Sự nhận thức sẽ quyết định phương hướng và tương lai mỗi người (ảnh minh họa: Annie Duke)
Nhà triết học Hy Lạp cổ đại Plato từng kể một câu chuyện, mà người đời sau gọi là “học thuyết cái hang”.
Truyện kể rằng, có một nhóm người từ khi sinh ra đã bị nhốt trong một cái hang. Cơ thể của họ bị xiềng xích và không thể di chuyển. Mỗi ngày luôn có một đống lửa cháy phía sau lưng họ. Có người nào đó cố ý cầm các mô hình động vật đi tới đi lui, những người bị trói chỉ có thể nhìn thấy những hình ảnh phản chiếu trên bức tường. Lâu dần, họ coi thế giới phản chiếu trên bức tường kia chính là thế giới chân thực.
Học thuyết cái hang của Plato (ảnh minh họa: 360doc)
Đến một ngày, có một người đã thoát khỏi xiềng xích và chạy thoát ra được thế giới bên ngoài. Lúc này anh ta mới nhận ra rằng những hình ảnh trên bức tường ở trong hang chỉ là bóng ảnh, không phải vật chân thực. Và anh ta đã quay trở lại hang động và nói với những người bạn đang bị cầm tù của mình, mong muốn tất cả đều có thể thoát khỏi xiềng xích và cùng nhau trốn ra khỏi hang động. Thế nhưng khi anh ta nói xong, mọi người lại không tin và còn cho rằng anh ta bị điên, họ cười nhạo anh.
Đây chính là học thuyết cái hang do Plato đề xướng. Những người ở trong hang vì nhiều năm bị giam cầm đã khiến họ hình thành một vòng nhận thức khép kín. Họ lầm tưởng những thứ trước mắt họ là thế giới chân thực, điều này dẫn đến sự cố định hóa tư duy và khiến họ từ bỏ cơ hội tìm kiếm tự do, chân lý.
Nhà tù lớn nhất thế giới chính là vòng nhận thức tư duy của con người
Schopenhauer từng nói: “Nhà tù lớn nhất thế giới chính là vòng nhận thức tư duy của con người.”
Đáng buồn là hầu hết chúng ta ai cũng đều đang sống giống như những tù nhân trong câu chuyện.
Ví như khi bạn đang muốn kiếm thêm một nghề phụ để nâng cao chất lượng cuộc sống, thì có người phản bác rằng: “Đừng lãng phí thời gian và tiền bạc, lợi bất cập hại”. Khi bạn muốn học thêm một kỹ năng nào đó để tăng khả năng cạnh tranh trong công việc, anh ta phản đối: “Lăn lộn thế nào cũng chỉ là kẻ làm công ăn lương, sao phải khổ thế?”
Khi bạn đọc sách để làm phong phú nội tâm, làm giàu kiến thức, thì anh ta tỏ ra khinh bỉ: “Có thời gian chi bằng làm việc nhiều hơn, đọc chi mấy thứ vô bổ”.
Qua thời gian, họ tự phong bế bản thân, giống như sống trên một hòn đảo biệt lập vậy.
Nhận thức càng thấp thì càng cố chấp
Có một vị thương nhân nhìn thấy một người ăn xin trên đường, liền động lòng trắc ẩn và hỏi:
– Nếu tôi cho ông 10 triệu, ông sẽ làm gì với số tiền này?
Người có nhận thức thấp, họ không thể vượt qua được nhận thức của chính mình (ảnh minh họa: Tinhhoa)
– Tôi sẽ mua một chiếc điện thoại di động xịn, như vậy tôi có thể biết được ở nơi nào đông người, rồi tới nơi đó xin ăn cho dễ.
– 1 tỷ thì sao?
– Tôi sẽ mua một chiếc xe nhỏ, để thuận tiện đi ăn xin, muốn đi đâu thì đi.
– 100 tỷ thì sao?
– Tôi sẽ mua một mảnh đất ở nơi thật phồn hoa, như vậy sẽ không có kẻ ăn xin nào dám tới tranh giành địa bàn với tôi.
Vị thương nhân nghe xong thì lắc đầu rời đi. Ông nhận ra rằng những người có nhận thức thấp, họ không thể vượt qua được nhận thức của chính mình, tự họ giam mình trong thế giới của bản thân.
Cứ như thế mãi họ sẽ trở nên cực kỳ bảo thủ. Ngược lại, những người có nhận thức cao, khi càng hiểu biết về thế giới bên ngoài, họ sẽ càng mở lòng, khiêm tốn tiếp nhận và học tập.
Nhận thức khác biệt giữa chim én và dơi
Có một câu chuyện như thế này: Một ngày nọ, chim én và dơi tranh cãi với nhau về việc mặt trời là đại biểu cho buổi sáng hay buổi tối. Cả hai tranh luận tới đỏ mặt tía tai, cuối cùng chúng cùng nhau đi tìm cú mèo giúp phân xử.
Cú mèo biết được nguyên nhân mà họ cãi nhau bèn nói: “Tập tính sinh hoạt của các người hoàn toàn tương phản, làm sao mà cùng một quan điểm được”. Dơi là loài sống về đêm, mà tập tính sống của chim én hoàn toàn ngược lại, nên đối với chuyện này nhận thức chắc chắn sẽ có khác biệt.
Khi Bạn đứng trên đỉnh núi sẽ thấy cảnh tượng biển mây trập trùng, nhưng khi đứng ở sườn núi lại thấy ruộng đồng xanh mướt. Vậy nên tùy thuộc vào nơi bạn đang đứng mà tầm nhìn và cảm nhận sẽ khác nhau.
Những người có nhận thức cao hiểu được sự khác biệt của người khác, tìm kiếm điểm chung trong khi bảo lưu sự khác biệt và bao dung. Còn những người có nhận thức thấp sẽ chỉ ngoan cố bảo vệ quan điểm của mình, tùy tiện đánh giá người khác, bộc lộ sự hạn hẹp của chính họ.
Lối suy nghĩ bảo thủ, chính là ngõ cụt của đường đời
Có một câu nói khá nổi tiếng: “Điều thực sự giới hạn cuộc sống của chúng ta không phải là sự nghèo đói về kinh tế, mà chính là khó khăn trong nhận thức”.
Vào thời nhà Chu, có một vị thương nhân đã thuần hóa được một bầy khỉ. Mỗi ngày đều sai chúng đi hái quả dại, thù lao là một phần mười số quả chúng hái được.
Một ngày nọ, có một con khỉ nhỏ nhìn chằm chằm vào loại trái cây trước mặt và hỏi: “Quả dại trên núi này là do thương nhân kia trồng sao?”
Cả đám khỉ đều trả lời: “Không phải”.
Con khỉ nhỏ nói: “Vậy thì chúng ta đâu cần phải làm việc cho ông ta, vẫn có thể hái quả dại mà”.
(ảnh minh họa Quý Hòa)
Cả đám khỉ như bừng tỉnh hiểu ra. Sau đó chúng đã rủ nhau bỏ trốn cùng số quả dại hái được, và không làm việc cho vị thương nhân nữa.
Chú khỉ nhỏ trong câu chuyện đã lựa chọn thoát khỏi những suy nghĩ và lối nhận thức cố hữu; không vì sự bình ổn sống qua ngày mà chấp nhận im lặng. Con người cũng vậy, chỉ khi phá vỡ nhận thức khép kín đó thì mới có thể đột phá chính mình.
Thành công bắt đầu từ sự đột phá
Có một câu chuyện kể rằng: Có một người đàn ông khi đang leo lên một vách núi thì đột nhiên bị trượt chân và rớt xuống vách đá. Anh ta vội đưa tay bám vào một tảng đá, cả người lơ lửng bên dưới, khi sắp không thể chống đỡ được nữa thì bỗng nghe thấy một âm thanh:
“Ta là Thần đây, ta có thể cứu con nhưng con phải buông tay ra”.
Nghe xong người này cảm thấy không tin nên coi như không nghe thấy mà tiếp tục kêu cứu. Nhận thức quyết định lựa chọn, lựa chọn quyết định phương hướng. Anh ta không muốn tin vào những thứ tồn tại ngoài nhận thức của bản thân, vì vậy anh ấy đã bỏ lỡ cơ hội sống cuối cùng của mình.
Có câu nói rằng: “Chỉ có không ngừng học tập mới có thể cải biến hoàn cảnh và nâng cao cảnh giới; đồng thời khi gặp khó khăn sẽ không dễ bị mê mờ, mất phương hướng”. Rất nhiều học giả nổi tiếng đã cô đọng tư duy cả đời mình vào một cuốn sách, chỉ có kiên trì đọc sách, kiên trì học tập thì khi nhìn sự việc, sự vật mới không bị vòng nhận thức hạn hẹp ước chế.
Tuy nhiên, để nâng cao trình độ nhận thức của bản thân không phải là chuyện dễ dàng. Chúng ta bắt buộc phải bắt đầu từng chút, từng chút một. Không có con đường tắt dẫn đến thành công, chỉ có thể không ngừng học tập, không ngừng trau dồi và nỗ lực vươn lên.
Chân Mỹ / Theo: 360doc
No comments:
Post a Comment