Friday, August 25, 2023

PHONG ĐIỀN, XỨ SỞ CỦA NGƯỜI ĐẸP ÍT AI BIẾT

Cần Thơ - Tây Đô từ lâu đã vang danh là xứ sở của người đẹp, nổi tiếng khắp cả nước. Nhưng phải nói cụ thể, đó là vùng đất Phong Điền.

Người đẹp Phong Điền

Thử một lần đặt chân đến xứ Cần Thơ gạo trắng nước trong này, không khó để bắt gặp vẻ đẹp của nhiều cô gái xuân thì, rồi ngỡ ngàng khi phát hiện cả những nét sắc sảo vẫn còn vương đậm trên khuôn mặt của những người phụ nữ trung niên… Nhưng vùng nào của Cần Thơ là cái “nôi” của những người đẹp? Đó chính là câu hỏi mà nhiều người lâu nay đặt ra. Người viết bài này xin tạm đưa ra lời giải đáp, dù có thể vẫn có người chưa thỏa mãn, bởi cái đẹp là tùy quan niệm và nhận xét của mỗi người.

Có lẽ người đẹp nổi tiếng nhất và vang danh từ xa xưa, chính là bà Lâm Thị Phấn - cô con gái đầu lòng của ông đốc Phận (Hiệu trưởng Trường Taberd Cần Thơ, nay là Trường THPT Châu Văn Liêm). Bà Phấn tên theo khai sinh là Lâm Thị Elise, sinh ngày 11.11.1918 tại phường An Cư, TP.Cần Thơ (hiện nay). Vừa đến tuổi 15, bà đã sở hữu chiều cao 1,7m, với khuôn mặt tuyệt sắc, nụ cười ngây ngất lòng người… Từ cuộc đời của bà, nhà văn Trầm Hương đã viết thành tiểu thuyết và các nhà làm phim đã dựng nên bộ phim dài tập Người đẹp Tây Đô do nữ diễn viên Việt Trinh thủ vai chính, mà không ít người đã có dịp xem.

Trong quyển Công tử Bạc Liêu của nhà văn Nguyên Hùng - người khá thành công trong thể loại truyện dài tư liệu viết về con người và sự kiện Nam Bộ, có dẫn đoạn mà công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy (Ba Huy) nhận xét: “…cho nên cô này (bà Phấn - PV) được đám nam sinh (trường Collège Cần Thơ) đặc biệt dòm ngó, khen đẹp, phong chức hoa khôi của trường… Anh Hai Lành học trên cô mấy lớp nên có biết và đã chọn”.
 
Trước đó, Ba Huy đã cất công từ Bạc Liêu lên Cần Thơ ăn dầm nằm dề 3 ngày, để tìm hiểu về bà Phấn và gia thế theo lời nhờ của người cậu là ông Hội đồng Nhơn. Chẳng phải vô cớ ông hội đồng nhờ Ba Huy, bởi ông muốn cưới bà Phấn cho người con trai cả là Phan Tấn Lành (Hai Lành).
 
Cũng xin nhắc lại, ông Ba Huy là người nổi tiếng phong lưu, cũng là người đứng ra tổ chức cuộc thi đấu xảo người đẹp đầu tiên của ĐBSCL tại vùng đất phèn chua Bạc Liêu…

Những cô gái Phong Điền có làn da mịn màng

Nhưng “hồng nhan bạc phận”, bà Phấn về làm dâu nhà ông Hội đồng, chỉ có danh, còn thực ra bà chỉ như… người ở. Còn chồng bà - ông Hai Lành, theo như quyển Công tử Bạc Liêu: “Cậu Hai ít nói, chỉ ham chuyện gối chăn”. Và chỉ 1 tháng sau, chồng bà bỏ về điền Giá Rai ở miết, vì có một cô nhân tình ở đó. “Cậu Hai Lành ở dưới điền, thỉnh thoảng về nhà “để cho Phấn 1 bụng”.
 
Với thời gian làm dâu, cô Phấn sinh 3 con. Sau mỗi lần sanh, khi cứng cáp cô lại bồng con về Cần Thơ khóc lóc xin cha mẹ cho cô ly dị chồng. Ông Đốc (cha của bà Phấn) khuyên con kiên nhẫn vì “ván đã đóng thuyền”. Phấn đành nghe theo cha kéo dài cuộc sống bất hạnh cho đến năm 1945”, nhà văn Nguyên Hùng viết vậy. Và đã có lúc, cha chồng đày cả 4 mẹ con bà Phấn xuống một lẫm lúa ở Giá Rai…

Thời xưa đã vậy, còn ngày nay. Không khó để liệt kê một số người đẹp nổi tiếng của đất Tây Đô. Đó là Bùi Thị Diễm - cô gái sinh ra tại quận Cái Răng, ngay sau khi tốt nghiệp lớp 12 vào năm 2003 đã tham gia cuộc thi Duyên dáng Đồng bằng và giật ngay ngôi vị Á hậu 1 cùng 5 giải phụ khác.
 
Đến năm 2005, Diễm tham dự cuộc thi Hoa hậu Phụ nữ Việt Nam qua ảnh và đoạt vương miện Hoa hậu. Hay như hoa khôi Duyên dáng Đồng bằng năm 2004 Vũ Đặng Hoàng Ngân (SN 1984), cũng là người xứ Tây Đô. Rồi Bùi Thị Hương Giang - Hoa khôi Duyên dáng Đồng bằng năm 2002, giành luôn tất cả các giải phụ như ứng xử, gương mặt khả ái... Và cũng trong năm đó, Hương Giang đoạt luôn giải Á khôi 2 cuộc thi Người đẹp các tỉnh phía nam và lọt vào Top 10 Hoa hậu toàn quốc Báo Tiền Phong…

Nhưng ở Cần Thơ, vùng nào là xứ sở của người đẹp? Và thật bất ngờ, qua tham khảo khá nhiều người am tường về Cần Thơ, nhất là giới kinh doanh du lịch, tất cả đều khẳng định: “Vùng nổi tiếng có nhiều cô gái đẹp nhất ở Cần Thơ chính là Phong Điền!”.

Nụ cười đằm thắm

Không phải chẳng có truyền tích. Theo như lời ông Năm Tắc (82 tuổi) hiện sống ở rạch Cai Cẩm, từ chợ Phong Điền sang phía bên sông, đi lên vài cây số, là tới rạch Nóp. Tương truyền, hồi đó con rạch này cọp rất nhiều, người khai khẩn đến đây, ban đêm phải có nóp che kín mới dám ngủ. “Thời sau thì có cô Phấn. Còn thời trước nữa, ông nội tui kể, rạch Nóp có cô Ba Hoa nổi tiếng xinh đẹp. Ai nhìn thấy một lần, đêm về cứ tơ vương, khỏi ngủ”.
 
Bữa đó, cô Ba Hoa đi coi cúng đình ngoài chợ về khuya, dè đâu vừa đi bộ ngang đầu rạch Nóp thì đụng đầu “ông Ba Mươi”. Người ta nói trong cái rủi có cái may. Cô Ba gặp cọp, nước tiểu xón thẳng ra đáy quần, chảy xuống chân đọng vũng. Cô chết điếng, cây đuốc trên tay cô cứ giơ lên, buông ra không nổi. Nhờ vậy mà lửa vẫn hắt sáng. Con cọp định chồm tới vồ mồi, nhưng chợt ngó khuôn mặt cô, con cọp… sững sờ. Rồi nó ngồi xuống nhìn ngắm thật lâu. Chừng hơn canh giờ sau, nó mới rời mắt khỏi khuôn mặt cô Ba, trước khi đi, nó còn mọp xuống như muốn tôn thờ cái nhan sắc như tiên sa ấy…

Cũng ở Phong Điền. Năm đó, bà Trần Thị Thủy là cô gái đang độ xuân sắc, phải thay cha mẹ ra “ăn dầm nằm dề” tại một bệnh viện ở Cần Thơ, nuôi người chị gái bị bệnh khá nặng. Cứ đến chủ nhật hằng tuần, bà mới đón xe, về nhà tại chợ Phong Điền (nay thuộc thị trấn Phong Điền), nghỉ ngơi đôi chút. Bà đâu có biết nhan sắc của bà đã lọt vào mắt của một vị bác sĩ, ngày ngày ra vào bệnh viện. Nhưng ông không nhắm cho ông, mà cho người em trai chưa vợ của mình.

Ông bác sĩ âm thầm theo chân bà Thủy vào chủ nhật nọ. Rõ nhà rõ cửa, biết cả tên tuổi gia thế của bà Thủy, ông bác sĩ mới nhờ người đánh tiếng. Ngày coi mắt, ông Tuấn - em vị bác sĩ nọ, choáng váng trước nhan sắc của cô gái miệt vườn Phong Điền. Đám cưới diễn ra ngay sau đó…

Bây giờ, tuổi đã 55, trở thành bà chủ cửa hàng giày dép Tuấn Thủy ngay tại chợ Phong Điền, nhưng nhìn bà Thủy, ít ai không công nhận rằng bà đẹp. Bà vẫn còn đẹp lắm! Nhưng bà Thủy không dám tự nhận là mình đẹp. Bởi bà cho rằng nhan sắc là thứ trời cho, cái đẹp thì hãy để người ngoài nhìn vào mà nhận xét. Mà “trăm người mười ý”, trong mắt người này, có thể bà đẹp, còn với người khác, họ lại bĩu môi chê bà xấu thì sao? Chỉ biết, hai người con gái của bà, nhiều người cũng khen đẹp. Đứa lớn, từng là tiếp viên hàng không…

Và còn nhiều, còn nhiều người đẹp nữa ở xứ Phong Điền này, mà có liệt kê thêm cả trang giấy cũng chẳng hết. Họ chỉ biết chí thú với thửa ruộng mảnh vườn, với miếng cơm manh áo, nên cuộc sống âm thầm của họ vẫn cứ bình dị và an phận với cha mẹ, lập gia đình thì chỉ biết chồng con, xa lạ với các cuộc thi người đẹp nên chẳng ai biết mà vinh danh.
 
Chỉ biết, theo anh Nguyễn Hoàng Tuấn ngụ ở ấp Nhơn Lộc 2, thị trấn Phong Điền, nhận xét: “Tôi đã đi nhiều vùng, nhưng không phải khen xứ nhà, chứ thiệt ra tính theo “mặt bằng chung”, ít con gái xứ nào sánh bằng Phong Điền”. Anh nói, cái thời mà nước máy là thứ xa xỉ, con gái vùng này toàn tắm nước sông ngậm đẫy phù sa, mà da dẻ cô nào cũng trắng mịn, nhìn mặt ai cũng sáng ánh. “Mỹ phẩm thời đó cũng làm gì có!”, anh Tuấn nói.

Con gái xứ này đẹp nhờ trái cây?

Như xứ Nha Mân (Đồng Tháp), người ta truyền rằng, chúa Nguyễn Ánh thời chạy loạn, từng bấm bụng bỏ lại hàng trăm cung tần mỹ nữ xinh đẹp tại xứ này. Các cô ở lại, lập gia đình, và nét đẹp theo đó lưu truyền, vang tiếng “gái nào bảnh bằng gái Nha Mân”.
 
Còn Phong Điền? Ông Trần Văn Tri - người hơn 20 năm phụ trách mảng văn hóa của xã, giờ là thị trấn Phong Điền, nói rằng nơi đây chẳng có tích xưa, sử cũ gì cả về huyền thoại tạo nên các người đẹp. Ông chỉ đồ rằng chính dòng nước xanh mát hiền hòa quanh năm mà các cô đã tắm hằng ngày, và những vườn cây trái trĩu quả chứa đầy ắp vitamin mà các cô vẫn "buồn miệng" nhấm nháp, đã vô tình tạo nên làn da sáng mịn…

Theo: Một thế giới

No comments: