Thursday, September 30, 2021

RÙ RÌ, MÓN NGON "QUÉO LƯỠI"

Nếu như trước đây đèo Rù Rì hiểm trở từng làm hành khách thót tim thì con rù rì bãi biển Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) đang làm thực khách “rụng tim” khi đã một lần thưởng thức nó.

Con rù rì

Mùa hè với những cơn gió nồm mang hơi mát dịu nhẹ cũng là mùa rù rì. Gọi là mùa nhưng không hiểu sao rù rì hiếm dần. Chỉ những ai có đôi mắt tinh tường, có cái nhìn “xuyên cát” mới bắt được nó. Đã qua rồi cái thời rù rì “hồn nhiên” theo con nước tràn lên bờ rồi chậm chạp đùn xuống cát khiến trẻ con cũng bắt được.


Giờ rù rì “khôn” hẳn ra. Chúng theo con nước lên bờ ăn những phiêu sinh vật rồi nhanh chóng ẩn mình dưới cát trước khi con nước rút. Không ai thấy tăm dạng chúng đâu. Những mùa rù rì gần đây, dạo cả giờ dọc bờ biển cũng chỉ bắt được vài con khiến các tay săn rù rì nản lòng.


Sa Huỳnh hiện chỉ còn hai “sát thủ” rù rì nhờ chuyên cần mà trở nên chuyên nghiệp. Có người hỏi bí quyết, một ông rỉ tai thì thào: “Tui nói ông đừng bật mí lung tung. Ông cứ khom người nhìn mặt cát, chỗ nào xám mờ, hơi võng xuống, tròn tròn như miệng cốc uống trà là có rù rì ở dưới. Thọc sâu hai ngón tay xuống cỡ nửa gang là tóm được”.


Nói vậy thôi chứ có người đi theo “học nghề” hai ông cả tuần, cũng căng mắt nhìn, cũng thọc tay xuống chỗ cát “xám mờ” nhưng cái đuôi rù rì cũng không có chứ đừng nói nguyên con.


Rù rì nhỏ con nhưng đầu đuôi, càng gọng rất giống “đại vương” cua huỳnh đế nên được mệnh danh là “tiểu huỳnh đế”. Chiều nào mỗi ông cũng bắt được ít nhất 2 ký “tiểu huỳnh đế”. Mỗi ký bán được 200.000 đồng. Với số lượng quá ít như vậy, người có “duyên”, dẻo miệng và có sức… chen lấn mới mua được.

Rù rì trước và sau chế biến. Ảnh:  Trần Cao Duyên

Chế biến rù rì không hề cầu kỳ. Chỉ cần ngắt đuôi, rửa sạch, để ráo. Trút rù rì vào chảo dầu phi tỏi, rắc chút muối hầm, chút đường, ít bột nêm. Để lửa nhỏ và trộn đều. Chờ cho vỏ rù rì chuyển sang màu vàng nâu là tắt bếp để “mở khẩu” với bữa tiệc rù rì chiên hấp dẫn đến ngẩn ngơ.


Nếu ăn cua phải hì hụi ra tay tách vỏ, vặn càng, lưỡi phải làm việc cẩn thận để loại bỏ những mảnh cứng có thể lẫn trong thịt cua thì ăn rù rì rất… thong dong. Dùng đũa gắp hay dùng hai ngón tay nhón nguyên con rù rì lên, đưa vào miệng. Chao ôi! Âm thanh vỏ rù rì vỡ giòn cũng đủ làm no tròn thính giác.


Một nhà… rù rì học nói ăn rù rì chẳng ngại “có tiếng mà không có miếng”. Tiếng đi trước, miếng liền theo sau để cái ngon không hề ngắt quãng. Thịt rù rì tuy ít nhưng trắng dẻo, ngọt lành như sữa, lại thanh mát, dịu ngon như… trăng tròn mười sáu. Chỉ tiếc một nỗi là đĩa rù rì nhanh vơi mà không đầy lại như ly rượu trắng nồng đượm vị thơm hạt gạo đồng làng.


Cô bạn môi đỏ nói ngoài cái ngon đến “quéo lưỡi” ra, em còn nghe được tiếng sóng rì rào và vị biển mặn mà trong từng con rù rì nữa đó. Sướng rêm vì câu nói đầy “nghệ thuật” này, chủ nhà “đành” chiên nốt số rù rì để dành phòng khi biển động. Chờ cô bạn xuống bếp, mấy anh em bảo nhau: Chỉ có miệng lưỡi người đẹp mới làm cho rù rì trong tủ lạnh cũng phải bò ra.

Trần Cao Duyên / Thanh Niên



HAI SẮC HOA BẰNG LĂNG

Hẳn ai cũng biết hoa bằng lăng: màu tím lúc hoa mới nở luôn làm lòng ta xao xuyến, một màu tím đến nôn nao như ai đó đã từng nói, khiến ta tưởng tượng ra những câu chuyện tình yêu học trò dịu dàng, lãng mạn, trong sáng. Nhưng còn một loài hoa bằng lăng, tuy bề ngoài không đẹp nhưng chứa đựng bên trong nó ý chí thật kiên cường, bằng lăng nâu.


Nhắc đến hoa bằng lăng tím người ta thường nhắc đến cái tình yêu trong veo cái tình yêu dễ thương nhẹ nhàng nhưng ngây thơ trong sáng tuổi học trò cái tuổi không lo lắng nhiều về cuộc sống, chưa phải bận tâm về tiền bạc.

Các bạn cũng biết, hoa bằng lăng nở vào mùa hè, mùa chia xa của bao thế hệ học trò. Vậy nên màu tím thường mang một sự thương yêu và vẻ buồn man mác của những tiết học cuối cùng.

Cũng không phải ngẫu nhiên hoa Bằng Lăng lại tượng trưng cho tình yêu đẹp trong sáng và man mác buồn. Bởi bằng lăng mang trong mình một câu chuyện tình yêu, tuy kết thúc buồn nhưng không đau khổ đẫm lệ mà nhẹ nhàng, bâng khuâng.


Chuyện kể rằng, ngày xửa ngày xưa trên thiên đình, Ngọc Hoàng có mười hai cô công chúa xinh đẹp, mỗi người một vẻ. Ngọc Hoàng luôn thương yêu và dành những gì tốt đẹp nhất cho các con của mình. Một ngày kia, Ngọc Hoàng cho gọi mười hai cô công chúa lại và ban cho một đặc ân rằng sẽ cho các con mình làm nữ hoàng các loài hoa dưới trần.

Cả mười một cô đều chọn cho mình một loài hoa, cô thì chọn hoa hồng, cô thì hoa lan, cô kia lại hoa lyly…duy chỉ có cô út là phân vân mãi không chọn được loài hoa nào. Đến khi Ngọc Hoàng lên tiếng hỏi, cô mới thưa rằng:

“Thưa phụ hoàng, từ nhỏ đến giờ con rất thích màu tím thơ ngây nên mong phụ hoàng hãy cho con làm nữ hoàng của loài hoa mang màu tím!”

Ngọc Hoàng suy nghĩ tới, suy nghĩ lui mới quyết định cho nàng công chúa bé bỏng của mình làm nữ hoàng loài hoa bằng lăng.

Cùng thời điểm đó, ở dương gian có chàng thư sinh nghèo, thấy vẻ đẹp giản dị, dịu dàng của hoa bằng lăng nên chàng liền mang về nhà trồng để ngày nào cũng được ngắm. Mỗi năm vào mùa hoa nở, chàng thư sinh ấy ngày càng đắm say màu tím quyến rũ ấy, dần dần chàng đem lòng yêu thương loài hoa.


Nàng công chúa út khi ấy cũng say mê tài văn thơ của chàng thư sinh. Nàng xin phụ hoàng cho mình được xuống trần gian kết tóc se duyên với chàng. Nhưng như vậy công chúa sẽ phải hạ tầng thứ, chịu bao đau khổ của thế gian, trăm năm sau chuyển sinh thì tình yêu cũng dứt, lúc đó nàng sẽ phải chịu đau khổ trong nhiều kiếp luân hồi.

Ngọc Hoàng thương con nên phản đối mối nhân duyên này, tiên và người không thể đến với nhau được. Nàng công chúa út từ đó u buồn, suy tư, nhớ nhung. Và cũng từ đó, loài hoa bằng lăng ngày càng phai nhạt màu tím.

Dưới trần gian, chàng thư sinh vẫn một lòng si mê loài hoa màu tím. Kể từ đó, nhân gian gọi hoa bằng lăng là loài hoa chung thuỷ, màu tím thơ ngây tượng trưng cho mối tình đầu ngây ngô của tuổi học trò.

Hẳn ai cũng biết hoa bằng lăng: màu tím lúc hoa mới nở luôn làm lòng ta xao xuyến, một màu tím đến nôn nao như ai đó đã từng nói, khiến ta tưởng tượng ra những câu chuyện tình yêu học trò dịu dàng, lãng mạn, trong sáng. Mới thấy màu tím của bằng lăng… đẹp mà thật mong manh. Nhưng đã bao giờ bạn thấy bằng lăng nâu chưa?

Đừng vội hình dung đến những bông bằng lăng màu nâu thay vì màu tím, giống như hoa phượng màu tím thay vì màu đỏ. Bằng lăng nâu nở nhiều vào cuối hè đầu thu. Sau những ngày ngắn ngủi tô tím bầu trời, những cánh bằng lăng phai nhòa rồi dần nhường chỗ cho những chùm quả tròn xanh chi chít. Những chùm quả bằng lăng âm thầm lớn lên, già đi, không gây sự chú ý đối với nhiều người. Rồi một ngày kia, như đã trải qua đủ thời gian, đủ mưa nắng, những chùm quả khô bắt đầu nở rộ. Những đóa bằng lăng nâu. Mùa hoa bằng lăng thứ hai.

Bằng lăng nâu, mùa hoa bằng lăng thứ hai (Ảnh: cayxanh.net)

Bằng lăng nâu không làm tím ngắt một góc trời để ai cũng phải ngước lên nhìn nó. Chỉ một màu nâu của thời gian, của mưa nắng, giản dị, rất mộc bên những chiếc lá xanh. Bông rụt rè khum khum hé mở, bông tự tin xòe sáu cánh. Từng cánh bằng lăng nâu mạnh mẽ, cứng cáp, không còn mong manh yếu ớt như những cánh bằng lăng tím. Chúng cũng không sợ bị thời gian, mưa nắng làm cho phai tàn, làm cho nhạt nhòa. Bởi chính thời gian, mưa nắng đã kết tụ trong chúng.

Bằng lăng nâu, mùa hoa bằng lăng thứ hai. Đó chính là mùa nở lại của những đóa bằng lăng tím đã trải qua thử thách, là mùa hoa nở từ mùa quả. Mạnh mẽ hơn, cứng cáp hơn, giản dị, không hương thơm nhưng là kết tinh từ mùa hoa trước. Mùa hoa thứ hai không cho một mùa quả, nhưng khi rụng xuống, chúng gieo những mầm cây mới.

Hai sắc hoa bằng lăng, một loài xinh đẹp mong manh, một loài âm thầm mạnh mẽ, cũng như thời gian trôi đi, không có gì là trường cửu, nhưng cũng không có nghĩa tất cả đã kết thúc. Hai mùa bằng lăng vẫn đang chờ ta phía trước.

Nam Minh, Sao Băng

VƯƠNG TRIỀU HÙNG MẠNH NHẤT TÂY TẠNG GẶP HỌA VONG QUỐC VÌ DIỆT PHẬT

Từng là một vương triều lớn mạnh khiến cho các triều đại nhà Đường không thể chế ngự nổi, nhưng Thổ Phồn lại bị quả báo diệt vong bởi bức hại những người tu Phật.


Vương triều Thổ Phồn (618-842 SCN) (Một vương quốc từng thống trị Tây Tạng) là một quốc gia mới nổi và mạnh mẽ khi vua Tùng Tán Càn Bố (Songtsän Gampo) kết hôn với công chúa Văn Thành của nhà Đường 1.400 năm trước. Mối quan hệ của Tây Tạng với Trung Quốc xấu đi khi Tây Tạng trở nên mạnh hơn.

Tuy nhiên, vương triều này không bị sụp đổ bởi những cuộc chiến với Trung Quốc. Khoảng 200 năm sau, quốc vương Thổ Phồn bắt đầu cuộc vận động diệt Phật, và một chuỗi những thảm họa tự nhiên đã phát sinh. Cuối cùng vương triều bị sụp đổ, nhưng Phật giáo vẫn tồn tại đến ngày nay.

Sự phát triển của Phật giáo và sự hùng mạnh của vương triều Thổ Phồn

Phật giáo được truyền vào Tây Tạng không lâu sau khi vua Tùng Tán Can Bố dựng nước. Ông đã xây chùa Đại Chiếu (Jokhang ) và cung Bố Đạt Lạp (Potala). Những người nối ngôi ông đều ủng hộ Phật giáo, và một số quốc vương và hoàng tử theo ông từ bỏ vương vị và xuất gia tu hành. Vương triều Thổ Phồn dần dần trở nên hùng mạnh hơn cùng với sự phát triển của Phật giáo.

Sau khi hoàng đế Đường Thái Tông mất, Thổ Phồn hùng mạnh đến nỗi Trung Quốc không thể ngăn chặn sự xâm lăng của họ. Phổ Thồn mở rộng cuộc tấn công đến Thanh Hải, Tứ Xuyên, Cam Túc, và từng một lần chiếm cứ kinh đô Trường An. Những hoàng đế của của nhà Đường hùng mạnh – Đường Cao Tông, Đường Túc Tông, Đường Hiến Tông đều không thể chế ngự Thổ Phồn.


Quốc vương Lãng Đạt Mã bức hại tăng nhân

Theo Tân Đường Thư, sau khi quốc vương Thổ Phồn là Tán Phổ (Ralpacan) qua đời, Đạt Ma (Người Tây Tạng gọi là Lãng Đạt Mã – Langdarma) đã nối ngôi. Sứ giả nhà Đường miêu tả ông ta là một kẻ nghiện rượu thích săn bắt. Ông ta nổi tiếng là kẻ cai trị khắc nghiệt và không nghe lời cận thần. Lãng Đạt Mã đã phát động cuộc bức hại Phật Pháp, dẫn đến chính sự trong nước hỗn loạn.

Lãng Đạt Mã buộc các tăng nhân phải đi săn và xem việc họ đi săn là sự từ bỏ Phật giáo. Ông đã giết những người từ chối từ bỏ niềm tin của họ. Lãng Đạt Mã đóng cửa tất cả tu viện và Phật điện. Ông biến chùa Đại Chiếu thành lò giết mổ và chùa Tiểu Chiếu (Ramoche) thành chuồng bò.

Lãng Đạt Mã ra lệnh thay thế những bức tranh trên tường, các di tích và đồ tạo tác quý giá trong các ngôi đền bằng tranh vẽ các thầy tăng say rượu để làm nhục danh tiếng của Phật giáo. Ông đã đóng đinh các tượng Phật và trói dây vào cổ các bức tượng rồi ném xuống sông.


Các tai họa đã tàn phá vương triều Thổ Phồn vào năm 839 SCN: động đất, lở đất ở những vùng núi thuộc tỉnh Tứ Xuyên và Cam Túc ngày nay, nước chảy ngược vào sông Thao, bệnh dịch bùng phát, người ta thức dậy kế bên người thân đã chết. Một số người nghe thấy tiếng trống bí ẩn vào giữa đêm ở khu vực tỉnh Thanh Hải ngày nay.

Lãng Đạt Mã đã chết bất ngờ vào ba năm sau đó – năm 842 SCN. Vì không có con, phi tần của ông ta đã đưa cháu trai của bà lên cai trị, người này sau đó bị một quan đại thần giết chết.

Vì thế, vương triều Thổ Phồn hùng mạnh không bị đánh bại bởi nhà Đường, mà lại bị diệt vong trong tay một ông vua ngu xuẩn, nhưng Phật giáo lại trở nên bền vững ở Tây Tạng.

Nhã Lam (Theo: Minhhui)
Link tham khảo:


VỀ MIỆT THÁP MƯỜI NGHE KỂ VỀ NHỮNG CÁNH ĐỒNG LÚA MA

Thuở xưa miệt Tháp Mười ai đi đâu cũng thấy bạt ngàn những đồng lúa ma hay còn gọi là lúa trời. Giống như cỏ bàng, cây tràm hay lau sậy, cây lúa ma lúa trời rất thích hợp với vùng sình lầy, trũng thấp của Đồng Tháp Mười.


Bởi vậy có câu ca dao nổi tiếng: 

“Ai ơi về miệt Tháp Mười, 
Cá tôm sẵn bắt lúa trời sẵn ăn”

Vì sao gọi là lúa ma, lúa trời?

Có người cho rằng gọi là lúa trời là vì đây là là loại lúa mọc tự nhiên, chẳng được ai trồng trọt, tựa như ông trời ban cho bà con miền Tây Nam Bộ một sản vật tự nhiên thuở còn khó nhọc.

Còn gọi là lúa ma chắc bởi vì loại lúa này khi chín chỉ chín vài hột chứ không chín hết cả bông như lúa bình thường. Mà còn lạ hơn là cứ mỗi khi mặt trời lên chừng vài sào (khoảng 8 -9 giờ sáng) thì tự nhiên lúa rụng mất. Đặc điểm độc đáo này của lúa trời khiến nó được sách Gia Định thành thông chí ghi chép thêm tên gọi nữa là “Quỷ cốc”

Người ta gọi lúa ma là lúa trời hay quỷ cốc

Cây lúa ma mọc lên từ đâu?

“Lúa ma” (giới khoa học gọi là lúa hoang, nông dân VN gọi là lúa trời) là một từ nghe quen quen mà cũng… lạ hoắc. Bởi nó là một loài lúa mọc hoang chẳng biết có nguồn gốc tự bao giờ và nó mọc lên từ đâu. Chỉ biết rằng, khoảng tháng Tư âm lịch, khi mùa mưa kéo về, đất khô được tưới nước, những hạt lúa rụng từ mùa trước bắt đầu nẩy mầm. Đến mùa nước, lúa lên cao và lớn dần theo mực nước.

Thân cây lúa ma cứng cỏi, lá to, phát triển mạnh mẽ nhờ thích nghi quen với sương gió, nước mưa. Mùa nước nổi là thời điểm lúa ma trổ bông và phát triển mạnh nhất. Hễ nước nổi tới đâu, thì cây lúa cùng cả bông cả ngọn vượt khỏi mặt nước tới đó. Rồi những hạt lúa chín dần trong cả tháng trời từ rằm tháng Chín đến rằm tháng Mười âm lịch. Mà mỗi lần chín, luá chỉ chín vào ban đêm, mỗi lần chín vài hạt.

