Chỉ sau khi thực hiện chuyến Đông du (năm 1876), ông Guimet mới ý thức được tầm quan trọng hàng đầu của các nền văn minh cổ đại châu Á và nghệ thuật tôn giáo Đông phương, nhất là đạo Phật. Các nỗ lực tìm tòi nghiên cứu của ông vì thế cũng tập trung nhiều hơn vào châu Á, để rồi cho ra đời một trong những bộ sưu tập quý giá nhất trên thế giới
159 tác phẩm đủ loại đề cao các giai đoạn hưng thịnh, rực rỡ nhất lịch sử Phật giáo Tuấn Thảo / RFI
Từ bộ sưu tập phong phú với hơn 52.000 cổ vật và tác phẩm nghệ thuật, ban điều hành bảo tàng Guimet đã chọn lựa để trưng bày khoảng 160 tác phẩm đủ loại đến từ nhiều quốc gia châu Á, trong đó có Ấn Độ, Pakistan, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, vùng Hy Mã Lạp Sơn, Trung Á và khu vực Đông Nam Á ….. Cuộc triển lãm mang tựa đề ‘‘Bouddha, la légende dorée’’ (Đức Phật, huyền thoại vàng son), qua các tác phẩm nghệ thuật phản ánh phát triển của đạo Phật, với nhiều trường phái có truyền thống khác nhau chẳng hạn như Phật giáo Tiểu thừa, Phật giáo Đại thừa và Phật giáo Kim Cương thừa. Cuộc triển lãm qua hàng tựa cũng đề cao các giai đoạn hưng thịnh, rực rỡ nhất lịch sử tại các quốc gia từng gắn liền với Phật giáo. Về điểm này, ông Thierry Zéphir, trưởng ban tổ chức triển lãm tại bảo tàng Guimet cho biết thêm chi tiết :
Chúng tôi giới thiệu qua cuộc triển lãm này khoảng 2.000 năm nghệ thuật Phật giáo. Các tác phẩm xưa nhất trong đó có một bức phù điêu có từ thế kỷ thứ nhất và một bức tượng Phật có từ thế kỷ thứ hai, còn tác phẩm gần đây nhất là một bức tượng nghệ thuật đương đại được sáng tác vào năm 2016. Trong quá trình tổ chức cuộc triển lãm, chúng tôi đã cố tình chọn lựa các tác phẩm đến từ mọi quốc gia châu Á, để cho công chúng thấy rõ sự phong phú đa dạng của các hình thức nghệ thuật và đồng thời những điểm chung trong cách thể hiện hình tượng của Đức Phật xuyên qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau.
Đức Phật thủ ấn (mudra), mỗi động tác của bàn tay đều có ý nghĩa riêng : thiền định, thuyết pháp, khai sáng, giác ngộ Tuấn Thảo / RFI
Trong cuộc triển lãm, có rất nhiều bức tượng Phật tiêu biểu cho nhiều giai đoạn lịch sử cũng như các phong trào nghệ thuật khác nhau. Theo ông Thierry Zéphir, tuy Phật giáo đã có từ thứ kỷ 6 trước công nguyên, nhưng việc miêu tả và thể hiện Đức Phật qua hình thức vẽ tranh, chạm trỗ hay tạc tượng chỉ bắt đầu khoảng 600 năm sau, tức là từ thế kỷ thứ nhất trở đi. Giai đoạn này còn được gọi là ‘‘thời kỳ thánh tượng’’ :
Qua cách thể hiện hình tượng, các nghệ nhân đã muốn miêu tả nhân dạng của Đức Phật, tuy có hình người (thế nhân), nhưng vẫn có những nét ưu việt, vượt trội so với người trần. Xu hướng này lại càng rõ nét trong nghệ thuật Phật giáo Đại thừa. Cơ thể của Đức Phật thanh nhã và cân xứng, vầng trán rộng, sống mũi thon, mắt đang khép lại hay chỉ hé mở, đôi môi thường mỉm nụ cười. Có thể nói là hình tượng của Đức Phật trong tư thế ngồi thiền đã trở thành một biểu tượng rất quen thuộc, xuyên khắp châu Á, lưu truyền trong bao thế kỷ qua. Khác hay chăng là trong tư thế (đứng, ngồi, nằm) hay là các hình thức thủ ấn (mudra), mỗi động tác hay cử chỉ của bàn tay đều có ý nghĩa riêng (thiền định, thuyết pháp, khai sáng, giác ngộ …..). Nhưng hầu hết đều có một điểm chung, khuôn mặt từ bi bác ái, rạng ngời tỉnh thức của Đức Phật còn được các Phật tử gọi là Đấng Thế Tôn.
