Ngọc thụ hậu đình hoa - Trần Thúc Bảo
Lệ vũ phương lâm đối cao các,
Tân trang điểm chất bản khuynh thành,
Ánh hộ ngưng kiều sa bất tiến,
Xuất duy hàm thái tiếu tương nghinh,
Yêu cơ kiểm tự hoa hàm lệ,
Ngọc thụ lưu quang chiếu hậu đình.
玉樹後庭花
陳叔寶
麗宇芳林對高閣,
新裝豔質本傾城;
映戶凝嬌乍不進,
出帷含態笑相迎。
妖姬臉似花含露,
玉樹流光照後庭。
Một số bản có chép thêm hai câu ở cuối bài này:
花開花落不長久,
落紅滿地歸寂中!
Hoa khai hoa lạc bất trường cửu,
Lạc hồng mãn địa quy tịch trung!
(Hoa nở lại tàn, không mãi được,
Sắc hồng rụng đầy đất, trở về cõi hư không)
Hoa trong sân
Bản dịch của Phan Thế Roanh
Bóng rợp hương thơm chốn lâu các,
Nghiêng thành vẻ đẹp với màu tươi,
Ngoài cửa dịu dàng khoan dạo bước,
Trước màn chào đón mỉm môi cười,
Má hồng tựa đoá hoa đầy móc,
Cây ngọc sân sau chiếu sáng ngời.
Hậu Đình Hoa, khúc nhục ca vong quốc
Trần Hậu Chủ (583-587), tên thật Trần Thúc Bảo, vị vua cuối cùng của nhà Hậu Trần thời Nam Bắc triều bên Tầu. Tài tử, phong lưu, nhưng ham mê thi, ca, vũ, nhạc, rượu và gái đẹp nên làm mất nước. Trong lịch sử Đông Tây những hôn quân làm mất nước thường mắc chung những cái mê như trên, nhưng mê man và mê muội đến độ giặc kéo vào tới kinh đô vẫn chưa biết, có lẽ chẳng có mấy kẻ như ông Trần Hậu Chủ này.
Chuyện xưa kể rằng: Trần Hậu Chủ mê hai mỹ nhân Khổng Quý Tân và Trương Lệ Hoa, cho dựng gác Lâm Xuân, gác Ỷ Kết, lầu Vọng Tiên bằng gỗ trầm hương, dát thêm vàng ngọc, để cùng mỹ nhân thưởng ngoạn. Dưới lầu trồng cây quý, hoa lạ, dựng đá làm núi Nghênh Phong, tháo nước làm hồ Ngoạn Nguyệt... Hằng đêm lại bày tiệc vui, họp các quan học sĩ làm thơ xướng hoạ... Những bài thơ hay cho chép thành tập, đem phổ nhạc để ca nhân xướng hát, gồm ba tập: Nghinh xuân nhạc, Ngọc thụ, và Hậu đình hoa. Trong ba tập, Hậu đình hoa gồm những bài thơ, bài hát du dương, tình tứ nhất.
Khi quân của Tuỳ Văn Đế đánh vào tới kinh đô, Trần Hậu Chủ vẫn còn say tuý luý trên lầu Ỷ Kết. Người ta lấy nước đổ vào mặt cho tỉnh, khuyên ra hàng để cứu sinh linh, Hậu Chủ bèn nghĩ kế... thoát thân bằng cách dắt mỹ nhân và quần thần nhảy xuống giếng ở sau lầu để trốn!
Cái tên Trần Hậu Chủ và khúc hát Hậu đình hoa trở thành điển tích của vết nhơ vong quốc từ đó...
Người đời sau chê Trần Hậu Chủ mà quên trách bọn học sĩ bao quanh ông ta. Đất nước ngả nghiêng mà không biết can vua, chỉ lo uốn bút làm thơ, ngâm hoa vịnh nguyệt! Xưa cũng như nay, đành rằng “quốc gia hưng vong thất phu hữu trách”, nhưng kẻ thất phu không được học hành, không mang danh học sĩ nên chỉ phải chịu phần trách nhiệm tương xứng với kiến thức thất phu. Còn các “sĩ”, bằng cấp đầy người, kiến thức đầy đầu, quyền cao đầy mặt, bổng lộc đầy đời, hẳn phải có trách nhiệm tương xứng với kiến thức của kẻ mang cái danh có chữ sĩ. Lúc điêu linh đất nước nào cũng nhan nhản những thứ học sĩ không biết nhận trách nhiệm của học sĩ, chỉ biết ngồi chọn chữ, lựa vần, uốn bút tung hô hôn quân, bạo chúa, tổng phệ, tổng lì, thật đáng buồn thay!
Khúc Hậu đình hoa hẳn phải du dương tình tứ lắm. Chẳng thế mà hơn hai trăm năm sau, ca nhân, thương nữ vẩn còn ưa hát? Ông thi sĩ Đỗ Mục (803-852) một đêm đậu thuyền ở bến Tần Hoài, mắt nhìn cảnh khói phủ mờ sông lạnh, trăng chiếu bãi cát xa, tai nghe giọng hát, động mối cảm hoài, làm nên bài thơ tuyệt tác Bạc Tần Hoài (Đêm đậu thuyền ở bến Tần Hoài):
Yên lung hàn thuỷ nguyệt lung sa,
Dạ bạc Tần Hoài cạnh tửu gia,
Thương nữ bất tri vong quốc hận,
Cách giang do xướng Hậu Đình Hoa.
Thiện Nhân dịch:
Khói che sông lạnh, trăng lồng cát,
Thuyền đậu bến đêm cạnh tửu gia,
Ca nữ chẳng hay hờn mất nước,
Bên sông còn hát Hậu Đình Hoa.
Người Việt ta biết tên khúc hát Hậu đình hoa là do bài thơ kể trên của họ Đỗ. Đỗ Mục cũng là một học sĩ, sống vào cuối thời Đường. Nghe ông nhà thơ trách ca nhân, người không biết tiểu sử họ Đỗ sẽ cho là thi nhân ưu thời mẫn thế lắm. Tưởng vậy nhưng mà không phải vậy! Nhà thơ cũng ăn chơi ra gì, la cà chốn ca lâu tửu điếm, nổi danh là khách phong lưu, trong khi đất nước đang hồi... xập xệ! Họ Đỗ có làm bài Khiển hoài (khơi mối cảm hoài) tự nói về mình cũng ướt át lắm:
Lạc phách giang hồ tái tửu hành,
Sở yêu tiêm tế chưởng trung khinh,
Thập niên nhất giác Dương châu mộng,
Doanh đắc thanh lâu bạc hãnh danh.
Trần Trọng San dịch:
Lạc phách giang hồ, lệch bước say,
Lưng thon kỹ nữ nhẹ trong tay,
Dương châu, chợt tỉnh mười năm mộng,
Được tiếng lầu xanh phụ bạc hoài.
Thương nữ xưa kia, cũng như thất phu, không được học hành rành rẽ, cho nên thấy khúc ca du dương thì hát, hay đâu đó là khúc nhục ca vong quốc. Thương nữ thời nay, có kẻ học hành đâu ra đấy, khôn ngoan lắm khi hơn cả...học sĩ, biết rõ cái nhục bỏ quê mà chạy, vậy mà vẫn cất lời, ca những bài nhục nhã của một thời bại vong, há chẳng đáng trách lắm sao?
Mười hai thế kỷ sau có anh “báo sĩ” sống nhờ trên đất Cờ Hoa, đem chuyện khúc Hậu đình hoa ra trách người ca sĩ. Biết trách ca nhân sao không biết trách kẻ cầm bút? Có kẻ đã nói “mỗi ngòi bút nếu xử dụng đúng sẽ là một quân đoàn chống giặc”. Ngòi bút của văn gia nổi tiếng lại càng dũng mãnh hơn nhiều. Thế mà có những kẻ cầm bút chỉ dùng cái quân đoàn của mình để tâng bốc giọng ca, đề cao băng nhạc, dựng hư ngôn kiếm chút rượu thừa, vẽ bông hồng tặng người tài hoa (ối chao!) thì nỡ trách chi “thương nữ bất tri vong quốc hận”?
Mười hai thế kỷ sau có anh “báo sĩ” sống nhờ trên đất Cờ Hoa, đem chuyện khúc Hậu đình hoa ra trách người ca sĩ. Biết trách ca nhân sao không biết trách kẻ cầm bút? Có kẻ đã nói “mỗi ngòi bút nếu xử dụng đúng sẽ là một quân đoàn chống giặc”. Ngòi bút của văn gia nổi tiếng lại càng dũng mãnh hơn nhiều. Thế mà có những kẻ cầm bút chỉ dùng cái quân đoàn của mình để tâng bốc giọng ca, đề cao băng nhạc, dựng hư ngôn kiếm chút rượu thừa, vẽ bông hồng tặng người tài hoa (ối chao!) thì nỡ trách chi “thương nữ bất tri vong quốc hận”?
Thiện Nhân Nguyễn Khánh Do
Theo: Thi Viện