Cuộc thảm sát Amritsar xảy ra vào ngày 13/4/1919, khi binh lính Anh xả súng vào hàng nghìn người biểu tình ôn hòa ở Amritsar, Ấn Độ. Đây là một trong những thời khắc đen tối nhất của thời kỳ thực dân Anh ở Ấn Độ. Đã có các ước tính khác nhau về thương vong, trong đó các hồ sơ thực dân Anh ghi nhận 379 người chết, còn số liệu của Ấn Độ cho biết gần 1.000 nạn nhân đã thiệt mạng. Hầu hết nạn nhân thiệt mạng là những người theo chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ, họp mặt để phản đối quyết định của chính phủ Anh ra lệnh bắt buộc nhập ngũ đối với binh lính Ấn Độ và áp đặt mức thuế chiến tranh nặng nề lên người dân nước này.
Trước đó, vào tháng 3/1919, chính quyền thực dân Anh siết chặt các biện pháp đàn áp người Ấn Độ trong Thế chiến I, như bỏ tù không qua xét xử. Hành động dã man này vấp phải làn sóng giận dữ rộng rãi. Lãnh đạo Mahatma Gandhi đã kêu gọi tổng đình công.
Tranh vẽ vụ thảm sát Amritsar.
Ở Amritsar, thành phố nay thuộc bang Punjab phía Tây Bắc Ấn Độ, thông tin các lãnh đạo Ấn Độ bị bắt giữ và đuổi khỏi thành phố đã châm ngòi cho biểu tình và bạo lực ngày 10/4/1919. Đã xảy ra các vụ việc binh sĩ bắn dân thường, các tòa nhà bị cướp bóc và đốt phá, đám đông giết chết một số người nước ngoài và tấn công một nhóm truyền đạo. Chính quyền thực dân ra lệnh cấm tụ tập đông người.
Chiều 13/4/1919, khoảng 10.000 người tập trung ở Jallianwala Bagh, khu vực nằm ở Amritsar bao quanh bởi tường cao, chỉ có một lối ra vào, đúng vào thời điểm Baisakhi, lễ hội thu hoạch ở bắc Ấn Độ. Đám đông bao gồm đàn ông, phụ nữ, trẻ em và những người hành hương đang tới thăm Đền Vàng ở gần đó, một trong những nơi thiêng liêng nhất của đạo Sikh. Một ước tính khác nói số lượng người tại đây lên đến 20.000.
Thiếu tướng Reginald Edward Harry Dyer
Thiếu tướng Reginald Edward Harry Dyer, người sau này có biệt danh “đồ tể Amritsar” tới địa điểm này với hàng chục lính và đóng cửa lối ra vào. Không báo trước, ông ra lệnh cho lính xả súng vào đám đông không có vũ khí. Nhiều người cố gắng trèo tường trong tuyệt vọng, số khác nhảy xuống giếng. Trong vòng 10 phút, toán lính đã bắn hàng trăm băng đạn vào đám đông trước khi rút đi. Dyer sau này còn nói việc xả súng “không chỉ để giải tán đám đông mà là để trừng phạt người Ấn Độ vì không nghe lời”.
Vụ thảm sát đã khuấy động tình cảm dân tộc chủ nghĩa trên khắp Ấn Độ và có ảnh hưởng sâu sắc đến một trong những người lãnh đạo phong trào, Mahatma Gandhi. Trong Thế chiến I, Gandhi đã tích cực ủng hộ người Anh với hy vọng giành được quyền tự trị một phần cho Ấn Độ, nhưng sau Thảm sát Amritsar, ông tin rằng Ấn Độ không nên chấp nhận điều gì ngoài độc lập hoàn toàn. Để đạt được mục đích này, Gandhi bắt đầu tổ chức chiến dịch bất tuân dân sự hàng loạt đầu tiên chống lại sự cai trị áp bức của thực dân Anh.
Sau này, nhiều lãnh đạo Ấn Độ đã yêu cầu một lời xin lỗi chính thức cho vụ thảm sát, nhưng Anh chưa chịu xin lỗi. Năm 1997, Nữ hoàng Anh đặt vòng hoa tại nơi xảy ra thảm sát Amritsar khi công du Ấn Độ, nhưng người Ấn Độ đã biểu tình phản đối.
Theo: Dân Việt
Link tham khảo:https://www.nytimes.com/2019/04/13/opinion/1919-amrtisar-british-empire-india.html
https://origins.osu.edu/watch/amritsar-massacre-1919?language_content_entity=en
No comments:
Post a Comment