Thursday, October 26, 2023

KHI BỊ NGƯỜI KHÁC XEM THƯỜNG, CƯ XỬ THẾ NÀO MỚI LÀ NGƯỜI TRÍ HUỆ?

Trong cuộc sống hằng ngày, vì có nhiều mối quan hệ xã hội nên một số người sẽ gặp phải tình huống bị người khác xem thường, nhục mạ, chỉ trích… Có người lập tức hùng hồn “ăn miếng trả miếng”. Có người lại cảm thấy điều này thật tồi tệ và sinh ra tâm oán hận đối phương. Có người vì vậy mà nhụt chí, thất vọng về bản thân…Tại sao chúng ta lại dễ bị lời nói và hành động của người khác làm ảnh hưởng như thế? Nếu biết 4 bí quyết mà một người trí huệ cao xử sự trong tình huống này, bạn sẽ xoay chuyển được tình thế và còn khiến người khác phải thán phục.

(pixabay.com)

Muốn có được sự tôn trọng của người khác, thì phải khiến họ tín phục

Chuyện kể rằng, có vị phú ông nọ gặp một người nghèo trên đường, bèn nói với anh ta: “Ta đây giàu có như vậy, sao ngươi nhìn thấy mà không tôn trọng ta?”

Người nghèo trả lời: “Ông giàu có thì có liên quan gì đến tôi? Tại sao tôi phải tôn trọng ông chứ?”

Phú ông nói: “Nếu ta chia một nửa tài sản của ta cho ngươi, ngươi có tôn trọng ta không?”

Người nghèo trả lời: “Ông chia một nửa tài sản cho tôi, vậy thì tôi và ông sẽ như nhau, tại sao tôi phải tôn trọng ông nhỉ?”

Phú ông lại nói: “Vậy nếu ta đem toàn bộ tài sản cho ngươi thì sao?”

Người nghèo đáp: “Vậy thì tôi lại càng không tôn trọng ông, vì lúc này tôi giàu có rồi, còn ông chỉ là kẻ nghèo đói mà thôi”.

Tuy đây chỉ là một câu truyện cười, nhưng lại nói cho chúng ta biết rõ một đạo lý: Nếu bạn muốn có được sự tôn trọng của người khác, thì cần phải có những thứ khiến người ta phải tín phục. Đó chính là phẩm đức, tình cảm, ý chí, những kỹ năng và năng lực có được qua sự rèn giũa hàng ngày.

Người hành sự không thuận lợi thường hay mẫn cảm, vô cùng để ý thái độ của người khác đối với mình, do đó mà thường suy tính thiệt hơn. Thực ra khi đối diện với sự không thân thiện của người khác thì điều chúng ta nên làm nhất đó là bỏ ngoài những lời tầm phào và nghi ngờ vô vị ấy, và hãy ghi nhớ những lời khuyên mang lại sự động viên cho mình.

Nghèo không có gì phải hổ thẹn, điều đáng hổ thẹn là nghèo mà không có ý chí

(pixabay.com)

Hàn Tín là một đại danh tướng của nhà Hán trước khi thành danh, từng lang thang ở đầu đường xó chợ. Một bà lão giặt vải ở bờ sông vì thương xót ông nên mỗi ngày đều để dư ra một bát cơm và mang đến cho Hàn Tín, cứ liên tục như vậy mấy chục ngày liền. Hàn Tín ăn no xong, dõng dạc hùng hồn trở lại, nói với bà lão rằng, sau này nhất định sẽ báo đáp ân đức của bà.

Bà lão vừa nghe xong, đột nhiên giận dữ nói: “Ta vì thương hại mới mang cơm cho ngươi ăn, đàn ông không tự nuôi nổi mình, mà lại nói đến báo đáp người khác à?”. Những lời này ngụ ý rằng nam tử hán đến tự lập còn không thể, mà lại còn vọng tưởng đến báo đáp người khác, đúng là quá nực cười!

Nhà tư tưởng Lữ Khôn thời nhà Minh từng nói:

“Nghèo không có gì phải hổ thẹn, điều đáng hổ thẹn là nghèo mà vô chí”. Nếu là một người thiếu ý chí, thì chỉ là khoe khoang khoác lác, không có thực lực thật sự, đến mình cũng không tự lo nổi, sao có thể nói đến chuyện có thể làm gì cho người khác cơ chứ?

Lời nói này của bà lão, có thể nói là rất cứng rắn tuyệt tình! Tuy nhiên, cũng nhờ cây gậy cảnh tỉnh này, đã lôi Hàn Tín ra khỏi sự hoang mang tuyệt vọng, khiến ông bắt đầu có ý nguyện mãnh mẽ, muốn thay đổi cuộc đời. Trải qua sự nỗ lực phấn đấu, gian nan khổ luyện, kết quả đã trở thành đại tướng quân nhà Hán với công danh hiển hách, và cuối cùng đã báo đáp được ân đức của bà lão.

Bị người khác châm biếm là chuyện vô cùng mất mặt, nhưng không thể nào né tránh. Vì vậy cách tốt nhất chính là tiêu hóa nó một cách hiệu quả, biến nó trở thành một nguồn kích thích giúp bạn khai phá cục diện, xoay chuyển tình thế để bắt đầu cuộc hành trình mới.

Nâng cao năng lực và tu dưỡng bản thân

(pixabay.com)

Triết học gia Montaigne nói: “Nếu kết quả là sự đau khổ, tôi sẽ cố gắng để tránh những niềm vui trước mắt; Còn nếu kết quả là niềm vui, thì tôi sẽ cố gắng hết sức để chịu đựng những nỗi đau tạm thời!”

Một người khi rơi vào thế yếu, đừng nên hồi tưởng lại sự huy hoàng đã qua và cũng đừng oán hận cuộc sống không công bằng ở hiện tại, lại càng không được cho mình là người đáng thương (lúc nào cũng cầu khẩn người khác). Điều chúng ta cần làm là tìm ra nguyên nhân thất bại, biến mọi thứ trong quá khứ trở thành kinh nghiệm phong phú, thì sau đó mới có thể trút bỏ mọi gánh nặng để tiến về phía trước. Và điều quan trọng trên con đường đó là phải lấy lại được ưu thế và sự tự tin của chính mình, khiến người khác thấy được sự tỏa sáng phát ra từ bạn.

Theo truyền thuyết khi Tô Đông Pha – một danh sĩ thời nhà Tống đi du ngoạn núi non, và đi vào một ngôi chùa trong sườn núi. Phương trượng trong chùa thấy ông ăn vận quần áo giản dị bình thường, liền nghĩ đây chỉ là khách hành hương tầm thường nên tỏ ý xem thường không coi trọng. Vị phương trượng chỉ thản nhiên nói: “Ngồi”. Rồi xoay người nói với tiểu hòa thượng: “Trà”. Tiểu hòa thượng thấy thế bưng lên một chén trà cũ đã nguội.

Sau khi hàn huyên vài câu chuyện, phương trượng cảm giác vị khách này ăn nói lưu loát, quả là không tầm thường, hơn nữa phong thái phi phàm, liền mời khách vào trong phòng đàm đạo. Sau khi vào phòng, phương trượng khách khí nói: “Mời ngồi!”. Lại bảo tiểu hòa thượng: “Kính trà!”.

Sau một hồi trò chuyện, phương trượng biết được vị khách này chính là đại thi nhân tiếng tăm lừng lẫy Tô Đông Pha, vội vàng thở dài cung kính dẫn ông vào phòng khách, không ngớt lời nói: “Kính mời ngồi!”. Rồi lại gọi tiểu hòa thượng: “Kính trà thơm!”.

Câu chuyện trên đã chứng minh một điều rằng giá trị của một người, tuyệt đối không nằm ở lời nói của vài người khác. Tô Đông Pha có sự trải nghiệm và tu dưỡng, khi ông bị người khác khinh thường, không vì thế mà nổi trận lôi đình, bộc phát cơn tức, ngược lại còn rất điềm tĩnh tự nhiên xử sự, không quan tâm đến thái độ của người khác. Chính phong thái thản nhiên mà đối đãi của Tô Đông Pha đã làm chính lại những tư tưởng không tốt của vị phương trượng kia, khiến cho sự khinh thường người khác của ông ta bị tiêu tan.

“Nhân vô thập toàn”, cử chỉ không thân thiện của người khác là sai lầm của họ, chúng ta không thể thay đổi được. Nhưng chúng ta có thể cố gắng nâng cao hình tượng và giá trị của bản thân, khiến sức mạnh nhỏ bé vốn có của mình dần trở nên to lớn.

Tin tưởng bản thân bạn trước

(pixabay.com)

Nhà văn Turgenev của nước Nga từng nói: “Tin tưởng bản thân bạn trước, sau đó người khác mới tin tưởng bạn”. Bởi nếu như ngay đến chính bạn cũng coi thường bản thân mình, vậy bạn làm sao có được sự tôn trọng của người khác đây?

Rốt cuộc một người có thể thực hiện được mục tiêu hay đạt được thành công hay không thì còn phải dựa vào nhiều nhân tố, nhưng trong đó yếu tố nâng cao bản thân đặc biệt quan trọng. Nếu bản thân bạn là một viên kim cương, không may bị đánh rơi trên một bãi biển, và bị người khác không chút đoái hoài, chỉ xem là hạt cát vô giá trị. Vậy thì, chỉ cần bạn không nản lòng, mà kiên nhẫn chờ đợi từng đợt thủy triều lên xuống, cuối cùng ánh sáng của bạn chắc chắn sẽ thu hút mọi ánh nhìn. Dù cho sóng biển có thể tiếp tục vùi lấp bạn, thì đó cũng chỉ là tạm thời mà thôi. Bạn có tố chất tốt đặc biệt và sẽ không thể bị lẫn bởi cát sỏi bình thường, bạn vẫn sẽ là một vật quý giá được chôn giấu. Vì vậy, nếu như bạn thực sự là kim cương, trong khi bị vùi lấp, xin đừng than vãn mà hãy kiên trì ước mơ tỏa sáng, tin chắc rằng có một ngày nhất định bạn sẽ thành công!

Lời kết

Khi đối mặt với những lời xem thường của người khác, thật sự có rất ít người có thể thản nhiên, bình tĩnh mà đối mặt trước mâu thuẫn. Điều khó nhất trên thế gian này chính là có thể làm một người nhẫn nhịn, không tranh biện. Nhưng nếu có thể bình tĩnh, khi tự hỏi lại mình một chút thì sẽ tỉnh ngộ ra rằng: Nếu dùng cách “ăn miếng trả miếng”, “nhục mạ chống trả nhục mạ” thì đó là một hành vi không khôn ngoan chút nào. Một người khi bị khinh thường mà có thể dùng tâm thái thản nhiên, không để tâm, ung dung mà đối đãi thì đã có phong độ của bậc trí giả, bậc đại trí huệ. Để có thể đạt được đến cảnh giới này, phải là người thực sự tu dưỡng tâm tính, nâng cao năng lực bản thân, có ý chí thì mới làm vậy được.

Tâm Minh / Theo: songdep

No comments: