Vụ rò rỉ chấn động thế giới
Năm 1971, Daniel Ellsberg đã gây chấn động thế giới khi tung ra Hồ sơ Lầu Năm Góc (The Pentagon Papers). Tài liệu nghiên cứu tuyệt mật dài hơn 7.000 trang của Bộ Quốc phòng Mỹ này liên quan đến cuộc chiến tranh tại Việt Nam mà Mỹ can dự.
Daniel Ellsberg - nhà phân tích quân sự Mỹ. Ảnh: Politico
Theo Politico, hồ sơ đã tiết lộ những bí mật về cách Mỹ tìm đường vào Việt Nam và sa lầy ở đó, đồng thời cũng làm sáng tỏ cách các nhà lãnh đạo Mỹ đã lừa dối cả nước về lý do tại sao những người con của họ lại bỏ mạng ở một quốc gia Đông Nam Á xa xôi.
Báo cáo này được xếp vào loại tuyệt mật, thế nhưng Ellsberg lại có quyền truy cập nó thông qua công việc của mình tại RAND Corporation. Ellsberg đã hết sức kinh hoàng khi đọc được tài liệu và biết được sự thật đằng sau quyết định khiến ngày càng nhiều lính Mỹ được điều đến Việt Nam.
“Ông ấy đã kết luận rằng bạo lực ở Việt Nam là vô nghĩa. Lương tâm mách bảo ông ấy rằng cần phải dừng cuộc chiến này”, nhà báo Neil Sheehan, người đầu tiên xuất bản các phần của Hồ sơ Lầu Năm Góc, đã viết trong cuốn “A Bright Shining Lie: John Paul Vann and America in Vietnam” (tạm dịch: Sáng tỏ sự dối trá: John Paul Vann và nước Mỹ ở Việt Nam).
Daniel Ellsberg trong khoảng thời gian 2 năm ở Việt Nam. Ảnh được cung cấp bởi Daniel và Patricia Ellsberg
Hai năm ở Việt Nam, được tận mắt chứng kiến những gì thực sự diễn ra ở đây, đặc biệt là những lúc đi tuần tra cùng lực lượng bộ binh, Ellsberg đã giật mình trước sự khác biệt giữa những gì chính phủ Mỹ nói về cuộc chiến và những gì đang thực sự xảy ra.
Cuộc chiến càng tiếp tục, Ellsberg càng thấy mặc cảm tội lỗi. Điều đó thúc đẩy ông đưa ra ánh sáng Hồ sơ Lầu Năm Góc và bắt đầu kế hoạch sao chụp khổng lồ của mình. Được sự hỗ trợ của đồng nghiệp ở RAND Corporation, Anthony Russo, và sự giúp đỡ của các thành viên trong gia đình và những người phản đối chiến tranh, Ellsberg bắt đầu chiến dịch sao chép từ tháng 10-1969. Tất cả các bản sao này được sắp xếp và cất giấu cẩn thận.
Trong hai năm 1969-1970, Ellsberg đã cố gắng chuyển tài liệu này cho các nhà lập pháp phản chiến với hy vọng họ sẽ tiết lộ tài liệu nhưng nhận được sự từ chối.
Sau đó, Ellsberg đã liên hệ với Sheehan tại New York Times. Ngày 13-6-1971, The New York Times bắt đầu xuất bản một phần của Hồ sơ Lầu Năm Góc sau hàng tháng trời nghiên cứu nguồn tài liệu khổng lồ này. Chính quyền Nixon đã ra lệnh ngăn chặn việc tiếp tục xuất bản các phần khác của tài liệu. Tuy nhiên, ngày 18-6, Washington Post đã bắt đầu ra mắt loạt bài riêng về Hồ sơ. Sau khi Washington Post bị cấm xuất bản, đến lượt các tờ báo khác bắt đầu xuất bản tài liệu này.
Ngày 30-6, Tòa án Tối cao Mỹ đã bỏ phiếu cho phép tiếp tục xuất bản các bài báo liên quan đến Hồ sơ Lầu Năm Góc.
Daniel Ellsberg, người đã tiết lộ Hồ sơ Lầu Năm Góc cho báo chí, ra đầu thú tại Tòa án Mỹ ở Boston ngày 28-6-1971, cùng với vợ, Patricia. Ảnh: New York Times
Trong phán quyết 6-3, Thẩm phán Hugo Black đã viết: “Khi tiết lộ cách thức hoạt động của chính phủ dẫn đến Chiến tranh Việt Nam, các tờ báo đã thực hiện chính xác điều mà những người sáng lập hy vọng và tin tưởng họ sẽ làm”.
Sau khi bị săn lùng một cách gắt gao, ngày 23-6-1971, trên CBS Evening News, Ellsberg đã nhận mình là người cung cấp tài liệu.
“Tôi hy vọng rằng sự thật sẽ giải phóng chúng ta khỏi cuộc chiến này”, ông nói với người dẫn chương trình Walter Cronkite, người đã tuyên bố cuộc chiến không thể chiến thắng trong một chương trình phát sóng hồi tháng 2-1968.
Khi quyết định tiết lộ Hồ sơ này, Ellsberg biết rằng mình có thể sẽ phải đối mặt với bản án tối đa 115 năm tù và trở thành dân thường đầu tiên vi phạm Đạo luật gián điệp năm 1917 nhưng ông đã không do dự.
Ellsberg bị xét xử tại tòa án liên bang ở Los Angeles với các cáo buộc làm gián điệp và các tội danh khác nhưng ông đã được xử trắng án năm 1973 sau khi tòa án nhận định chính quyền của cựu tổng thống Nixon và CIA đã có những hành vi sai trái bao gồm cả việc đột nhập vào phòng khám của bác sĩ tâm lý của Ellsberg.
