Nhiều hồ nước trên thế giới thách thức mọi suy luận logic và có những cảnh sắc cực kỳ đặc biệt! (Ảnh: Pixabay)
1. Hồ nước rộng 3.000m2 biến mất chỉ sau một đêm
Trên đỉnh núi Long Sơn (thuộc tỉnh An Huy, Trung Quốc) có một hồ nước có tên là hồ Nam Lăng, nhưng người dân ở đây lại gọi là “hồ ma” bởi những điều bí ẩn, khi nó “xuất hiện đột ngột” và biến mất lạ thường.
Hàng chục năm về trước, hồ nước rộng hơn 3.000m2 này đã đột nhiên xuất hiện chỉ sau một đêm với rất nhiều tôm, cá.
Suốt nhiều năm, nó như một kho báu trên núi, mang lại nguồn sống cho người dân nơi đây. Nhưng vào một buổi sáng, khi mọi người đến hồ bắt cá như thường lệ, họ gặp phải cảnh tượng đầy ngỡ ngàng - Mặt hồ chỉ còn một bãi đất khô cạn trơ đáy, tất cả tôm cá cũng biến mất không dấu vết.
Điều kỳ lạ này đã khiến người dân rất lo lắng và nhiều nhà nghiên cứu đã vào cuộc. Họ cho rằng hiện tượng này là do dòng nước ngầm của hồ Nam Lăng - vốn giống như nhánh cây lớn, tại vị trí nút giao giữa thân cây và nhánh cây từng bị tắc nghẽn nên nước dần tích tụ và hình thành nên hồ. Và khi nút thắt ấy bung ra, nước hồ rút xuống và chảy vào các nhánh sông khác.
Hồ Nam Lăng rộng 3000m2 biến mất chỉ sau một đêm. (Ảnh qua Internet)
Nhưng nó đã chảy đi đâu, vị trí nút thắt đó ở đâu, và vì sao nó lại biến mất đột ngột đến vậy… thì vẫn còn là một ẩn đố. Điều này khiến người ta nhớ đến sự biến mất của hồ Riesco ở Chile cách đây vài năm.
Hồ Riesco rộng 14,8 km2 vốn là một địa điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng, nhưng vào đêm 30/5/2016, hơn 1 tỷ mét khối nước trong hồ đã biến mất một cách bí ẩn.
Ban đầu, các nhà khoa học cho rằng đó là do hoạt động địa chất trong vùng. Nhưng sau đó, họ không tìm được bất cứ một khe nứt, hố sâu hay biến động địa chất nào để giải thích cho sự “bốc hơi” đột ngột như thế. Đến nay, người dân vẫn tự hỏi, những hồ nước khổng lồ thực sự đã đi đâu?
Hồ Riesco với hơn 1 tỷ mét khối nước trong hồ đã biến mất một cách bí ẩn vào 2016. (Ảnh: wikimedia)
Sau đây là một hồ nước khác cũng đột nhiên xuất hiện cách đây 2.000 năm, gắn liền với một truyền thuyết đáng suy ngẫm.
2. Hồ nước 2.000 năm ngay giữa sa mạc
Giữa sa mạc Gobi (thuộc tỉnh Cam Túc, Trung Quốc), hồ Nguyệt Nha Tuyền hay còn gọi là hồ Bán Nguyệt hiện lên nổi bật với hình dáng trăng lưỡi liềm, dòng nước trong xanh màu ngọc bích, chảy êm đềm bên một ngôi chùa cổ kính.
Điều kỳ diệu là suốt 2.000 năm qua, hồ nước ngọt ấy vẫn trường tồn dù trải qua bao phong sương, bão cát.
Nhưng không hiểu sao những năm gần đây, hồ có niên đại hàng ngàn năm tuổi ấy dần khô cạn, độ sâu trung bình từ 5m giờ chỉ còn 0,9m. Điều này khiến người dân nhớ đến một truyền thuyết cảm động liên quan đến hồ nước đặc biệt này.
Hồ Nguyệt Nha Tuyền hay còn gọi là hồ Bán Nguyệt hiện lên nổi bật với hình dáng trăng lưỡi liềm, dòng nước trong xanh màu ngọc bích, chảy êm đềm bên một ngôi chùa cổ kính. (Ảnh: wikimedia)
Tương truyền rằng tại nơi ấy trước đây có 2 bộ lạc từng sinh sống yên bình, nhưng sau đó họ dần tha hóa, đánh nhau liên miên và ăn thịt cả đồng loại. Lúc ấy, có một vị đạo sĩ đã đến để giáo hóa và cứu giúp người dân. Nhưng người dân lại không muốn nghe theo, thậm chí còn ném đá vào ông khi nghe ông cảnh báo rằng những hành động man rợ của họ sẽ bị Trời phạt. Dẫu vậy, có vài đứa trẻ thánh thiện đã tin ông.
Quả thật sau đó, một trận bão cát đã chôn vùi hết toàn bộ dân làng, biến nơi đây thành sa mạc bất tận. Những đứa bé có đức tin còn sống sót - đã được vị đạo sĩ hướng dẫn thiền định cùng ông. Nhưng được một thời gian thì bọn trẻ lại bỏ đi chơi hoặc đi kiếm thức ăn - để rồi chúng bị lạc đường và bị cát chôn mất. Duy chỉ có một cậu bé vẫn kiên định ngồi thiền và tin tưởng vào sư phụ. Điều này khiến một Nữ Thần cảm động nên đã hóa phép tạo ra hồ nước này, cùng cây xanh, vịt ngan, cá tôm cho cậu.
Đồng thời, vị đạo sĩ cũng dặn cậu bé: “Hồ này sẽ không bao giờ cạn. Trừ phi tiêu chuẩn đạo đức của con người trượt dốc rất lớn. Nó sẽ dần dần cạn đi”.
Đứng trước hồ Nguyệt Nha Tuyền đang dần cạn như hiện nay, người dân không khỏi lo lắng, phải chăng lời cảnh báo của vị đạo sĩ năm xưa một lần nữa lại ứng nghiệm?
3. Hồ Baikal - Bí ẩn hồ nước ngọt lớn nhất thế giới
Hồ Baikal, còn được bến đến với cái tên Biển Hồ Thiêng, nằm ở phía Nam Siberia, nước Nga. Đây là hồ nước ngọt lâu đời nhất thế giới, ra đời cách đây 25-30 triệu năm.
Trữ lượng nước ngọt ở đây tương đương 20% lượng nước ngọt chưa đóng băng trên toàn thế giới. Nếu tất cả nguồn nước ngọt khác trên Trái đất cạn kiệt, thì nước ở hồ Baikal cũng đủ cho cả nhân loại dùng đến những 40 năm!
Hồ Baikal, nơi khởi nguồn của biết bao truyền thuyết bí ẩn của vùng Siberia lạnh giá và những hiện tượng huyền bí. (Ảnh: wikimedia)
Đó là chưa kể, Baikal còn là nhà của hàng ngàn loài động thực vật có một không hai và khác thường nhất từng được phát hiện. Với diện tích lên đến 31.722 km2, Baikal như một chiếc gương khổng lồ với màu nước xanh ngọc bích và trong đến mức có thể nhìn thấy rõ những viên đá cuội và sinh vật ở hàng chục mét bên dưới lòng hồ sâu thẳm.
Baikal còn là nơi khởi nguồn của biết bao truyền thuyết bí ẩn của vùng Siberia lạnh giá và những hiện tượng huyền bí.
Người dân ở đây thường xuyên nhìn thấy các khung cảnh lạ trên mặt hồ: Từ lâu đài cho tới xe lửa, tàu thuyền… Đôi khi, vào ban đêm, từ phía dưới hồ còn phát ra ánh sáng rất đáng sợ. Người dân tin rằng đây là nơi cư ngụ của các vị Thần linh thiêng nên nhiều người vẫn sẵn sàng ngâm mình trong nước hồ ở nhiệt độ -5 độ C để kéo dài tuổi thọ.
Bên cạnh đó, có rất nhiều báo cáo liên quan đến những ánh sáng lạ, UFO và người ngoài hành tinh tại hồ Baikal. Điều thú vị là, những báo cáo ấy lại đến từ những tài liệu mật được giải mã của Hải quân Liên Xô.
Họ ghi nhận, vào năm 1982, thợ lặn hải quân đã vô tình chạm trán với các “sinh vật hình người mặc đồ màu bạc” ở độ sâu 50m, khiến 3 người bị tử vong và 4 người khác bị thương nặng.
Kể từ năm 1999, cứ vào mùa đông, hồ Baikal lại đột nhiên xuất hiện những vòng tròn hoàn hảo đến kỳ lạ, đường kính lên đến 4,4km, nhưng lại không tìm thấy tác động cơ học nào có thể tạo ra chúng. Chưa hết, năm 2011, một chiếc tàu có tên là Yamaha đã bị hút vào các xoáy nước lớn rồi biến mất đầy bí ẩn.
Tất cả những điều ấy đến nay vẫn chưa thể lý giải, chúng càng làm cho hồ nước linh thiêng này càng trở nên huyền bí.
4. Hồ Lonar ‘càng tìm hiểu càng đau đầu’
Trên cao nguyên Lonar, thuộc bang Maharashtra, miền Tây Ấn Độ, có một hồ nước có thể trở thành kỳ quan cả về mặt địa chất, lịch sử, thần thoại, khảo cổ lẫn sinh thái và khoa học. Đó là hồ Lonar, một hồ muối Natri Cacbonat được hình thành cách đây 52.000 năm.
Từ nhiều năm qua, hồ nước rộng 1,8km và sâu 150m này là môi trường nghiên cứu của nhiều nhà khoa học, bởi nó là hồ duy nhất được hình thành do thiên thạch va vào Trái đất và được hình thành hoàn toàn từ Bazan.
Hồ Lonar, là một hồ miệng núi lửa được hình thành do va chạm với thiên thạch cách đây 52.000 năm. (Ảnh: wikimedia)
Đáng kinh ngạc là hồ chứa một số khoáng chất mà theo Học viện Công nghệ Ấn Độ thì chúng rất giống với đất đá do tàu Apollo mang về từ Mặt trăng.
Ngoài ra, điều khiến các nhà khoa học đau đầu nhất là hồ Lonar có cả tính kiềm và nhiễm mặn cùng một lúc, một điều mà dường như không thể xảy ra. Chúng phân thành hai vùng riêng biệt không bao giờ trộn lẫn, mỗi vùng lại có hệ động thực vật riêng.
Một điểm đặc biệt nữa là la bàn và các thiết bị điện tử khi đặt gần hồ đều bị nhiễu loạn. Các nhà khoa học từ lâu đã cố gắng tìm hiểu nguyên nhân, nhưng càng tìm hiểu, họ càng thấy bế tắc.
Rồi đến tháng 6/2020, hồ Lonar càng trở nên nổi tiếng hơn khi đoạn video lan truyền trên mạng quay lại cảnh nước hồ từ trong vắt chuyển sang hồng rực một cách huyền ảo chỉ trong một đêm. Theo nghiên cứu, hiện tượng kỳ thú này là do thời tiết nắng kỷ lục nơi đây làm độ mặn trong hồ tăng lên khiến tảo và vi khuẩn halobacteriaceae sinh sôi mạnh mẽ.
Nhiều người thậm chí còn đồn đoán rằng có thể có một kho báu cổ xưa đến từ hành tinh khác đang ẩn chứa trong hồ nước này.
5. ‘Hồ chết’ với rừng cây mọc ngược kỳ ảo
Mỗi cái tên thôi cũng đủ giúp bạn hình dung về điều khác biệt và rùng rợn của hồ nằm ở Kazakhstan này rồi phải không ạ?
Hồ nước dài 369m này còn được gọi là hồ Kaindy và nổi tiếng với lịch sử bí ẩn về những cái chết của du khách, những hộp sọ dưới đáy hồ. Cái tên ám ảnh ấy còn bởi trong hồ không có loài cá hay sinh vật nào có thể sống sót nổi.
Một cảnh tượng "siêu thực" độc nhất vô nhị với rừng linh sam mọc ngược độc đáo trên mặt hồ. (Ảnh: wikimedia)
Tuy vậy, hồ Kaindy lại mang một vẻ đẹp đầy cuốn hút với màu nước xanh ngọc bích, trong suốt như pha lê, phản chiếu dãy núi kỳ vĩ và đặc biệt là một cảnh tượng "siêu thực" độc nhất vô nhị với rừng linh sam mọc ngược độc đáo trên mặt hồ.
Đó là kết quả từ trận động đất Kelbin năm 1911. Những cây linh sam sau khi bị nhấn chìm xuống hồ đã nhô cái thân trơ trọi, khô khốc như những cột buồm ma quái lên trên, nhưng ngay phía dưới mặt nước, tán cây bắt đầu sinh sôi và đâm cành mạnh mẽ. Nhiều loại rong rêu bám lấy thân tạo nên một hệ sinh thái dưới nước rất khác biệt.
Chưa kể nước ở đây luôn lạnh lẽo, ngay cả giữa mùa hè, nhiệt độ cũng không vượt qua 6 độ C.
Tạm biệt hồ Kaindy kỳ ảo, chúng ta hãy cùng đến phía Tây Châu Phi để thăm một chiếc hồ ấn tượng không kém nhé!
6. Hồ tử thần Natron
Nằm ở phía Bắc Tanzania, Hồ Natron là một trong những hồ nước đẹp nhất trên thế giới do sở hữu màu nước đỏ tươi kỳ lạ. Nhưng nó lại là một cái bẫy cho bất kì sinh vật nào lượn lờ trên nó.
Sự chết chóc mà nó mang đến là do thành phần đặc biệt trong nước hồ - quá nhiều muối natri. Giả sử có một con vật nào đó đến gần hồ để giải quyết cơn khát của mình thì lập tức, sức nóng sẽ giết chết nó, nhấn chìm xác xuống nước. Hồ Natron nhanh chóng vôi hóa cái xác rồi đẩy lên mặt nước một cái tượng hình xương được chạm khắc bởi thiên nhiên.
Hồ Natron và môi trường xung quanh ở phía bắc Vùng Arusha, Tanzania. Nó nằm trong Khe nứt Đông Phi. Hầu hết các loài sống trong hồ đều không phù hợp với sự sống, ngoại trừ một số loài thích nghi với môi trường nước ấm, mặn và kiềm. Ảnh được chụp vào ngày 3/3/2017. (Ảnh: wikimedia)
Thỉnh thoảng có những con chim đi di cư đáp thẳng xuống mặt hồ vì chúng tưởng đó là khoảng đất trống - bởi thành phần hóa học đậm đặc của nước hồ tạo ra ảo ảnh mặt hồ màu trắng. Chính con người cũng đã bị mắc lừa chứ không chỉ động vật. Bằng chứng là vào ngày 11/12/2007, một nhóm nhà làm phim tài liệu về cuộc sống hoang dã cũng vì nhầm mặt hồ với khoảng trống đã đáp trực thăng của họ xuống đó để quay hồng hạc.
Ngờ đâu trực thăng chìm xuống, rồi ngay lập tức bị ăn mòn, còn nhóm người thì may mắn thoát được. Họ kể lại: "Khi nhận ra là chúng tôi đang đáp xuống một cái hồ cũng là lúc cảm thấy sức nóng của nước hồ như đốt cháy đôi mắt...Sau khi tất cả đã thoát khỏi trực thăng rồi, chúng tôi lại phải nhanh chóng tìm cách để ra khỏi cái hồ, vì chiếc trực thăng cứ bốc khói nghi ngút và như sắp nổ vậy".
7. Hồ Hillier sắc hồng ngọt ngào
Nếu có dịp đi máy bay qua quần đảo Recherche ở phía Tây nước Úc, có lẽ bạn sẽ rất ngỡ ngàng khi chứng kiến một hồ nước màu hồng nhạt đẹp mắt như thế này. Vâng, bạn không nhìn nhầm đâu. Đó chính là hồ Hillier được phát hiện vào năm 1802.
Vì sao hồ nước này có màu sắc kỳ lạ như vậy? Thậm chí, dù nước hồ được lấy mang đi đâu thì nó vẫn giữ nguyên một màu hồng không lẫn vào đâu được. Điều này từng là bí ẩn trong suốt một thời gian rất dài. Nhưng gần đây các nhà khoa học cho rằng: Màu hồng này chính là do những vi khuẩn có chứa nhiều beta carotenes đặc trưng của vùng nước này tạo ra.
Hồ Hillier là một hồ nước mặn trên đảo Middle, đảo lớn nhất trong các đảo nhỏ thuộc quần đảo Recherche ở vùng Goldfields-Esperance, ngoài khơi bờ biển phía nam của Tây Úc. (Ảnh: wikimedia)
Ngoài ra, hồ có độ mặn hơn cả Biển Chết nên nếu lỡ rơi xuống đây, bạn đừng lo, hồ sẽ ngay lập tức đẩy bạn lên. Bởi những điều thú vị này, cùng cảnh sách thiên nhiên tuyệt đẹp bao quanh hồ, nên dù chỉ rộng 600m, hồ Hillier hằng năm thu hút rất nhiều du khách đến tham quan.
Cao Nguyên
Theo Ngẫm Radio
No comments:
Post a Comment