, rang tiêu, mà sau khi trộn 2 gia vị này cùng nhau, bà còn cho thêm tí xíu bột ngọt, trộn đều rồi rang thêm lần nữa chừng 3 phút là nhắc xuống. Để thật nguội, mới cho vào keo.
Sau đó không lâu, nhà chị cũng có dây tiêu lốp quấn quanh thân cây cau bên hông nhà, cạnh cọc trầu ba chị trồng để nhớ bà nội. Các món ăn trong nhà của chị cũng từ đó, dây vị tiêu nồng.
Không giống hồ tiêu, tiêu lốp chín, phơi khô rang lên làm muối có màu nâu đỏ trông rất đẹp mắt (hũ muối tiêu lốp nằm bên phải)
Khi dây tiêu quấn đầy thân cây cau lên đến hơn 2m, ba chiết mang cho hàng xóm, người quen không biết bao nhiêu bầu tiêu, cũng là lúc chị và Phong cưới nhau.
Theo chồng về Củ Chi sinh sống, chị mới phát hiện những nhà dân xung quanh, cứ vài nhà là có một nhà có dây tiêu lốp. Có nhà trồng mọc phủ bờ rào như một thứ dây leo làm cảnh. Trái xanh, trái đỏ chi chít trông vô cùng đẹp mắt.
Dĩ nhiên nhà Phong cũng có trồng. Một dàn tiêu lốp với cơ man nào là trái. Hễ cuối tuần rảnh rỗi, chị lại tìm ra dàn tiêu, cùng mẹ chồng tỉa trái chín, mang phơi, làm muối, gửi tặng bạn bè, người quen. Anh Phong hay đùa với các con: “Đây là “tiêu love” - tiêu tình yêu. Nhờ có nó mà cha được nhà ngoại chấm làm con rể”.
Hơn 10 năm bên anh, dù mùa nắng hay mưa, hễ đi dạy về, chị lại thích đu đưa trên võng, nghe tiếng gà gáy, tiếng chim gù, tiếng mưa rơi, để nghe thoảng trong gió đâu đó mùi cá kho tiêu lốp, thơm nồng bao kỷ niệm.
Nguyễn Đông Chương / Theo: PNO
No comments:
Post a Comment