Sunday, October 8, 2023

LÀM KHÓ TỂ TƯỚNG VỚI 3 CÂU HỎI HÓC BÚA, VỊ ĐẠI THẦN PHẢI CÂM NÍN TRƯỚC CÂU TRẢ LỜI XUẤT SẮC

Akbar Đại đế (1542 - 1605) là một vị vua của nhà Mogul ở Ấn Độ. Triều đại do ông trị vì được coi là thời kỳ hoàng kim trong lịch sử của nước này, và do đó, những câu chuyện xoay quanh nhà vua Akbar cũng được nhiều người hết sức quan tâm.

Đại đế Akbar quý trọng Birbal đã khiến cho nhiều vị quan lại khác cảm thấy ghen tị, trong số này có một vị quan đại thần…

Chuyện kể rằng thời Akbar Đại đế còn tại vị, có một Tể tướng với trí tuệ siêu việt tên là Birbal, thường giúp ông không ít trong việc dẹp loạn triều thần và trị quốc, bình thiên hạ, do đó rất được ông yêu quý.

Tể tướng và vị đại thần

Thế nhưng, chính sự ưu ái mà Akbar dành cho Birbal đã khiến cho nhiều vị quan lại khác cảm thấy ghen tị. Trong số này, có một vị quan đại thần đặc biệt căm ghét Birbal.

Trong một buổi thiết triều, khi Birbal được Akbar khen ngợi, vị quan đại thần kia tỏ ra không phục. Ông ta nói rằng nhà vua đang thiên vị Birbal, và rằng ông ta thật ra không có gì xuất sắc. Nếu Birbal trả lời được 3 câu hỏi khó của ông ta thì ông ta mới khâm phục khẩu phục.

Cũng muốn thử tài Tể tướng Birbal nên Akbar Đại đế đã đồng ý với lời thỉnh cầu này.

Ba câu hỏi khó

Ba câu hỏi được đưa ra cho Tể tướng Birbal là:

Thứ nhất: Trên trời có bao nhiêu vì sao?

Thứ hai: Đâu là tâm của trái đất?

Thứ ba: Trên thế giới có bao nhiêu phụ nữ và đàn ông?

Để vị quan đại thần kia, và cả những người khác không còn có thể xì xào gì sau lưng, Akbar Đại đế tuyên bố rằng, nếu Birbal không trả lời được các câu hỏi trên thì sẽ bị mất chức Tể tướng.

Tể tướng Birbal đã dùng 1 con cừu để trả lời câu hỏi thứ nhất. (Ảnh minh họa)

Và 3 câu trả lời xuất sắc khiến mọi kẻ ganh ghét đều phải nín lặng.

Sau khi nghe 3 câu hỏi, biết mình đã bị mắc bẫy, song Birbal rất bình tĩnh và đồng ý trả lời 3 câu hỏi trên.

Đáp án thông minh

Tể tướng cho người mang vào trong cung 1 con cừu, sau đó, ông nhổ 1 sợi lông trên con dê này và nói: “Trên con cừu này có bao nhiêu sợi lông thì trên trời có bấy nhiêu ngôi sao. Quan đại thần kia muốn biết thì xin mời hãy đếm hết số lông của con cừu này là biết ngay thôi”.

Với câu hỏi thứ 2, Tể tướng Birbal vẽ vài đường trên mặt đất rồi dùng 1 cái roi sắt cắm xuống và nói: “Đây là tâm của trái đất. Nếu quan đại thần không tin thì có thể tự đo đạc là sẽ có ngay câu trả lời”.

Với câu hỏi thứ 3, Tể tướng Birbal không đưa ra câu trả lời ngay lập tức, mà bảo rằng: “Việc đếm số đàn ông và phụ nữ trên thế giới này có đôi chút khó khăn, vì có những kẻ như quan đại thần của chúng ta đây, không biết phải xếp vào loại nào. Trừ phi giết hết chúng đi thì ta mới có thể có được con số chính xác”.

Tâm phục khẩu phục

Akbar Đại đế nghe xong, hiểu được thâm ý sâu xa của Tể tướng Birbal nên cười rất sảng khoái, trong khi vị quan đại thần kia tự cảm thấy hổ thẹn, tự rút lui để tránh rắc rối, về sau cũng không còn dám xỏ xiên hay nói xấu sau lưng Birbal nữa.

Câu trả lời của Tể tướng Birbal khiến vị quan đại thần kia tự cảm thấy hổ thẹn, tự rút lui để tránh rắc rối…

Với những kẻ luôn so đo và tìm cách ám hại người khác, không có cách nào khác hiệu quả hơn là việc dùng tri thức đánh bại họ, khiến họ phải tâm phục khẩu phục.

Bài học cuộc sống

Do đó, trong những cách đầu tư thì bạn đừng bao giờ quên đầu tư vào tri thức để nâng cao giá trị. Như Benjamin Franklin, 1 chính trị gia, 1 nhà khoa học, 1 nhà ngoại giao nổi tiếng của Mỹ từng nói, “Đầu tư vào tri thức là cách đầu tư mang lại lợi nhuận cao nhất”.

Nếu như với những tài sản hữu hình, như tiền bạc, của cải, hôm nay chúng có thể là của bạn, nhưng đến ngày mai, ai dám chắc mọi thứ vẫn còn y nguyên? Thiên tai, địch họa, bất kỳ lý do gì cũng có thể khiến bạn trở thành kẻ trắng tay.

Nhưng khi bạn là chủ của tri thức, thì từ 2 bàn tay trắng, bạn có thể sẽ xây dựng nên cả 1 gia tài. Cũng chính Benjamin Franklin đã có câu nói vui khác đại ý rằng, nếu bạn có thể đổ hết tiền trong ví vào đầu, thì chẳng ai có thể cướp nó từ bạn cả.


Tất cả chỉ nhằm nhấn mạnh 1 điều quan trọng: Đó là tri thức sẽ giúp cho bạn là người quyết định cuộc chơi, từ xưa đến nay vẫn là vậy. Thậm chí trong 1 thời đại mà nền kinh tế được đánh giá là kinh tế tri thức như hiện nay, thì tri thức lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Thanh Hương / Trí Thức Trẻ

No comments: