Tuesday, October 31, 2023

CÂU "NƯỚC SÔNG KHÔNG PHẠM NƯỚC GIẾNG" ẨN CHỨA HUYỀN CƠ GÌ?

Có câu “nước sông không phạm nước giếng”, nghĩa là mình và đối phương đều không ai đắc tội với ai, ai ai cũng làm đúng phận sự và không chen vào việc của người khác. Trên thực tế, câu nói này còn bao hàm một đạo lý khác sâu sắc hơn.

Câu ‘Nước sông không phạm nước giếng’ ẩn chứa huyền cơ. (Ảnh pexels)

Nước sông không phạm nước giếng

Thực tế, câu gốc của câu trên là: “Tỉnh thủy bất phạm hà thủy” (井水不犯河水 nước giếng không phạm nước sông), và nó bắt nguồn từ Hồi 69 trong tác phẩm “Hồng Lâu Mộng” của Tào Tuyết Cần – một trong tứ đại danh tác của Trung Quốc bên cạnh “Tam Quốc Diễn Nghĩa” của La Quán Trung, “Thủy Hử” của Thi Nại Am và “Tây Du Ký” của Ngô Thừa Ân.

Trước đây, NTDVN đã giới thiệu tới quý độc giả bài viết Giải mã danh tác: Hồng Lâu Mộng có thực sự chỉ là một câu chuyện tình yêu? Phân tích cho thấy, đây là tác phẩm ẩn chứa huyền cơ, giúp con người nhìn thấu cõi hồng trần và hướng tới cảnh giới của Thần, Đạo, Tiên. Tất nhiên, những ẩn ý, huyền cơ trong đó không phải ai cũng nhận ra được.

Hồng Lâu Mộng là tác phẩm ẩn chứa huyền cơ. (Tranh: Tôn Ôn đời Thanh)

Ví như câu nói trên, theo Từ điển bách khoa Baidu của Trung Quốc giải nghĩa, nước giếng và nước sông này không phải nước trên mặt đất mà là chỉ ngôi sao trên trời. Chữ ‘tỉnh’ trong ‘tỉnh thủy (nước giếng)’ vốn là chỉ sao Tỉnh – một chòm sao trong nhị thập bát tú (28 chòm sao trên bầu trời theo cách chia của người Trung Hoa cổ), tương ứng với nó là chòm sao Song Tử trong thiên văn học phương Tây, và nó ở gần dải Ngân Hà. Còn ‘hà’ trong ‘hà thủy (nước sông)’ là để chỉ Ngân Hà.

Ở phía đông bắc và đông nam của sao Tỉnh có hai chòm sao nổi tiếng tên là Bắc Hà và Nam Hà, người xưa coi chúng là những người bảo vệ dải Ngân Hà. Vào thời cổ đại, người ta nói rằng ‘nước giếng không phạm nước sông’ là muốn đề cập đến hiện tượng thiên văn ba chòm sao Tỉnh, Bắc Hà và Nam Hà chuyển động hài hòa, không đụng chạm tới nhau. Bởi một khi vị trí của những chòm sao này có bất kỳ thay đổi bất thường gì, nhân gian sẽ chịu tai ương. ‘Nước giếng không phạm nước sông’ là điều mà người xưa đúc kết được sau khi quan sát thiên tượng và đoán phúc họa ở nhân gian.

Còn về tính chất, nước giếng thuộc hệ nước ngầm, nước dưới đất, còn nước sông thuộc hệ nước bề mặt đất, nước giếng và nước sông không thông với nhau, không có điều kiện xâm lấn nhau.

Theo khoa học hiện nay, các loại nước nói chung chỉ khác nhau về hàm lượng một số khoáng chất, chứ không có sự khác biệt quá nhiều. Nhưng cổ nhân lại không nghĩ như vậy. Ngoài giải thích theo thiên văn học hay khoa học, người tu Đạo thời xưa đã nhận thức được rằng mỗi một loại nước đều có nguồn gốc sinh mệnh khác nhau.

Nửa bình nước Nam Linh

Vào mùa xuân năm Nguyên Hòa thứ chín thời Đường (năm 814), Trương Hựu Tân vừa đỗ Trạng nguyên, trở thành Tam nguyên vì đỗ đầu cả ba kỳ thi hương, thi hội, thi đình. Ông đã hẹn gặp những người thi đậu cùng kỳ tại chùa Tiến Phúc. Trương Hựu Tân và Lý Đức Dụ đến trước, họ nghỉ ngơi trong phòng của nhà sư Huyền Giám ở chái tây. Tình cờ có một nhà sư từ phương Nam đến bước vào, đặt hành lý xuống và nằm nghỉ. Trong hành lý có mấy cuốn sách, Trương Hựu Tân thuận tay lấy một cuốn ra và đọc từ đầu đến cuối. Chữ nhỏ và dày đặc, tất cả đều là văn tạp ký. Cuối sách còn có tựa là “Chử thủy Ký” (ghi chép về đun nước).

Trong sách viết, khi Đường Thái Tông tại vị, đã phong cho Lý Quý Khanh làm Thứ sử Hồ Châu (tương đương với chức thống đốc tiểu bang hoặc tỉnh trưởng ngày nay). Trên đường đi nhậm chức, Lý Quý Khanh đã đi qua Hoài Dương và gặp ẩn sĩ Lục Hồng Tiệm (733-804), còn được gọi là "Thánh trà" Lục Vũ. Lý Quý Khanh vốn rất quen thuộc với cái tên Lục Vũ, nay lại gặp được chính người đó, trong lòng mừng rỡ như gặp lại cố nhân, thế là hai người cùng nhau đi tới quận thành.

Tranh minh họa: Chân dung Lục Vũ - tranh Nhật Bản. (Miền công cộng)

Đến trạm dịch Dương Tử, khi chuẩn bị tới giờ ăn cơm, Lý Quý Khanh nói: "Lục tiên sinh nổi tiếng giỏi trà đạo, vang danh thiên hạ, mà nước Nam Linh ở sông Dương Tử đặc biệt phi thường, hôm nay trà đạo của ngài và nước ngon ở đây có thể nói là ngàn năm mới gặp một lần, sao có thể bỏ qua cơ hội này?".

Nói xong, ông ra lệnh cho một quân sĩ trung thực và thận trọng mang theo bình nước, chèo thuyền nhỏ đến vùng nước sâu để lấy nước Nam Linh về.

Lục Vũ ở đó lau bộ ấm trà và đợi nước. Không lâu sau, binh sĩ kia đã mang nước trở về. Lục Vũ dùng thìa múc nước và nói: "Nước sông đúng là nước sông Dương Tử, nhưng không phải nước Nam Linh, nó giống nước bên bờ sông hơn".

Người binh sĩ lấy nước nói: "Tôi chèo thuyền vào nơi sâu, trên đường đi gặp cả trăm người, tôi dám lừa dối chăng?".

Lục Vũ không nói gì, ông đổ nước ra chậu, đổ được một nửa, ông vội dừng lại, lại dùng thìa múc nước, chỉ vào bình nước và nói: “Nước từ đây trở xuống mới là nước Nam Linh”.

Người binh sĩ giật mình kinh hãi, quỳ xuống nói: “Tôi ôm bình nước từ Nam Linh đến bờ sông, nhưng thuyền lắc lư làm đổ mất một nửa. Vì sợ ít nước nên đã đổ thêm nước bên bờ sông vào cho đầy bình. Khả năng phân biệt của vị ẩn sĩ này quả là thần thông, ai dám nói dối ông đây?”.

Lý Quý Khanh kinh ngạc tán thưởng, mấy chục người đi theo cũng đều kinh ngạc. Lý Quý Khanh sau đó hỏi Lục Vũ: "Nếu đã như vậy, ở tất cả những nơi ngài đi qua, ngài đều phân biệt được nước tốt và xấu sao?".

Lục Vũ trả lời: "Nước ở nước Sở là tốt nhất, nước ở nước Tấn là kém nhất”.

Sau đó, Lý Quý Khanh đã yêu cầu Lục Vũ thuật lại thứ tự chất lượng nước ở các nơi (trích “Thủy Kinh”).

Thông điệp của nước

Tiến sĩ Masaru Emoto người Nhật Bản từng làm thí nghiệm như sau: cho một giọt nước tiếp xúc với một suy nghĩ nhất định; hoặc một ngôn ngữ; âm nhạc; một từ ngữ; hay một yếu tố vật lý. Sau đó nó sẽ được nhỏ xuống khay thí nghiệm rồi bỏ vào tủ lạnh; đông thành một viên băng nhỏ. Trong phòng thí nghiệm với mức nhiệt độ giảm xuống còn -50 độ C, nhà nghiên cứu sẽ lấy viên băng nhỏ này ra và nhanh chóng đặt nó dưới kính hiển vi có gắn máy ảnh.

Sau khi nghiên cứu hàng trăm mẫu nước với cùng phương pháp như vậy, Tiến sĩ Masaru Emoto dường như đã vén lên một bức màn bí ẩn của vũ trụ, gửi đến chúng ta bức “Thông điệp của nước” để cuộc đời trở nên tốt đẹp hơn.

Thông điệp 1: Nên nói lời hay ý đẹp

Cùng một nguồn nước rót vào 3 chai. Một chai là Yêu thương (Love), chai khác là Cảm ơn bạn (Thank you) và một chai khác thì có ghi Tao ghét mày (I hate you).

Hình dạng tinh thể nước tương ứng với các nhãn khác nhau được gắn lên bình chứa. Từ trái sang: “yêu thương”, “cảm ơn”, và “tao ghét mày”. (Ảnh: Image Shack)

Trong một thí nghiệm khác, tinh thể nước khi được cho xem chữ “thiên thần” thì trở nên vô cùng đẹp đẽ, còn tinh thể nước khi được cho xem chữ “ác quỷ” thì lại u ám, đáng sợ.

Trái: Tinh thể nước khi được cho xem chữ “thiên thần”. Phải: Tinh thể nước khi được cho xem chữ “ác quỷ”. (Ảnh: Viện Hado)

Thông điệp 2: Nên nhìn những điều tốt đẹp

Sau khi được xem hình hoa cam cúc (Chamomile) và hoa cây thì là (Fennel), hình dạng tinh thể nước hoàn toàn tương đồng với hình dạng của hai loại hoa.

Trái: Bức hình chụp hoa cam cúc (Chamomile). Phải: Tinh thể nước sau khi được xem hình hoa cam cúc. (Ảnh: zhengjian.org)

Thông điệp 3: Nên nghe âm nhạc cổ điển

Những tinh thể nước sau khi cho nghe nhạc rock thì vỡ nát, còn nghe một bản nhạc cổ điển thì xuất hiện tinh thể tuyệt đẹp.

Trái: Tinh thể nước khi được nghe nhạc Rock Heavy Metal. Phải: Tinh thể nước khi được nghe bản nhạc “Đêm bình yên”. (Ảnh: Zhengjian.org)

Thông điệp 4: Hãy học tập tri thức

Trong một thí nghiệm khác, khi cùng một từ, ví dụ như “trí tuệ”, được viết bằng các ngôn ngữ khác nhau và dán lên các khay chứa các mẫu nước thì cho ra các hình dạng tinh thể nước khác nhau.

Trái: Tinh thể nước khi tiếp xúc với từ “Trí tuệ” bằng tiếng Nhật. Giữa: Tinh thể nước khi tiếp xúc với từ “Trí tuệ” bằng tiếng Anh. Phải: Tinh thể nước khi tiếp xúc với từ “Trí tuệ” bằng tiếng Đức. (Ảnh: bibliotecapleyades.net)

Kết quả tương tự cũng xảy ra khi thực hiện thí nghiệm từ “vũ trụ” bằng tiếng Nhật, tiếng Anh, và tiếng Hy Lạp.

Trái: Tinh thể nước khi tiếp xúc với từ “Vũ trụ” bằng tiếng Nhật. Giữa: Tinh thể nước khi tiếp xúc với từ “Vũ trụ” bằng tiếng Anh. Phải: Tinh thể nước khi tiếp xúc với từ “Vũ trụ” bằng tiếng Hy Lạp. (Ảnh: bibliotecapleyades.net)

Thông điệp 5: Hãy cầu nguyện

Vào lúc 2 giờ ngày 02 tháng 02 năm 1997, 500 người từ khắp Nhật Bản đã hưởng ứng lời kêu gọi của Tiến sĩ Emoto và phát thiện niệm vào một chai đựng nước máy được đặt trên bàn làm việc của Tiến sĩ Emoto tại Tokyo. Mỗi người được yêu cầu nghĩ như sau: “Nước hãy trở nên tinh khiết bây giờ. Xin cảm ơn”. Thông điệp trìu mến này đã được phát ra cùng lúc bởi 500 người trên khắp Nhật Bản.

Và kết quả là nước máy trong chiếc chai tại Tokyo đã biến đổi từ hình thù vỡ vụn đen tối thành dạng tinh thể tuyệt đẹp.

Trái: Tinh thể nước máy. Phải: Tinh thể nước sau khi 500 người phát thiện niệm đến một chai nước máy. (Ảnh: Masaru Emoto)

Vạn vật trên thế gian đều có sinh mệnh

Từ thí nghiệm về nước của Tiến sĩ Emoto, chúng ta thấy nước có thể 'nghe, nhìn, hiểu' được ý của hình ảnh, chữ viết, âm nhạc, thậm chí cả ý nghĩ của con người. Không chỉ có nước, theo quan điểm văn hóa truyền thống phương Đông, "Vạn vật hữu linh", nghĩa là, tất cả mọi thứ trên thế gian đều có sinh mệnh, và cũng có tồn tại đặc tính của riêng chúng.

Lục Vũ hiểu được đặc tính của nước, giống như hiểu được tính khí, tính cách của một người bạn cũ. Vì vậy, ông mới có thể biết được loại nước đó đến từ đâu.

Có lẽ không khó để nhận biết được đó có phải là nước Nam Linh hay không, nhưng để nhận biết đó là nước ở vùng nước sâu hay nước gần bờ sông lại không phải việc dễ dàng. Đặc biệt là khi đổ hai loại nước này vào chung bình, chúng lại không hòa quyện vào nhau, đó có lẽ là khía cạnh biểu hiện của sinh mệnh! Nó cũng tương tự như “nước sông không phạm nước giếng”. Bởi vì chúng là một phần của những sinh mệnh khác nhau.

Vũ trụ này phong phú muôn màu muôn vẻ, vạn vật đều có khía cạnh biểu hiện của sinh mệnh, có người thì cũng có Thần có quỷ. Chỉ có những người như Lục Vũ, người chân chính cảm nhận được một phương diện khác của sinh mệnh, thì mới có thể phân biệt chính xác những sinh mệnh khác nhau.

Thần luôn tồn tại, ngay bên cạnh chúng ta. Chính “thuyết vô Thần” đã dựng nên hàng rào khiến con người khước từ chân tướng và ngăn cản con người biết về chân tướng của Thần.

Nam Phương
(Tổng hợp từ zhengjian, baidu, ntdvn)

"CỪU LÁ", TRÔNG RẤT GIỐNG CỪU VÀ LÀ LOÀI ĐỘNG VẬT HIẾM HOI CÓ THỂ QUANG HỢP

Đại dương xanh bao phủ hơn 70% diện tích bề mặt trái đất. Và trong thế giới đầy bí ẩn này đang tồn tại rất nhiều loài sinh vật biển độc đáo. Trong đó phải kể đến một loài có biệt danh là “cừu lá” hay “sên lá”. Nó đã thu hút nhiều sự chú ý trên Internet bởi vẻ ngoài vô cùng dễ thương, trông như một nhân vật bước ra từ phim hoạt hình vậy.

(Ảnh: Wattanakarn Vladimirov/ Shutterstock)

Cừu lá thực chất là một loài sên biển, là những loài động vật không xương sống ở biển. Sên biển có họ hàng gần với động vật chân bụng, chẳng hạn như ốc biển và động vật thân mềm. Tuy nhiên sự khác biệt duy nhất là chúng không có vỏ.

Tên khoa học của cừu lá là Costasiella kuroshimae, nó được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1993 ngoài khơi đảo Kuroshima của Nhật Bản. Những con cừu lá đáng yêu này thuộc động vật thân mềm (Mollusca), lớp chân bụng (Gastropoda). Chúng có kích thước rất nhỏ, chỉ bằng một hạt gạo, với chiều dài chỉ từ 3mm đến 1cm. Thức ăn chính của chúng là rong biển. Phạm vi phân bố chủ yếu là ở các rạn san hô ngoài khơi Nhật Bản, Indonesia và Philippines.

(Ảnh: blue-sea.cz/ Shutterstock)

Cừu lá sống tập trung ở vùng khí hậu nhiệt đới, đầu chúng có màu trắng, với một đôi mắt hình hạt châu màu đen và hai xúc tu dễ thương giống như chiếc sừng nhô ra từ đỉnh đầu, trông không khác gì tai cừu. Toàn bộ thân thể thì giống như đang được bao bọc bởi nhiều lớp lá. Chính vì vậy nó mới có tên gọi là “cừu lá”.

Trên thực tế, hai chiếc sừng trông như tai cừu này chính là cơ quan thụ cảm mùi hương và vị giác. Hai chiếc “tai cừu” có lông mịn để cảm nhận được các chất hóa học trong nước, tạo điều kiện thuận lợi để chúng đi tìm nguồn thức ăn.

(Ảnh: Kim_Briers/ Shutterstock)

Ngoài ngoại hình dễ thương, cừu lá còn là loài động vật hiếm hoi trên thế giới có thể thực hiện quá trình quang hợp. Khi lấy tảo làm thức ăn và giữ lại những lạp thể khi tiêu hóa để sử dụng cho quá trình quang hợp; sau một thời gian, những lạp thể này sẽ được chuyển hóa và nó được gọi là kleptoplasty. Điều này có nghĩa là chỉ cần chúng ăn rong biển một lần, chúng sẽ có khả năng quang hợp. Tức là có thể chuyển hóa carbon dioxide và nước thành đường để lấy năng lượng, miễn là chúng được tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Tuy nhiên, do lục lạp có từ rong biển nên sau một thời gian cừu lá lại phải bổ sung rong biển để tiếp tục quá trình quang hợp và duy trì sự sống.

(Ảnh: kaenscuba/ Shutterstock)

Cừu lá khi còn nhỏ có màu trắng và trong suốt, nhưng khi bắt đầu ăn rong biển, chúng sẽ dần chuyển sang màu xanh như cây cỏ và tỏa ra ánh quang như những tia nắng. Lý do là bởi tảo không chỉ giúp chúng sinh tồn mà còn thay đổi màu sắc của chúng.

Đặc biệt, một số nhiếp ảnh gia còn chụp được những con cừu lá với nhiều màu sắc khác nhau. Đây có thể liên quan đến các loại tảo khác nhau mà chúng đã tiêu thụ.

(Ảnh: Suwat Sirivutcharungchit/ Shutterstock)

Hiện tại chưa có một nghiên cứu nào về tuổi thọ của chúng. Nhưng một số nhà khoa học tin rằng cừu lá có thể kéo dài tuổi thọ của mình. Đối với một loài mới được phát hiện cách đây ba thập kỷ, thì vẫn còn nhiều điều phải tìm hiểu.

An Chi (t/h) / Theo: trithucvn
Link tham khảo:




NGƯỜI TA THƯỜNG HIỂU LẦM VỀ SỰ BÌNH ĐẲNG TRONG GIA ĐÌNH

Bình đẳng, hiểu theo nghĩa phổ cập nhất, là, ngang bằng nhau về địa vị và quyền lợi, nghĩa vụ. Trong khuôn khổ một gia đình, nhất là gia đình Việt, xưa nay, ta thường gặp cảnh bất bình đẳng giữa người lớn và nhỏ, nhất là về giới. Khoảng hai chục năm trở lại đây, từ “bình đẳng” ngày càng phổ quát và được nhiều người áp dụng trong gia đình, nhưng họ có thực sự hiểu đúng đủ nghĩa của bình đẳng hay chỉ là sự lợi dụng, nhân danh hoặc hiểu sai và ứng xử sai? Khi hiểu đúng đủ về khái niệm thì ta mới thực sự cảm thấy bình đẳng và đối xử bình đẳng với các thành viên khác trong gia đình. Ngược lại, vô hình trung, sẽ chỉ gây ra những trò hình thức và tạo ra mâu thuẫn bất hòa vô nghĩa.


Trong gia đình người Việt nói chung, cha mẹ là thần thánh, có quyền uy tối thượng đối với con cái. Người lớn nói thì con cái chỉ được cúi đầu nghe, không được phép phản biện. Cha mẹ nói oan, nói sai cho con, con vừa định trình bày giải thích thì liền bị quát, “Câm mồm. Còn cãi à?!” Họ luôn trong tâm thế mình lớn, mình hiểu biết hơn, nên những gì mình nói, mình làm, mình nghĩ đều là điều đúng đắn và bất chấp cảm xúc, suy nghĩ, nhu cầu của con trẻ. Họ nghĩ đứa trẻ phải ăn đúng một bát cơm đầy một bữa thì mới khỏe. Trẻ lửng bụng, không đói, nhè ra… thì cũng bị dồn ép, quát nạt đủ kiểu để con phải nuốt hết một chén đầy. Trẻ không ăn hết thì họ liền tỏ ra vẻ mặt đầy thất vọng và trách mắng, kể công cực khổ vất vả khi đã nấu cho chúng… Họ không hề có sự bình đẳng nào ở đây cả. Dĩ nhiên, phẩm giá của đứa trẻ cũng vì thế mà bị hủy hoại, mỗi ngày một chút.

Cách đây chưa lâu và ngay cả bây giờ, ở vùng quê, nhiều nơi vẫn coi trọng con trai hơn con gái trong nhà, vẫn phân chia mâm trên mâm dưới, vẫn phân chia việc đàn ông đàn bà không phải theo độ nặng nhọc, năng lực mà theo vai vế và định kiến. Giữa hai việc ngồi tiếp khách và rửa chén sau bữa ăn thì gia đình Việt sẽ thường mặc định là vợ rửa chén, chồng ngồi tiếp khách. Tôi rất hiếm thấy gia đình nào ngược lại. Con gái trong nhà thường bị sai bảo làm việc dọn dẹp nhà cửa, bếp núc nhiều hơn; bị la mắng nhiều hơn so với con trai khi chúng đều cẩu thả hoặc ham chơi. “Con gái con đứa mà cẩu thả vụng về thế thì sao lấy chồng được hả con?” Chẳng ai nói với con trai câu đó cả. Nếu lớn, con vẫn cẩu thả vụng về, cha mẹ không hầu được con nữa thì người ta tính chuyện cưới vợ cho con để vợ con hầu con.


Nhiều em gái thỉnh thoảng bình luận, nhắn, nói chuyện với tôi về những nỗi đau, những di chứng tổn thương mà các em đã phải chịu đựng thời tuổi thơ, trong gia đình, vì ba mẹ trọng con trai hơn con gái trong nhà. Có những em, khi trưởng thành và rời khỏi nhà thì không còn muốn quay về. Sau đó, các em đã phải nỗ lực rất nhiều để vượt qua những di chứng tổn thương của bản thân, để chứng minh khẳng định bản thân, để có thể làm tròn trách nhiệm với gia đình và cố gắng xây dựng lại tình yêu thương đã bị người lớn đánh mất. Rất đau đớn. Không nhiều người vượt qua được và lại lặp lại vòng lặp bệnh lý, nếu không thì cũng xoay qua hướng cực đoan khác là nuông chiều bù đắp hết mức cho con gái của chính mình.

Thời gian sau này, người ta tuyên truyền nhiều về bình đẳng, nhưng con người có thực sự sống và ứng xử bình đẳng với nhau trong xã hội và gia đình? Không. Trong bài này, mình không phân tích việc bất bình đẳng, nhân danh bình đẳng làm bình phong trong xã hội, vì chủ đề chính của bài là nền tảng giáo dục gia đình nên mình chỉ nói riêng khía cạnh gia đình, giới trong gia đình.

Ngày 8/3, sau đẻ thêm ngày 20/10, mỗi năm phụ nữ Việt Nam có hẳn hai ngày để được tôn vinh thì ít mà lợi dụng thì nhiều. Lắm ngày của phụ nữ thế, nhưng, phụ nữ nói chung vẫn là đối tượng không hề được coi trọng, yêu thương. Mọi tôn vinh tung hô trong những ngày này đều mang tính hình thức, ru ngủ. Phụ nữ phương Tây chẳng quan tâm gì đến ngày phụ nữ, nhưng cấm có ai dám không tôn trọng họ. Ở phía ngược lại, cũng ngày thêm nhiều phụ nữ nhân dịp mà vòi quà và hoa từ các đàn ông. Rất không tự trọng. Bình đẳng bị biến tướng và lợi dụng hoặc ngụy biện, bóp méo khái niệm một cách trắng trợn.


Một người vợ vừa đi làm kiếm tiền, vừa chợ búa, đưa đón con cái đi học, nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, ngày qua ngày sống với người chồng làm việc xong là ghé quán nhậu với lý do phải tiếp đối tác, bỏ lỡ hầu hết các dịp quan trọng và những khoảnh khắc gia đình thì không có sự bình đẳng nào ở đây cả.

Một người chồng đi làm ít tiền hơn vợ, bị vợ dồn hết việc dọn dẹp nhà cửa, chợ búa, nấu nướng, uống cái cốc không tự dọn, ăn xong cái chén cũng để lại cho người chồng ít tiền kia phải rửa thì không hề có sự bình đẳng nào. Chỉ là nhân danh bình đẳng để khinh bỉ anh chồng tội nghiệp.

Bình đẳng cũng không phải là hôm nay tôi rửa chén thì mai ông phải rửa. Ông vì sao đó mà không rửa thì tôi cũng không rửa hoặc nếu tôi rửa thì kể công, hài tội, mặt nặng mày nhẹ. Bình đẳng càng không phải là phân công rạch ròi tôi nấu cơm thì anh phải rửa bát, tôi giặt quần áo thì anh phải cọ toilet…


Bình đẳng là cả nhà ngồi xem tivi, có tiếng chuông gọi cửa, lúc thì chồng ra mở, lúc thì vợ, lúc thì con, tự nguyện. Là khi thấy chồng đang mải xem trận bóng đá hay, chương trình anh ta yêu thích, thì vợ tự nguyện đứng dậy, “Anh để em” và ra mở cửa. Là chồng đang xem bóng đá, thấy vợ đi mở cửa cho khách để mình không bỏ lỡ pha bóng đẹp thì biết ơn vợ mình tinh tế. Lần sau, cô ấy đang xem phim hay, thì anh tự đứng dậy đi mở cửa cho khách. Đó mới là bình đẳng trong tình yêu thương.

Bình đẳng là khi thấy chồng làm việc muộn, vợ pha cho cốc cà phê và để yên cho chồng làm việc. Là khi thấy vợ làm việc nhiều, chồng liền phụ đỡ, không nề hà đó là loại công việc gì. Là vợ chồng thỉnh thoảng làm việc gì đó cho nhau mà không tính toán, kể lể, than vãn và tự nguyện. Là con trai hay con gái trong nhà đều được đối xử như nhau trong việc hưởng thụ cũng như nghĩa vụ. Con trai và con gái đều ăn cơm thì chẳng có lý gì con trai được đặc cách không phải rửa chén bát. Tùy theo sức khỏe, sự yêu thích và khả năng mà phân chia công việc cho hợp lý, để cả nhà không ai phải quá vất vả một mình.

Người có tư duy bình đẳng thì trong gia đình những câu nói phân biệt về giới như, “Nhất nam viết hữu thập nữ viết vô”, “Con trai là con nhà mình, con gái là con nhà người”… không bao giờ được nói đến để tránh gây ra sự so sánh, miệt thị và tủi thân cho trẻ. Những câu có tính phân biệt như, “Mày là con gái nên phải…” cũng không được nói vì nó sẽ làm cho trẻ mặc định nó là gái thì nó phải như thế này và không được thế kia.


Bình đẳng phải được hiểu đúng và đủ, từ trong tư duy, nhận thức thì mới có thể sống bình đẳng và ứng xử bình đẳng với mọi người khác trong gia đình. Khi con người có bình đẳng trong gia đình, biết sống bình đẳng thì họ mới hiểu rõ thế nào là sự công bằng và lúc đó họ mới biết bảo vệ sự bình đẳng và công bằng cho mình và cho cộng đồng khi ra xã hội sống và làm việc.

Muốn dạy con về bình đẳng thì cha mẹ phải gột bỏ hoàn toàn tư duy trọng nam khinh nữ, các định kiến, thành kiến về giới, về vai vế trong đầu mình.

Nguyễn Thị Bích Ngà

THIỀN SƯ HONGYI: NHIỀU NGƯỜI CẢ ĐỜI KHÔNG LÀM ĐIỀU ÁC NHƯNG SỐ PHẬN VẪN HẨM HIU LÀ BỞI NGUYÊN NHÂN SAU

Bạn có bao giờ thắc mắc: Tại sao nhiều người không bao giờ làm điều xấu nhưng số phận của họ lại khốn khổ?


Người xưa thường tin vào nghiệp báo, gieo nhân nào sẽ gặp quả nấy. Tuy nhiên, nguyên tắc này dường như không có tác dụng đối với nhiều trường hợp. Và ngược lại, nhiều người cả đời không làm điều ác nhưng số phận vẫn hẩm hiu.

Thiền sư Hongyi, tên thật là Li Shutong (Trung Quốc) sinh ra trong một gia đình khá giả, được giáo dục tốt. Năm 26 tuổi, ông sang Nhật du học và có những đóng góp to lớn cho sự phát triển văn hoá sau khi trở về nước.

Ông trở thành một nhà sư, lấy pháp danh là Hongyi. Trả lời cho tại sao nhiều người không bao giờ làm điều xấu nhưng số phận của họ lại khốn khổ, thiền sư Hongyi cho rằng vấn đề nằm ở suy nghĩ con người.

(Ảnh minh hoạ)

"Mặc dù một số người thực sự không làm điều xấu nào nhưng tâm của họ không tốt, có những suy nghĩ xấu. Một người nghĩ gì, cả vũ trụ đều biết điều đó", vị thiền sư chia sẻ.

Khi bạn nghĩ về nó, nó sẽ làm xáo trộn mọi điều, tạo thành một từ trường tương ứng. Những từ trường này sẽ có tác động nhất định đến vận mệnh con người.

Từ quan điểm của người hiện đại, nhiều người có thể thấy rằng những lời của thiền sư Hongyi có chút mơ hồ.

Suy cho cùng, đối với những người hiện đại thường chú ý đến chứng minh khoa học. Cái gọi là tư tưởng, tinh thần, từ trường, vận mệnh đều là những thứ vô hình. Nếu như mù quáng tin vào thứ này có vẻ không thuyết phục.

Thế nhưng từ quan điểm tâm lý học, những suy nghĩ của thiền sư Hongyi đề cập thực ra là những hoạt động tinh thần. Người ta nghĩ gì, không buông bỏ được gì, đều có thể gọi tên. Đó là một loại tâm lý xuất phát từ trái tim, thể hiện những suy nghĩ thật nhất của con người. Và suy nghĩ có thể phản ánh giá trị của một người.

Các nhà tâm lý học cho rằng, giá trị là một loại quan điểm về con người, sự vật và sự việc xung quanh. Đó là một hiện tượng tâm lý rất cá nhân, đồng thời cũng là cơ sở tâm lý và động lực bên trong quyết định hành vi của một người.

(Ảnh minh hoạ)

Đưa ra một ví dụ đơn giản. Khi bạn nhìn thấy người bạn của mình thành công, bạn cảm thấy hạnh phúc cho họ không? Hay sẽ là cảm giác ghen tỵ trước thành tựu của họ? Những giá trị khác nhau thường dẫn đến những hoạt động tâm lý khác nhau ở con người.

Khi suy nghĩ của một người có xu hướng tiêu cực thường có vấn đề với các giá trị của họ. Dù họ chưa làm hại gì ai nhưng nếu tiếp tục sống với những giá trị như vậy thì sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc đời họ.

Khi bạn đạt được thành tựu, việc mọi người ghen tỵ với bạn là điều bình thường. Tuy nhiên có một giới hạn của sự ghen tỵ này.

Mặc dù một số người ghen tỵ với bạn bè xung quanh nhưng họ sẽ biến sự ghen tỵ thành động lực tiến về phía trước và sẽ mãi không chìm đắm trong cảm xúc tiêu cực này. Tuy nhiên, một số người có lòng tự trọng thấp hoặc đầu óc hạn hẹp khiến sự ghen tỵ vượt qua mức bình thường. Họ sẽ không biến sự ghen tỵ thành động lực để thúc đẩy bản thân tiến lên phía trước mà sẽ tìm ra nhiều lý do bao biện cho mình.

Họ sẽ không nỗ lực để thay đổi bản thân mà nảy sinh tâm lý "mong cho người khác sống tồi tệ hơn". Mặc dù họ không làm điều gì xấu nhưng có loại suy nghĩ này, vì thế số phận họ thường không tốt là bao.

Ý nghĩ xấu được gọi là "nhân", số phận khốn khổ được gọi là "quả". Trong trường hợp này, quan hệ nhân quả được áp dụng. Người ta thường nói tính cách quyết định số phận.

Trên thực tế, các nhà tâm lý học chỉ ra rằng, tính cách của một người thường liên quan nhiều đến môi trường lớn lên. Đó bao gồm cha mẹ, người thân, bạn bè,… Dưới góc độ tâm lý số phận, những yếu tố này có tác động rất lớn đến số phận một người. Vì vậy, nhiều người nghĩ rằng chỉ cần bản thân không làm điều xấu thì sẽ có cuộc sống tương đối suôn sẻ nhưng trên thực tế, ý tưởng này lại sai lầm.