Bức phù điêu nghệ thuật Gandara có từ thế kỷ thứ nhất tại Pakistan Tuấn Thảo / RFI
Cuộc triển lãm tại Viện bảo tàng nghệ thuật châu Á Guimet thật ra không phải dành riêng cho giới chuyên môn, mà lại nhắm vào đại đa số người xem. Cho dù không hề hiểu biết một chút gì về Phật giáo, người xem vẫn cảm nhận được ngay sự thanh thoát nhẹ nhàng khi nhìn thấy Đức Phật khép mắt, nội tâm hướng thiền định, trên môi nhẹ nở nụ cười bình an.
Ngoài việc trưng bày các báu vật cổ xưa, cuộc triển lãm còn giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật gần đây, tiêu biểu nhất là bức tượng Phật ngồi thiền bằng gốm của nghệ sĩ đương đại Nhật Bản Takahiro Kondo (2016), cũng như các tấm ảnh chụp các bức bức phù điêu dưới ánh trăng rằm của quần thể đền đài Borodubur (nằm trên đảo Java) của hai nhiếp ảnh gia Caroline và Hughes Dubois, trưởng ban tổ chức triển lãm muốn cho thấy tư tưởng Phật giáo tiếp tục ảnh hưởng mạnh mẻ đến xã hội thời nay.
Đạo Phật là một tôn giáo đề cao tư tưởng khoan dung, đề cao tinh thần bác ái, vì thế rất nhiều người tìm thấy trong đạo Phật một thông điệp tích cực lạc quan. Theo cảm nhận của rất nhiều người, đặc biệt là người Âu Mỹ, đạo Phật không hẳn là một tôn giáo với những điều ràng buộc hay áp đặt, mà lại dạy cho chúng ta nhiều điều triết lý có thể áp dụng được ngay trong cuộc sống thường ngày. Điều đó có thể giải thích vì sao Phật giáo đã được nhiều người trong xã hội thời nay hưởng ứng, cho dù họ không nghĩ là họ theo đạo Phật, hay tự xưng mình là ‘‘Phật tử’’. Nhiều người tìm thấy trong triết lý Phật giáo điều giúp cho họ tìm lại sự thanh thản bình tâm và như vậy họ có thể đối đầu với nhịp sống hối hả thời công nghệ ‘‘hiện đại’’.
Bước vào không gian triển lãm, khách tham quan cảm nhận được ngay không khí thanh tịnh khác thường. Lối dàn dựng rất tỉ mỉ công phu, trong cách dùng ánh sáng không trực tiếp, cõ lẽ cũng vì để bảo tồn các cổ vật ‘‘mỏng manh’’ dễ bị hư hại, nhất là các tác phẩm nghệ thuật hàng trăm năm tuổi vẽ trên giấy, thêu trên lụa. Cách dùng ánh sáng ấy cũng tạo ra một khung cảnh huyền ảo lạ kỳ, giữa những mảng chập chùng tối sáng. Các gian triển lãm được sắp đặt theo chủ đề và được minh họa bằng những gam màu khác nhau.
Stupa có từ thế kỷ 18 : "tháp bà" hay "phù đồ" là nơi cất giữ một phần xá lợi (di thể của Đức Phật) Tuấn Thảo / RFI
Chẳng hạn như những tượng Phật bằng đồng (đền Angkor hay là đền Ayuthaya) nổi bật trên màu tím, các tượng vàng hay bằng đất nung nâu vàng lại càng lộng lẫy trên phông màu xám tro, nhưng khi có ánh sáng rọi vào lại lấp lánh màu xám ngọc trai. Các bức phù điêu, tượng gốm hay tranh vẽ được dựng xen kẽ trên những phông màu đất nâu hay xanh lục.
Khách tham quan có lẽ thường được nhìn thấy tượng Phật bằng đồng bằng đá, gỗ quý hay ngọc thạch, nhưng bộ sưu tập của Viện bảo tàng Guimet trưng bày những cổ vật quý hiếm hơn thế nữa. Các tác phẩm được vẽ trên lụa, khắc trên thanh tre, các nét chạm trỗ khéo léo trên bức tranh cuốn làm bằng những mãnh ngà voi ghép lại …..
Thông qua các tấm bản đồ, cuộc triển lãm tóm tắt sự lan rộng của các nhánh khác nhau trong Phật giáo, từ Afghanistan đến Nhật Bản, từ Trung Quốc đến Indonesia. Bước qua các gian triển lãm, người xem có cơ hội chiêm ngưỡng hình tượng của Đức Phật thiêng liêng được thăng hoa qua mọi hình thức nghệ thuật : những tác phẩm điêu khắc được tìm thấy trong một ngôi đền ở miền nam Ấn Độ, một bức phù điêu làm bằng sa thạch đỏ cũng như những tác phẩm nghệ thuật Gandhara có từ của thế kỷ thứ nhất, thời đế chế kouchan (nay là Pakistan), các pho tượng đá Indonesia thế kỷ 12, rồi gốm sứ của Trung Quốc hay của Nhật Bản thế kỷ 18.
Sự thanh thoát nhẹ nhàng lan tỏa từ những pho tượng : Đức Phật khép mắt thiền định, môi nở nụ cười bình an Tuấn Thảo / RFI
Nghệ thuật vương quốc Khmer đến từ quần thể đền Bayon đem lại những nét đơn giản mà tinh tế. Về phía Hàn Quốc, những bức tượng của các vị bồ tát linh thiêng hay các bậc cao tăng được chạm khắc trên đá, có từ thời Choson (thế kỷ 15). Những cuộn chân kinh chép tay, hay khắc trên gỗ trầm hương, của Miến Điện có từ thế kỷ 17. Guimet cũng là nơi lưu trữ Bàn tay Phật bằng đất nung với những vết mạ vàng. Đó là bàn tay của một pho tượng Phật Bâmiyân, từng bị Taliban phá hủy vào năm 2001.
Đây là một trong những di tích hiếm hoi còn giữ lại sau đợt khai quật của các nhà khảo cổ Pháp thực hiện vào những năm 1930. Đối với giới chuyên gia, mỗi thời kỳ có thể là một đề tài nghiên cứu nhiều năm, những đối với ban tổ chức, nghệ thuật Phật giáo đã được đây lên một bậc cao, đường nét thẩm mỹ tinh tế đến nổi các cổ vật ở đây được nâng lên hàng nghệ thuật và đơn thuần được thưởng thức như một tác phẩm nghệ thuật hẳn hoi.
Đức Phật (Thái Lan) ngồi thiền, trên đầu tỏa sáng 5 vương miện lung linh ánh vàng son Tuấn Thảo / RFI
Khách xem triển lãm không thể nào bỏ qua gian phòng cuối cùng với thánh tích mạ vàng, một chiếc stupa có từ thế kỷ 18 được khảm với nhiều viên đá quý thạch lam(stupa là "tháp bà" hay "phù đồ", nơi cất giữ một phần xá lợi hay di thể của Đức Phật). Đây là một bảo vật thuộc bộ sưu tập của nữ hoàng Eugénie, từng được trưng bày tại lâu đài Fontainebleau. Cũng như tấm tranh cuộn thangka (đến từ Cam Bốt) minh họa 9 tiền kiếp của Đức Phật, một tuyệt tác mà Guimet đã vay mượn từ Viện bảo tàng Nghệ thuật Nguyên thủy Quai Branly được cho.
Thời xưa, đây là báu vật được trưng bày tại cung điện Versailles, từng được dùng vào thời vua Louis XVI để giảng dạy các hoàng thân về triết học cũng như tôn giáo phương Đông. Chiếc tháp bà (stupa) bằng vàng khảm đá qúy được lồng kính, đặt ở bên cạnh một bức tượng Thái Lan trong tư thế ngồi thiền, ở trên đầu của Đức Phật, sáng tỏa năm chiếc vương miện, lung linh huyền diệu ánh vàng son.
Tuấn Thảo
Theo: RFI Tiếng Việt (23/10/2019)