“Thất bại của phiên tòa xét xử Ellsberg đã hủy hoại bất cứ thứ gì nó chạm vào,” Ray Locker viết trong “Haig's Coup: How Richard Nixon's Closest Aide Force Force Him From Office” (Tạm dịch: Cuộc đảo chính của Haig: Cách lực lượng phụ tá thân cận nhất của Richard Nixon buộc ông phải rời nhiệm sở”.
Sau này Ellsberg đã nhận xét về cuộc chiến ở Việt Nam rằng: “Chúng tôi không hề chọn phe sai” mà “Chúng tôi là phe sai trái trong cuộc chiến này”.
Từ tiến sĩ kinh tế đến thiện xạ... và nhà hoạt động vì hòa bình
Daniel Ellsberg sinh ngày 7-4-1931 tại Chicago, là con trai của Harry và Adele Ellsberg. Mẹ và em gái Gloria của ông đã thiệt mạng khi cha ông ngủ gục trên tay lái ô tô vào tháng 7-1946. “Có lẽ điều để lại ấn tượng trong tôi là một người mà bạn yêu quý hoặc kính trọng, như cha tôi - một nhà chức trách - có thể ngủ quên trên tay lái mà lẽ ra phải được giám sát. Không phải vì họ xấu, mà có lẽ vì họ không chú ý đến những rủi ro”.
Ellsberg là sinh viên xuất sắc, tốt nghiệp Đại học Harvard với bằng tiến sĩ kinh tế và không thể ngờ mình có thể trở thành lính thủy đánh bộ và một thiện xạ hàng đầu. Ngã rẽ trên đường đời của ông đến từ cuộc hôn nhân lần thứ nhất với con gái của một ngài đại tá thủy quân lục chiến Mỹ. Theo The Guardian, năm 1954, thay vì làm nghiên cứu sinh tại Harvard, ông đã gia nhập lực lượng thủy quân lục chiến. Ellsberg xuất ngũ năm 1957 với cấp bậc trung úy khi đang là đại đội trưởng đại đội súng trường.
Daniel Ellsberg được Henry Kissinger gắn mác “người đàn ông nguy hiểm nhất nước Mỹ” sau khi tiết lộ Hồ sơ Lầu Năm Góc. Ảnh: Everett Collection/Newscom
Năm 1964, Ellsberg làm việc với tư cách là nhà phân tích chiến lược tại Lầu Năm Góc. Ông được giao nhiệm vụ hỗ trợ việc xây dựng sự hiện diện của Mỹ tại Việt Nam. Ngày đầu tiên ông nhận nhiệm vụ trùng với sự kiện vịnh Bắc Bộ.
Năm 1967, ông gia nhập RAND Corporation để làm việc trong dự án của McNamara, nhưng ngày càng bị dày vò bởi chính sách Việt Nam của Henry Kissinger - cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Richard M. Nixon và bản thân vị tổng thống này. Ellsberg bắt đầu tham gia hoạt động cùng các nhà vận động phản chiến. Một năm trước khi tiết lộ Hồ sơ Lầu Năm Góc, Ellsberg đã đến làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế của MIT. Cuộc hôn nhân đầu tiên của ông kết thúc và ông kết hôn với Patricia Marx, một nhà hoạt động vì hòa bình, năm 1970.
Năm 1974, Ellsberg trở thành nhân vật chính trong bộ phim tài liệu "Hearts and Minds" (Tạm dịch: Trái tim và Lý trí) về Việt Nam đoạt giải Oscar. Năm 1978, ông được trao giải thưởng Gandhi cho nỗ lực “thúc đẩy hòa bình bền vững”. Trong 40 năm tiếp theo, ông đã bị bắt khoảng 50 lần tại các cuộc biểu tình phản chiến.
Ông cũng lên tiếng ủng hộ những người tiết lộ thông tin của chính phủ, bao gồm Edward Snowden và Chelsea Manning.
Washington Post cho biết, Ellsberg cảm thấy có mối quan hệ họ hàng với những người đã tiết lộ thông tin của thế kỷ 21, mặc dù phương pháp của họ rất khác nhau. Trong khi Manning và Snowden sử dụng công nghệ kỹ thuật số để tải và chia sẻ các tập tài liệu khổng lồ chỉ trong vài phút, thì Ellsberg đã dành hàng tuần để sao chép các tài liệu bằng một chiếc máy Xerox cồng kềnh - “công nghệ tiên tiến nhất của thời đại tôi”, như cách ông nói.
Khi toàn bộ Hồ sơ Lầu Năm Góc được giải mật và xuất bản năm 2011, Ellsberg kêu gọi những người khác noi gương ông.
“Rủi ro cá nhân là rất lớn,” ông viết trên The Guardian, “nhưng những sinh mạng đáng giá của một cuộc chiến có thể được cứu”.
Daniel Ellsberg và vợ, Patricia. Ảnh: Mynewsgh
Daniel Ellsberg đã qua đời ở tuổi 92 tại nhà riêng ở Kensington, bang California, ngày 16-6-2023, sau thời gian dài chống chọi với căn bệnh ung thư tuyến tụy, một ngày sau khi Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO) trao tặng ông Kỷ niệm chương “Vì hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc” vì có nhiều đóng góp tích cực trong việc ngăn chặn chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam, góp phần khắc phục hậu quả chiến tranh và hòa giải, thúc đẩy quan hệ giao lưu nhân dân Việt-Mỹ.
Theo: Dân Việt
Link tham khảo:
No comments:
Post a Comment