(Ảnh minh hoạ)

Khi một người có suy nghĩ xấu, bánh răng vận mệnh của họ đã bắt đầu chuyển động lặng lẽ. Vì vậy, chúng ta cần không ngừng sửa chữa những điều chưa tốt trong mình.

Thiền sư Hongyi cho rằng thực hành bắt đầu với những suy nghĩ. Khi bạn muốn người khác sống tốt, người khác có thể không sống tốt nhưng bạn nhất định phải sống tốt. Khi bạn muốn người khác có cuộc sống tồi tệ, họ có thể có cuộc sống ngược lại điều bạn muốn, còn bạn thì chắc chắn có cuộc sống tồi tệ. Đó là lý do tại sao thực hành là điều cần thiết. Cuộc sống là một thực hành và thực hành thực sự bắt đầu từ những suy nghĩ.

Tư tưởng Phật giáo cho rằng, vạn vật đều do tâm tạo. Chỉ khi tâm trí của một người được thay đổi, cuộc sống của họ mới thực sự có chuyển biến.

Nếu nội tâm của một người không tốt, như vậy dù người đó cả đời chưa từng làm việc gì xấu thì cuộc sống cũng thống khổ. Nhưng nếu nội tâm luôn tích cực thì một ngày nào đó, họ sẽ gặp nhiều may mắn, được người khác giúp đỡ.

* Thông tin mang tính chất chiêm nghiệm.
Nguồn: Toutiao
Ứng Hà Chi / Theo: phunoso

ĐỌC SÁCH KHIẾN BẠN SAY TÀU XE VÌ NÃO NGHĨ NÓ BỊ ĐẦU ĐỘC!

Trong những chuyến du lịch đường xa, nhiều người có thói quen đem theo một hoặc vài quyển sách để “ngấu nghiến” nhằm giết thời gian rảnh rỗi khi ngồi trên xe. Nhưng thực tế cho thấy, không phải ai cũng có khả năng thưởng thức những con chữ và đắm chìm vào thế giới đầy mơ mộng trong sách khi ngồi trên xe, cũng chỉ bởi vì… họ say xe. Nhưng tại sao chúng ta lại say xe và đọc sách thì có liên quan gì đến việc chúng ta bị say xe? Hãy cùng tìm hiểu nhé.

“Oẹ ọe” khi đi xe là chuyện cực kỳ phiền phức! (Nguồn: Internet)

Say xe hẳn là một hiện tượng không thể nào phiền toái hơn trong những chuyến đi vì chúng sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, mất sức, đau bụng, đau đầu và tệ hơn nữa là…bốc mùi (vì có thể xui xẻo thay bạn sẽ “ọe” ngay lên quần áo của mình.) 

Trong quyển sách của mình – Idiot Brain: What Your Head Is Really Up To (tạm dịch: Bộ não ngu ngốc: Não bạn thật ra đang làm gì), tác giả và cũng là nhà thần kinh học Dean Burnett đã nói rằng não của chúng ta không thật sự là một “tạo vật” hoàn hảo như nhiều người vẫn tưởng, thật ra nó có hàng tá lỗ hổng và việc khiến chúng ta bị say xe chính là một phần lỗi của bộ não “ngu ngốc” đấy!

(Nguồn: Internet)

Về cơ bản, khi chúng ta ngồi trên xe, tức là dịch chuyển một cách gián tiếp thông qua các phương tiện di chuyển, cơ thể nhận thức rằng nó đang ngồi im một chỗ, mắt thì quan sát các khoảng cách đã đi qua và sắp đi tới, và một thứ nữa có thể bạn không biết, đó chính là bộ máy thăng bằng ở tai trong của bạn, hay còn gọi với cái tên quen thuộc hơn là “tiền đình”, sẽ luôn luôn hoạt động để bạn một cách vô thức nhận biết được việc di chuyển của cơ thể.

Ở trong tiền đình có chứa những chất dịch lỏng, và chính sự chuyển động của chất dịch này sẽ khiến bạn định hướng được chuyển động của cơ thể. Nếu bộ phận tiền đình của bạn bị hỏng, ngay cả khi bị lộn ngược lại bạn có thể sẽ không cảm nhận được đấy! Và đây cũng chính là một bộ phận góp phần vào việc bạn có dễ bị say xe hay không.

Cảnh bên ngoài nhìn từ trong xe

Khi bạn ở trong một chiếc xe, nếu bạn đọc sách, cơ thể bạn được giữ im một chỗ, mắt bạn dán vào quyển sách trong khi tiền đình vẫn nhận thức là bạn đang “bị” di chuyển. Đây chính là nguyên nhân khiến cho não bộ bị bối rối vì những thông tin mâu thuẫn với nhau được truyền tới từ các giác quan trên cơ thể, mắt và tiền đình.

Trong khi tiền đình là bộ phận giúp cơ thể hiểu được nó đang di chuyển như thế nào thì mắt lại truyền đến tín hiệu khác, cơ thể cũng vậy. Và như lẽ tất nhiên, bộ não “ngốc xít” của chúng ta sẽ cho rằng nó đang bị “đầu độc”! Sau đó, nó sẽ truyền tín hiệu này tới toàn bộ cơ thể và khiến chúng ta thấy buồn nôn.

(Nguồn: Internet)

So sánh với việc nếu bạn không đọc sách mà nhìn ra bên ngoài, mắt bạn sẽ quan sát được cảnh vật và truyền tín hiệu đến não rằng bạn đang di chuyển, tiền đình cũng truyền đến tín hiệu tương tự dù cơ thể lại ở im một chỗ, thì khi đó não sẽ hiểu rằng: “Ồ, mình đang di chuyển” vì có đến hai bộ phận “đáng tin cậy” cho nó biết điều đó.

Cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp bên ngoài tàu lửa. (Nguồn: Internet)

Thế nên, việc đọc sách khi ngồi tàu xe không hẳn là một việc lý tưởng để làm khi bạn muốn giết thời gian trên xe đâu nhé. Thay vào đó, hãy thử lia mắt ra ngoài và quan sát cảnh vật của những nơi mà bạn đã và sẽ đi qua, vì biết đâu bạn sẽ bắt gặp được khung cảnh thiên nhiên vô cùng tuyệt vời mà không quyển sách nào có thể làm bạn cảm nhận được đâu!

Tân Tân / Theo: bloganchoi

Monday, October 30, 2023

MYANMAR: HẬN THÙ VÀ TỘI ÁC - KỲ 2: NGUỒN CƠN

Đi tìm câu trả lời cho vòng xoáy hận thù và xung đột trong gần 80 năm qua tại Myanmar.

Các nhà sư tại Myanmar biểu tình phản đối người Rohingya. Ảnh: Getty/ Gratzer.

Từ khi độc lập vào năm 1948, quân đội Myanmar đã tiến hành thanh trừng các sắc dân thiểu số trên đất nước. Ngoài mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, một phần nguyên nhân còn đến từ các tranh chấp tài nguyên và lợi ích mà các thế lực thống trị đang nắm giữ.

Cuộc nội chiến dài nhất thế giới

Myanmar là một trong những quốc gia đa sắc tộc nhất trên thế giới, với 135 sắc tộc được công nhận. Nước này có 54 triệu dân (số liệu tổng hợp từ World Bank vào năm 2019) với hơn 100 ngôn ngữ, chủ yếu từ các ngữ hệ Tây Tạng – Miến Điện.

Quốc gia này có chung biên giới với năm nước (Ấn Độ, Bangladesh, Trung Quốc, Lào và Thái Lan), chưa kể đến vịnh Bengal rộng lớn và biển Andaman ở sườn phía Nam của nó. Vị trí địa lý giúp Miến Điện thu hút dân cư từ nhiều nguồn gốc khác nhau trong suốt chiều dài lịch sử.

Theo một báo cáo của Viện nghiên cứu TNI (The Transnational Institute), vào thời điểm năm 2013, các sắc tộc thiểu số chiếm khoảng 30-40% dân số và sinh sống trên khoảng 57% tổng diện tích đất tại Myanmar.

Bản đồ địa bàn kiểm soát của các nhóm vũ trang ở Myanmar năm 2016. Nguồn: The Asia Foundation.

Một số sắc tộc, như người Rohingya, không được chính phủ công nhận. Họ bị gạt ra ngoài lề, bị từ chối các quyền công dân, quốc tịch, quyền bầu cử và các quyền cơ bản khác. Các sắc tộc thống trị không muốn chia sẻ các lợi ích kinh tế và tài nguyên đang nắm giữ.

Trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11/2020, Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi giành chiến thắng. Tuy nhiên, các sắc tộc thiểu số bị gạt ra khỏi tiến trình bầu cử. Phiếu bầu của khoảng 1,5 triệu người thiểu số không được tính đến. Kết quả bỏ phiếu tại 56 thị trấn thuộc các bang Kachin, Kayin, Mon, Rakhine và Shan bị hủy với lý do lo ngại về an ninh.

Từ những năm 1940, phẫn uất vì bị phân biệt đối xử, các tộc người thiểu số ở Myanmar đã lập ra các nhóm vũ trang để đấu tranh cho quyền lợi của mình.

Một ngôi làng của người Rohingya bị đốt trụi trong một vụ xung đột vào tháng 6/2012. Ảnh: Reuters/ Staff.

Xung đột sắc tộc ở Myanmar được xem là cuộc nội chiến dài nhất thế giới. Nó đã diễn ra trong hơn tám thập niên kể từ những năm 1940 đến nay.

Trong các cuộc giao tranh, quân đội chính phủ liên tục bị cáo buộc bắn giết người tùy tiện, hãm hiếp và lạm dụng tình dục, tấn công bừa bãi, lấy thường dân làm lá chắn sống.

Lợi dụng chiến sự với các lực lượng nổi dậy, quân đội Myanmar thường tìm cách trả thù và mở các chiến dịch quân sự nhắm vào cộng đồng các sắc tộc thiểu số.

Thù hận tôn giáo

Gần 90% người Myanmar theo đạo Phật. Các nhà sư Phật giáo đã đi đầu trong cuộc đấu tranh chống lại chính phủ quân phiệt của tướng Than Shwe (1992-2011). Trước đó, họ cũng tham gia đấu tranh chống thực dân Anh để giành độc lập.

Các Phật tử có địa vị cao quý trong xã hội Myanmar. Nhưng tình trạng bất ổn hiện nay bộc lộ một vấn đề: Các nhà sư đã đóng vai trò trung tâm trong xung đột chống Hồi giáo trong nhiều năm qua. Mặc dù đã có nhiều Phật tử bị bắt vì liên quan đến bạo lực, các nhà sư vẫn tiếp tục rao giảng cho phong trào dân tộc chủ nghĩa Phật giáo, phát triển nhanh chóng với tên gọi “phong trào 969”.

Một nhóm Phật tử cực đoan theo chủ nghĩa dân tộc Phật giáo biểu tình tại Yangon, Myanmar vào tháng 2/2017, phản đối chuyến tàu từ Malaysia chở hàng viện trợ cho người Rohingya. Các khẩu hiệu ghi: “Chúng tôi không cho phép gọi họ là người Rohingya”, “Họ không cùng dân tộc với chúng tôi”, “Họ đến từ Bangladesh”. Ảnh: CNN.

Con số 969 lấy cảm hứng từ một cuốn sách được viết vào cuối những năm 1990. Ba chữ số này được dùng để đối chọi với một con số biểu tượng tương tự của người Hồi giáo.

Trong khu vực Nam Á, người Hồi giáo dùng 786 như con số phước lành. Nó tượng trưng cho khẩu hiệu “Nhân danh thánh Allah, Đấng từ bi và nhân từ”. Các doanh nghiệp của người Hồi giáo đều có gắn con số này để nhận diện.

Những người theo chủ nghĩa dân tộc Phật giáo ở Myanmar coi đây là bằng chứng về một âm mưu thôn tính đất nước của người Hồi giáo. Họ kêu gọi sử dụng con số 969 để đối lập với 786.

Biểu tượng này tượng trưng cho “Tam bảo” của Phật giáo. Với các con số lần lượt đại diện cho “9 ân đức Phật”, “6 ân đức Pháp”, và “9 ân đức Tăng”.

Từ khi phong trào 969 hoạt động, đã có nhiều cuộc xung đột tôn giáo gây chết người diễn ra trên khắp đất nước.

Chẳng hạn, vào năm 2013 ở Meiktila, một gia đình Phật tử và chủ tiệm vàng người Hồi giáo tranh chấp với nhau. Vụ việc dẫn đến xung đột, khiến một nhà sư bị bốn người đàn ông Hồi giáo sát hại. Đám đông Phật tử phẫn nộ được các nhà sư quá khích dẫn dắt đã đem theo dao rựa và mã tấu, rượt đuổi hàng trăm người Hồi giáo ở thành phố này.

Người Rohingya biểu tình tại Kuala Lumpur, Malaysia vào tháng 3/2013, phản đối và kêu gọi “Hãy ngăn chặn nhóm 969”. Ảnh: Mohd Rasfan.

Trong vòng vài giờ, đã có 25 người Hồi giáo bị giết chết. Đám đông kéo thi thể đẫm máu của họ lên ngọn đồi có tên là Mingalarzay Yone rồi châm lửa đốt xác. Vào tối hôm đó, các Phật tử đã thiêu rụi một nhà thờ Hồi giáo ở Mingalarzay Yone, một trại trẻ mồ côi và một số ngôi nhà.

Những người Hồi giáo chạy trốn qua một bên ngôi nhà bị đám đông truy đuổi. Một số nạn nhân đã bị phanh thây trong một đầm lầy đầy cỏ lau gần đó.

Trong vòng bốn ngày, có ít nhất 43 người thiệt mạng. Gần 13.000 người, chủ yếu là người Hồi giáo, đã phải rời bỏ nhà cửa và cơ sở kinh doanh của họ.

Các nhà sư khủng bố

Các nhà sư cực đoan là gương mặt đại diện cho chủ nghĩa dân tộc Phật giáo tại Myanmar.

Một trường hợp điển hình là Ashin Wirathu, người được xem là “Bin Laden của Phật giáo”. Ông là lãnh đạo của phong trào 969, từng bị giam giữ vì tội danh kích động thù hận tôn giáo.

Wirathu kêu gọi các Phật tử tẩy chay các cửa hàng và doanh nghiệp của người Hồi giáo, đồng thời tránh các cuộc hôn nhân khác tôn giáo. Ông gọi các nhà thờ Hồi giáo là “căn cứ của kẻ thù”. Trong số những người ngưỡng mộ ông còn có cả Bộ trưởng Văn hóa và Sự vụ Tôn giáo của Myanmar.

Các nhà hoạt động nhân quyền cáo buộc Wirathu và phong trào cực đoan mà ông lãnh đạo đã gây ra các cuộc bạo động tôn giáo chết chóc trên đất nước.

Nhà sư Wirathu được tạp chí Time mô tả là “Buddhist terror” (Phật tử khủng bố). Ảnh: Time/ Hannah Beech.

Một nhà sư nổi tiếng khác của phong trào 969, Wimala Biwuntha, ví người Hồi giáo như một con hổ đi vào ngôi nhà không được bảo vệ và xơi tái những người cư ngụ bên trong. “Nếu không có kỷ luật, chúng ta sẽ đánh mất tôn giáo và chủng tộc của mình”, ông nói trong một bài thuyết pháp. “Chúng ta thậm chí có thể đánh mất đất nước mình.”

Các nhà sư cực đoan nuôi dưỡng chủ nghĩa dân tộc Phật giáo chủ chiến qua những lời tuyên truyền mô tả người Rohingya là dân nhập cảnh trái phép từ Bangladesh và lấn chiếm đất đai bản địa.

Tuy nhiên, người Rohingya khẳng định mình chính là tộc người bản địa đã sinh sống qua nhiều thế kỷ ở mảnh đất phía Nam Myanmar. Họ là hậu duệ của những thương nhân Arab và các nhóm thương nhân khác theo con đường tơ lụa đi qua nơi đây từ cách đây hơn 1.200 năm.

Chính quyền đồng lõa

Trong những năm gần đây, người Rohingya là mục tiêu của hàng loạt cuộc tấn công bạo lực. Các cuộc tấn công này được tổ chức dân tộc Phật giáo Buddha Dhamma Parahita Foundation và các phong trào dân tộc Phật giáo khác khuyến khích. Nhiều vụ việc xảy ra với sự đồng lõa trắng trợn của các quan chức và lực lượng an ninh địa phương.

Chẳng hạn, sau vụ giết người ngày 21/03/2013 ở Meiktila, thị trưởng phụ trách khu vực đã không làm gì để ngăn chặn bạo loạn bùng phát thêm trong ba ngày sau đó. Ông cố ý nhường quyền kiểm soát thành phố cho các nhà sư Phật giáo cực đoan, để họ chặn xe cứu hỏa, đe dọa các nhân viên cứu hộ và dẫn đầu những cuộc nổi loạn phá nát cả khu phố. Bạo loạn lan rộng sang những thị trấn lân cận, và đôi khi được cảnh sát cùng lực lượng an ninh địa phương làm ngơ.

Các Phật tử biểu tình tại Yangon, Myanmar vào tháng 6/2012, yêu cầu trục xuất “những kẻ khủng bố” người Rohingya ra khỏi đất nước. Ảnh: EPA/ Nyein Chan Naing.

Theo Reuters, nguồn gốc của phong trào 969 có liên quan với một quan chức trong chế độ độc tài từng điều hành Myanmar. Phong trào hiện nhận được sự ủng hộ từ các quan chức chính phủ cấp cao, các nhà sư và thậm chí một số thành viên của Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của Aung San Suu Kyi.

Vào năm 2013, văn phòng của Tổng thống Thein Sein từng công bố phát ngôn cho rằng 969 “chỉ là một biểu tượng của hòa bình” và sư Wirathu là “một người con của Đức Phật”.

Chủ nghĩa sô-vanh Phật giáo

Dưới sự hậu thuẫn ngầm, nhiều lúc công khai, của chính phủ và quân đội, các nhà sư cực đoan và phong trào dân tộc Phật giáo của họ nổi lên như một thế lực chính trị.

Tình cảm căm ghét Hồi giáo mà những người này kích động có thể là liều thuốc giảm đau khiến người Myanmar quên đi những bất bình đẳng và tình hình kinh tế tồi tệ trong nước. Nó cũng góp phần tạo “tính chính danh” để quân đội càn quét các tộc người theo đạo Hồi, nhằm bảo vệ các lợi ích kinh tế và tài nguyên mà họ đang nắm giữ (đất đai, các mỏ ngọc bích, rừng và các khu khai thác ma túy .v.v).

Xã hội Myanmar đầy rẫy diễn ngôn chống lại những sắc tộc theo đạo Hồi. Đa số mọi người đều nghĩ rằng Hồi giáo là nguồn gốc của các cuộc xung đột lớn.

“Hãy nhìn khắp nơi trên thế giới, tại Afghanistan, Indonesia, ai là thủ phạm chính khi nhắc đến khủng bố?”, Htway Maung Kyaw, một người bán sách lớn tuổi ở thủ đô Yangon, đã đặt câu hỏi như vậy khi nói đến người Hồi giáo.

Ko Moe, một doanh nhân kiêm nhà sáng lập một tổ chức từ thiện Phật giáo, nhắc lại một quan điểm thường xuyên được bàn luận trong các quán trà ở Myanmar: “[..] Có một mối lo ngại lớn là dân số Hồi giáo đang tăng nhanh hơn người Miến Điện, bởi vì họ có thể có nhiều vợ và không sử dụng biện pháp tránh thai”. Moe cũng chỉ ra rằng người Hồi giáo đang chiếm đa số tại Indonesia, Malaysia và miền Nam Thái Lan. Nhiều người Myanmar lo sợ về một viễn cảnh tương tự ở nước mình.

Những người Hồi giáo Rohingya biểu tình trước một trụ sở văn phòng của Liên Hợp Quốc tại Bangkok, Thái Lan vào tháng 6/2012, yêu cầu quân đội Myanmar chấm dứt các “hành động diệt chủng” nhắm vào sắc tộc Rohingya. Ảnh: Nicolas Asfouri/ AFP/ Getty Images.

Ở Myanmar, các thế lực tôn giáo, quân đội và chính trị thúc đẩy sự sợ hãi cùng các cảm xúc thù hận cho các mục đích của riêng mình. Cảm xúc thù hận đó, như một bình luận trên Japan Times, đã biến thành thứ chủ nghĩa sô-vanh Phật giáo (Buddhist chauvinism).

Chủ nghĩa sô-vanh là niềm tin thái quá và phi lý rằng đất nước, tôn giáo hoặc chủng tộc của mình là tốt nhất và quan trọng nhất. Nó bắt nguồn từ điển tích về Nicolas Chauvin, một nhân vật được nhiều người cho là tưởng tượng. Theo đó, Chauvin là một người lính chiến đấu trong quân đội Pháp vào thời của Napoleon. Nhân vật này đại diện cho một bộ phận quân lính Pháp thời bấy giờ, những người bất chấp tất cả, hâm mộ cuồng nhiệt Napoleon và tung hô sự ưu việt của quân Pháp.

Trong nhiều thế kỷ, chủ nghĩa sô-vanh dưới các hình dạng khác nhau đã gây thống khổ cho hàng triệu người.

Trong câu chuyện bi thương của đất nước Myanmar, nó là nguồn cơn cho những vòng xoáy hận thù và tội ác mà cho đến nay vẫn không thấy lối ra.

Lee Nguyen / Theo: luatkhoa
Link tham khảo:



BỌ NGỰA MA - BẬC THẦY NGỤY TRANG CÓ HÌNH DÁNG GIỐNG CHIẾC LÁ KHÔ

Nếu mọi người nhìn thoáng qua thì thấy đó chỉ là một chiếc lá khô bình thường, nhưng khi nhìn kỹ lại thì sẽ thấy đó là một con bọ ngựa ma có mắt, râu và những chiếc chân có răng cưa… Chúng chính là một trong những bậc thầy ngụy trang trong thế giới động vật đầy kỳ thú!


Bọ ngựa ma là bậc thầy ngụy trang có nguồn gốc ở Madagascar thuộc Châu Phi. 4 chân của nó cong queo, toàn thân có màu nâu đỏ, hòa lẫn với những chiếc lá khô xung quanh, rất khó để phát hiện ra nó. Tên khoa học “Phyllocrania paradox” của bọ ngựa ma rất có căn cứ vì có nghĩa là “lá cây” trong tiếng Hy Lạp.

(Ảnh: Mydriatic/Wikipedia)

Bọ ngựa ma giống như một con tắc kè hoa nhỏ bé. Màu sắc của chúng sẽ thay đổi để phù hợp với môi trường tùy theo giai đoạn sinh trưởng và điều kiện khí hậu. Nghiên cứu cho thấy trong điều kiện nhiệt độ cao và độ ẩm thấp, chúng nó màu nâu giống như những chiếc lá khô, còn trong điều kiện nhiệt độ thấp và độ ẩm cao thì chúng sẽ có màu xanh lá.

Bọ ngựa ma sinh tồn bằng cách săn các loài như dế, ruồi giấm và bọ rùa. Bọ ngựa ma được nuôi rất kén ăn, chúng chỉ chịu ăn thức ăn sống.

(Ảnh: davemhuntphotography/Shutterstock)

Bọ ngựa ma là loài săn mồi kiên nhẫn và quyết đoán, chúng không bao giờ săn lùng con mồi mà chỉ lặng lẽ chờ đợi thời cơ tốt nhất, ngay khi con mồi lọt vào ổ phục kích, nó sẽ nhảy lên và tóm gọn với tốc độ cực nhanh, ấn xuống mặt đất bằng hai móng vuốt sắc nhọn của mình.

Bọ ngựa ma không chỉ trông giống như chiếc lá, ngay cả hành động của chúng cũng tương tự, chúng sẽ dao động trong gió một cách có chủ ý để săn mồi và trốn thoát.


Đối với những kẻ thù tự nhiên là các loài chim bay thấp, bọ ngựa ma thậm chí sẽ giả chết và ẩn mình bất động trên cành cây hoặc trên những chiếc lá, để những con chim này không nhận ra.

Bọ ngựa ma là một loài sinh vật nhỏ bé yên tĩnh. Chiều dài tối đa của chúng không quá 2 inch (khoảng 5 cm), không có quá nhiều sự khác biệt giữa con đực và con cái, ngoài việc con cái thường lớn hơn con đực một chút, giống như hầu hết các loài bọ ngựa khác.

(Ảnh: Mydriatic/Wikipedia)

Bọ ngựa ma có thể sinh sản được hơn 30 ấu trùng trong một lần, những con bọ ngựa con này không giống như bố mẹ chúng mà giống một bầy kiến nhỏ hơn.

Do hình dáng đặc biệt và tuổi thọ khá dài của bọ ngựa ma nên người ta rất thích nuôi chúng trong bể kính tại nhà.

Thanh Trúc (Theo Epoch Times)
Theo: trithucvn



TÌM LẠI VẺ ĐẸP CỦA NHỮNG MÓN BÁNH THẤT TRUYỀN

Vẻ đẹp của những món bánh dân gian Nam Bộ, đặc biệt là những món bánh lâu đời của miền Tây, khiến ai nấy đều ngỡ ngàng. Sự sáng tạo của những nghệ nhân, những thợ bánh nay đã ở tuổi thất thập, không khuôn mẫu nào vượt qua được.


Vài món bánh có tuổi đời trên dưới nửa thế kỷ. Có những món bánh đang được một số ít người yêu quý dòng bánh dân gian cố gắng khôi phục nhưng đa phần vẫn lạ lẫm với số đông.

Bánh phèo heo - bánh bông mai

Không rõ cái tên bánh phèo heo bắt nguồn từ đâu nhưng theo một số thợ bánh lâu đời, món bánh nướng thơm ngon này có nhiều ở Bạc Liêu và Cà Mau.

Tạo hình bánh phèo heo đẹp mắt

Có lẽ do bánh có hình vòng tròn màu trắng giống phần ruột non heo nên được bằng cái tên dân dã là bánh phèo heo. Đây là món bánh nướng đơn giản với phần vỏ bánh từ bột mì, nhân bánh là đậu xanh sên đường hoặc cơm dừa sên.

Bột sau khi nhào thành một khối dẻo mềm sẽ được cán mỏng dàn vỏ bánh bên ngoài. Phần nhân đậu được vo tròn đặt ở giữa. Miếng bột vỏ bánh được túm gọn, xoa nhẹ cho dính nhân, ấn hơi dẹt rồi cắt thành 6-8 miếng đều nhau, không cắt rời mà dính ở phần tâm bánh. Những mảnh cắt này sẽ được lật mặt lên, vặn xoắn đều để trưng phần nhân bên trong ra. Chính phần nhân bánh cùng những cánh hoa được cắt, xếp khéo léo giúp chiếc bánh sau khi nướng bắt mắt hơn.

Vài năm gần đây, bánh phèo heo được người miền Tây khôi phục mạnh mẽ, nhất là vào dịp tết với tên bánh bông mai. Một số nơi cải biên bánh bằng nhân dứa, vị chua ngọt dễ ăn.

Bánh bông cúc - hoa khôi trên mâm lễ cưới hỏi

Bánh bông cúc - “hoa khôi” trên mâm lễ cưới hỏi

Tôi biết đến món bánh đẹp đẽ này từ rất lâu nhưng khi tìm lại thì hơi hụt hẫng. Món bánh nướng này có phần nhân dừa sên đường thốt nốt hoặc nhân đậu xanh sên cùng mứt bí, các loại hạt, trái cây khô với từng cánh bông cúc được cắt bằng chiếc kéo nhỏ thật tỉ mỉ. Đây đúng là món bánh đã thất truyền, hầu như không còn tìm thấy ở bất cứ chợ, hàng quán, thậm chí ở các hội bánh dân gian đều không có dấu vết.

Nhiều thập niên trước, cùng với bánh thuẫn, những chiếc bánh bông cúc tròn đầy xinh xắn là thứ không thể thiếu trong mâm lễ của những đám cưới hỏi miền Tây. Dàn mâm lễ của nhà trai đi ăn hỏi, ngoài mâm trà rượu, trầu cau, trái cây thì mâm bánh được 2 họ đặc biệt quan tâm. Một mâm bánh bông cúc đầy đặn, những chiếc bánh màu sắc tươi sáng, thường là loại bánh 2 da (vỏ bánh 2 màu) như vàng - hồng, vàng - xanh, vàng - cam… thể hiện sự chỉn chu và nghiêm túc của nhà trai.

Bánh họng xôi - bánh bông bần An Giang

“Trang điểm” cho mặt bánh họng xôi hoàn hảo

Bánh họng xôi có lẽ là món bánh bắt mắt nhất trong dòng bánh dân gian miền Tây. Món bánh hiện vẫn xuất hiện rải rác ở miệt Chợ Mới, An Giang. Với màu sắc tươi sáng và tạo hình đẹp đẽ, bánh họng xôi từng là món bánh đặc trưng dành riêng cho các đám tiệc tùng, lễ nghĩa.

Theo thời gian, món bánh nướng này dần mai một và đang đứng trước nguy cơ thất truyền. May thay, vùng Chợ Mới vẫn còn vài nghệ nhân bánh dân gian cố gắng giữ nghề, giữ cho món bánh có được vẻ đẹp rất riêng.

Với tạo hình đặc biệt, không thể dùng khuôn để cho ra một cái bánh họng xôi hoàn hảo. Chỉ có đôi tay người thợ bánh đầy khéo léo, kiên nhẫn với từng lớp bột, “nghe” được mẻ bột nào trở mình vừa vặn, nhào nặn, vuốt, xoay, lật trở… để từ một khối bột trở thành những chiếc bánh đẹp như hoa. Cũng những đôi tay đầy dấu thời gian ấy thoăn thoắt chọn nào là bột mì ngang, nào là bột mì khoảnh (bột năng), bao nhiêu đường, bao nhiêu nước cốt dừa, cân đo đóng đếm theo công thức riêng.

Trước đây, loại bánh này thường được nướng bằng nồi gang, lót lớp cát bên dưới, than củi chất đầy trên nắp nồi. Cách nướng trên rất công phu, phải cực kỳ kỹ lưỡng trong việc canh thời gian để mẻ bánh vừa chín tới, phần nhân trắng nõn bên trong những cánh hoa trồi lên đều đặn.

Không ai giải thích được tên bánh - có lẽ xuất phát từ cách gọi của những lưu dân người Hoa xứ này. Bây giờ, bánh họng xôi được gọi bằng cái tên dân dã miền Tây - bánh bông bần - vì vốn dĩ chiếc bánh đẹp như những bông bần.

Ăn bánh bạc đầu - thương nhau dài lâu

Cùng với bánh pía, bánh in, mè láo…, bánh bạc đầu được coi là món đặc sản của Sóc Trăng

Trao nhau miếng bánh bạc đầu, chắc ai đó cũng khẽ khàng nói câu “mong mình thương nhau dài lâu”. Trong những loại bánh dân gian muôn màu muôn vẻ, bánh bạc đầu gây chú ý bởi cái tên nghe nôn nao trong dạ. Món bánh tưởng đã biến mất từ lâu này vẫn được những nông dân chất phác ở Mỹ Xuyên - Sóc Trăng gìn giữ cẩn thận.

Những viên bánh tròn vo được nặn từ bột gạo nếp nguyên, nhân là đường thốt nốt với màu nâu óng ánh được thả vô nước sôi luộc. Những sợi dừa màu trắng thơm béo bên ngoài phủ kín viên bánh nhìn như những cọng tóc bạc - thành ra “chết tên” bánh bạc đầu. Cắt đôi viên bánh, thưởng thức vị bánh ngọt thơm, lớp bột mềm dẻo quyện nơi đầu lưỡi, quả thật, ăn miếng bánh bạc đầu, chưa hẳn thương nhưng nỗi nhớ hẳn sẽ dài lâu.

Bánh mãng cầu ta

Bánh mãng cầu ta - món bánh đầy công phu của người miền Tây

Thuộc dòng bánh dẻo nhưng bánh mãng cầu của người miền Tây chỉ dành riêng cho dịp tết, với ý nghĩa mong cầu những điều tốt đẹp nhất trong năm mới. Món bánh này hiện nay chỉ xuất hiện lác đác ở vài khu vực miền Tây. Những trái mãng cầu ta xinh xắn đó được làm từ bột bánh dẻo, nhân đậu xanh sên đường, phần vỏ màu xanh tận dụng từ màu của lá dứa, vừa đẹp vừa thơm. Lớp bột vỏ bánh được rang chín, nhào kỹ lưỡng, ngắt ra từng viên bé xíu như hạt đậu, rồi vê tròn, đắp lên nhân sao cho thành những u sần y hệt vỏ trái mãng cầu.

Những món bánh dân gian từ nguyên liệu gần gũi, thân thuộc với người miền Tây Nam Bộ nói chung dù giản dị nhưng chứa đựng biết bao điều đẹp đẽ. Có những món bánh đã đi cùng năm tháng, trải qua bao nhiêu biến đổi vẫn lặng lẽ làm đẹp cho nền ẩm thực xứ nhà. Nỗ lực giữ gìn và khôi phục những nét đẹp trong nghệ thuật ẩm thực của những nghệ nhân làm bánh rất đáng tôn vinh. Mỗi năm, lễ hội bánh dân gian Nam Bộ khu vực Cần Thơ quy tụ trên dưới trăm món bánh đặc sắc. Chỉ tiếc là có những món bánh thật sự xuất sắc một thời đã dần biến mất.

Bây giờ, nhìn những chiếc bánh lưu dấu thời gian, mấy ai không bùi ngùi nhớ tiếc. Dù chỉ là những chiếc bánh nhưng nhìn vào, bạn sẽ thấy cả một không gian hoài niệm. Bởi ở đó, biết bao thế hệ ông bà đã để lại những thức quà, những tạo tác độc đáo nên hình nên dạng từ đôi tay tài hoa và óc sáng tạo.

Trần Huyền Trang
Nguồn ảnh: Internet