Monday, August 28, 2023

VÌ SAO NGƯỜI XƯA LẠI SỬ DỤNG “TRÂU SẮT” VÀ “GÀ ĐÁ” ĐỂ TRẤN HỒNG THỦY?

Dọc bờ sông đào Vận Hà và hồ Hồng Trạch ở Giang Tô Trung Quốc ngày nay vẫn thường trông thấy những con trâu sắt để trấn lũ lụt. Chúng đều nằm phủ phục, ngẩng đầu giương sừng, hai mắt trợn tròn, trông rất uy nghiêm. Tại sao người xưa lại dùng trâu sắt để trấn lũ lụt?


Trước tiên, trâu sắt được đúc bằng kim loại, do đó tiên thiên có thuộc tính hành Kim. Trong học thuyết ngũ hành cổ đại thì "Kim khắc Mộc", mà Mộc là ứng với phương Đông, Thần thú phương Đông là rồng, thế nên, trâu sắt khắc giao long, có thể khiến giao long phải ẩn tàng. Giao long thường thích làm sóng tạo gió, đem lũ lụt đến, mà Kim lại khiến nó ẩn tàng, nên tránh được lũ lụt xảy ra.

Thứ hai là trâu thuộc hành Thổ. Sách "Giả Tử" có viết: "Trâu là súc sinh trung tâm". Phương vị tương ứng trong ngũ hành là "Đông Mộc, Nam Hỏa, Tây Kim, Bắc Thủy, Trung Thổ". Trâu là súc sinh trung tâm, đương nhiên thuộc hành Thổ, mà Thổ khắc Thủy - đất có thể chặn nước.

Ngoài ra, trong Thần thoại Trung Quốc cổ đại, trâu được coi là tượng trưng cho trái đất và là tải thể của trái đất. "Chu lễ" có viết: "Trâu có thể chở các loại đất". Trong một số Thần thoại xưa của một số dân tộc thì trâu chính là bệ đỡ trái đất, trái đất được trâu dùng sừng nâng lên, khi một chiếc sừng mệt rồi thì sẽ chuyển sang sừng bên kia. Trong lúc chuyển đổi giữa 2 sừng này thì trái đất sẽ rung động, đó chính là động đất.

Trong Thần thoại Trung Quốc cổ đại, trâu được coi là tượng trưng cho trái đất và là tải thể của trái đất. (Ảnh: Pxhere)

Ở An Dương, Hà Nam đã từng khai quật được vật hoa văn hình 2 con thú được điêu khắc bằng đá hoa cương thời nhà Ân Thương, dùng trâu làm bệ đỡ, biểu thị chức năng chở đất của trâu. Vì trâu là Thần thú, do đó được phú cho công năng trấn thủy quái, chế ngự giao long.

Thuyết về đúc trâu sắt có thể chế ngự lũ lụt đại thể bắt đầu từ thời nhà Đường. Thời nhà Minh còn có truyền thuyết Lưu Bá Ôn trấn lũ lụt bằng "9 trâu 2 hổ 1 gà". Thời nhà Thanh, mọi người ở rất nhiều địa phương đều tin vào thuyết này, thế nên họ đã đúc những con trâu sắt đặt ở ven sông hồ để phòng chống lũ lụt.

Ở những khu vực lũ lụt nghiêm trọng, ngoài đúc trâu sắt để chế ngự lũ lụt ra, còn thường phối hợp với một con gà trống bằng đá vươn cổ gáy. Tương truyền gà trống đá cũng có thể chế ngự lũ lụt, Tại sao? Bởi vì gà trống có thể cảm ứng với mặt trời, là động vật chứa đầy dương khí, có linh khí. Gà trống gáy có nghĩa là trời bắt đầu trở nên sáng, mặt trời mọc lên, những thứ âm tính không tốt sẽ biến mất, thế nên trong dân gian luôn coi gà trống là vật trấn xua đuổi quỷ, trừ âm. Lũ lụt là do thủy quái gây ra, có tính âm, thế nên gà trống có thể ngăn chặn lũ lụt xảy ra.

Bởi vì gà trống có thể cảm ứng với mặt trời, là động vật chứa đầy dương khí, có linh khí. (Ảnh: Pixabay)

Truyền thuyết 9 trâu 2 hổ 1 gà

Thời ban đầu hồ Hồng Trạch rất yên tĩnh. Tương truyền một năm nọ có một con yêu long đến hồ Hồng Trạch, từ đó hồ Hồng Trạch và những ngọn núi xanh ven hồ đã mất đi sự yên bình tĩnh lặng.

Con yêu long này lên trời thành mây, đột nhiên lại xuống nước thành sương mù, khiến nước hồ dâng lên, lật những con thuyền lớn, kéo đứt lưới đánh cá, thỉnh thoảng lại đến những quả núi xanh tác oai tác quái, khiến ngư dân trên hồ và bách tính ven hồ trong lòng hoảng sợ, luôn miệng kêu khổ, ngày đêm đều không được yên.

Lão Tử thấy yêu long làm nhiều điều ác bèn khuyên giải, yêu long không biết hối cải, thế là Lão Tử liền dâng tấu lên Ngọc Đế. Ngọc Đế sai 2 con hổ và 10 con trâu xuống đấu với yêu long, đấu bẩy bẩy 49 ngày thì yêu long bại trận, nó điên cuồng chui xuống long cung ở đáy nước.

Đấu bẩy bẩy 49 ngày thì yêu long bại trận, nó điên cuồng chui xuống long cung ở đáy nước. (Ảnh: Pixabay)

Sau này Ngọc Đế lại sai một con gà trống lớn đứng ở nơi cao nhất, hễ thấy yêu long xuất hiện liền gáy lên, đánh thức hổ và trâu, không để yêu long lại xuất hiện tạo sóng làm gió nữa.

Sau khi Lão Tử luyện đan đắc Đạo, ông cưỡi một con trâu xanh bay về trời. Hồ Hồng Trạch chỉ còn lại 9 con trâu và 2 con hổ với 1 con gà để bảo vệ núi rừng, bảo vệ hồ Hồng Trạch không còn bị tai họa nữa.

Theo truyền thuyết này, khi bức tường đá của con đê hồ Hồng Trạch hoàn thành, vào những năm Khang Hy, mọi người đã dùng sắt đúc thành 9 trâu 2 hổ 1 gà, lần lượt yên vị ở những nơi hiểm yếu trên con đê lớn này. Hiện nay chỉ còn lại 5 con trâu sắt được lưu lại, và trở thành một trong những điểm tham quan du lịch của hồ Hồng Trạch.

Trung Hòa / Theo: ntdtv