Hổng biết trẻ con thời nay thế nào chứ lũ nhóc làng quê ngày xưa đơn giản lắm. Không cần trà sữa, kẹo ngọt chi cao sang, cứ mỗi độ trưa hè rủ nhau ra mấy mảnh đất sau nhà rồi tìm nhặt những loại cây trái là đã đủ hấp dẫn cho một bữa quà vặt. Nào là bình bát, nhãn lồng, trâm bầu, cà na… bao nhiêu là thức ngon hấp dẫn khiến đứa nào cũng say mê. Và đương nhiên không thể bỏ qua trái ô môi, hương vị mộc mạc gói gọn kí ức của bao người con Miền Tây.
Trái ô môi gói bao niềm ký ức (Ảnh: Mai Hoang)
Ngồ ngộ ô môi : trái thô đen xấu xí mà vị ngọt lịm lạ thường
Trái ô môi có hai đường gân chạy dài từ đầu trái cho đến cuống trái. Vỏ trái màu đen nhánh thường hơi xù xì một chút. Trái ô môi thường dài 50 – 60cm nên muốn ăn thì phải chặt ra từng khúc để dễ dàng lấy hạt bên trong.
Trái ô môi dài và cứng nên muốn ăn phải chặt thành khúc (Ảnh Hường Lưu)
Hai bên thân trái ô môi có đường gân chạy dài từ đầu đến cuống nên người ta hay dùng dao bén róc 2 bên phần mép này để tách chúng ra. Róc xong thì ép hai đường gân đôi bên cho xệu xạo, rồi mới lấy múi ô môi đen nhánh, tròn tròn như đồng tiền, hột dính liền phái trên những miếng thịt ấy. Ô môi có vị ngòn ngọt, cay nồng của nó. Nó phải kết tinh trong suốt một năm trời, nên hương vị thơm quyện đặc trưng khó lẫn vào đâu được.
Vị ô môi thơm quyện đặc trưng không lẫn vào đâu được (Ảnh: Mai Hoang)
Là trái cây miệt vườn có sẵn, nên trái ô môi vốn là món quà vặt gắn liền với tuổi thơ của những đứa trẻ miền quê. Tụi nhỏ mê nhất là ô môi chấm thêm muối ớt, ôi thôi chẳng cao lương mĩ vị nào thay thế được. Nhìn từng múi cơm ô môi xếp thành từng lớp đều nhau và ướm bên ngoài là lớp mật đen sánh sệt. Trông không “khả ái” chút nào nhưng ngộ đời là chúng lại khiến người ta mê mẩn.
Và ngộ đời trái ô môi khiến người ta mê mẩn (Ảnh: Mai Hoang)
Ngoài cơm thì hạt ô môi cũng là nguyên liệu cho nồi chè bình dân ở vùng quê miền Nam. Chúng có màu hồng nhạt, cỡ đầu ngón tay và thường đính kèm bên trong múi ô môi. Sau khi ngâm nước cho vỏ mềm rồi lột sạch thì cứ cho vào nấu cùng dừa. Món chè này rất thơm và có độ bùi béo nhai “đã” miệng.
Hạt ô môi cũng ăn được (Ảnh: Mai Hoang)
Hoa ô môi – mệnh danh hoa đào của miền Nam
Tuy tên gọi ô môi chẳng cao sang hoa mỹ gì, nhưng hoa trái ô môi được ví von là hoa đào của miền Nam.
Hoa ô môi được mệnh danh là hoa đào của miền Nam (Ảnh: VnExpress)
Khi gió bấc về lành lạnh cũng là lúc cây ô môi rụng hết lá và bắt đầu trổ bông, Từng hàng cây sẽ trút hết lá và bắt đầu đơm thành những chùm hoa hồng phấn tạo thành cả vùng trời đẹp ngất ngây. Khi đó, ô môi cũng dần kết trái với những chùm màu xanh non, nho nhỏ như đậu đũa.
Cây ô môi đẹp nên thơ ở những con đường làng (Ảnh: Vn Expreress)
Vừa có trái hữu dụng, vừa có hoa đẹp tô điểm những con đường làng, nên cây ô môi trở thành người bạn gắn bó thân thuộc với đời sống người dân miền Tây Nam Bộ.
Nhớ trái ô môi – mảng trời đầy ký ức
Tôi nhớ hồi còn nhỏ, thỉnh thoảng có được 200 – 500d tiền lẻ là tôi để dành, đón “Dì 9 Châu” – là người có cái xuồng ba lá nho nhỏ bán hàng bông, là cái tiệm tạp hóa di động mà đứa trẻ nào cũng mê. Tôi nhớ chỉ cần 200 đồng là mua được cả mấy trái ô môi (chắc hồi đó dì vừa bán vừa cho). Mua được rồi mừng lắm, đem lên hì hục xẻ ăn. Ăn xong còn lấy hột ngâm nước ấm chờ hạt mềm mềm để ăn cái ruột giòn bên trong. Cái thời con nít ấy, có khi giấu cái bánh, cái trái để dành vì không dám ăn còn quên mất – đến lúc nhớ ra thì nó hư rồi rung rưng tiếc hùi hụi, thì đâu có nhớ mà đem đi trồng…Đó là mảng ký ức tuổi thơ tưởng chừng chẳng có gì để nhớ, mà giờ nghĩ lại lòng lại bồi hồi, xốn xang khó tả.
Nhớ trái ô môi, mảng trời ký ức (Ảnh: VnExpress)
Ngày nay, cuộc sống hiện đại, có nhiều món quà vặt bắt mắt, lạ miệng, dần dà người ta quên những món quà vặt miệt vườn dân dã. Chỉ khi có lúc nào đó, chợt bắt gặp hình ảnh trái ô môi….Không phải trên cây ô môi trong cái xóm làng đi ngang nhìn thấy, mà trên một khung hình vừa lướt thấy trên mạng xã hội… Mới, tự nhiên thấy thèm thấy nhớ gì đâu :
“nghìn năm nữa, tôi vẫn là đứa trẻ,…
em cho tôi mãi nhé: ấu thơ mình…”
Phan Thùy Linh (Nắng)