Khổng Tử từng nói: “Hoa lan mọc trong rừng, tỏa hương thơm ngay cả khi không có ai xung quanh thưởng thức. Tương tự như vậy, người có nhân cách cao quý sẽ không để cảnh nghèo làm nhụt chí tu Đạo và xây dựng uy đức”. Người quân tử luôn hiểu chân nghĩa của cuộc đời. Dù trong hoàn cảnh nào, họ luôn tôn trọng các chuẩn mực đạo đức trong việc làm và tự kiểm soát bản thân bằng cách tuân theo lời dạy của thánh hiền. Bất cứ nơi nào họ đến, họ đều lan tỏa lòng tốt và sự ảnh hưởng đến những người mà họ tiếp xúc, để người ta tôn thờ đạo đức và công lý.
Ánh sáng lấp lánh của những vì sao, sắc vàng rực rỡ của hoa mai và khí tiết thanh cao của cây tùng cũng chính là những hình ảnh chân thực nhất để nói về quân tử. Lặng lẽ hy sinh mà không cần sự công nhận, thế mà chúng ta lại ngưỡng mộ vì sao sáng giữa bầu trời đen tĩnh mịch, khâm phục sự kiên cường của hoa mai toả sắc giữa ngày đông lạnh giá và lại bị chinh phục bởi khí chất thanh cao của cây tùng xanh mát quanh năm, không bị các yếu tố xung quanh tác động.
Bậc quân tử cũng như vậy, tưởng là không được công nhận nhưng thực ra lại luôn nằm trong trái tim của những người xung quanh, là ánh sáng ấm áp và hiền hòa nhất thế gian.
Bậc quân tử là người có đức tính ngay thẳng, công tư phân minh và không khuất tất vụ lợi cho riêng cá nhân. Không những thế, bậc quân tử còn là người có nhân nghĩa đạo đức nhưng không hề khoe khoang hay tự cao, là người có nội tâm không oán không hận, phong thái ung dung điềm đạm.
Trong “Lã Thị Xuân Thu – Khứ Tư” có câu chuyện “ngoại cử không tránh kẻ thù, nội cử không tránh người thân”. Kỳ Hề, còn gọi là Kỳ Hoàng Dương, là quan đại phu nước Tấn thời Xuân Thu, sau giữ chức Trung quân úy. Ông là người chí công vô tư, lòng dạ ngay thẳng, biết lấy đại cuộc làm trọng, không tính nhỏ mọn chuyện ân oán cá nhân.
Tấn Bình Công hỏi Kỳ Hoàng Dương: “Huyện Nam Dương cần có huyện lệnh, khanh xem ai có thể đảm nhận chức này?”.
Kỳ Hoàng Dương đáp: “Giải Hồ có thể đảm nhận chức này”.
Bình Công nói: “Chẳng phải Giải Hồ là người đối đầu với khanh à? Sao khanh lại tiến cử ông ấy?”.
Kỳ Hoàng Dương thưa: “Quân vương hỏi ai có thể giữ chức vụ này, không hỏi ai là kẻ thù của thần!”.
Bình Công khen ngợi: “Giỏi lắm!”, rồi liền trao chức huyện lệnh Nam Dương cho Giải Hồ. Quả nhiên Giải Hồ là người xứng đáng với chức vụ do Kỳ Hoàng Dương tiến cử.
Lại có một lần khác Bình Công hỏi Kỳ Hoàng Dương: “Kinh thành hiện cần phong chức quân úy, khanh xem ai có thể đảm nhận chức này?”.
Kỳ Hoàng Dương trả lời: “Kỳ Ngọ xứng đáng thưa quân vương”.
Bình Công lại nói: “Kỳ Ngọ chẳng phải là con của khanh sao?”.
Kỳ Hoàng Dương trả lời: “Quân vương hỏi ai có thể đảm nhận chức quân úy, không hỏi ai là con của thần!”.
Bình Công lại khen: “Nói hay lắm!”, thế là lại phong Kỳ Dương làm quân úy, quả nhiên đã phong chức đúng người.
Khổng Tử biết chuyện này liền khen: “Tề Hoàng Dương đúng là người hay! Ông ta tiến cử người ngoài thì không tránh né kẻ thù địch với mình; tiến cử người nhà thì không vì là con mình mà ngần ngại. Người như thế đúng là chí công vô tư”.
Trong «Mạnh Tử – Đằng Văn Công hạ» có ghi: “Bậc đại trượng phu là người phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”. Ý ở đây là dù sống trong cảnh giàu sang phú quý mà tâm trí không mê loạn, nghèo hèn không làm tiết tháo thay đổi, bị người dùng vũ lực nhưng không khuất phục. Hãy nhìn vào một người trước sự cám dỗ của danh lợi để nhận ra ý chí của người đó như thế nào.
Người có ý chí kiên định sẽ chiến thắng những dụ dỗ đe dọa, luôn tiến lên theo con đường hay mục tiêu mình đã chọn. Tô Vũ thời Hán Vũ Đế phụng mệnh đi sứ nước Hung Nô, thủ lĩnh nước Hung Nô dùng nhiều thủ đoạn (của cải, quan tước…) để dụ dỗ ông hàng phục nhưng đều thất bại, liền bắt ông đến vùng sơn cước xa xôi chăn dê, cắt nguồn lương thực, muốn dùng cuộc sống khổ cực nghèo hèn để ép ông vào khuôn phép. Nhưng Tô Vũ là người mà uy vũ không làm ông khuất phục, nghèo túng không làm ông thay lòng, không thể dùng phú quý mê hoặc được, dù ngồi tù suốt 19 năm ở nước Hung Nô nhưng tiết tháo không thay đổi. Cuối cùng ông cũng được tha về.
Thuở ban đầu hai chữ “Quân tử” xuất hiện vào thời nhà Chu, khi vua Chu phân chia đất đai lập nên các vương hầu, thì con của các vị vương hầu này được gọi là “Quân tử” hay “Quân chi tử”, đây là danh xưng dành cho những người có địa vị cao quý trong xã hội thời bấy giờ. Nhưng sau đó, vào thời Xuân Thu thì “Quân tử” lại dành để gọi các bậc quan lại và sĩ phu.
Và hai chữ “Quân tử” lại được đức Khổng Tử dành cho những người có đạo đức và phẩm hạnh cao quý, hội tụ đủ Nhân-Lễ-Nghĩa-Trí-Tín, trong đó “Nhân đức” được Khổng Tử đặt ở vị trí hàng đầu.
Theo Khổng Tử thì quân tử là người khiêm tốn, không khoe khoang thể hiện, là người có khí chất thanh cao, luôn làm những việc nhân nghĩa, đạo đức, chí công vô tư và giúp đỡ người khác bằng tấm lòng bao dung rộng lượng, dáng vẻ và phong thái ung dung, không buồn không hận, nhìn thì rất dễ dàng đạt được nhưng đó lại là cảnh giới không phải ai cũng có thể đạt tới.
Bên cạnh đó, một người quân tử cũng cần hội tụ trí tuệ và sự dũng cảm, điều này được Đức Khổng Tử viết: “Quân tử nghĩa dĩ vi thượng. Quân tử hữu dũng nhi vô nghĩa vi loạn, tiểu nhân hữu dũng nhi vô nghĩa vi đạo”, tạm hiểu là: Người quân tử phải trọng nghĩa, chỉ dũng cảm nhưng không có nghĩa lý thì sẽ chỉ biết làm loạn; tiểu nhân dũng cảm mà không có nghĩa lý thì hành vi bất hảo, chỉ có thể làm trộm cướp.
Đó cũng là lý do có câu tục ngữ là: “Trữ đắc tội quân tử, bất đắc tội tiểu nhân”, nghĩa là, nếu buộc phải đắc tội với ai đó thì thà chấp nhận đắc tội với bậc quân tử chứ không nên đắc tội với kẻ tiểu nhân.
Vì kẻ tiểu nhân luôn có tâm tính hẹp hòi, ích kỷ, vụ lợi cá nhân và luôn tìm cơ hội đâm sau lưng người khác, còn bậc quân tử có tấm lòng nhân từ, vị tha và lấy thiện báo ác, vì có những bậc quân tử như thế mà cuộc đời đẹp hơn biết bao nhiêu.
Chân Tâm / Theo: ĐKN