Hạt lúa ma thì có đuôi rất dài, khiến chim chuột rất sợ

Bông lúa ma ngồ ngộ với những lớp hạt thưa thớt, hạt lúa có râu dài độ 3 – 4cm và cứng. Khi lúa chín, không được thu hái thì tự rụng vì gặp ánh mặt trời. Hạt lúa ma có đuôi rất dài nên chim, chuột rất sợ và không bao giờ ăn

Hạt lúa rụng, rơi xuống nước rồi lại ghim xuống bùn non, ẩn mình nằm đó chờ nước rút, qua mùa khô, khi mưa xuống thì nảy mầm …Để một thế hệ lúa mới trời cho lại vươn lên, phủ khắp vùng đầm lầy Đồng Tháp Mười ngày xưa.
Cây lúa ma và sự gắn bó với đời sống bà con vùng Đồng Tháp Mười

Ông Mai Quốc Lộ – một trong những người cố cựu từng có khoảng thời gian sống nhờ cây lúa ma kể rằng: “Những khi lũ lên như thế này, lúc cây cỏ ngập chìm trong nước, đi đâu ông cũng đảo mắt coi có cây lúa ma nào nhô lên không. Nhưng tuyệt nhiên không thấy nữa. Năm 1962, gia đình ông từ Quảng Nam xuôi về Bến Tre, dạt xuống tận Cà Mau. Nhưng chiến tranh ác liệt đã buộc dòng người di cư lại ngược về Đồng Tháp Mười. Khi ấy vùng đầm lầy rộng lớn này chỉ toàn là cỏ và cỏ. Vì đất phèn, thời tiết lại thất thường nên trồng lúa rất trầy trật. Khi nạn đói đã cận kề, bao nhiêu người đặt chân tới đây sống trụ lại được là nhờ loại lúa lạ lùng ấy. Ông Lộ kể: “Loại lúa này từ xanh, đến chín là ngả sang màu đen. Nên mỗi khi chống xuồng ra đồng cỏ mà thấy một vùng đen thui là tụi tui mừng lắm”.

“Bơi xuồng trong đồng gặp cánh đồng lúa ma là mừng lắm!”

Để thu hoạch lúa ma, phải có hai người chèo xuồng lướt giữa đám lúa. Một người cầm sào chống, còn người kia điều khiển cần đạp nhịp nhàng làm bông lúa chín rơi xuống khoang thuyền. Những hạt xanh còn lại sẽ tiếp tục chín vào đêm hôm sau. Cứ thế, mỗi xuồng một ngày có thể đạt đến năm, mười giạ lúa. Mỗi mùa, nhiều gia đình đập được cả tấn lúa trời.

Lúa thu hoạch về ngâm nước khoảng ba hôm, sau đó đem phơi cho đuôi lúa rụng hoặc cũng có thể đem phơi xong giã nhẹ. Làm cách này, khi ra gạo nấu sẽ ngon cơm hơn là ngâm nước.

Thu hoạch lúa ma

Cơm từ hạt gạo lúa trời – lúa ma hơi cứng, khi nấu củi phải để sôi lâu mới chắt nước, còn nấu bếp điện thì phải đổ khá nhiều nước. Nhưng khi chín, hạt gạo lại rất dẻo cơm, thơm và béo. Gạo lúa trời còn được người dân nơi đây ưa dùng nấu cháo đặc, dùng đũa bếp quậy nhừ, sau đó đổ vào mâm lớn trông như chiếc bánh đúc khổng lồ. Khi ăn, bạn sẽ dùng dao cắt từng miếng, dùng cùng nước đường thắng kẹo, vị rất ngon.

Lưu giữ bảo tồn những cánh đồng lúa ma

Lúa ma (lúa trời) từng là một nguồn lợi tự nhiên quan trọng giúp nhân dân Đồng Tháp Mười vượt qua cơn thiếu ăn giữa những ngày giáp hạt để chờ mùa chính vụ. Nó còn là nguồn lương thực dự trữ đáng kể giúp bộ đội Việt Nam chống đói trong những năm tháng kháng chiến.

Ngày nay, những cánh đồng lúa ma đã không còn nhìn thấy nhiều. Vườn quốc gia Tràm Chim đã phải dành diện tích để trồng đồng lúa ma nhằm lưu giữ, duy trì một góc trời tự nhiên đặc trưng miệt Tháp Mười.

Những cánh đồng lúa ma – lúa trời đang được bảo tồn ở vườn quốc gia Tràm Chim Tháp Mười

Và hiện nay, cây lúa ma (lúa trời) cũng trở thành đề tài nghiên cứu của các nhà khoa học lúa nước trên thế giới.

Phan Thùy Linh (Nắng)
Tổng hợp. Nguồn ảnh: Báo Tuổi Trẻ



Wednesday, September 29, 2021

BÀI HỌC VỀ SỰ ĐÁNH GIÁ

Ngày xưa, có một họa sĩ tên là Ranga, một người siêu việt, vẽ được rất nhiều kiệt tác đáng ghi nhớ khiến ai cũng dều khen ngợi.


Ông mở một lớp học mỹ thuật để dạy nghề cho mọi người và cũng để tìm đệ tử nối nghiệp. Ông không mấy khi khen ngợi ai, cũng không bao giờ đề cập đến thời gian của khóa học. Ông nói, một học trò chỉ có thể thành công khi ông hài lòng với kỹ năng và hiểu biết của người đó. Ông truyền cho học trò những phương pháp đánh giá, ước định của ông, và chúng cũng độc đáo như những tác phẩm của ông vậy. Ông không bao giờ thổi phồng tầm quan trọng của những bức tranh hay sự nổi tiếng, mà ông luôn nhấn mạnh đến cách xử sự, thái độ với cuộc sống của học trò.

Trong một số lượng lớn học trò, Rajeev là một người có tài nhất, chăm chỉ, sáng tạo,nên anh ta tiếp thu nhanh hơn nhiều so với các bạn đồng môn. Ông Ranga rất hài lòng về Rajeev.


Một ngày kia, sau bao nhiêu cố gắng, Rajeev được ông Ranga gọi đến và bảo:

- Ta rất tự hào về những tiến bộ mà con đã đạt được. Bây giờ là thời điểm con làm bài thi cuối cùng trước khi ta công nhận con thực sự là một họa sĩ tài năng. Ta muốn con vẽ một bức tranh mà ai cũng phải thấy đẹp, phải khen ngợi.

Rajeev làm việc ngày đêm, trong rất nhiều ngày và đem đến trình thầy Ranga một bức tranh tuyệt diệu. Thầy Ranga xem qua rồi bảo:

- Con hãy đem bức tranh này ra đặt ở quảng trường chính, để tất cả mọi người có thể chiêm ngưỡng. Hãy viết bên dưới bức tranh là tác giả sẽ rất biết ơn nếu bất kỳ ai có thể chỉ ra bất kỳ sơ suất nào trên bức tranh và đánh một dấu X vào chỗ lỗi đó.


Rajeev làm theo lời thầy: đặt bức tranh ở quảng trường lớn với một thông điệp đề nghị mọi người chỉ ra những sơ suất.

Sau hai ngày, Ranga đề nghị Rajeev lấy bức tranh về. Rajeev rất thất vọng khi bức tranh của mình đầy dấu X. Nhưng Ranga tỏ ra bình tĩnh và khuyên Rajeev đừng thất vọng, cố gắng lần nữa. Rajeev vẽ một kiệt tác khác, nhưng thầy Ranga bảo phải thay đổi thông điệp dưới bức tranh. Thầy Ranga nói phải để màu vẽ và bút ngay cạnh bức tranh ở quảng trường và đề nghị mọi người tìm những chỗ sai trong bức tranh và sửa chúng lại bằng những dụng cụ để vẽ ấy.

Hai ngày sau, khi lấy tranh về, Rajeev rất vui mừng khi thấy bức tranh không bị sửa gì hết và tự tin đem đến chỗ Ranga. Ranga nói:


- Con đã thành công vào ngày hôm nay. Bởi vì nếu chỉ thành thạo về mỹ thuật thôi thì chưa đủ, mà con còn phải biết rằng con người bao giờ cũng đánh giá bừa bãi ngay khi có cơ hội đầu tiên, cho dù họ chẳng biết gì về điều đó cả. Nếu con luôn để cả thế giới đánh giá mình, con sẽ luôn thất vọng. Con người thích đánh giá người khác mà không nghĩ đến trách nhiệm hay nghiêm túc gì cả. Mọi người đánh những dấu X lên bức tranh đầu tiên của con vì họ không có trách nhiệm gì mà lại cho đó là việc không cần động não. Nhưng khi con đề nghị họ sửa những sơ suất thì không ai làm nữa, vì họ sợ bộc lộ hiểu biết- những thứ mà họ có thể không có. Nên họ quyết định tránh đi là hơn. Cho nên, những thứ mà con phải vất vả để làm ra được, đừng dễ dàng bị ảnh hưởng bởi đánh giá của người khác. Hãy tự đánh giá mình. Và tất nhiên, cũng đùng bao giờ đánh giá người khác quá dễ dàng.

Note: Những tấm tranh minh họa là của họa sĩ Rajeev Raj

TRẦN THIẾU MAI: DANH HỌA THIÊN TÀI BẠC MỆNH

Trần Thiếu Mai (陳少梅) là học trò của họa sĩ đa tài Kim Bắc Lâu, và là thành viên của Hồ Xã Họa Hội, từng chủ trì phân hội Hồ Xã ở Thiên Tân. Trần Thiếu Mai cùng với Tề Bạch Thạch, Trương Đại Thiên và Phổ Tâm Dư được tôn làm Tứ Đại Họa Gia đương thời.

Các tác phẩm của ông tái hiện cuộc sống thời cổ đại, con người sống hòa hợp và thuận theo tự nhiên.

Trần Thiếu Mai (陳少梅)

Trần Thiếu Mai (1909 – 1954) tên là Vân Chương, còn có tên nữa là Vân Thuần, tự Thiếu Mai, hiệu Thăng Hồ, là họa sĩ nổi tiếng vẽ tranh sơn thủy, phụ nữ quý tộc, các nhân vật lịch sử, các bậc cao nhân, ẩn sĩ, người tu Đạo… trong đó bộ tranh “Nhị thập tứ hiếu” được đông đảo người hâm mộ nghệ thuật yêu thích. Các tác phẩm của ông tái hiện cuộc sống thời cổ đại, con người sống hòa hợp và thuận theo tự nhiên.

Các tác phẩm của ông tái hiện cuộc sống thời cổ đại, con người sống hòa hợp và thuận theo tự nhiên.


Trần Thiếu Mai là học trò của họa sĩ đa tài Kim Bắc Lâu, và là thành viên của Hồ Xã Họa Hội, từng chủ trì phân hội Hồ Xã ở Thiên Tân. Trần Thiếu Mai cùng với Tề Bạch Thạch, Trương Đại Thiên và Phổ Tâm Dư được tôn làm Tứ Đại Họa Gia đương thời.


Năm 15 tuổi, Thiếu Mai gia nhập “Hội nghiên cứu Hội họa Trung Quốc” do Kim Bắc Lâu và Trần Sư Tăng khởi xướng và tổ chức. Năm 17 tuổi, Thiếu Mai trở thành họa sĩ tên tuổi của “Hồ Xã Họa Hội”. Năm 22 tuổi, ông chủ trì Phân hội Hồ Xã ở Thiên Tân và trở thành lãnh tụ của giới hội họa Thiên Tân.


Trần Thiếu Mai chủ yếu vẽ tranh đề tài phỏng cổ, ông đã từng chiêm ngưỡng nhiều danh tác từ các nhà sưu tầm tranh ở Bắc Kinh để học vẽ phỏng theo và rất nhanh chóng thể hiện được tài năng. Năm 21 tuổi, tác phẩm của Trần Thiếu Mai đạt giải bạc tại Triển lãm Quốc tế ở Bỉ.

Trần Thiếu Mai chủ yếu vẽ tranh đề tài phỏng cổ, ông đã từng chiêm ngưỡng nhiều danh tác từ các nhà sưu tầm tranh ở Bắc Kinh để học vẽ phỏng theo và rất nhanh chóng thể hiện được tài năng.

Danh họa Kim Bắc Lâu đã từng nói: “Cả đời ta đã truyền thụ rất nhiều học trò, Thiếu Mai nhỏ tuổi nhất, nhưng lại là học trò đắc ý nhất của ta. Thiếu Mai siêu quần tuyệt luân, ắt sẽ vượt qua ta”.

“Cả đời ta đã truyền thụ rất nhiều học trò, Thiếu Mai nhỏ tuổi nhất, nhưng lại là học trò đắc ý nhất của ta. Thiếu Mai siêu quần tuyệt luân, ắt sẽ vượt qua ta”.

Năm 1951, Trần Thiếu Mai làm Giám đốc Xưởng Mỹ thuật Thiên Tân, ông đã sáng lập ra “Thiên Tân Mỹ học viện” – tiền thân của Học viện Mỹ thuật Thiên Tân.


Tháng 9 năm 1954 khi trở về quê thăm mẹ, Trần Thiếu Mai bị tai biến mạch máu não rồi chết, hưởng dương 45 tuổi.













Cuộc đời Trần Thiếu Mai ngắn ngủi nhưng những tác phẩm nghệ thuật của ông khắc họa đề tài vẻ đẹp của thiên nhiên, vẻ đẹp cuộc sống của người xưa hòa hợp và gần gũi với thiên nhiên thì vẫn còn mãi với thời gian.

Hoàng Mai
Theo Sohu

BÍ MẬT CỦA CÁC BẬC THẦY SUSHI

Ở Nhật Bản, đầu bếp sushi có thể mất nhiều năm học hỏi, từ cách nấu cơm, cắt cá trước khi có thể đứng ở quầy riêng. Họ cần nắm vững các bí quyết để có thể làm hài lòng khách hàng với những miếng sushi hoàn hảo.


Mỗi miếng sushi cần được ăn ngay sau khi làm xong

Tyson Cole, bếp trưởng của nhà hàng sushi Uchi ở Áo, đánh giá: “Sushi cũng giống như khoai tây chiên, phải ăn ngay lúc vừa chế biến. Chúng chết dần từng phút sau khi bạn hoàn thiện”. Điều đó đồng nghĩa việc một đầu bếp giỏi cần có khả năng làm nhiều việc một lúc để hoàn tất một đĩa nigiri (loại sushi gồm một lát cá đặt trên cơm) còn giữ nguyên vị ngon, nhưng mỗi miếng vẫn có sự hoàn hảo nhất định.

Một bậc thầy sushi hiểu rằng mùi là yếu tố quan trọng tạo ra vị ngon. Đầu bếp Taichi Kitamura của Sushi Kappo Tamura (Mỹ) cho biết: “Miếng cá thu có mùi rất mạnh. Nếu không muốn khách khó chịu, bạn phải cho thêm ít gừng, hành tươi và nước chanh”. Một số cách kết hợp khác giúp cân bằng mùi vị như tỏi với cá ngừ, wasabi với uni (dạ con của nhím biển). Mùi phải được cân bằng


Mỗi loại cá cần một cách chế biến khác nhau

Cách cắt, ướp gia vị và tạo hình miếng cá cho nigiri phụ thuộc vào lượng chất béo và đặc trưng của mỗi loại cá. Với những loại cá không giàu chất béo, như cá thịt trắng hay cá bơn, đầu bếp cần thái thật mỏng. Với các loại béo hơn, đầu bếp cần thay đổi kích cỡ và gia vị.

Chế biến thực phẩm còn sống cần kỹ năng đặc biệt

Chris Clime của nhà hàng PassionFish (Mỹ) cho biết: “Khi chế biến tôm, tôm hùm, bạch tuộc hay trai sống, bạn cần sử dụng các kỹ thuật để không kích thích chúng tạo ra các hormones tự vệ”.


Không phải phần nào của con cá cũng giống nhau

Giống như các phần thịt bò khác nhau cần cách chế biến khác nhau, một con cá có thể được sử dụng làm các món sashimi, nigiri, hay sushi cuộn. Phần đuôi nhiều cơ không nên dùng cho sashimi, thay vào đó có thể làm nhân sushi cuộn.

Giảm thiểu lãng phí thức ăn

Xu hướng sử dụng mọi phần của thực phẩm có cả trong nghệ thuật chế biến sushi. Một đầu bếp sushi giỏi có thể sử dụng mọi phần của con cá trên cùng một đĩa đồ ăn.

Cơm không dễ làm

Các đầu bếp giỏi đều biết cơm là một phần quan trọng để làm ra một miếng sushi ngon. Để có được phần cơm đúng chuẩn, họ phải chú ý tới từng chi tiết nhỏ, như gạo mùa nào, áp suất không khí hôm đó ra sao. Ví dụ, gạo mùa mới cần cho ít nước hơn so với gạo mùa cũ, vì dẻo hơn. Gạo cần còn nguyên hạt, không được vỡ nát và khi đảo cần nhẹ tay.


Mỗi miếng sushi được chuẩn bị cho từng khách hàng. Đầu bếp phải hiểu được khẩu vị và phục vụ theo yêu cầu. Kitamura nhận định: “Những đầu bếp sushi giỏi nhất sẽ chăm sóc bạn như một cá nhân đặc biệt, giống như khi đi làm răng hay làm tóc vậy”. Thực khách là yếu tố quan trọng nhất.

Ngoài ra, một đầu bếp thực thụ sẽ sẵn lòng giải thích cho các khách hàng tò mò. Yoshihiko Kousaka cho biết: “Khi tôi làm món sushi mực, thực khách quan sát tôi khía nhiều lát trên con mực. Công việc phức tạp, mỗi khía phải đều nhau, không quá sâu, không quá nông. Khi phục vụ, tôi sẽ giải thích cho khách hàng biết rằng điều đó giúp họ tận hưởng vị mềm mại của mực”.

Các dao chế biến sushi tốt nhất được làm từ sắt chứ không phải thép không gỉ, với kỹ thuật rèn tương tự như kiếm dành cho võ sĩ đạo. Mỗi loại dao có mục đích riêng, đầu bếp phải biết khi nào và tại sau sử dụng chúng. Việc mài dao cũng là một nghệ thuật. Các đầu bếp phải mài sắc dao hàng ngày trước khi bắt tay vào chế biến sushi.Mỗi con dao có một mục đích đặc biệt.


Nguồn cá tốt rất quan trọng

Khi sử dụng thực phẩm sống, độ tươi và chất lượng cần được kiểm soát chặt chẽ. Việc mua cá từ những người bán có tiếng và đáng tin cậy là điều quan trọng. Phần lớn các nhà hàng cao cấp nhập hàng từ chợ cá Tsukiji lớn nhất Nhật Bản, và thường khảo sát kỹ lưỡng nhà cung cấp. Họ cần tìm hiểu thế mạnh của mỗi người bán để lựa chọn đúng.

Theo Zing | Wanderlust Tips
Link tham khảo: