Sự thịnh vượng của một gia đình cần một thời gian dài tích lũy nhưng sự suy bại thì thông thường chỉ cần một thời gian rất ngắn. Nếu trong gia đình xuất hiện ba dấu hiệu dưới đây thì sự suy bại không còn xa nữa rồi.
1. Khắc khẩu, tranh cãi
Có câu: “Vợ chồng hòa thuận rồi sau đó gia đạo mới thành”. Trong gia đình, chỉ khi vợ chồng chung sống hòa thuận, cùng nhau cố gắng vun đắp thì gia đình mới có thể thịnh vượng phát đạt.
Cổ nhân cũng dạy: “Anh em hòa thuận thì gia đình không bị tiêu tan, chị em dâu hòa thuận thì không khí gia đình dễ chịu, gia đình có vợ hiền thì lo gì không giàu có, con cái hiếu thảo thì cha mẹ đâu phải lo nghĩ nhiều”. Nếu trong một gia đình, vợ chồng gặp chuyện là tranh cãi khắc khẩu, thậm chí nghiêm trọng hơn là thượng cẳng chân hạ cẳng tay, thì lâu dần không chỉ ảnh hưởng xấu đến tình cảm đôi bên mà còn ảnh hưởng đến việc giáo dục thế hệ sau. Con cái thường xuyên chứng kiến cảnh cha mẹ khắc khẩu, bạo lực trong gia đình thì rất khó để trở thành những người có đức hạnh tốt trong tương lai. Nếu trong một gia đình mà cha mẹ, anh em, con cái xảy ra tranh cãi lẫn nhau thì sự tan rã là nhanh chóng.
“Gia hòa vạn sự hưng” có lẽ là đạo lý mà rất nhiều người đã từng nghe. Nhưng đứng trước mỗi sự tình bất hòa, làm sao để giữ được tâm thái bình tĩnh? Đặt mình vào hoàn cảnh của người khác mà suy nghĩ, thậm chí là bao dung đối phương thì không phải người nào cũng làm được. Chỉ khi các thành viên trong gia đình hòa thuận, vui vẻ thì mới có thể “đồng tâm hiệp lực”, “đồng cam cộng khổ”. Một khi, tâm cùng hướng về một điểm, lực cũng hướng về một chỗ thì mới có thể sinh ra sức mạnh.
Để giữ hòa khí trong gia đình, mỗi người trước tiên cần chú trọng tu khẩu, đứng trước mâu thuẫn cần phải “lùi một bước” thì mọi điều mới chuyển biến tốt đẹp hơn lên.
2. Lười lao động, ham hưởng thụ
Danh thần triều Thanh, Tăng Quốc Phiên, rất chú trọng đến việc giáo dục con cái, yêu cầu người nhà phải cần kiệm, không nên xa hoa, ham hưởng thụ. Tuy rằng trong nhà ông có người quản gia giúp việc nhưng đối với con cái, ông yêu cầu tự giặt giũ quần áo, ăn uống như thế nào phải tự mình làm. Thậm chí ông còn yêu cầu người nhà tự trồng rau để ăn. Bởi vì ông lo rằng các thành viên trong gia đình bởi vì ham hưởng thụ, an nhàn mà gây đại họa.
Một gia đình cho dù nghèo khổ đến mức nào đi nữa, chỉ cần biết siêng năng làm việc, tiết kiệm chi tiêu thì nhất định sẽ có ngày hưng thịnh. Còn một gia đình cho dù là giàu có đến mức nào đi nữa mà một khi bắt đầu xa xỉ hưởng thụ thì sẽ rất nhanh suy bại. Đây cũng chính là đạo lý mà cổ nhân thường nhắc tới: “Từ cần kiệm đi đến xa xỉ thì dễ, từ xa xỉ đi đến cần kiệm thì khó”.
Một gia đình muốn tồn tại được thì phải ghi nhớ không lây nhiễm những ham mê bất lương, mà trong đó đánh bạc và sử dụng chất gây nghiện là nghiêm trọng nhất. Trong gia đình một khi đã có người mắc vào những ham mê này thì chuyện suy bại chỉ là trong nháy mắt.
Bất luận là thời điểm nào, dù giàu sang hay bần cùng thì người ta đều phải lấy “cần” và “kiệm” để quy phạm chính mình, không thể quá độ phóng túng, nếu không đó chính là đang gieo mầm tai họa cho chính mình và người thân.
3. Con cái vô lễ, quá độ cưng chiều
Cổ ngữ nói: “Con trẻ được cưng chiều quá độ sẽ khó thành người tài”. Con trẻ, cho dù là trai hay gái đều nên được dạy bảo nghiêm khắc, cẩn trọng, lễ phép, không thể quá độ cưng chiều.
Một đứa trẻ thường xuyên được chiều, muốn gì được nấy thì dần dần sẽ hình thành nên tính cách vô ơn, không sợ điều gì. Thậm chí có những đứa trẻ được bao bọc, nuông chiều quá mức mà làm ra những việc tổn hại đức, thương thiên hại lý. Khi ấy, không chỉ hủy hoại tương lai của trẻ mà còn khiến gia đình suy bại.
An Hòa biên tập
No comments:
Post a Comment