Ngẫu đề- Nguyễn Du
Bạch địa đình trì dạ sắc không,
Thâm đường tiễu tiễu hạ liêm long.
Đinh đông châm xử thiên gia nguyệt,
Tiêu tác ba tiêu nhất viện phong.
Thập khẩu đề cơ Hoành Lĩnh bắc,
Nhất thân ngoạ bệnh Đế Thành đông.
Tri giao quái ngã sầu đa mộng,
Thiên hạ hà nhân bất mộng trung.
偶題 - 阮攸
白地庭墀夜色空
深堂悄悄下簾櫳
丁東砧杵千家月
蕭索芭蕉一院風
十口啼饑橫嶺北
一身臥病帝城東
知交怪我愁多夢
天下何人不夢中
Ngẫu nhiên viết - (Dịch thơ:Chi Nguyen)
Bóng đêm trống trải ngoài thềm.
Cửa nhà khuất nèo, êm đềm rèm buông.
Thậm thình chày dã trăng xuông.
Gió khua xào xạc, mấy buồng chuối tiêu.
Non Hoành nhà đói liêu xiêu.
Một thân nằm bệnh, cũng liều đế kinh.
Đa sầu đa mộng bạn khinh.
Sống trong giấc mộng, nhân sinh mấy người ?.
Sơ lược về tác giả:
....Thơ chữ Hán Nguyễn Du cho thấy phần sâu kín trong tâm trạng ông. Nó như một thứ nhật ký, giãi bày mọi nỗi niềm, mọi ý nghĩ trong cảnh sống thường nhật của chính ông. Cả ba cuốn Thanh Hiên thi tập (viết trong khoảng 1785-1802, khi Nguyễn Du lánh ẩn ở quê vợ, Thái Bình, rồi trở về Hồng Lĩnh và ra lại Bắc Hà làm quan triều Gia Long), Nam trung tạp ngâm (1805-1812, khi Nguyễn Du làm quan ở Huế rồi cai bạ Quảng Bình) và Bắc hành tạp lục (1813-1814, thơ viết trên đường đi sứ Trung Hoa) đều có một giọng u trầm thấm thía, đầy cảm xúc nội tâm. Thơ chữ Hán Nguyễn Du như một tiếng thở dài luận bàn nhân tâm thế sự và xót thương thân phận. Một hình ảnh trở đi trở lại là mái tóc bạc, Nguyễn Du có mái tóc bạc sớm, mái tóc như biểu tượng của lo nghĩ, của những nghiền ngẫm buồn thương và bế tắc “Tráng sĩ bạch đầu bi hướng thiên, Hùng tâm sinh kế lưỡng mang nhiên” (Tráng sĩ ngẩng mái đầu tóc bạc, bi thương than với trời xanh: chí lớn một đời và miếng ăn hàng ngày cả hai đều mờ mịt). Với một tài năng, lại từng là con quan tể tướng, lời than ấy thật xót xa. Tây Sơn ra Bắc 1786, Nguyễn Du ôm mối ngu trung với nhà Lê, không cộng tác, tìm đường lánh ẩn chịu sống nghèo khổ. Những thiếu thốn vật chất đôi lúc lộ ra trong thơ: Quê nhà đại hạn, mười đứa con sắc mặt xanh như rau (Thập khẩu hài nhi thái sắc đồng). Hoặc: Trong bếp suốt ngày không có khói lửa. Trước đèn phải mượn chén rượu cho gương mặt được hồng hào. Do vậy, ông thấy “Nhất sinh từ phú như vô ích, Mãn giá cầm thư đồ tự ngu” (Một đời chữ nghĩa thành vô ích. Sách đàn đầy giá chỉ làm ta ngu dốt). Lời nhận xét thật chua chát, bế tắc. Mái tóc bạc như một chứng tích tiều tuỵ cho cái nghịch lý ấy: Phơ phơ tóc bạc sống gửi ở nhà người, rồi: Già đến, tóc bạc đáng thương cho ngươi. Nói là già đến, nhưng lúc viết Thanh Hiên thi tập Nguyễn Du chỉ ở tuổi 20 đến 37. “Trù trướng lưu quang thôi bạch phát” (Ngậm ngùi vì ngày tháng giục tóc bạc). Mái tóc bạc thành bạn tri âm cho Nguyễn Du than thở: Tóc sương là bạn đi cùng. Mái tóc bạc bay trước gió thu. Mái tóc bạc nhuốm bụi hồng là chân dung tâm hồn của Nguyễn Du. Cả đời chưa thấy lúc nào ông đắc ý. Một sự chọn hướng trái chiều với bước đi của lịch sử làm Nguyễn Du ngùi ngẫm giằng xé cả một đời, ngay cả thời gian ra làm quan với Gia Long: Ơn vua chưa trả đỉnh đinh, Mưa xuân nhuần thấm nhưng mình lạnh xương. Tạ ơn mưa móc của vua nhưng lại thấy buốt lạnh trong xương cốt. Nỗi niềm ấy chúng ta hiểu cho Nguyễn Du. Nguyễn Du ôm một nỗi niềm éo le. Giáo lý Khổng Mạnh dạy: tôi trung không thờ hai vua. Nhưng với Nguyễn Du, vua phải thờ thì hèn kém, thậm chí rước voi về giày mồ (Lê Chiêu Thống), còn vua phải chống thì lại anh hùng, bảo vệ độc lập dân tộc (Quang Trung). Đau đớn, bế tắc của Nguyễn Du là ở đấy. Biết mà không vượt qua được, ông mong được hậu thế cảm thông: “Bất tri tam bách dư niên hậu, Thiên hạ hà nhân khốc Tố Như” (Ba trăm năm nữa nào biết được thiên hạ ai người khóc Tố Như). Tương truyền khi ốm nặng, ông không uống thuốc, bảo người nhà sờ tay chân. Họ nói: đã lạnh rồi. Ông bảo: Được! Rồi mất. Không trối lại một lời. Có một nỗi niềm đến phút cuối Nguyễn Du vẫn phải nén lại và mang đi. Buồn thương, cô đơn đã thành thuộc tính của đời ông như màu xanh là thuộc tính của cỏ “Nhân tự bi thê, thảo tự thanh” (Người tự buồn thương, cỏ tự xanh).... (Theo: Vũ Quần Phương)
Nguồn: Thi Viện
No comments:
Post a Comment