Hoàng đế Ung Chính
Người hiện đại phải đối diện với đủ loại ồn ào phiền não của xã hội hiện đại, thế nên ngày càng nhiều người tìm hiểu phương pháp để thân tâm an hòa của người xưa. Để thân tâm an hòa thì cần điều chỉnh phương thức sống để đạt được 3 loại hài hòa gồm: Hài hòa giữa con người với thiên nhiên; hài hòa giữa con người với con người; hài hòa giữa thân và tâm.
Để xem phụ nữ xưa sống như thế nào, chúng ta có thể tìm hiểu thông qua bộ tranh “12 mỹ nhân thời Ung Chính” (雍正十二美人图 Ung Chính thập nhị mỹ nhân đồ)
Bức tranh thứ nhất: Trầm tư bên tủ đồ cổ
Trong 12 bức tranh mỹ nhân thì bức tranh này vô cùng hoa lệ. Một người phụ nữ trầm tư ngồi trên chiếc ghế trúc, cô mặc chiếc áo đỏ bên trong, bên ngoài khoác chiếc áo khoác màu gỗ giáng hương, trước ngực thêu bông hoa màu chàm cũng rất bắt mắt.
Từ tay áo lộ ra bàn tay ngọc ngà nhỏ nhắn, nước da trắng nõn nà, ngón tay như những búp măng nhỏ nhắn xinh xắn, những chiếc móng tay óng ánh sáng bóng. Tay trái cô cầm chiếc khăn màu ngọc bích. Bàn tay và chiếc khăn tôn vẻ đẹp lẫn nhau.
Trong bức tranh, cô gái đang hơi cúi đầu nhìn về phía trước, Trước mặt cô là chiếc bàn sơn đen vẽ hoa văn màu vàng kim, bên trên bày mấy món đồ cổ. Một chiếc bình hồ lô nhỏ cắm một cành mai. Có một chiếc nghiên mực bằng đá tùng hoa, chiếc bình dẹt và các đồ khác. Bên cạnh cô còn có một chiếc tủ trưng bày đồ cổ, trưng bày những đồ cổ quý giá, đó là những đồ gia dụng rất được ưa chuộng thời nhà Thanh. Những đồ vật trưng bày trong tủ đồ cổ không phải là đồ sứ bình thường, mà là những đồ thờ dùng trong cúng tế thời nhà Thương và nhà Chu. Ví dụ: phía trên có chiếc chuông và một chiếc bình rượu bằng đồng thanh thời nhà Thương và nhà Chu. Bình rượu này là đồ thờ đựng rượu, rất thịnh hành vào cuối thời nhà Thương và đầu thời nhà Chu, được làm bằng đồng thanh. Ngoài ra còn có chiếc bồn chơi thủy tiên màu thiên thanh bằng gốm Nhữ Diêu thời nhà Tống, một chiếc bình 4 chân bằng bạch ngọc, một chiếc bình tăng mạo bằng đá quý màu đỏ, và chiếc chậu 3 chân màu lam nhạt bằng gốm Nhữ Diêu đời Tống. Những món đồ cổ này mang hơi thở của hoàng gia, không những tăng thêm tính chân thực của bức tranh, mà còn làm nổi bật người phụ nữ trong tranh là người có tu dưỡng văn hóa rất cao, bác cổ thông kim.
Bức tranh thứ 2: đứng cầm ngọc như ý
Trong chiếc sân kiểu truyền thống, một cô gái tay cầm ngọc như ý, đứng trước giậu tre ngắm hoa. Trước mặt cô là những đóa hoa đang đua nhau khoe sắc: những bông mẫu đơn tím, hồng, trắng, đỏ, quả là đẹp như gấm thêu. Hoa mẫu đơn với dáng vẻ ung dung hoa lệ, hương thơm ngan ngát, được mọi người tôn làm “vua của trăm hoa”, và trở thành biểu tượng của cát tường phú quý và phồn vinh thịnh vượng. Cùng với ngọc như ý hình linh chi, nó diễn tả nguyện vọng “phú quý như ý”.
Bức tranh thứ 3: Cầm đồng hồ bên hoa cúc
Cô gái trong bức tranh mặc chiếc áo ngoài màu lam nhạt, toát lên vẻ thanh khiết cao nhã. Những đóa hoa cúc trong bình hoa trên bàn đang nở đón sương thu, trên bức tường phía sau treo những câu thơ của Đổng Kỳ Xương đời Minh. Trên tay cô gái cầm một chiếc đồng hồ tráng men tinh xảo. Trên chiếc kỷ gần đó đặt bộ hỗn thiên nghi (một dụng cụ xem thiên văn thời xưa). Những đồ Tây này đã trở thành thời thượng trong hoàng cung.
Bức tranh thứ 4: Ngồi tràng kỷ ngắm chim
Cô gái trong bức tranh mặc áo khoác ngoài màu đỏ ngồi trên tràng kỷ. Cô nhìn ra ngoài cửa sổ, có 2 chú chim hỷ tước đang hót líu lo ríu rít. Trên chiếc bình phong phía sau cô viết đầy những chữ Thọ với ý nghĩa cầu mong trường thọ. Trên chiếc tràng kỷ là chiếc bình dẹt gốm Nhữ Diêu mô phỏng đời Tống, trong đó có cắm cành tùng và linh chi. Tay cô gái đang chơi với chiếc vòng hợp bích liên châu, say sưa ngắm nhìn chim hỷ tước ngoài cửa sổ.
Bức tranh thứ 5: Khâu áo dưới ánh nến
Gió mát nhè nhẹ, nến hồng đong đưa, dưới ánh nến vàng, bàn tay ngọc ngà mỹ nhân đang nhẹ nhàng đường kim mũi chỉ. Cô gái búi tóc kiểu hồi tâm. Vại nước ngoài cửa sổ là một “hồ sen” đang nở. Trong “hồ sen” có mấy chú cá vàng đang tung tăng vui đùa. Quả là một cảnh tượng tươi đẹp an nhàn tự tại của một buổi chiều hè lúc sẩm tối. Những chú cá vàng màu đỏ trong chậu sen đặt trên giá màu đỏ, với bông sen hồng và chiếc áo đỏ trên tay cô gái cùng với một chú dơi đỏ bên ngoài cửa sổ và cây nến đỏ trên bàn đã hình thành hiệu ứng màu sắc đối ứng. Con dơi chữ Hán là “biên bức”, gần âm với chữ “phúc”, nên dơi ngụ ý là có phúc khí. Trong phòng treo chiếc đèn lồng vẽ chú hươu. Hươu chữ Hán là “lộc”, đồng âm với chữ “lộc”, nêu hươu ngụ ý là có lộc. Trên đèn lồng cũng có hình Tiên hạc, mà Tiên hạc mang ý nghĩa trường thọ. Thế nên bộ 3 “dơi, hươu, Tiên hạc” tổ hợp lại thành “phúc lộc thọ”, mang ngụ ý tốt đẹp rằng “hồng phúc sẽ đến”.
Bức tranh thứ 6: Tựa cửa ngắm trúc
Một phụ nữ nép bên cửa ngắm nhìn sắc xuân đầy sân vườn, trong sân có các chậu hoa cây cảnh như mai du diệp màu đỏ, hoa đào trắng đang nở rộ, hoa nguyệt quế màu vàng nhạt. Trong chậu huệ lan cao thấp đan xen có cây linh chi nhỏ. Linh chi và hoa lan là hai loại hương thảo, trong thơ ca xưa có viết rằng “Chi lan sinh ư u cốc, bất dĩ vô nhân nhi bất phương”, nghĩa là “linh chi và hoa lan đều sinh trưởng ở thung lũng núi sâu không dấu chân người, nhưng chúng không vì không có người biết đến chúng, thưởng thức chúng mà không tỏa hương thơm”, thể hiện một phẩm chất cao khiết.
Bức tranh thứ 7: Bên lò sưởi ngắm tuyết
Cô gái ngồi bên cửa sổ, cô nhẹ nàng vén rèm, ngắm tuyết thưởng mai. Ngoài cửa, lá trúc xanh biếc bám tuyết trắng, mấy cành mai nở trong tuyết, cơn gió xuân nhẹ, dường như nghe tiếng tuyết rơi xào xạc trên lá trúc, ngửi thấy hương mai thoang thoảng bay trong không khí lạnh thanh khiết. Cô gái trong bức tranh kéo chiếc rèm màu xanh lục nhạt, cùng hoa văn màu xanh lục trên y phục cô gái và lá trúc xanh lục ngoài cửa tạo nên hiệu ứng đối ứng màu sắc. Trên chiếc án trong nhà có đặt chậu tùng cảnh. Tùng xanh cùng với hoa mai, trúc bên ngoài cửa sổ cấu thành 3 người bạn trong giá lạnh “Tuế hàn tam hữu”. Trong mùa đông giá rét, chúng vẫn sinh trưởng xanh tươi, được ví với tiết tháo cao khiết của người quân tử. Bên cạnh cô gái có một chiếc bồn đốt than, khiến cả căn phòng được sưởi ấm, mang lại mấy phần sắc xuân ấm áp.
Bức tranh thứ 8: Thưởng trà dưới bóng cây ngô đồng
Dưới gốc cây ngô đồng xum xuê, một mỹ nhân đang thưởng trà. Cô búi tóc hồi tâm, trước trán đeo dải băng trang sức hình chữ Thọ. Tay trái cô cầm chén trà men hồng, tay phải cầm chiếc quạt tròn, cô ngồi trên chiếc ghế đôn hình tang trống màu lam ngọc, loại ghế này còn được gọi là đôn tang trống vì hình dáng nói như một chiếc trống. Loại đôn tang trống này cho đến ngày nay vẫn là loại hình đồ nội thất cổ điển thường thấy. Trên chiếc giá sách bên cạnh đặt ngay ngắn những quyển sách đóng bằng chỉ.
Trà vốn là vật bình thường, nhưng do thịnh hành thưởng trà luận Đạo, nên đã trở thành sự việc rất phong nhã của giới văn nhân sĩ đại phu qua các triều đại. Giá sách trong bức tranh bày đầy thư tịch, không chỉ tăng thêm không khí thư hương nho nhã, mà còn tương hỗ với chén trà trên tay cô gái, làm nổi bật lên sự tu dưỡng văn hóa đẹp - đọc sách thưởng trà của cô.
Bức tranh thứ 9: Cầm sách trầm tư
Một cô gái khoác chiếc áo ngoài màu xanh lục nhạt, ngồi trên chiếc đôn me xanh lục phủ vải thêu. Ngoài cửa sổ là mấy cây trúc xanh. Trên chiếc lá ba tiêu trên tường có viết một bài thơ rằng: “Anh đào khẩu tiểu liễu yêu chi, tà ỷ xuân phong bán lãn thời. Nhất chủng tâm tình phí tiêu khiển, tương biên dục triển hựu ngưng tư”.
Tạm dịch: “Miệng tựa anh đào thân liễu mảnh, trễ nải ngồi chơi với gió xuân. Một chút tâm tình hoài tiêu khiển, sách vàng muốn mở lại trầm tư”.
Trên tay cô gái cầm một cuốn thi tập. Hai cành hoa hồng nhạt nở rộ cắm trong chiếc bình hoa trên bàn.
Bức tranh thứ 10: Soi gương trang điểm
Cô gái trong tranh mặc chiếc áo ngoài màu xanh lam ngọc, ngồi trên giường. Tay trái cô cầm chiếc gương bằng đồng thanh, tay phải đặt trên chiếc lò sưởi màu vàng để sưởi ấm. Thần sắc cô chăm chú nhìn vào trong gương, tự tán thưởng: lông mày lá liễu, mắt phượng hồng, miệng anh đào, lớp phấn trên gương mặt nhạt như có như không. Phía sau cô treo bức tranh chữ, nét chữ vô cùng phóng khoáng trôi chảy, lạc khoản là “Phá Trần cư sỹ đề”. “Phá Trần cư sỹ” chính là nhã hiệu của Ung Chính trước khi đăng cơ tự đặt cho mình, bày tỏ bản thân thanh tâm quả dục, không màng công danh vinh nhục thế gian. Phía dưới còn có 2 ấn chương “Hồ trung thiên” và “Viên minh chủ nhân”. Sau này, có người khảo chứng hai ấn chương này không phải là vẽ lên, suy đoán có khả năng khi đó Ung Chính trực tiếp dùng ấn chương của mình đóng dấu lên.
Bức tranh thứ 11: Ngắm bướm ngày hè
Cô gái trong tranh dựa nhẹ lên chiếc bàn trúc, trên bài có một cái quạt gấp, bên cạnh chiếc quạt là một bàn cờ. Trong chiếc bình hoa hình củ hành trên bàn có cắm một cành hoa dành dành và một cành huệ lan, mang ý nghĩa là tâm như hoa huệ, phẩm chất như hoa lan, phảng phất như từ bức tranh có thể ngửi thấy mùi thanh hương dìu dịu của những bông hoa. Bên ngoài lan can là mấy cây trúc xanh, hài hòa với ngọn giả sơn được tạo ra bởi đá Thái Hồ. Bên cạnh giả sơn là những bông hoa hiên đang nở rộ và mấy con bướm đang dập dờn múa. Cô gái trong tranh tay cầm một chiếc hồ lô nhỏ. Hồ lô là thực vật nhiều hạt, ngụ ý “nhiều con”. Hoa hiên ngoài cửa sổ, cũng có tên là vong ưu thảo. Trong “Thảo mộc ký” có viết rằng: “Phụ nữ có thai, đeo hoa này ắt sinh con trai”. Họa sĩ đã khéo léo phối hợp hoa hiên và hồ lô trong bức tranh, mang hàm ý cầu mong con trai.
Bức tranh thứ 12: Lần tràng hạt ngắm mèo
Một cô gái ngồi ngay ngắn bên cửa sổ, cô hơi tựa vào chiếc bàn, một tay nhàn nhã lần tràng hạt. Cô đang ngắm hai chú mèo nhỏ. Phía sau cô là một chiếc đồng hồ tráng men, đây là món đồ gia dụng từ phương Tây, thời đó là hàng xa xỉ. Bên cạnh là giá sách làm bằng thân cây tự nhiên, trên giá là những thư tịch quý được đóng tinh xảo bày ngay ngắn. Trên bàn là chiếc đỉnh hình chữ nhật đúc bằng đồng dùng để xông hương, và một chiếc ấn chương bằng đá Thanh Điền.
12 mỹ nhân trong 12 bức họa đều đoan trang yên tĩnh, thần thái bất phàm, dáng vẻ yêu kiều, dung nhan tú lệ. Họ không chỉ tinh thông cầm kỳ thư họa, còn bác cổ thông kim, am hiểu cổ vật, đồng thời còn chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Tây. Có thể thấy tu dưỡng văn hóa của các cô gái trong tranh rất cao.
Bộ tranh 12 mỹ nhân này, mỗi bức cao 1.8m, rộng 1m, kích thường gần như bằng người thật. Theo khảo cứu của các chuyên gia, đương thời Ung Chính chưa đăng cơ, sống ở Viên Minh Viên, những bức tranh này ban đầu treo ở trên bình phong trong phòng đọc sách Thâm Liễu ở Viên Minh Viên, sau này, Ung Chính sai người gỡ những bức tranh này xuống, tu bổ lại rồi cất giữ ở trong cung.
Những mỹ nhân trong tranh là ai? Rất nhiều học giả khảo cứu suy đoán, có người cho rằng họ có thể là phi tử của Ung Chính. Cũng có người nói họ là những mỹ nhân lý tưởng hóa, hư cấu. Họ không chỉ có dung mạo đẹp, mà còn có tu dưỡng học thức tốt, là hình tượng phụ nữ lý tưởng trong tâm Ung Chính. Cũng có người cho rằng, có lẽ những mỹ nhân trong tranh là hóa thân của Ung Chính. Ông hy vọng quốc gia dưới sự trị vì của ông, ai nấy đều có cuộc sống yên tĩnh dễ chịu, không chỉ có đời sống vật chất phong phú, mà còn có thế giới tinh thần tốt đẹp.
Bộ tranh “12 mỹ nhân thời Ung Chính” dùng thủ pháp tả thực sống động, miêu tả tinh tế các phương diện cuộc sống khuê các của những mỹ nhân. Từ trang phục tinh xảo đẹp đẽ, hoa văn thêu tươi đẹp, đồ gia dụng tinh tế, đồ văn phòng, sách và đồ chơi tinh xảo, hoa cỏ, động thực vật sống động, khiến người xem cảm nhận được không khí hoàng gia trang nhã, yên tĩnh, thấy được diện mạo cuộc sống của những phụ nữ quý tộc đời nhà Thanh.
Hoàng Mai
Theo: Epoch Times
Link tham khảo:
No comments:
Post a Comment