Phía dưới mỗi tảng băng nổi trên mặt nước luôn là phần chìm mà nếu chỉ nhìn bề mặt, ta khó lòng thấu được. Cũng như vậy, ở đời không ai có thể hiểu trọn được người khác và sự lựa chọn của họ. Có thể bạn khôn ngoan, giỏi giang và thành công hơn nhiều người, song bạn chỉ khôn ngoan tài giỏi và thành công trong chính cuộc đời của mình. Nếu không cùng một điểm xuất phát và có những trải nghiệm sống tương đồng, đánh giá mang tính chủ quan về cuộc đời người khác không phải là chuyện nên làm.
Có một câu chuyện ngụ ngôn như thế này. Một con cừu, một con bò và một con lợn được nhốt trong cùng một chuồng. Một lần, người chủ vào bắt con lợn, con lợn đã la hét và chống trả quyết liệt. Bầy cừu và con bò lấy làm khó chịu, bực bội nói: “Sao mà anh phải làm quá lên thế? Ông ta cũng thường đến bắt bọn tôi. Nhưng bọn tôi có la hét như anh đâu?”. Lợn đáp: “Bởi vì ông ta bắt cừu chỉ là để lấy lông, bắt bò chỉ là để lấy sữa. Còn ông ta muốn bắt tôi thì là để lấy mạng tôi rồi!”. Bò và cừu im bặt.
Đạo lý của câu chuyện này rất thâm sâu, cho thấy rằng những người ở vị trí khác nhau, hoàn cảnh sống khác nhau sẽ khó có thể hiểu được tâm tư của nhau. Chỉ khi ta biết đặt mình vào vị trí của người, thật lòng suy xét theo góc độ của người, ta mới biết bao dung và cảm thông.
Mọi sự trên thế gian đều không nằm ngoài luật nhân quả, có nhân ắt có quả, có quả ắt có nguyên do. Ai làm gì, lựa chọn ra sao cũng đều có lý do của riêng mình. Một số người thường tuỳ tiện quy chụp, đổ lỗi cho hành động của người khác là bởi họ chưa tìm hiểu tường tận nguyên nhân phía sau. Trước khi phán xét một ai, bạn cần phân tích và hiểu sâu sắc về hoàn cảnh của họ để tránh làm tổn thương nhau vô cớ.
Chuyện kể rằng, sau khi nhận được cuộc gọi phẫu thuật khẩn cấp, vị bác sĩ vội vàng đến bệnh viện và chuẩn bị thiết bị phẫu thuật nhanh nhất có thể. Cùng lúc đó, một người nhà của bệnh nhân lao tới hét lên: “Sao ông đến muộn thế? Có biết tính mạng con trai tôi đang bị đe doạ không? Đồ vô trách nhiệm!”.
Người bác sĩ bình tĩnh: “Thật lòng xin lỗi ông, vừa rồi tôi không ở bệnh viện, tôi vội vàng chạy tới đây sau khi được gọi. Ông hãy bình tĩnh”.
Người cha nọ vô cùng giận dữ: “Bình tĩnh sao? Nếu người nằm trong phòng kia là con trai ông thì ông có bình tĩnh được không hả? Nếu con trai ông chết thì ông sẽ làm gì!”.
Bác sĩ cười buồn: “Thì tôi sẽ thầm đọc kinh. Chúng ta đến từ cát bụi và khi ra đi sẽ trở về cát bụi. Xin Chúa hãy ban phước lành cho con trai ông”.
Người cha uất ức: “Kẻ thờ ơ với sự sống và cái chết của người khác mới buông ra lời lẽ như thế!”.
Một vài giờ sau, ca mổ đã diễn ra thành công. Vị bác sĩ bước ra phòng mổ và nói: “Tạ ơn Chúa, con trai của ông đã được cứu”. Ông vội vàng bước đi và nói: “Nếu ông có bất kỳ câu hỏi nào, hãy hỏi y tá”.
Người cha nọ giận dữ nói với y tá: “Sao ông ta lại kiêu ngạo đến vậy? Không thể nán lại để tôi hỏi trong vài phút hay sao?”.
Cô y tá trào nước mắt: “Con trai ông ấy đã chết trong một vụ tai nạn giao thông ngày hôm qua. Khi chúng tôi yêu cầu ông ấy phẫu thuật cho con trai của bác, ông ấy đang trên đường đến nhà tang lễ. Bây giờ đã cứu sống được con trai bác, ông ấy phải mau chóng trở về bên con trai mình những giờ phút cuối cùng”.
Trên đời có cả tỷ người, ai cũng có một cuộc đời riêng mà mình là nhân vật chính, có những câu chuyện và nỗi niềm chẳng ai giống ai. Nhờ những trải nghiệm đó, mỗi người có cách sống và cách hành xử khác biệt. Nếu chỉ nhìn bề ngoài, chúng ta không thể biết điều gì đang xảy ra trong cuộc sống của người khác, không thể hay biết họ đang trải qua những thăng trầm, nỗi khổ nào. Tất cả chúng ta đều sống không dễ dàng. Thay vì buông lời phán xét lạnh lùng, chi bằng ta rộng lòng một chút, bao dung và cảm thông cho nhau nhiều hơn?
Thed / Lược dịch theo Big Time
No comments:
Post a Comment