Do có cấu trúc từ vựng tương tự bởi từ "giai cấp" nên nhiều người Việt Nam ngộ nhận đây là một giai cấp thực sự như kiểu giai cấp công - nông. Về mặt xã hội, "giai cấp trí thức" không thực sự tồn tại mà là sự phiếm chỉ về quyền lực văn hóa của một số tầng lớp hiểu biết "thượng tầng" trong xã hội.
Lúc đầu, nhà văn Lỗ Tấn đã đặt ra cụm từ "giai cấp trí thức" là để đặc biệt chỉ về hành vi bá quyền văn hóa của một số tầng lớp có học trong xã hội Trung Quốc. Việt Nam tiếp nhận cụm từ này từ nguồn Trung Quốc để phiên dịch khái niệm xã hội học hiện đại của Tây phương nhưng ý nghĩa và thái độ sử dụng thì khác xa theo chiều hướng tinh anh cao quý tạo nên cảnh tượng tự nhốt vào những ý niệm 'bâng khuâng.'
Cũng nói thêm, ngày nay tại quê hương của chữ Hán, hai chữ "trí thức" bị coi là mang tính đại ngôn nay đã bị mai một do lịch sử đấu tranh giai cấp để hầu như không còn được dùng đến nữa. Trí thức được thay thế thành "tri thức" hay là "thức tự" (biết chữ) để phổ thông hóa vai trò trách nhiệm của con người đối với xã hội.
"Giai cấp trí thức" trong cập nhật hóa định nghĩa được coi là thành phần có nhận thức và hiểu biết để tránh bớt sự khái quát hóa và sự thậm xưng cao độ về khái niệm được gợi ý đã được bày ra trong ngữ cảnh. Đứng tại vị trí này mà xem xét thì sẽ thấy bức tranh minh họa về trí thức trong vòm trời Việt Nam rất rõ nét.
Vượt qua được ngưỡng cửa khái niệm nguồn gốc để đi đến nội dung, thì thành phần trí thức luôn tự mang vào tâm trí một sứ mệnh về trách nhiệm đối với xã hội, thường hay có ý kiến khơi dậy lương tri dù trong vòm trời riêng biệt. Do đó nói rằng giai cấp trí thức ở Việt Nam hiện nay là một sản phẩm khắc họa giữa truyền thống văn nhân, kẻ sĩ của phương Đông với phong thái đạo đức và nghĩa khí… kết hợp với biên chế của một số chức nghiệp trong xã hội là một định nghĩa tương đối phù hợp với hoàn cảnh.
Ký giả tự do Trần Đông Đức cho rằng cần lưu ý tới nội hàm của khái niệm 'trí thức' hơn là cách định nghĩa chiết tự có nguồn gốc ngôn ngữ nước ngoài.
Trong một số định nghĩa nới rộng hơn còn cho rằng nếu thành phần hiểu biết mà dừng lại mọi ý kiến (băn khoăn, hiếu kỳ, phê bình, phản biện) thì địa vị họ không tồn tại.
Trí thức biên chế
Chế độ xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc và có lẽ là ở cả Việt Nam coi "thành phần trí thức" là một đối tượng đặc thù cần có chiến tuyến liên kết với đảng cộng sản và có phạm vi công tác mang tính chức nghiệp. Do đó, khái niệm trí thức ở trong những vùng ảnh hưởng chính trị này càng trở nên phức tạp. Thực ra, lúc mới lên cầm quyền, đảng cộng sản nào cũng phải tiêu diệt một bộ phận trong thành phần "trí thức", tái lập trật tự mới để rồi nặn lên một thành phần tri thức khác chịu sự liên kết về mặt chiến tuyến. Các khái niệm trí thức "cánh tả" phê phán, thách thức thế lực cầm quyền như kiểu hoạt động tự do trong xã hội Tây Phương vì thế mà không có phạm vi hoạt động ở cấp độ tương đương.
Vì không có phạm vi hoạt động về mặt công cộng, trí thức phải lui về cấu trúc văn hóa cục bộ, theo một định nghĩa thô hẹp mang tính bổ sung nào đó. Chế độ cầm quyền cũng nhân đó mà có thể kỹ thuật hóa (lao động trí óc) để đánh đồng và vô hiệu hóa những nảy nở về tư duy theo biện pháp khoanh vùng cho trí thức vào hoạt động ở khu vực chuyên môn.
Lại nói thêm, cũng do điều kiện đặc thù và lập trường giai cấp công nông, lao động trí óc bị đánh đồng về mặt thao tác dẫn đến sự tưởng tượng về sự có mặt riêng biệt của giai cấp này mang tính đại diện cao cho trí thức xã hội chủ nghĩa, dùng phương thức sản xuất và thành quả lao động để định hình. Xét cho cùng, lao động trí óc (nếu có) thì chỉ là sự phát triển thao tác cao cấp của giai cấp công nhân mà thôi. Lao động trí óc không phải là từ ngữ để chỉ về hoạt động học thuật của tầng lớp thượng tầng tinh anh trí tuệ: khoa học, triết học, nghệ thuật của xã hội Tây phương. Đây chỉ là nghĩa bổ sung trong hệ thống xã hội chủ nghĩa ở trong tiếng Trung Quốc (trí lực lao động) và tiếng Việt chứ trong tiếng Anh không thấy phổ biến.
Do đó, bản thân trí thức, giai cấp trí thức cũng là một khái niệm "Đông tà Tây độc" rối mù, từ ngữ bất đồng theo từng thời đại. Và cũng xin mở ngoặc nói thêm, trí thức hoặc bằng tiến sĩ là những từ ngữ cận cổ trong Hán ngữ đã bị phế bỏ ở Trung Quốc theo quy phạm ngữ vựng hiện đại. Việt Nam vẫn dùng một số từ xưa, đã sẵn có ý nghĩa cũ trong một giai đoạn lịch sử cho những khái niệm ngày nay. Nhưng vì sự gợi ý đặc thù trong từ gốc Hán cho nên không tránh khỏi môt số thắc mắc, phân vân. Do đó, khi nói đến trí thức hoặc ngay cả bằng cấp tiến sĩ thì cần phải nói đến giai đoạn nào, điều kiện xã hội nào thì mới đánh giá đúng mức giá trị.
Xu hướng hiện nay
Nhưng rồi nội dung cốt lõi ở bên trong trí thức vẫn có sự gợi ý cố định nào đó về mặt thực tế. Sau nhiều phong trào xã hội và biến cố chính trị, khái niệm trí thức nhờ vậy mà được mở rộng phạm vi hoạt động cho đến cả thành phần "biết chữ". Như một nhu cầu thúc đẩy xã hội mang tính lương tri, con người phải đấu tranh và phát triển, thoát khỏi chướng ngại tâm lý ở địa vị thấp kém về trình độ văn hóa.
Người hiểu biết (trí thức) tham gia vũ đài nêu lên ý kiến, phê phán, phản biện trở thành dấu hiệu tích cực cho luồng suy tư sâu sắc đang tự hoàn thiện và phát triển. Quyền phê bình không còn là phạm vi của một tầng lớp có đặc quyền kỹ thuật, giới hạn ngành nghề mà từng ngày càng được nới rộng phạm vi ở cấp độ nhân văn với nhiều chủ đề, nhiều tầng lớp xã hội. Khi phạm vi nền tảng được nhân rộng thì cấu trúc tư duy thượng tầng cũng được tăng lên theo độ cao của sự phát triển văn hóa xã hội.
Cho dù chủ đề phản biện thường thuộc về tư duy cá nhân hướng về công đạo dù trong vùng trời riêng biệt, nó cũng được xem là một biện pháp đấu tranh để vươn lên và tồn tại. Về mặt lý tưởng xã hội hiện đại, đây là một mặt trận bình đẳng để người "biết chuyện" được quyền phát ngôn.
Nói đến hoạt động trí thức là một câu chuyện dài vừa thực tế vừa trừu tượng. Cũng nằm trong nội dung đó, không thể bỏ qua được thực tế của tiếng Việt là có một số từ vựng không cần dùng tự điển mà cũng suy ra được ý nghĩa, nhiều lúc chỉ cần theo phương pháp giải âm Hán sang Nôm là xong, là hiểu rồi… Nhưng đụng đến loại từ như trí thức có độ sâu về văn hóa, khái niệm, học thuật vv… thì không thể đơn giản phiên phiến theo định nghĩa dân gian đơn giản.
Bàn về về vai trò và lập trường của trí thức hiện nay ở Việt Nam thường có xu hướng là đang tranh luận về các định nghĩa của từ này.
Bài viết phản ánh quan điểm và lối hành văn riêng của tác giả Trần Đông Đức, ký giả tự do hiện đang sinh sống tại Hoa Kỳ.
Trần Đông Đức
Ký giả tự do gửi cho BBC từ Hoa Kỳ
29 tháng 1 2012