Căn bệnh quái ác
Một số ký ức cũ của ông vẫn còn, nhưng chứng mất trí nhớ đã tạo ra những viền đen bao quanh nhiều ký ức trong số đó, biến chúng thành những đoạn ký ức không thể tiếp cận, rời rạc và khó hiểu mà ông không còn có thể ráp lại theo cách thông thường nữa.
Tôi không viết ra đây để kêu gọi lòng thương hại dành cho ông hoặc gia đình của ông. Ông không bao giờ muốn điều đó.
Nhưng ông muốn chúng tôi hiểu rõ hơn về một căn bệnh đang giết chết rất nhiều tế bào thần kinh quan trọng và thay đổi hành vi của ông mà không có cách gì đảo ngược được.
Khi ông mới chớm mắc bệnh, tôi hỏi ông chứng mất trí nhớ có cảm giác thế nào.
Ông cho tôi biết nó như thể một khoảng tối hoặc đám mây cứ liên tục bám theo ông. Ông nói rằng ông không sợ những gì đang xảy ra với mình. Sự chấp nhận khiến ông dễ sống chung với nó hơn.
Ảnh hưởng tích cực của âm nhạc
Nhưng khi bệnh tình tước đi sự tự lập của ông, tình yêu âm nhạc của ông vẫn tồn tại. Ông là người đã đưa tôi đến với nhạc rock thập niên 1970, thời niên thiếu của tôi, ông đã dắt tôi đi xem nhạc kịch và thường mở vang các bài nhạc cổ điển trong nhà.
Hiện tại, ngay cả khi khả năng giao tiếp bằng lời nói của ông bị giảm sút, âm nhạc là thứ vẫn có mối quan hệ hiện hữu với ông, đặc biệt là nhạc kịch.
Trong hai năm qua, nhờ sự trợ giúp của liệu pháp âm nhạc, ông bắt đầu học các kỹ năng âm nhạc mới. Ông gảy những nốt đơn giản trên hai cây đàn lia - một nhỏ, một lớn - và hát nhiều lần trong ngày.
Khi hát, ông gọi đó là "opera". Thi thoảng ông sẽ đột nhiên hát lên ở siêu thị, khi đi bộ hoặc là giữa cuộc họp mặt toàn gia đình.
Đôi khi ông sẽ vụng về ngắt ngang bất cứ cuộc trò chuyện nào đang tiếp diễn. Ông chỉ đứng dậy và nói "Bây giờ tôi muốn hát opera" và hát to lên một số giai điệu không lời.
Có lúc chúng nghe khá hay và cũng có lúc không được hay lắm. Nhưng điều này không quan trọng. Ông vẫn tiếp tục mà không hề thấy xấu hổ vì được chú ý - dù ông chưa bao giờ muốn thu hút sự chú ý.
Từ lâu tôi đã biết âm nhạc có thể được sử dụng như liệu pháp cho những người giống cha tôi, nhưng nó còn có những lợi ích đáng ngạc nhiên khác nữa.
Âm nhạc là một trong nhiều công cụ nghiên cứu đang được các nhà khoa học sử dụng để tìm hiểu về bộ não - bao gồm cách thức và lý do tại sao nó dần dần ngưng hoạt động.
"Người ta vẫn gọi âm nhạc là 'siêu tác nhân kích thích'. Nó thật sự kích hoạt toàn thể não bộ của chúng ta.
Đó là lý do tại sao nó lại rất có uy lực; có thể tạo nên tất cả những ảnh hưởng này đối với con người, không chỉ với những người mất trí nhớ mà là tất cả chúng ta," Amee Baird, nhà tâm lý học thần kinh lâm sàng tại Đại học Macquarie ở Sydney cho biết.
"Tựa như thứ tách biệt này được giữ gìn trong bối cảnh một người nào đó nói theo cách khác là đã bị suy yếu về nhận thức."
Với bố tôi, chứng mất trí nhớ bắt đầu từ sớm. Nó bắt đầu khi ông ở độ ngũ tuần và bắt đầu như một vết mờ trên bộ não lẽ ra đang khỏe mạnh.
Ban đầu không có nhiều thay đổi. Nhưng trong gần 10 năm sau đó, căn bệnh đã dần dần tước đi vốn tiếng Anh của ông, mặc dù ông đã sống ở Anh hơn 20 năm, và cũng lấy mất phần nhiều vốn tiếng Hà Lan, ngôn ngữ mẹ đẻ của ông.
Bố tôi không hề thuộc diện có nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ. Gia đình tôi chưa có tiền sử mắc bệnh này. Ông luôn là người mảnh khảnh, khỏe mạnh và năng động.
Đây là một phần lý do tại sao căn bệnh này lại có sức tàn phá đến như vậy - nó có thể ảnh hưởng đến bất cứ ai và chúng ta vẫn không hiểu tại sao.
Riêng tại Anh, có khoảng 850.000 người mắc chứng mất trí nhớ, một con số dự báo sẽ còn tăng khi chúng ta tiếp tục sống lâu hơn.
Chỉ một phần nhỏ trong số đó mắc bệnh ở độ tuổi như bố tôi. Đây là lý do tại sao tôi rất vui mừng khi khám phá ra một nghiên cứu tình huống gần đây về một phụ nữ 91 tuổi có tên là Norma mắc bệnh Alzheimer cấp tiến.
Bà không còn nhận ra người thân và thường không thể tạo ra ký ức mới. Dù vậy, bà đã có thể học một bài hát mới bà chưa từng nghe trước đây.
Bà không hề được đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp, nhưng, theo con gái bà, âm nhạc luôn khiến bà hạnh phúc.
Con gái của Norma đã liên lạc với Baird, người nghiên cứu âm nhạc và chứng mất trí nhớ, để giải thích rằng mẹ bà vẫn hát những bài nhạc pop mới trong xe.
Nhà tâm lý học thần kinh đã cuốn hút bởi trường hợp này.
"Việc những người bị mất trí nhớ hát theo những bài hát cũ khi còn trẻ là chuyện phổ biến. Nhưng những bài hát mới thì không," Baird nói.
Bộ nhớ âm nhạc của Norma đã được thử nghiệm bằng nhiều cách.
Đầu tiên, bà được gợi ý với những bài hát quen thuộc như Waltzing Matilda và You are My Sunshine để xem bà có thể hát hết bài không. Đúng như trông đợi, bà đã không gặp vấn đề gì với những bài hát này.
Sau đó, bà được dạy giai điệu của một khúc đồng dao Na Uy xa lạ. Bà nhớ được nó sau 24 giờ làm quen. Sau đó, bà được kiểm tra lại sau hai tuần, và một lần nữa nhớ lại giai điệu chỉ với những gợi ý tối thiểu.
Để kiểm tra trí nhớ của bà nói chung, bà được yêu cầu nhớ ba từ. Bà đã không thể nhớ được ba từ đó ngay cả khi được gợi ý 3 phút sau đó.
Bà cũng nhớ lại lời bài hát một cách dễ dàng hơn so với những câu tục ngữ nổi tiếng. Âm nhạc thực sự có một vị trí đặc biệt trong trí nhớ và bộ não của bà.
Theo Baird, trường hợp của Norma là nghiên cứu tình huống chi tiết nhất thuộc loại hình này.
Hệ thống trí nhớ theo thủ tục của bà là thứ dường như đang được kích hoạt - cái mà chúng ta sử dụng để thực hiện những hành động đòi hỏi ít ý thức, như là đi bộ. Chính hệ thống trí nhớ này đã cho phép các nhạc công mắc chứng Alzheimer tiếp tục chơi nhạc cụ của họ.
Có lẽ việc Norma học được một bài hát mới khiến trường hợp của bà trở nên khác lạ. Những người như Norma và bố tôi có thể hòa hợp với âm nhạc hơn người khác.
"Tìm lại thế giới đã mất"
Ngoài ra đây còn là một ý niệm đầy hứa hẹn cho những trường hợp suy giảm trí nhớ nghiêm trọng.
Nó cho phép Baird hy vọng rằng âm nhạc có thể được dùng để dạy những cá nhân bị mất trí nhớ nhiều kỹ năng mới hơn, đồng thời giảm bớt lo âu và trầm cảm.
Tuy nhiên âm nhạc còn có thể giúp được nhiều hơn là chỉ với trí nhớ.
Như tôi đã chứng kiến ở bố, bằng cách nào đó âm nhạc giúp duy trì "ý thức về bản ngã" của một cá nhân.
Như tác giả quá cố Oliver Sacks đã viết trong cuốn Musicophilia của mình: " m nhạc quen thuộc đóng vai trò như một phép ghi nhớ của Proustian, gợi lên những cảm xúc và liên kết đã bị quên lãng từ lâu, giúp bệnh nhân một lần nữa được tiếp cận tâm trạng, ký ức, suy nghĩ và những thế giới dường như đã hoàn toàn đánh mất."
Ý tưởng này là nguồn an ủi cho các thành viên trong gia đình, và đó là điều tôi thấy ở bố mình.
Nếu hỏi tuổi và những việc ông thường hay làm, ông sẽ thấy nản chí vì không thể trả lời. Nhưng hãy cùng hát với ông một bài, gương mặt ông sẽ trở nên rạng rỡ. Trong những khoảnh khắc đó, rõ ràng ông vẫn là người bố hài hước, vui vẻ của tôi.
Tác động của âm nhạc đối với não bộ
Khi bắt đầu nghiên cứu thêm về vai trò của âm nhạc trong việc nhận thức về chứng mất trí, tôi nhận thấy một vài nhà nghiên cứu sử dụng âm nhạc để giúp giải phóng hoạt động của não.
Ví dụ, một nghiên cứu vào năm 2015 đã xác định được các đoạn não nào trong phần vỏ não trước trán (ở những bệnh nhân khỏe mạnh) có thể phân biệt giữa âm nhạc quen thuộc và những giai điệu mới.
Bản chụp não cho thấy khu vực này cũng được duy trì ở những cá nhân mắc bệnh Alzheimer cấp tiến rõ rệt.
Điều đó có thể giải thích tại sao một số ký ức âm nhạc được giữ lại khi nhiều thứ khác bị lãng quên.
Một trong những tác giả của nghiên cứu, Robert Turner của Viện Khoa học Nhận thức và trí não con người Max Planck cho biết: "Chúng tôi thấy thật ấn tượng khi vùng não giữa thiên về âm nhạc mà chúng tôi đã xác định ở các tình nguyện viên trẻ ít bị ảnh hưởng bởi những tổn hại từ từ của bệnh Alzheimer."
Phần này của bộ não cũng đã được thể hiện như một vị trí quan trọng đối với "ý thức về bản ngã".
Tác phẩm của Turner chứng minh ý tưởng mà Sacks đề xuất: "bản ngã" vẫn có thể tồn tại ở những cá nhân mắc chứng mất trí nhớ.
"Ở nơi nào đó 'bản ngã' vẫn có thể tồn tại ở những cá nhân mắc chứng mất trí nhớ".
Turner nói: "Kết quả cũng khá tích cực trong những nghiên cứu hình ảnh học thần kinh trong đó mọi người được yêu cầu ngẫm nghĩ về những trải nghiệm trước đây của họ."
Đây là một phần quan trọng của "vùng não hoạt động mặc định" - nó được gọi như vậy vì đó là khi não đang ở chế độ "mặc định" của riêng nó, chẳng hạn như khi chúng ta mơ màng.
Turner cho biết: "Phản hồi rất tích cực của bệnh nhân mất trí nhớ khi nghe loại nhạc họ biết và yêu thích có thể phản ánh cơ hội tự nhận dạng bản thân khá hiếm hoi này.
Âm nhạc dường như cho thấy ký ức của chúng ta không được lưu trữ trong những phần não cụ thể.
Chúng không giống như các tài liệu riêng lẻ xếp chồng lên nhau trên kệ để chúng ta có thể đặt lại chỗ cũ khi cần, mà là chúng gắn kết chặt chẽ với nhau.
Kết quả là ký ức về một bài hát có thể khơi gợi một thời gian, địa điểm hoặc mùi hương riêng biệt, cũng như kích hoạt các phần não liên quan đến âm thanh, lời nói, nhịp điệu và cảm xúc.
Đó là lý do tại sao một số khả năng âm nhạc được cho là miễn nhiễm với chứng mất trí nhớ; nếu một hệ thống bị hỏng, phần còn lại có thể tiếp quản.
Tại Đại học University College London, các nhà thần kinh học là những người đi tiên phong trong lĩnh vực này.
Jason Warren, người dẫn đầu nhóm, nói với tôi rằng âm nhạc cho phép ông xem xét cách những mạng lưới của bộ não tương tác mà không cần dựa vào bệnh nhân để truyền đạt bằng lời nói.
Điều này có nghĩa là âm nhạc có thể tiết lộ khi nào các vùng não không hoạt động như bình thường. Ví dụ, não phản ứng rất khác với âm nhạc so với những âm thanh phức tạp khác.
Trong một nghiên cứu, Warren và các cộng sự đã để các bệnh nhân Alzheimer tiếp xúc với một loạt tiếng ồn, như tiếng bíp, để xem phần não nào của họ đã phản ứng.
Những vùng quan trọng đối với việc xử lý âm thanh phức tạp như ngôn ngữ được cho thấy đã suy yếu.
Điều này giải thích tại sao những bệnh nhân Alzheimer thường cảm thấy cực kỳ khó theo dõi giọng nói của một người trong một bối cảnh ồn ào hoặc nghe tên của họ trong một căn phòng ồn ào, đây được gọi là "hiệu ứng tiệc cocktail".
Âm nhạc cũng cho phép nhóm của Warren hiểu được tại sao những bệnh nhân suy giảm trí não vùng trán thái dương gặp khó khăn khi diễn giải cảm xúc.
Chẳng hạn, họ không còn cảm thông hay phản ứng khi thấy ai đó đang khóc, ngay cả khi đó là người quan trọng với họ.
Những cá nhân này thường giỏi xác định thông tin về một bài hát, nhưng họ không thể phân loại thuộc tính cảm xúc của nó khi được hỏi nếu một bài hát vui hay buồn.
Các bản chụp não cho thấy vùng não bị ảnh hưởng bởi căn bệnh là những vùng quan trọng trong việc phỏng đoán trạng thái tinh thần của người khác, được biết đến với tên lý thuyết tâm trí.
Trong một nghiên cứu khác, nhóm nghiên cứu của ông đã phát hiện ra dù mất đi thế giới cảm xúc, một số bệnh nhân này lại bắt đầu khao khát âm nhạc như thể họ đang nghiện nó.
Bằng cách nào đó, hệ thống khen thưởng của họ được kích hoạt để hưởng ứng lại âm nhạc, ngay cả khi họ đã mất đi kết nối cảm xúc với việc khen thưởng.
"Liệu pháp âm nhạc có thể giúp ích cho việc kết nối giữa những mạng lưới bị mất", một nghiên cứu sinh tiến sĩ của Warren tên Elia Benhamou nói.
Điều này cho thấy rằng ngay cả khi nhìn bên ngoài, những bệnh nhân này dường như không phản ứng về mặt cảm xúc, hệ thống cảm xúc vẫn quan trọng đối với thế giới của họ - và âm nhạc bằng cách nào đó sẽ giúp kích hoạt nó.
Bệnh nhân bị Alzheimer lại cho thấy hình mẫu ngược lại. Họ thường có thể hiểu được cảm xúc đằng sau một bài hát, nhưng thường không thể nhớ tên hoặc nơi họ nghe nó lần đầu tiên.
Trên thực tế, họ dường như thấy rằng âm nhạc có cảm giác thỏa mãn gần bằng cảm giác của những người khỏe mạnh.
Warren cho biết: "Âm nhạc đang nói lên điều gì đó rất căn bản về lý do tại sao những căn bệnh này (các dạng bệnh mất trí nhớ) lại khác nhau. Âm nhạc có thể xuyên qua sự phức tạp."
"Trước khi trở thành một hình thức nghệ thuật, âm nhạc đã làm điều gì đó cơ bản về việc dạy chúng ta cách đáp lại người khác".
Các nghiên cứu giống vậy đang làm tăng thêm hiểu biết của chúng ta không chỉ về trình trạng suy giảm não bộ mà còn về cả những bộ não khỏe mạnh - và cách thức trí não của tất cả chúng ta phản ứng với âm nhạc.
Một khi chúng ta hiểu rõ hơn về những hình mẫu này, về lý thuyết nó có thể giúp các nhà khoa học xác định được khi nào bộ não suy nhược sớm hơn so với khi chúng hiện đang có thể.
Warren và Benhamou nói về mặt lý thuyết, âm nhạc có thể giúp xác định những thay đổi hành vi ngay cả trước khi bản chụp não cho thấy hiện tượng teo não.
Điều này cũng tương tự như phát hiện cho thấy khả năng thể hiện tính hài hước bị suy giảm từ lúc mới mắc bệnh mất trí nhớ. Warren nói: "Có mọi lý do để tin rằng một người có thể tìm được những thứ tương tự với âm nhạc."
Điều làm tôi ấn tượng sâu sắc hơn nữa là lý luận của ông về lý do tại sao sử dụng âm nhạc làm công cụ nghiên cứu đã cung cấp một lượng lớn kết quả.
Nó kích hoạt các mạng não cần thiết để sống còn: lắng nghe xung quanh, xử lý những bất thường, hệ thống khen thưởng và lý thuyết tâm trí của chúng ta.
Điều này ngụ ý rằng âm nhạc có "mục đích sinh học" đích thực, Benhamou nói, đó là chúng ta đã từng cần có nó để tồn tại.
Đây là một lý thuyết, nhưng nếu nó đúng, điều này giải thích tại sao âm nhạc lại khơi gợi rất nhiều đặc tính có lợi ở những người đang mất đi các kết nối mà não rất cần để vận hành.
Warren nói: "Mỗi xã hội con người đều có âm nhạc. Tại sao một điều như vậy lại thật cơ bản? Câu trả lời có thể là trước khi trở thành một hình thức nghệ thuật, âm nhạc đã làm điều gì đó cơ bản về việc dạy chúng ta cách đáp lại người khác".
Tôi không biết những gì đang diễn ra trong não của cha tôi khi ông nghe nhạc. Nhưng từ các tài liệu khoa học, rõ ràng là một số kết nối thần kinh đã tước đi đa phần tính độc lập của ông lại khác với các kết nối được kích hoạt khi ông chơi nhạc hoặc hát.
Việc tự động hát "opera" đã giảm dần trong năm qua, nhưng ông vẫn tự mình hát nhiều lần trong ngày và hiển nhiên là nhận được rất nhiều niềm vui từ đó. "Mẹ và bố vừa đi dạo phố vừa hát, đúng như những gì bố mẹ luôn làm," mẹ tôi nói với tôi tuần trước.
Âm nhạc mang đến nụ cười cho cha tôi. Khi mất mát quá nhiều, nó mang lại cho ông thứ mà ông vẫn có thể sáng tạo, tương tác và tận hưởng.
Điều đáng ngạc nhiên nhất là việc âm nhạc có thể giúp ông giữ lại một phần bản ngã của ông, nếu điều đó trở nên khó phát hiện hơn đối với tất cả chúng ta.
Chỉ riêng kiến thức này đã giúp bạn dễ đối mặt hơn với những gì thường khó nói đến: Rằng bố tôi đã mắc chứng mất trí nhớ và sẽ phải sống chung với nó cho đến tận cuối đời.
Melissa Hogenboom
BBC Future
Link tiếng Anh:https://www.bbc.com/future/article/20171213-the-musical-side-of-my-dads-dementia
No comments:
Post a Comment