Ngày nay, tại Sài gòn có trên 500.000 người Việt gốc Hoa sinh sống ở các quận 5, 6, và quận 11, trong đó quận 5 chiếm khoảng 40% dân số. Cộng đồng người Hoa này đến từ đâu? Vì sao họ tập trung sinh sống ở khu vực này?
(ảnh: Quang Ninh)
Năm Kỷ Mùi (1679), 4 năm trước khi đế chế của nhà Minh hoàn toàn rơi vào tay nhà Thanh (năm 1683), hai viên tướng nhà Minh là Dương Ngạn Địch và Trần Thượng Xuyên đã cùng hơn 3.000 quân binh, hơn 50 chiến thuyền đến nước ta xin tị nạn. Theo “Đại Nam thực lục”, chỉ riêng đoàn thuyền của Trần Thượng Xuyên đã có đến 50 chiếc thuyền cùng với khoảng 3.000 người đến cửa biển Tư Dung và Đà Nẵng xin thần phục chúa Nguyễn. Đó là thế hệ di dân người Hoa đầu tiên đến Đàng Trong là những người Hoa theo phong trào “Phù Minh diệt Thanh” (hay “Phản Thanh phục Minh”), tức những người theo nhà Minh không thần phục nhà Thanh. Chúa Nguyễn Phúc Tần thu nhận, ban cho ông chức cũ và sai đến ở đất Đông Phố (Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai ngày nay).
Đoàn thuyền của Trần Thượng Xuyên theo cửa biển Cần Giờ tiến vào Bàn Lân (Bàn Lăn), nay thuộc TP. Biên Hoà; binh thuyền của Dương Ngạn Địch tiến vào cửa Soài Rạp đến vùng Vũng Gù – Mỹ Tho. Họ đã vỡ đất hoang, dựng phố xá, biến hai vùng đất mình đặt chân đến thành những đại phố sầm uất là Nông Nại đại phố (Cù Lao phố, Biên Hòa) và Mỹ Tho đại phố.
Sách “Biên Hòa – Đồng Nai 300 năm hình thành và phát triển” (Ban chỉ đạo lễ kỷ niệm 300 năm vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai, nxb Đồng Nai, 1999) chép: “Năm 1679, hai tướng Dương Ngạn Địch và Trần Thượng Xuyên, tức Trần Thắng Tài, đã dùng 50 chiến thuyền vượt biển di tản 3.000 người thân tộc và cận vệ. Họ cập bờ Tư Dung (miền kinh đô Thuận Hóa) xin tị nạn vào đất Việt, được chúa Nguyễn chấp thuận cho phép nhập cư. “Việt sử xứ Đàng Trong” của Phan Khoang chép: “Chúa Thái Tông bèn khiến đặt yến tiệc đã họ, an ủi, khen ngợi, cho các tướng lãnh y chức cũ, phong thêm quan tước mới, khiến vào ở đất Đông Phố để mở mang đất ấy. Liền đó họ được các tướng Vân Trình, Vân Chiêu hướng dẫn, binh thuyền tướng sĩ Long Môn của Dương Ngạn Địch tiến vào Lôi Lạp, theo cửa Đại, cửa Tiểu, đến định cư ở Mỹ Tho. Binh lính, tướng sĩ Cao, Lôi, Liêm của Trần Thượng Xuyên, Trần An Bình tiến vào cửa biển Cần Giờ rồi lên định cư ở Bàn Lân, xứ Đồng Nai (vùng Biên Hòa ngày nay)”.
Năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu lập phủ Gia Định, cho phép những di dân người Hoa định cư, đồng thời lập ra Minh Hương xã ở vùng Tàu Hủ – Bến Nghé thuộc Phiên Trấn và Thanh Hà xã thuộc Trấn Biên. Từ đó, nhóm người Hoa di cư còn được gọi là “người Minh Hương”.
Trong cuộc giao tranh giữa nhà Tây Sơn với chúa Nguyễn Ánh, vào những năm 1776-1788, Cù Lao phố (Biên Hòa) và Gia Định đã bị tàn phá nặng nề, sinh hoạt và hoạt động thương mại của người Hoa bị đình trệ, nhiều người phải bỏ đi nơi khác lánh nạn. Đến năm 1788, người Hoa ở Thanh Hà xã trở lại Cù Lao phố rất ít, đa phần chuyển đến định cư ở khu vực Chợ Lớn ngày nay, biến nơi này thành điểm tập trung người Hoa đông đảo, sầm uất nhất của Đàng Trong.
Như vậy, xét về nguồn gốc di cư, người Hoa tại Chợ Lớn có thể được chia làm hai nhánh khác nhau”: Một là những người Hoa ở Minh Hương xã đã kết hôn với người Việt, hội nhập với văn hóa và ngôn ngữ của cộng đồng người Việt; hai là những người Hoa Thất Phủ, tức các di dân người Hoa đến từ 7 phủ thuộc 3 tỉnh của Trung Quốc khi đế chế của nhà Minh sắp sửa rơi vào tay nhà Thanh.
Chân dung Đô đốc Trần Thượng Xuyên, chùa Ông thờ Quan Công ở Cù Lao phố, Biên Hoà (Hình: wiki)
Đô đốc Trần Thượng Xuyên và sự hình thành của Cù Lao phố (Biên Hòa)
Trần Thượng Xuyên sinh năm 1655, mất năm 1720, quê ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, là quan của nhà Minh. Năm 1644, nhà Mãn Thanh đánh chiếm hầu hết lãnh thổ Trung Quốc, lập ra triều đại nhà Thanh, nhưng trong thực tế, lực lượng ủng hộ nhà Minh vẫn còn chiến đấu rải rác ở các nơi. Trần Thượng Xuyên tham gia phong trào kháng Thanh của Trịnh Thành Công và được phong làm Tổng binh 3 châu Cao – Lôi – Liêm. Tuy nhiên, theo thời gian, triều đình nhà Thanh ngày càng ổn định, lực lượng kháng Thanh thất bại và bị tiêu diệt dần dần, kể cả Trịnh Thành Công ở Đài Loan. Năm Kỷ Mùi 1679, sau khi quân Thanh dẹp loạn Tam Phiên, Trần Thượng Xuyên cùng quân của mình và gia đình rời Trung Quốc tị nạn. Cùng đi với ông trong đợt này còn có Long Môn tổng binh Dương Ngạn Địch và Phó tướng Hoàng Tiến.
Trước khi nhóm người Hoa của Trần Thượng Xuyên đến định cư ở Bàn Lân thì nơi đây đã có người Việt đến khẩn hoang lập làng rải rác từ Mỗi Xuy (Bà Rịa) đên Nhơn Trạch, Long Thành, Biên Hòa.
Số người Hoa hiên diện trong đợt nhập cư năm 1679 tại Bàn Lân là một bộ phận của tổng số 3.000 người Hoa di tản sang Việt Nam. Nhóm người Hoa do Trần Thượng Xuyên cầm đầu đến định cư tại Bàn Lân, thấy Cù Lao phố là địa điểm thuận lợi cho việc buôn bán. Họ đã xây dựng nên Nông Nại (Nông Nại là Đồng Nai phát âm theo giọng Quảng Đông) đại phố, một thương cảng xuất nhập khẩu lớn nhất miền Đông Nam bộ vào lúc đó. Họ đã thu hút các thương nhân Trung Hoa và các nước khác là những thương buôn chuyên nghiệp có vốn to và giàu kinh nghiệm… “ (Biên Hòa – Đồng Nai 300 năm hình thành và phát triển, tr. 111, 112).
(Hình: wiki)
“Đại Nam liệt truyện” chép về Trần Thượng Xuyên: “Trần Thượng Xuyên tự là Thắng Tài, người tỉnh Quảng Đông, làm quan Tổng binh nhà Minh. Khi nhà Minh mất, giữ nghĩa không làm tôi nhà Thanh. Thái Tông Hoàng Đế năm thứ 31, Kỷ Mùi (1679), mùa xuân, cùng với Long Môn Tổng binh Dương Ngạn Địch, Phó tướng Hoàng Tiến và Trần Bình An đem biền binh, gia quyến hơn 3000 người và hơn 50 chiến thuyền đến đỗ ở các cửa biển Tư Hiền và Đà Nẵng, tự bày tỏ rằng: “Chúng tôi là bộ thần nhà Đại Minh, hết lòng trung vì nước, sức kiệt thế cùng, vận nhà Minh đã hết, chúng tôi không chịu thờ nhà Thanh, sang đây dâng lòng thành, xin làm tôi tớ”. Triều đình bàn rằng họ khác phong tục, khác tiếng nói, thình lình kéo đến cũng khó khu xử, nhưng họ cùng bách mà đến với ta, ta không nỡ cự tuyệt.
Miền Đông Phố của Chân Lạp đất rộng, đồng tốt bát ngát nghìn dặm, triều đình chưa kinh lý, chi bằng lấy sức của họ cho mở đất mà ở. Thế là làm một việc mà được 3 điều lợi. Chúa ưng thuận, ban khen thiết yến và yên ủi họ, rồi trao cho làm quan chức, cho đến ở tại Đông Phố.
Trần Thượng Xuyên cùng bọn Dương Ngạn Địch đến cửa khuyết tạ ơn mà đi. Thượng Xuyên vào cửa biển Cần Giờ đóng ở Bàn Lân (nay thuộc Biên Hòa). Ngạn Địch và Hoàng Tiến vào cửa biển Soài Rạp (Lôi Lạp) đóng ở Mỹ Tho (nay thuộc Định Tường). Họ khai khẩn đất bỏ không, dựng phố xá. Người nhà Thanh cùng thuyền buôn các nước Tây dương, Nhật Bản và Chà Và đến tụ tập buôn bán đông đúc. Bởi thế phong hóa văn minh ngày dần thấm nhuần vào Đông Phố.
Năm Mậu Thìn (1688), Anh Tông Hoàng Đế năm đầu, mùa hạ, Hoàng Tiến giết chủ tướng Dương Ngạn Địch ở cửa biển Mỹ Tho, tự xưng là Phấn Dũng Hỗ uy Tướng quân, đóng quân ở Nam Khê (nay thuộc huyện Kiến Hòa, tỉnh Định Tường), cướp bóc nước Chân Lạp.
Tin này lên đến triều đình, chúa sai Phó tướng doanh Trấn Biên Mai Vạn Long đem quân đi đánh. Hoàng Tiến chạy đi rồi chết. Vạn Long chiêu tập những quân Long Môn còn lại giao cho Thượng Xuyên quản lĩnh, làm tiên phong, đóng quân ở Doanh Chậu (nay thuộc Vĩnh Long), kế đó tiến đánh Chân Lạp và thắng được.
Hiển Tông Hoàng Đế năm thứ 8 Kỷ Mão (1699), mùa thu, Nặc Thu nước Chân Lạp làm phản, Thượng Xuyên đem việc tâu lên. Chúa sai Nguyễn Hữu Cảnh làm Thống suất, Cai bạ Phạm Cẩm Long làm Tham mưu, lĩnh quân 2 doanh Bình Khang, Trấn Biên và thuộc binh 7 thuyền Quảng Nam cùng tướng sĩ Long Môn.
Đền thờ tường Trần Thượng Xuyên nhìn từ ngoài cổng (Hình: Dân Trí)
Canh Thìn, Hiển Tông năm thứ 9 (1700), mùa xuân, Trần Thượng Xuyên đánh nhau với giặc nhiều trận đều thắng. Quân Hữu Cảnh đến thành Nam Vang. Nặc Thu đến cửa quân xin hàng.
Tân Mão, Hiển Tông năm thứ 20 (1711) mùa đông, Nặc Thâm từ nước Xiêm về, mưu hại Nặc Yêm. Nặc Yêm sai người phi báo Trấn Biên và Phiên Trấn, xin quân đến cứu. Thượng Xuyên cùng Phó tướng Nguyễn Cửu Vân đem việc tâu lên (việc này chép ở truyện Nguyễn Cửu Vân).
Giáp Ngọ, Hiển Tông năm thứ 23 (1714), mùa đông, Nặc Thâm đem quân vây Nặc Yêm. Nặc Yêm quân ít, cầu cứu với hai doanh Phiên Trấn và Trấn Biên. Chúa cho Trần Thượng Xuyên làm Đô đốc Phiên Trấn đem binh đến Sài gòn. Phó tướng Trấn Biên Nguyễn Cửu Phú đem quân đóng ở Soài Rạp (Lôi Lạp), thủy quân đóng ở Mỹ Tho làm thanh viện từ xa rồi sai người đem việc phi tấu. Chúa bảo cho biết rằng: “Việc ngoài cửa khổn, giao cả cho hai người. Phải xét kỹ cơ nghi nên đánh hay lấy thế nào cho yên nơi phiên phục”.
Rồi đó lũ Thượng Xuyên và Cửu Phú đem các tướng sĩ hợp quân với Nặc Yêm, bao vây Nặc Thâm ở thành La Bích. Nặc Thu dâng thư nhận tội, xin lập vua mới để giữ lấy nước. Lũ Thượng Xuyên đem việc tâu lên, chúa mừng lắm nói rằng: “Ngoài cửa khổn, tướng quân làm việc, nên lâm trận quyết thắng để khống chế khuất phục người ngoài. Còn việc lập vua mới đợi sau sẽ bàn”.
Ất Mùi, Hiển Tông năm 24 (1715), mùa xuân, Nặc Thâm ở thành La Bích, tình thế ngày một cùng quẫn, phóng hỏa đốt nhà cửa trong thành, ngầm ra cửa nam, trốn đi. Nặc Thu được tin, cùng trốn. Thượng Xuyên và Cửu Phú đem quân vào thành, thu hết khí giới nghi trượng. Lại dò biết Nặc Thu ở tháp Băng Thủy, bèn sai Nặc Yêm chiêu dụ. Nặc Thu sợ, không dám ra, xin nhường ngôi vua cho Nặc Yêm. Lũ Thượng Xuyên đem sự trạng ấy tâu lên. Chúa cho phong Nặc Yêm làm quốc vương Chân Lạp.
Mùa hạ, tháng ước Xiêm sai người trách Nặc Yêm gây hấn, lại muốn phát binh để giúp Nặc Thâm. Nặc Yêm cáo cấp Thượng Xuyên và Cửu Phú đem việc tâu lên. Chúa nghĩ ở xa khó tính được việc binh, bèn sai hai tướng tùy nghi xếp đặt. Chúa lo Nặc Yêm binh lực không đủ, nên cho Nặc Yêm hết cả những binh khí và nghi trượng đã thu được và trả lại những dân đã bị bắt từ trước.
Sau đó, Thượng Xuyên bệnh rồi chết. Người Trấn Biên nhớ công, lập đền thờ”.
Đền thờ tướng Trần Thượng Xuyên nhìn chính điện (Hình: Dân Trí)
5 năm sau khi đến định cư tại Cù Lao phố, nhóm người Hoa theo Trần Thượng Xuyên đã xây dựng miếu Quan Công vào năm 1684, về sau đổi tên thành Thất phủ cổ miếu, dân gian thường gọi là chùa Ông (xã Hiệp Hòa, TP. Biên Hòa). Miếu thờ chính là miếu thờ Quan Công, một trong 3 anh em “Đào viên kết nghĩa” thời Tam Quốc, gồm: Lưu Bị, Quan Công và Trương Phi. Phía bên trái gần cổng ra vào có tượng ngựa Xích Thố của Quan Công. Theo tiểu thuyết “Tam quốc diễn nghĩa”, ngựa Xích Thố ban đầu là ngựa của Đổng Trác, sau đó Đổng Trác tặng lại cho Lữ Bố. Con ngựa này dài một trượng, cao tám thước, màu đỏ rực như lửa, mỗi ngày đi ngàn dặm. Sau khi Lữ Bố chết, Xích Thố được Tào Tháo cho người chăm sóc, sau đó trao lại cho Quan Công. Khi Tào Tháo tặng ngựa Xích Thố cho Quan Công, nhận ngựa xong Quan Công liền phục lạy tạ ơn. Tào Tháo đã phải ngạc nhiên nói: “Ta đã bao phen trao tặng nào là mỹ nữ, nào là vàng bạc, nào là gấm vóc, sao chẳng thấy Vân Trường vui, nay cho con ngựa này mà Vân Trường lại tạ ơn hậu như vậy?”
Về mặt chức năng, chùa Ông không chỉ là cơ sở thờ tự tâm linh mà còn là hội quán để cộng đồng người Hoa lui tới sinh hoạt, tương trợ lẫn nhau.
Về mặt kiến trúc, chùa Ông là một công trình mỹ thuật với nghệ thuật điêu khắc đặc sắc. Đặc biệt, trên nóc chùa có tượng “ông Nhật” và “bà Nguyệt” tượng trưng cho yếu tố âm và dương. Theo triết lý phương Đông, âm – dương hòa hợp sẽ sinh ra muôn loài, biểu hiện sự thịnh vượng của vạn vật. Tuy nhiên, theo chiết tự chữ Hán, 2 chữ Nhật và Nguyệt hợp lại thành chữ “Minh”; đây là cách để cộng đồng người Hoa nhớ về cố quốc.
Huỳnh Duy Lộc / Theo: Saigon Nhỏ
No comments:
Post a Comment