Tuesday, September 28, 2021

VÀNG BẠC CÓ CHÂN, DÙ CHÔN XUỐNG ĐẤT VẪN CÓ THỂ TÌM VỀ VỚI CHỦ CŨ

Người xưa thường nói “vàng bạc có chân”, ý rằng một vật khi được chôn dưới đất thì sẽ cố định, nhưng nếu chôn vàng bạc thì chúng có thể di chuyển qua lại trong đất để tìm về với chủ nhân ban đầu của nó.

Vàng bạc có chân, dù chôn xuống đất vẫn có thể tìm về với chủ cũ. (Ảnh: Zhihu)

Trong sách “Tử Bất Ngữ” của tác giả Viên Mai thời nhà Thanh có ghi chép lại một câu chuyện ly kỳ như sau: Tại trấn Hạ thuộc huyện Đằng (nay thuộc Sơn Đông), có một ông lão họ Tưởng, là người siêng năng cần kiệm. Ông Tưởng có một cậu con trai, bởi vì lúc nhỏ giáo dục không được tốt, lớn lên chơi bời lêu lổng, không chịu làm ăn, gia cảnh dần dần sa sút, khiến ông vô cùng lo lắng.

Ở miếu Quan Đế có vị đạo sĩ họ Trần, quê Cố Thủy, Hà Nam, là người có mối quan hệ đặc biệt tốt với ông Tưởng. Một hôm ông Tưởng lén đưa 500 lạng bạc cho đạo sĩ rồi dặn dò:

“Con của tôi không có tài đức, e rằng chẳng thể giữ vững được gia nghiệp, về sau nhất định phải chịu cảnh đói khát. Hôm nay tôi gửi số bạc này cho ông, sau khi tôi chết, nếu đứa con của tôi biết ăn năn hối cải, hãy dùng số bạc này để cứu tế nó; còn nếu nó vẫn chứng nào tật nấy, ông hãy dùng số bạc này để tu sửa miếu”.

Trần đạo sĩ chấp nhận thỉnh cầu của ông Tưởng, liền đem số bạc cất vào trong một cái bình đất, dùng một chiếc chuông vỡ đậy lại, rồi chôn ở sau chùa. Chuyện này không một ai hay biết.

Vài tháng sau, ông Tưởng qua đời, con trai ông lại càng không còn kiêng nể gì nữa, gia sản rất nhanh đã bị tiêu tán hết, cuối cùng đến chốn dung thân cũng chẳng còn, vợ anh ta thì bỏ về nhà mẹ đẻ, bà con thân hữu cũng đoạn tuyệt quan hệ, anh ta cũng bắt đầu cảm thấy hối hận.

Trong khoảng thời gian này, Trần đạo sĩ cũng thường xuyên lui tới giúp đỡ, nhận thấy anh ta đã dần thay đổi, biết ăn năn hối cải, liền kể lại chuyện ông Tưởng đã gửi bạc, cũng nói chuẩn bị giao lại số bạc này cho anh ta.

Hôm sau, Trần đạo sĩ cầm cuốc đến nơi cất giấu bạc bắt đầu đào bới, nhưng tìm kiếm cả nửa ngày mà vẫn không thấy. Con trai ông Tưởng trở về liền kể chuyện này với đám bạn xấu của mình, đám bạn liền xúi giục anh ta hãy mau đi báo quan.

Quan phủ lập tức cho gọi đạo sĩ đến thẩm vấn. Đạo sĩ không có gì giấu diếm, liền kể lại hết thảy sự tình đã xảy ra. Quan phủ sau đó phán quyết đạo sĩ phải bồi thường số bạc cho con trai nhà họ Tưởng. Đạo sĩ dù dốc hết tiền tiết kiệm cũng không đủ 2 phần 10, trong thôn lại có nhiều người dè bỉu, đạo sĩ đành bỏ miếu đi vân du.

Đạo sĩ rời miếu đi vân du. (Ảnh: Kknews)

Trải qua nhiều năm vân du, một lần đạo sĩ đi ngang qua thiền tự Liên Trì ở Trực Lệ (nay là vùng Hà Bắc), lúc đó tăng nhân trong chùa đang tụng “Thọ Sinh Kinh” cho một vị quan giám sát. Bên ngoài cổng, có một lão nô bộc bế theo vị công tử đang chơi đùa, đứa trẻ bất ngờ túm lấy quần áo của đạo sĩ rồi sà vào lòng ông, lưu luyến mãi không rời. Gia đình không biết phải làm sao nên đành thỉnh đạo sĩ ôm công tử cùng trở về phủ.

Lúc chuẩn bị rời đi, quan giám sát hào phóng tặng cho đạo sĩ rất nhiều tiền, thế nhưng tiểu công tử thì khóc lóc đòi đi theo đạo sĩ. Không còn cách nào khác, gia đình quan lớn đành phải mời đạo sĩ đến sống tại tiểu am ở hậu viên, hàng ngày cung cấp đồ ăn nước uống.

Một hôm, đạo sĩ muốn tụng kinh để cầu phúc cho công tử, liền nói người nhà chuẩn bị chuông mõ cho mình. Lúc họ đưa lên cho đạo sĩ một chiếc chuông bị vỡ, đạo sĩ nhìn thấy giật mình hỏi: “Đây là chiếc chuông của ta, tại sao nó lại ở nơi này?”.

Người nhà cảm thấy kỳ quái nên đã báo lại cho quan giám sát biết, quan giám sát liền đến hỏi đạo sĩ. Đạo sĩ nói: “Đây là chiếc chuông năm xưa ta dùng để đậy bình đất, trong bình có 500 lượng bạc”. Quan lớn lại hỏi: “500 lượng bạc đó ở đâu ra?”. Đạo sĩ liền kể lại chuyện năm xưa từng giữ bạc giúp ông Tưởng, nhưng cuối cùng bạc chôn dưới đất không cánh mà bay.

Quan giám sát chợt giật mình tỉnh ngộ, biết rõ con trai của mình chính là ông lão họ Tưởng chuyển sinh, mà số bạc vốn của ông lão lại có thể tự tìm đến chủ nhân của nó.

Quan giám sát liền kể lại chi tiết những gì đã xảy ra: 3 ngày sau khi sinh đứa con trai này, ông đào đất để chôn nhau thai thì phát hiện được 500 lạng bạc. Bởi vì không có chỗ cần dùng, nên đã cho vay lãi suốt 5 năm qua.

Cảm thông với tình cảnh của đạo sĩ, hơn nữa cho rằng đạo sĩ có duyên với tiền kiếp với con trai mình, bởi vậy quan giám sát đã tặng 500 lượng bạc cho vị đạo sĩ, còn phái người đưa đạo sĩ trở về trấn Hạ, đồng thời gửi thư cho huyện lệnh huyện Đằng, yêu cầu khắc câu chuyện này lên bia đá để lưu niệm.

Tuệ Tâm (Tinh Hoa)