Friday, August 11, 2023

"HÀ NHẬT QUÂN TÁI LAI" - BẢN NHẠC CHỨNG KIẾN MỘT THỜI KỲ LỊCH SỬ SỐNG ĐỘNG Ở TRUNG QUỐC


Sự ra đời, và nỗi gian truân của “Hà Nhật Quân Tái Lai”

« Hà Nhật Quân Tái Lai –Bao giờ mình trở lại », là một bản tình ca Trung Hoa nổi tiếng, được nhiều người ưa thích và ca hát, được các vũ trường đua nhau diễn tấu vào cuối thập niên 30 của thế kỷ trước. Ca khúc này chẳng những được phổ biến rộng rãi khắp đại lục, mà còn được truyền bá sang các nước đông Nam Á, được dịch ra các thứ tiếng, Nhật Bản, Tân Gia Ba, Việt Nam…Tuy thế nổi tiếng và được quần chúng yêu thích như vậy, ca khúc này cũng phải chịu một định mệnh nhiều đắng cay oan nghiệt, cho cả tác giả, lẫn một số ca sĩ của nó, vì sự gian trá và những tính tóan chính trị, vô nghệ thuật.

Ca khúc từng bị Trung Cộng xếp vào lọai nhạc dâm đãng đồi trụy, là ca khúc chiêu hồn của đế quốc Nhật Bản phản động, là lọai “nhạc vàng” ủy mị,tức “hòang sắc đích ca khúc”, và bị cấm hát, cấm lưu hành, bị bỏ vào “lãnh cung”.

Tác giả của nó, cũng phải chịu hai chục năm tù tội, oan khuất.

Người hát bài ca này là ca ca sĩ khả ái Đặng Lệ Quân bị cấm túc, không cho đặt chân lên đại lục.

Nguyên tác giả của bản tình ca này là nhạc sĩ Lưu Tuyết Am ngẫu hứng sáng tác theo điệu tango vào năm 1936, trong một buổi đại hội liên hoan tốt nghiệp lần thứ 4 của những sinh viển trường “Thượng Hải Quốc Lập Âm Nhạc Chuyên Khoa Học Hiệu”.

Mới đầu, ca khúc chưa có lời.

Châu Tuyền

Đến năm 1937, trước khi xẩy ra sự kiện Lưu Câu Kiều vào ngày 7 tháng 7, là ngày quân Nhật phát động tòan diện cuộc xâm lăng Trung Quốc, công ty Nghệ Hoa Điện Ảnh ở Thượng Hải được công ty sản xuất kem đánh răng là Tam Tinh tài trợ, dự tính quay phim “Tam Tinh Bán Nguyệt –Nửa vành trăng khuyết ba sao giữa trời”, do nữ tài tử Chu Tuyền chủ diễn, và đạo diến là Phương Bái Lâm. Họ Phương liền xin nhạc sĩ Lưu Tuyết Am cho phép lấy bản tango “Hà Nhật Quân Tái Lai” đang thịnh hành, dùng làm nhạc đệm cho phim “Tam Tinh Bán Nguyệt”.Nhưng bản nhạc chưa có lời, đạo diễn họ Phương lại phải nhờ nhà sọan kịch của phim này là Hòang Gia Mô (ký tên là Bối Lâm) viết lời.

Bài ca diễn tả lời ca của một thiếu nữ hát tiễn biệt tình nhân trước ngày ra mặt trận.Nói lên sự bi hoan ly biệt, biểu đạt một nhân sinh quan, cho cuộc đời là ngắn ngủi, hãy kịp thời vui sống và hưởng lạc đi.

Đương nhiên nó là thiếu tính tích cực. Nhưng nếu đem cả nội dung của phim và lời ca phân tích, người ta chẳng tìm thấy tí ti gì là “nhạc vàng”, là “đồi trụy”, hay “phản động” cả. Đó chỉ sự biểu hiện một thứ tình cảm tư sản thường tình.Yêu nhau mà xa nhau thi buồn. Đời người ngắn ngủi, hãy mau vui đi.


Cổ kim thi nhân cũng đã chẳng từng đề cấp đến hay sao. Lý Bạch, trong bài Tương Tiến Tửu, đã từng viết:

Quân bất kiến Hòang Hà chi thủy thiên thượng lai
Bôn lưu đáo hải bất phục hồi.

Mới đầu, “Hà Nhật Quan Tái Lai” chỉ thuần túy là một khúc nhạc đệm cho điện ảnh. Hòan tòan không mang một ý đồ chính trị nào khác.

Năm 1937, người đầu tiên hát bài này là nữ tài tử chủ diễn phim “Tam Tinh Bán Nguyệt”, Chu Tuyền. Nhờ tiết tấu êm ái dịu dàng, dễ lọt vào tai thính giả.Thêm nữa, lời nhạc lãng mạng, ngọt ngào nên bản nhạc được lưu truyền một cách nhanh chóng.Từ đầu thôn cuối ngõ , người ta đua nhau hát một cách đắc ý.

Đến năm 1939, ca khúc “Hà Nhật Quân Tái Lai” lại được dùng nhạc đệm khi quay phim “Cô Đảo Thiên Đường 孤島天堂”, một phim thuộc lọai kháng chiến chống Nhật, do nữ tài tử Lê Lợi Lợi hát, để khuyến khích thanh niên lên đường tòng quân.

Đến năm 1941, lúc này cuộc xâm lăng Trung Quốc của quân Nhật đã được bốn năm. Một số thành thị, một số địa khu đã bị chiếm đóng nằm dưới sự quản lý hành chánh của quân đội Nhật. Để chứng tỏ ở những khu vực bị chiếm đóng này, dân chúng vẫn được yên vui thanh bình, tâm lý chiến của Nhật đã tung ca khúc “Hà Nhật Quân Tái Lai” do một ca sĩ khả ái người Nhật , hóa danh là Lý Hương Lan (nguyên tên Nhật là Sơn Khẩu Thục Tử 山口淑子, bị Trung Hoa nghi ngờ là điệp viên) hát hàng ngày trên đài phát tháng.


Lý Hương Lan mau chóng chiếm được cảm tình và sự ưu ái của dân chúng. Ngòai bản Hoa văn, “Hà Nhật Quân Tái Lai” còn được Lý Hương Lan dịch ra Nhật văn để thâu vào đĩa nhựa. Bản Nhật văn này cũng được Lý Hương Lan hát và phổ biến đến các doanh trại của quân đội Nhật. Tất nhiên cũng được họ hoan nghênh nhiệt liệt.

Trong thời kỳ kháng chiến, chính phủ của Tưởng Giới Thạch dời đô đến Trùng Khánh, nhưng tại những vùng bị Nhật chiếm đóng “Hà Nhật Quân Tái Lai” được phổ biến rất rộng rãi. Những người dân tại vùng Nhật chiếm đóng, đua nhau hát “Hà Nhật Quân Tái Lai” để tỏ niềm khát vọng khu trừ được quân Nhật.

Thế là “Hà Nhật Quân Tái Lai”, từ một ca khúc bình thường, biến thành một ca khúc yêu nước, và vượt trội hẳn những ca khúc mang tính chất tuyên truyền chính trị khác và tồn tại đến ngày nay.

Tuy thế, trong già nửa thế kỷ tồn tại ấy, “Hà Nhật Quân Tái Lai” phải chịu một vận mệnh đầy oan khuất, bị cấm đóan, bị trù dập, đả kích.

Cũng trong thời kỳ kháng chiến chống Nhật, người Nhật phát hiện ra rằng “Hà Nhật Quân Tái Lai” được xử dùng làm nhạc đệm trong một phim chống Nhật. Lập tức nhà đương cục Nhật ra lệnh cấm, không cho hát bài này nữa.Họ lấy lý do là chữ “ quân 君” –(có nghĩa là anh, là mình) đọc thành chữ “quân 軍”, tức “quốc quân 國軍” (có nghĩa là quân của Quốc Dân Cách Mạng, kháng chiến).

Ít lâu sau thì cả bản Nhật văn cũng bị cơ quan kiểm tra của Nhật cấm.Họ cho là vì âm điệu của bài hát có tinh chất lê thê ủy mị, sẽ làm cho binh sĩ Nhật mất kỷ luật, nản lòng chiến đấu. Người Nhật còn nghi ngờ rằng, dân chúng Trung Hoa sống trong vùng Nhật chiếm đóng, thông qua bài hát này muốn bầy tỏ sự trông chờ quốc quân Trung Quốc đến giải phóng họ.

Click để "Hà Nhật Quân Tái Lai" do Châu Tuyền hát

Đến cuối thời kỳ kháng chiến, ở Nam Kinh, Thượng Hải, quân đội Nhật biết rằng họ sắp thua trận. Nhưng thua thì thua, họ nẩy ra ý định thay đổi nhan đề của bài hát, sửa chữ “Hà 何” ra chữ “Hạ 賀”, “Quân 君” trở thành “Quân 軍”, và “Hà Nhật Quân Tái Lai- 何日君再來- Bao giờ anh trở lại » biến thành « Hạ Nhật Quân Tái Lai- 賀日軍再來- Mừng quân Nhật trở lại », và cho phát thanh đêm ngày trên đài, như một lời ước hẹn trở lại của người Nhật.

Việc thay đổi lời ca như thế, ảnh hưởng một cách nghiêm trọng đến tâm lý quần chúng, nên những nhân viên tình báo của phe kháng chiến trong lòng địch bèn thông tin cho Trùng Khánh, thủ phủ của kháng chiến biết.Tưởng Giới Thạch bèn đích thân ra lệnh cấm hát bài ca này. Đồng thời những dĩa nhựa “Hà Nhật Quân Tái Lai ”của công ty sản xuất chưa bán ra cũng bị tịch thâu để tiêu hủy. Các đài phát thanh thuộc phe kháng chiến cũng không còn hát “Hà Nhật Quân Tái Lai” nữa. “Hà Nhật Quân Tái Lai” đang từ điểm cực thịnh bị rơi xuống hố thẳm. Bị coi là nhục quốc thể.Bị cấm hát, im lìm, không còn được ai nhắc đến nữa.

Sau khi Nhật bại trận, năm 1952, khi Lý Hương Lan trở về Nhật Bản, mới lại đem “Hà Nhật Quân Tái Lai” ra hát lại và thâu vào đĩa nhựa, cả Nhật văn lẫn Hoa văn.


Năm 1966, hãng phim “Thiệu Thị Công Ty” tức công ty Shaw Brothers, từng sản xuất các phim nổi tiếng chiếu ở Sai Gòn trước 1975, như “Độc Thủ Đại Hiệp”, “Long Hổ Quyết Đấu”… không biết Đài Loan có lệnh cấm bài “Hà Nhật Quân Tái Lai”, và cũng không biết Lưu Tuyết Am lúc đó đang bị Trung Cộng phê đấu, hành hạ, vì là tác giả của bài hát này, Thiệu Thị Công Ty cho quay một bộ phim mang tên “Hà Nhật Quân Tái Lai” cùng với tên bài hát, nhưng may mắn không bị cấm. Ngay cả phim “Lam Dữ Hắc” của Lâm Đại cũng dùng “Hà Nhật Quân Tái Lai” làm nhạc đệm mà cũng không bị nhà cầm quyền Đài Loan để ý xử lý.

Đến năm 1980, “Hà Nhật Quân Tái Lai” mới hòan tòan được Đài Loan tháo giây cởi trói, cho phép hát lại. Lúc đó, ca sĩ Đặng Lệ Quân đem bài hát này chỉnh biên lại, nhờ thế, “Hà Nhật Tân Tái Lai” được rời khỏi “lãnh cung” ra với quần chúng.

Đến khi Trung Cộng thi hành chính sách Cải Cách Khai Phóng, “Hà Nhật Quân Tái Lai” may mắn được trở về lục địa, được dân chúng hoanh nghênh nhiệt liệt, vì giọng ca và cách trình diễn của Đặng Lệ Quân trội hơn tất cả những ca sĩ đã hát bài này trước đó, hơn nữa thính giả lại được nghe miễn phí lúc đầu.

Năm 1982, giữa lúc “Hà Nhật Quân Tái Lai” và Đặng Lệ Quân được sự hâm mộ nhiệt tình của quần chúng, thì ban bảo vệ văn hóa tư tưởng của Trung Cộng lại có nhận định cho rằng đây là một bài ca không chính đáng, mang tính chất “bán phong kiến, bán thực dân”, là “hòang sắc ca khúc”, là “nhạc vàng ủy mị”, bèn ra lệnh cấm thâu nhập, truyền bá. Cũng như chính phủ Nhật Bản trước đó, nhà đương cục lục địa còn cho rằng “Hà Nhật Quân Tái Lai” còn mang ẩn ý hy vọng ngày phản công của Quốc Dân Đảng tái chiếm lục địa.

Châu Tuyền và Đặng Lệ Quân

Thế là “Hà Nhật Quân Tái Lai” lại bị nhà cầm quyền Trung Cộng cho vào “lãnh cung”.

Đặng Lệ Quân bị “cấm túc”, không cho đặt chân lên lục địa.

Còn Lưu Tuyết Am, cha đẻ của ca khúc này, cũng phải chịu một vận mệnh oan nghiệt, cơ cực, nhiều truân chuyên không kém gì đứa con tinh thần của mình.

Về tác giả Lưu Tuyết Am

Lưu Tuyết Am (劉雪庵) sinh năm 1905, người Đồng Huyện tỉnh Tứ Xuyên, thời thơ ấu học ở trường huyện. Vì có máu yêu thích âm nhạc, ngay từ nhỏ, ông đã sớm được tập luyện về dương cầm, vĩ cầm, côn khúc. Sau vì cha mẹ bị bệnh đều qua đời hết, ông phải bỏ học, đi làm công để mưu sinh.

Năm 1926, ông thi vào học trường Mỹ Thuật Chuyên Khoa Học Hiệu ở Thành Đô, học vẽ với thầy là Lý Đức Bồi. Vừa học vừa làm trong vòng ba năm. Năm 1929, trường học vì lý do chính trị bị điều tra đóng cửa. Ông chuyển lên Thượng Hải xin vào học trường Âm Nhạc Chuyên Khoa Học Hiệu, chuyên học về sáng tác nhạc và học dương cầm với Lý Duy Ninh, Tiêu Hữu Mai và Hòang Tự.

Lưu Tuyết Am

Năm 1930. Lưu Tuyết Am bắt đầu viết nhạc. Bài “Phiêu Linh Đích Lạc Hoa” là “xử nữ tác” của ông, tiếp đến những bài “”Đạp Tuyết Tầm Mai”, “Phi Nhạn”, đều là những bài được sáng tác khi còn ở trong trường. Ông trở thành môn sinh đắc ý của giáo sư âm nhạc Hòang Tự.

Sau đó, ông còn sáng tác nhiều bài khác mang tính chất nghệ thuật, được quần chúng ưa thích như “Hồng Đậu Từ”, “Trường Thành Dao”.

Rồi sau khi tốt nghiệp, trong buổi lễ kỷ niệm liên hoan của trường “Thượng Hải Quốc Lập Âm Nhạc Chuyên Khoa Học Hiệu”, Lưu Tuyết Am đã sáng tác một vũ khúc theo điệu Tango, có tên là “Hà Nhật Quân Tái Lai”.

Và chính vì ca khúc này mà về sau ông bị chụp mũ là “Hán gian”, viết “nhạc vàng ủy mị”.

Năm 1957, ông bị Trung Cộng xếp vào hạng “hữu phái”. Đến thời kỳ “Văn Hóa Đại Cách Mạng”, ông bị Hồng Vệ Binh phê đấu một cách tàn nhẫn, thậm chí bắt ông phải thừa nhận là vào thời quân Nhật mới bắt đầu xâm lấn Trung Hoa, chữ “Quân 君 ” trong “Hà Nhật Quân Tái Lai 何日君再來”, là chữ “quân 軍” trong “Nhật Bản Hòang Quân 日本皇軍”, ông bị kết tội là một tên “đại mãi quốc tặc”.

Ông bị bỏ tù và chịu lao động cải tạo trong 10 năm. Sau đó bị điều về làm giáo thụ trường “Bắc Kinh Nghệ Thuật Học Hiệu”, để tiếp tục lao cải.Công việc hàng ngày của ông ở đây chỉ là hót phân, quét cầu tiêu.Ông đội mũ cắm cúi im lặng làm việc. Mất hết cả nhân phẩm.

Ông không dám ngẩng mặt nhìn người khác. Và người ta cũng sợ không dám nhìn ông mà liên lụy, nên bạn bè đều lảng tránh xa ông cả. Vận mệnh của ông thật là bi thảm, làm khổ lây đến người vợ hiền lành là bà Kiều Cảnh Vân, khi bà lấy thân đỡ đòn cho ông, nên bị Hồng Vệ Binh đá tàn nhẫn vào hạ thể, bị trọng thương rồi từ trần.


Mãi về sau này, năm 1985, Lưu Tuyết Am mới được bình phản, phục hồi lại danh dự .Thì hỡi ơi, phong chúc tàn niên, hai mắt ông đã mù, thân ông như ngọn đèn tàn chờ cơn gió thỏang đưa cuộc đời tài hoa nghệ sĩ của ông sang một bờ suối khác, trả lại cho hồng trần bội bạc những oan nghiệt, trầm luân.

Lưu Tuyết Am không phải là người nghệ sĩ tài hoa duy nhất và đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc bị những mưu toan chính trị, ở phía này hay phía khác, vu cáo và bách hại. Cổ kim xưa nay, trước ông đa số các hòang đế bạo quân, thường để lại những vụ án văn học thảm khốc.

Ông mất ngày 13 tháng 3 năm 1985, sau khi đã để lại một số những tuyệt phẩm làm vui tươi cuộc đời.

Phạm Xuân Hy
Theo: nghiencuulichsu

Click để nghe "Hà Nhật Quân Tái Lai" do Đặng Lệ Quân hát.


No comments: