Thursday, August 31, 2023

CÓ CON TRÂU XANH HẾT LÒNG GIÚP ĐỠ

Trong ca khúc Ngày trở về của Phạm Duy, ngoài nỗi mừng mừng tuổi tuổi của buổi trùng phùng thời bình giữa người với người, còn có hình ảnh tích cực của một startup nông phu-thương binh: “Ngày trở về, có anh nông phu chống nạng cày bừa/ Vì thương yêu anh nên ngày trở về/ Có con trâu xanh hết lòng giúp đỡ”.


Ca khúc chẳng cho ta thấy anh thương binh bận lòng gì đến các thủ tục hành chánh, mà xăn ống quần, chống nạng xuống ruộng ngay. Đúng là tác phong của một chiến binh.

Ngày trở về, chẳng bao lâu “lúa ngô thi nhau hát đùa trước ngõ.” Nhưng cảnh thanh bình của Phạm Duy dựng lên vẫn tài hoa nhất là sự mất mát, đền nghì kín đáo nghĩa trúc mai: “Ngày trở về, những đóa hoa/ Thấm thoát mười năm nhớ anh vắng xa/ Có nhiều khi đời hoa chóng già vì thiếu mặn mà.” Nhờ có hết “thiếu mặn mà” nên mới có “đàn trẻ đùa bên lũ trâu”. Chỉ vài nốt nhạc-câu hát, cảnh thanh bình có vẻ vuông tròn.

Cái startup của anh nông phu thời Phạm Duy là kiểu khởi đầu theo mô hình “con trâu là đầu cơ nghiệp”. Nhưng anh ta có cái may mắn hơn những người khác, vì ông bà thường phân tích tình huống tiền startup: “Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà/ Cả ba việc ấy thật là khó thay.” Từ chiến trường trở về anh ta có đủ số tư bản ấy và có cả “trợ lý” vợ. Bằng không, ảnh chẳng biết trở về đâu.

Trong thi ca và trong nghệ thuật Việt Nam, hình ảnh con trâu được nói tới nhiều hơn con bò. Nhất là con trâu và mục đồng. Phạm Duy trong bài Em bé quê thấu cảm cảnh chăn trâu của đứa trẻ mới học vần: “Ai bảo chăn trâu là khổ/ Chăn trâu sướng lắm chứ/ Ngồi mình trâu, phất ngọn cờ lau/ Và miệng hát nghêu ngao/ Vui thú không quên học đâu/ Nằm đồi non gió mát/ Cất tiếng theo tiếng lúa đang reo/ Em đánh vần thật mau…”


Bài Khi tôi về của Phạm Duy phổ nhạc thơ Kim Tuấn: “Khi tôi về có con chim câu nằm trong tổ ấm./ Dây thép gai hết rào quanh đồn phòng ngự và người lính đã trở về cày đám ruộng xanh./ Khi tôi trở về có con diều bay đùa trong gió./ Ở quê nhà, trên thảm cỏ xanh, có đứa trẻ để bụng lòi rốn đen cười thanh bình./ Buổi chiều có con trâu rung mỏ vu vơ như trong giấc mộng.” Cảnh thanh bình của người Việt, một thời, không thể thiếu con trâu.

Chăn trâu lại được Đào Duy Từ, đệ nhất khai quốc công thần triều Nguyễn, phân ra làm hai loại “chăn trâu anh hùng” và “chăn trâu tôi tớ”. Ông khơi lại dòng lịch sử qua các nhân vật ngày xưa bên Tàu để chứng minh cho lập luận của mỉnh:

– Gia Cát Lượng cày ruộng ở Nam Dương. Lưu Bị ba lần đến lều tranh của Gia Cát Lượng mời ra giúp sức, để chống nhau với Tào Tháo và Tôn Quyền.
– Nịnh Thích vì nhà nghèo phải sang nước Tề ở chăn trâu cho người khác. Một hôm, đang gõ sừng trâu ca hát, gặp Tề Hoàn Công đi qua. Tề Hoàn Công nghe tiếng hát lấy làm cảm động, liền dùng Nịnh Thích làm thượng khanh.
– Lý Bá Hề làm quan ở nước Ngu, biết nước này sắp bị diệt vong, bèn bỏ sang nước Tần, đi ở chăn trâu. Mục Công nước Tần biết Hề là người giỏi, dùng làm tướng, làm nên nghiệp bá.

Bản thân của Đào Duy Từ cũng một thời biệt xứ, vào Bình Định chăn trâu mướn. Chăn trâu anh hùng của Đào Duy Từ và chăn trâu sướng của Phạm Duy quả có khác trời vực!


Quan niệm “tứ ẩn” của người xưa gồm có: ngư, tiều, canh và độc (đánh cá, chặt củi, làm nông và đọc sách). Chẳng hiểu sao trong các bộ tranh như tranh khắc gỗ, Henri Oger lại dùng hình ảnh chăn trâu để minh họa cho ‘canh’. Trong tứ ẩn, “cha chú” nhất là cái anh kẻ sĩ tối ngày lang thang ở Đường Sách, Sài Gòn!

Trong nghệ thuật trên giấy bạc có: tờ bạc 100 đồng của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do họa sĩ Nguyễn Huyến vẽ có hình con trâu xanh, phát hành vào năm 1946-47; tờ 500 đồng của Việt Nam Cộng hòa cũng có hình con trâu xanh phát hành năm 1963.

Con trâu xanh cũng là một thứ “tư bản” “grab bike” ship Lão Tử vào núi. Lão lái “trâu-bike” bằng sợ dây cương xỏ mũi trâu, nên về sau những người theo học đạo của ngài được gọi là đạo sĩ mũi trâu. Trước khi vào núi liễu đạo, ông đã để lại cuốn Đạo Đức kinh cho một viên hải quan, theo khẩn khoản của người này. Hình ảnh này cũng không khác mấy anh chàng thuế vụ lùn ngộ được lời giảng của Chúa Giêsu khi leo lên cây để nghe ngài rao giảng, được tường thuật lại trong Kinh thánh Tân ước. Lạ là toàn mấy anh thuế… ngày xưa sớm thấu hiểu lẻ đạo.


oOo

Trong Bình ca Một, Phạm Duy đã an ủi con trâu: “Này em con trâu già/ Nhiều năm trâu vất vả/ Cùng với bác xã nơi đồng quê/ Này em con trâu già/ Nằm chơi trâu nhai cỏ/ Nhìn những chiếc máy đang cầy bừa./ Trâu đừng buồn vì máy cầy nghe…”

Khi những chiếc máy cày đã cho những “tư liệu sản xuất trâu” về vườn “đọc sách” như kẻ sĩ nọ trong “tứ ẩn”, năm 2019, châu Âu bắt đầu triển khai dự án tái hoang dã hóa trâu xanh. Họ đã thả 18 con trâu nước lên cù lao Ermakov, một trong những hòn đảo lớn, rộng 3.500 ha, ở hạ lưu sông Delta thuộc Ukraina. Các nhà bảo tồn trong tổ chức Rewilding Europe cho rằng không phải họ làm bộ làm tịch mang những hồn ma thời xưa trở lại. Trâu, theo họ, là những kỹ sư vĩ đại của thiên nhiên.

Công Khanh
Theo: saigonthapcam