Wednesday, April 10, 2024

KHÁCH TÂY HIỂU LẦM NHÀ HÀNG YÊU CHÓ MÈO "CHỤP ẢNH CHÚNG LÊN BIỂN QUẢNG CÁO"

Chàng trai Mỹ chụp ảnh một quán "cầy tơ - tiểu hổ" ở Bình Dương, rồi đăng tải lên mạng xã hội với nội dung: "Nhà hàng này yêu thú cưng đến mức người ta chụp ảnh chúng lên biển quảng cáo".

Robert chụp ảnh với tấm biển quảng cáo tại một nhà hàng "cầy tơ - tiểu hổ" (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

"Nhà hàng yêu chó mèo, chụp ảnh chúng lên biển quảng cáo"

Ngày 13/3, anh Robert Stuart Lee (31 tuổi, quốc tịch Mỹ, hiện sống tại TPHCM) đã chia sẻ bức ảnh chụp một nhà hàng thịt chó, mèo, với dòng trạng thái: "This restaurant loves their pets so much, they put a photo of their favorite dog and cat on their sign".

Tạm dịch: "Nhà hàng này yêu thú cưng đến mức người ta chụp ảnh chúng lên biển quảng cáo".

Sự hiểu lầm của vị khách Tây đã gây sốt khắp các nền tảng mạng xã hội Việt. Bài viết của Robert nhanh chóng thu hút hơn 20.000 lượt yêu thích, hàng chục nghìn bình luận và chia sẻ.

Nhiều người dùng mạng Việt cho rằng ai đó nên giải thích ý nghĩa tấm biển với Robert.

"Đó là một nhà hàng giết thịt chó và mèo. Hãy phản đối hành động này", một người bình luận.

"Thật ra tấm biển quảng cáo đó nhằm mời gọi khách đến ăn thịt chó, mèo. Những con vật thật đáng thương", một người khác chia sẻ.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, anh Robert cho biết đã chụp bức ảnh trên tại một quán ăn ở thành phố Dĩ An (tỉnh Bình Dương). Sau khi hỏi ý nghĩa của tấm biển, anh không vào quán ăn, mà chỉ xin phép chụp một vài tấm ảnh.

Robert cho biết đã làm bức ảnh trở nên hài hước bằng cách trong vai một khách Tây không biết gì, chụp ảnh trước nhà hàng, nhằm nâng cao nhận thức về việc giết thịt chó, mèo.

Anh biết sẽ chẳng ích gì nếu gây ra tranh cãi hay chế giễu trên mạng xã hội, thay vào đó anh chọn truyền tải thông điệp theo hình thức hài hước.

"Khoảnh khắc này thu hút sự quan tâm của nhiều khách du lịch đến Việt Nam, giúp vấn đề được chú ý hơn, mọi người có thể đưa ra những suy nghĩ của riêng mình, trao đổi với nhau như một cuộc thảo luận", Robert nói.

Robert đã sống tại Việt Nam 2 năm, yêu thích văn hóa, ẩm thực tại đây (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

"Tôi nhìn thấy chó, mèo bị giết thịt trên phố"

Cách đây hai năm, Robert đến Việt Nam, lập tức bị mê hoặc bởi ẩm thực, phong cảnh, nền văn hóa, âm nhạc, kiến trúc tại đây.

Là một người yêu động vật, anh cố gắng ăn chay hầu hết các ngày trong tuần. Gần đây, anh mới bắt đầu ăn thịt vì công việc kinh doanh. Anh muốn đưa khách hàng đến các nhà hàng Việt Nam, ăn bất kỳ món ăn Việt Nam nào mà họ thích. Từ đó, anh linh hoạt hơn với chế độ ăn uống của mình.

Theo Robert, một số khách du lịch có thể không biết chó, mèo bị đánh cắp, giết hại và sử dụng làm thực phẩm mỗi ngày.

"Tôi nghĩ mọi người đều nên biết về vấn đề này, từ đó nhận thức và ngăn chặn sự tàn ác với thú cưng", anh nói.

Robert lớn lên cùng một chú mèo trắng xinh đẹp. Thú cưng thường ngủ trên gối của anh mỗi đêm, đã bên cạnh chủ nhân suốt 16 năm. Khi chuyển đến sống tại một vùng núi ở Mỹ, anh cũng từng nuôi một chú mèo có khả năng săn chuột giỏi. Nhưng một ngày, con vật đi lạc vào rừng, bị một con vật to lớn hơn tấn công.

"Tôi chắc chắn biết cảm giác như thế nào khi ai đó bị mất trộm thú cưng. Đó là một cảm giác khủng khiếp mà bạn không bao giờ có thể vượt qua được", anh cho hay.

Robert nhận thấy vật nuôi dường như đã trở thành một phần của gia đình, có tình cảm và rất trung thành với chủ nhân. Khi chia ly, cả thú cưng và người chủ đều cảm thấy vô cùng đau buồn.

"Tôi tự hỏi trong lòng họ cảm thấy thế nào khi ăn thịt thú cưng yêu quý của ai đó. Tôi đã nhìn thấy những con chó, mèo bị giết và xẻ thịt, bày bán trên đường phố. Điều này khiến tôi thực sự ám ảnh", chàng trai Mỹ kể lại. 

Robert hi vọng lan tỏa những thông điệp tích cực qua bức ảnh của mình (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Robert không ngờ bức ảnh của mình được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội. Anh hi vọng lan tỏa những thông điệp tích cực, từ đó hạn chế vấn nạn giết thịt chó, mèo, thay vào đó con người có thể ăn nhiều rau hơn.

Anh đề xuất một số giải pháp trợ cấp để các nhà hàng thay đổi thực đơn, cam kết chấm dứt giết thịt chó, mèo.

"Chúng ta có thể đưa ra những lựa chọn tốt hơn, làm điều đúng đắn hơn với thú cưng", Robert nói.

Trước đó, tháng 11/2022, anh Đàm Thế Hiệp (41 tuổi, xã Quyết Thắng, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) đã tuyên bố giải nghệ, chuyển đổi mô hình kinh doanh đặc sản thịt chó sang vật tư nông nghiệp.

Anh Hiệp nói "cảm thấy tinh thần nhẹ nhõm và tư tưởng thoải mái" sau hơn một năm đóng cửa quán thịt chó.

Nhớ lại đầu năm 2016, mới trở về địa phương sau thời gian đi lao động, người đàn ông không có việc làm, điều kiện kinh tế khó khăn. Nhận thấy nhu cầu thị trường về thịt chó phát triển, anh mở nhà hàng chó, mèo để kiếm sống.

Anh mua chó từ dân làng, chọn những con trưởng thành, chưa đến tuổi sinh sản. Mỗi ngày, quán làm thịt từ 7-10 con chế biến đủ món phục vụ thực khách ăn tại quán hoặc bán mang về. Thời điểm đó, trung bình mỗi tháng anh Hiệp kiếm được 50-60 triệu đồng.

Trải qua những lần giết, mổ, hành động "cầu xin" của những con chó khiến anh ám ảnh.

"Tôi thương xót và cảm nhận con vật sống tình cảm. Dần dần tôi thấy công việc không còn phù hợp nữa nên quyết tâm giải nghệ", anh Hiệp nói.

Ông Phạm Văn Quyết (bên phải) - chủ quán thịt chó tháo dỡ biển và di dời các vật dụng chế biến thịt chó ra khỏi cửa hàng (Ảnh: Hùng Anh).

Tháng 12/2023, chính quyền thành phố Hội An và tổ chức phúc lợi động vật toàn cầu (Four Paws) đã vận động đóng cửa thành công một trong những quán thịt chó lâu đời nhất tại địa phương.

Ông Phạm Văn Quyết (chủ quán) cho biết cơ sở đã hoạt động gần 15 năm, tiêu thụ trung bình 350 con chó/năm. Sau khi tình nguyện đóng cửa nhà hàng, ông chuyển đổi sang mô hình kinh doanh khác.

Minh Nhân / Theo: Dân Trí

No comments: