Friday, August 11, 2023

CẮM CÂU, NGHỀ ĐÂU CÓ DỄ

“Lỡ mai thất nghiệp anh về quê cắm câu, bắt con nhái bầu…”. Nghe mấy đứa nhỏ hát chế lời ca theo điệu Trăng thu dạ khúc mà tôi chạnh nhớ những năm 70 của thế kỷ trước. Khi cùng gia đình tản cư từ cánh đồng Cần Đước sang tận vùng kinh xáng Xà No.


Lúc chân ướt chân ráo tới vùng đất xa lạ, không bà con thân thuộc nên cuộc sống gia đình thật vất vả. “Trời sanh voi đất sanh cỏ”, gia đình tôi cũng sống được nhờ vào cái tài cắm câu như một nghề của người cậu, em của mẹ. Mỗi ngày chỉ cắm 150 cần câu có thể thu được từ 10 đến 20kg cá lóc, trê và rô. Tuy là người mới đến mảnh đất này, chưa quen Thổ thần, Thổ địa, nhưng dễ gì mấy thanh niên, đàn ông ở cố cựu nơi này thời đó thu hoạch cá nhiều hơn cậu.

Từ những lượng cá thu được mỗi ngày, bà con trong vùng đồn thổi một cách mê tín rằng cậu có tay sát cá. Cũng có người suy nghĩ khoa học hơn, họ bảo cậu có “bửu bối” mà giấu nghề không truyền dạy, đó là toa thuốc ướp mồi dụ cá. Nhưng thật ra không đúng như vậy, bởi là con cháu trong nhà, tôi hay theo cậu đi cắm câu và thăm mồi. Khi rảnh rỗi, hai cậu cháu ngồi trò chuyện, tôi mới vỡ lẽ.

Nghề cắm câu, thoạt nghe ai cũng tưởng dễ, chỉ cần có cần, dây (nhợ), lưỡi và mồi thì bất cứ ai cũng có thể cắm được, thậm chí trẻ nhỏ. Nghe cũng có lý, đúng lắm chứ! Ấy vậy mà rất khó. Khó ở chỗ cắm là được rồi đó, nhưng cá có ăn hay không.

Nhưng dù gì đi chăng nữa, kinh nghiệm vẫn là điều tất yếu để có thể tồn tại miếng ăn hằng ngày cho gia đình tôi bằng nghề cắm câu của cậu. Đúng là kinh nghiệm thật quan trọng theo như cậu thường kể cho tôi nghe, phải có kinh nghiệm mới bắt được cá lớn và số lượng nhiều. Tất nhiên, cá lớn phải ngon hơn cá nhỏ và giá bán cũng cao hơn.


Nghề cắm câu đòi hỏi người cắm phải có quá trình may mò, nghiên cứu thật tinh tế cũng như thấu hiểu tâm lý, tập quán sinh hoạt của cá. Muốn thắng lợi, thu hoạch nhiều cũng giống như Khổng Minh ngày xưa thấu hiểu quy luật của thiên nhiên, thời tiết “chỉ cần gió đông”. Nghề cắm câu cũng vậy, phải nắm cho được yếu tố thời tiết, môi trường và điều kiện sinh lý của cá. Phải biết lúc nào cá giỡn mồi, nơi nào cá nằm nghỉ ngơi, đường nào cá đi hoặc ổ chúng làm ở đâu trên đồng, kênh, mương, ao hồ.

Từ đó, người cắm phải biết xác định cần cắm nơi nào, khoảng cách từ cần này đến cần kia là bao xa, cắm thấp hay cao so với mặt nước, dây nhợ dài hay ngắn, mà dài là bao nhiêu, ngắn là bao nhiêu. Rồi còn phải tùy theo thời gian ngày, đêm, tháng nào dùng mồi gì cho phù hợp với khẩu vị của cá.

Theo kinh nghiệm của cậu thì, khoảng tháng 8 đến tháng 9, thời tiết tương đối ẩm, cá tìm thức ăn ở độ sâu, thường là các loại cá trê, cá lóc. Thời điểm này phải dùng dây gân dài 7 tấc và loại lưỡi câu đúc. Sang tháng 10 trở đi thì lại khác nữa rồi. Lúc này, thời tiết đang lạnh dần, cá chuyển hướng tìm ăn trên mặt nước, phải dùng loại lưỡi câu gió ó với các loại mồi như: nhái, tép, trùng để bắt cá lóc, cá trê lẫn cá rô.

Tất nhiên, khi cá kiếm ăn trên khơi thì phải dùng dây gân ngắn hơn, chừng khoảng 5 tấc là vừa. Cắm cách này không nhất thiết phải đòi hỏi khoảng cách của cần này cách cần kia là bao nhiêu. Nhưng phải cắm đúng vị trí, nghĩa là những nơi nào để cá dễ dàng quan sát, thấy được mồi mà đớp. Cậu nói: chắc mẻm là những nơi dọc theo bờ trong những bụi cỏ thấp nổi lều bều trên mặt nước có đóng những giề bọt màu vàng phèn, hoặc kết hợp với mắt mình quan sát, nhìn kỹ những bọt nước khi cá đớp móng.


Cũng có thể cắm trên đồng ruộng sau khi đã cấy mạ, ở địa thế này phải tìm bụi lúa nào phát triển trội hơn, to, cao để cắm. Một lẽ cũng dễ hiểu thôi, bởi vì những nơi gốc lúa đó, có gò đất cao, cá thường bơi đến đó nằm dựa. Hoặc tìm những nơi mọc nhiều rong, cỏ. Cố tìm cho được một đường mà rong, cỏ bị vẹt như đường mòn trên mặt đất khô mà lũ chuột hay làm. Bởi vì rong, cỏ chằng chịt cá không bơi được dễ dàng, chúng phải vẹt một đường trên mặt nước mà bơi.

Khi đã phát hiện, chỉ cần cắm theo những đường mòn ngoằn ngoèo đó là “chắc cú như bắp” không thể nào sẩy. Thời điểm này, dùng mồi ốc và cắm vào lúc hừng đông, khi trời còn mờ mờ sương cho đến khi chạng vạng tối. Còn mồi trùng, nhái, tép cắm lúc trời sụp tối cho đến sáng hôm sau.

Vào khoảng tháng 8 đến tháng 2, cá bắt đầu mập ra, thịt mềm bán rất có giá. Còn tháng 3 trời bắt đầu ui ui chuyển mưa, lúc này cá mang bụng trứng hoặc vừa mới đẻ, đầu bự, thân ốm nhách, thịt dai, giá rẻ hơn. Bước sang tháng 4, tháng 5 cá dần phục hồi trở lại trạng thái bình thường.

Muốn có món cá ăn ngon thì phải có cá sống tươi ngon, nhưng ý muốn này chỉ còn là trong hoài niệm. Bởi vì trước đà dân số tăng đến mức báo động như hiện nay, lượng thực phẩm cung ứng cho nhu cầu ẩm thực của con người là đòi hỏi quá lớn. Tất nhiên, cá cũng là thức ăn không thể loại trừ.


Bên cạnh đó, có một vài địa phương, người dân không ý thức trong việc bảo tồn cá như ông bà ta xưa thường căn dặn con cháu “ăn cây nào rào cây nấy”. Họ tìm mọi cách bắt cá mà không cần biết cá lớn hay nhỏ. Chẳng hạn như: dùng dây thuốc cá, vợt điện hay câu bắt cá lóc mẹ, cha bỏ bầy lòng ròng. Sau đó vớt cá lòng ròng kho sả, ớt ăn trong gia đình hoặc bán. Họ dùng một cần câu dài, dây gân lớn, tóm một lưỡi câu rê, móc mồi xong cột vào chân một chú vịt con, thả xuống gần bầy lòng ròng.

Đang chăn dắt con, cá lóc mẹ hay cha rất hung dữ. Khi thấy có con vật khác đến gần đe dọa sự an toàn của bầy con tức thì cá mẹ phóng lên táp ngay theo một quán tính tự nhiên, bằng cảm xúc từ tấm lòng của người mẹ mà không bằng lý trí toan tính thiệt thua, nguy hiểm, cho nên cá mẹ không ngại gì táp ngay miếng mồi tử thần ấy. Thế là dính bẫy của con người thật đáng sợ kia.

Vậy cũng chưa yên với lòng tham không đáy của con người, cá mẹ dính câu, lần lượt tới cá cha khi thay mặt vợ với phận “gà trống nuôi con”. Tội nghiệp! Thương cho bầy cá lòng ròng còn thơ dại sớm mồ côi cha, mẹ. Không ai chăn dắt, chăm sóc, nuôi nấng, bảo vệ mà tự sinh tự diệt. Chúng dễ dàng bị các loài cá dữ khác “xơi tái”. Thật tai hại! Người ta dùng đủ mọi cách để bắt cá, bất kể mọi hậu quả không lường về sau, để miễn sao bắt được cá là thỏa mãn yêu cầu.

Chưa kể đến việc sử dụng phân bón vô cơ cho cây trồng và trên ruộng lúa cùng với việc sử dụng thuốc kích thích, diệt cỏ, sâu làm hủy diệt môi trường nước, ảnh hưởng đến môi trường sống và sinh sản của cá. Đây là mối nguy cơ không nhỏ dẫn đến sự diệt chủng các loại cá.


Nghe câu ca dao ngoại hát ru à ơi theo cánh võng: “Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng, về sông ăn cá, về đồng ăn cua”. Thôi đừng mơ, bỏ qua đi “tám”, bởi sông hay ao hồ, đồng ruộng ngày nay, cá đâu còn như xưa mà mong trông cậy về kiếm cá, kiếm cua. Để đáp ứng cho nhu cầu thực phẩm trước sự may một của loài cá, cua, tôm… ngày càng ít dần, người dân nông thôn tổ chức đào ao, hồ nuôi cá công nghiệp, không còn nuôi theo cách dưỡng thiên nhiên như xưa, cho nên trách sao được khi không còn món ăn ngon chế biến từ cá.

Cũng phải thôi, con cá tươi sống có ngon đâu mà có món cá ngon! Nghe câu hát mấy đứa nhỏ chế lời còn buồn hơn khi mình cũng không còn có thể về nếu lỡ thất nghiệp, “Lỡ mai thất nghiệp anh về quê cắm câu, bắt con nhái bầu móc ngay yết hầu…”, rồi ngùi thương cái nghề cắm câu của cậu. Có lẽ cũng là nỗi buồn chung canh cánh trong lòng mỗi chúng ta khi nhớ về hương thôn.

Huỳnh Duy Lộc
Nguồn: KTNN 1040



No comments: