Tuesday, August 22, 2023

BÀN VỀ CHUYỆN ... ĂN UỐNG

Tôi thích những chữ bình dân, chẳng hạn như “ăn uống”, một phần vì nó lột tả được ý nghĩa rõ ràng, không màu mè như… “ẩm thực”. Từ ngữ Hán Việt dĩ nhiên được dùng rất nhiều trong ngôn ngữ hàng ngày, chẳng hạn như “tổ quốc”, “quê hương”… nhưng nói đến chuyện “ẩm thực” ta thường có ý ám chỉ đến các nhà hàng sang trọng như trong ngôn ngữ quảng cáo về “ẩm thực cung đình”.

“Ăn nhậu”

“Ăn” được xếp hạng nhất trong “tứ khoái” của một đời người, dù đó là những cái khoái mà các nhà đạo đức phải nhíu mày khi nghe đến. Tôi nghĩ đó là “đạo đức giả” vì trong một lúc nào đó các vị cũng “hùng hục” như bất cứ một người bình dân nào. Này nhé, (1) họ cũng ăn một cách “khí thế”, (2) ngủ một cách “say sưa”, (3) làm tình một cách “nồng nhiệt” và (4) bài tiết một cách “thoải mái”!

Ăn thường đi kèm với uống. Cũng tựa như các đại gia khi “ăn nhậu” phải có rượu bia đưa cay hay một người lao động chỉ uống một ly trà đá trong bữa ăn đạm bạc. Có những người “ăn” cả những thứ… không thể ăn được. Chẳng hạn như “ăn xi măng”, “ăn sắt thép” trong những công trình xây dựng. Họ được xếp vào loại… “ăn tạp”.

Có những quan tham nhũng “ăn tiền”, đó là những đồng tiền không phải của mình nhưng họ vẫn “ăn” vì người khác dâng đến tận miệng. Bị cảnh sát thổi còi, người ta nghĩ ngay đến chuyện “ăn tiền”. Hóa ra có những người “ăn bám” vào những người khác để sống. Họ là những kẻ “ăn trên ngồi chốc” khiến một quan chức chính phủ đã từng phải thốt lên: “Họ “ăn” không từ một thứ gì”! Ăn như thế người ta gọi là “ăn bẩn”.

“Ăn tiền”

Ăn lại đi kèm với nói. Bình thường thì “rượu vào lời ra” nhưng có những trường hợp đặc biệt của những kẻ “quyền cao chức trọng”, họ vừa được “ăn” lại vừa được “nói”, họ nói những điều cao xa, viển vông, không tưởng. Ở nhiều nơi, khi đi “ăn giỗ” người ta lại được chủ nhà gói thêm ít trái cây mang về làm quà, đúng là “vừa được ăn, được nói, được gói mang về”.

Ngoài việc “ăn giỗ”, có những thứ “ăn” mang lại rất nhiều niềm vui như ăn mừng tân gia, ăn tất niên, ăn đầy tháng, ăn tiệc… “ăn hỏi” có lẽ là nguồn vui không những cho những cặp uyên ương mà còn cho cả gia đình đôi bên. “Ăn” mà không ăn nhưng cũng vẫn vui là vậy.

Cũng có những thứ “ăn” mang lại buồn khổ, xui xẻo, chết chóc. Chẳng hạn như không ai lại muốn mình bị “ăn kẹo đồng” hay “ăn đạn”, một thuật ngữ ngày xưa được dùng để diễn tả chuyện xui xẻo trong chiến tranh. Nhẹ hơn thì “ăn đòn”, kể cả người lớn lẫn trẻ con theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng!

Cũng thuộc loại xấu là những người “ăn hại đái nát”, họ là những người vô tích sự, chẳng làm được việc gì cho ra trò mà lại còn gây hại cho người khác. Hai hình ảnh “ăn” và “đái” tưởng chừng như đối nghịch nhưng suy cho cùng việc đái nát nhà cửa, nát cây cối cũng tựa như các loài động vật hạ đẳng chứ không phải là con người!

Có một loại người xấu xa không kém là những kẻ “vong ơn bội nghĩa”, “lừa thầy phản bạn”. Người ta dùng hình ảnh rất “đời thường” nhưng cũng rất “mỉa mai” để mô tả họ: “ăn cháo đá (đái) bát”.

Có những trường hợp không thực sự ăn vào miệng như “ăn có”, “ăn theo”, có nghĩa là người khác ăn nhưng bản thân mình cũng được hưởng. Đó là chuyện của các “cậu ấm, cô chiêu” hưởng được sự giàu sang phú quý của cha mẹ. Trường hợp gần đây nhất là một số quan chức tuy chẳng có công trạng gì nhưng vẫn nhảy vào “dấy máu ăn phần” khi các cháu U-23 trở thành Á quân túc cầu châu Á.

“Ăn theo”

Có những kiểu ăn rất tốn tiền như ăn quà, ăn vặt, ăn khao… nhưng cao cấp hơn và cũng cần nhiều tiền hơn là “ăn chơi”. Kiểu ăn này thường thấy ở các trọc phú và các quan chức. Họ vừa “ăn” lại vừa “chơi” bằng đồng tiền bòn rút từ đồng loại hoặc người dân vô tội. Đó là nghịch lý của xã hội khi “người ăn không hết, kẻ lần không ra”.

Đối với những kẻ liều lĩnh, họ chỉ biết “được ăn cả, ngã về không”. Họ chủ trương “ăn may” cho nên một khi thất bại họ trở thành những kẻ… “ăn mày quá khứ”. Xét cho cùng, không ai muốn “ăn mảnh” mà chỉ vì.. “gặp thời thế, thế thì phải thế”.

Lại có những người “cố đấm ăn xôi”, họ lăn xả vào miếng ăn, bất kể nhục vinh! Các cụ ta thường nói “miếng ăn là miếng nhục” với hàm ý để có được miếng ăn, người ta phải bất chấp cả danh dự của mình. Thời nay, câu này lại thường được nói đến để bênh vực phẩm giá của người Hà Nội trước hiện tượng bún quát, phở mắng, cháo chửi. Vừa mất tiền lại vừa bị nghe những lời “nghịch nhĩ” như vậy khiến nhiều người cho rằng có các tiền cũng chẳng thèm vào ăn!

Ngày xưa, “ăn trông nồi, ngồi trông hướng” là kim chỉ nam cho cách xử thế qua hai việc “ăn” và “ngồi”. Ngày nay, hầu như câu châm ngôn này đã đi vào quên lãng. Qua rồi cái thời “nam thực như hổ, nữ thực như miu”… hổ và mèo chỉ biết cắm đầu vào ăn cho sướng miệng… vì cả nam lẫn nữ đều chỉ nhắm cái đích…“ăn sung mặc sướng”.

“Ăn Tết” ngày xưa

Cuối cùng, xin bàn đến chuyện “ăn” dù mỗi năm chỉ có một lần: đó là chuyện “ăn Tết”. Chữ “ăn” ở đây vừa trừu tượng lại vừa cụ thể, ngoài ý nghĩa thưởng thức bánh chưng, bánh tét, thịt mỡ, dưa hành, tôm khô, củ kiệu, uống trà, uống rượu… chữ “ăn” còn bao hàm một quãng thời gian nghỉ ngơi thoải mái bên người thân và bạn bè sau hơn 300 ngày mưu sinh quần quật.

Còn nhỏ chỉ mong đến ngày được “ăn tết”, được mặc quần áo mới, được tiền lì xì… Lớn lên khi đã có gia đình chỉ lo sao cho con cái được “ăn tết” đầy đủ, sung túc. Về già cũng “ăn tết” nhưng lại để nhìn quãng đời đã qua và tương lai sửa soạn xa rời… “cõi tạm”.

“Ăn Tết” trở thành một ý nghĩa tinh thần, thiêng liêng đối với người Việt, cả ở trong lẫn ngoài nước. Thế cho nên, tôi không tán thành loại bỏ việc “ăn Tết” trong tương lai.

“Ăn Tết” truyền thống

Chúng ta đã đánh mất nhiều giá trị tinh thần trong thời gian qua nên không lý nào chuyện “ăn Tết” chỉ có vài ngày cũng bị xóa sổ?

Nguồn: Nguyễn Ngọc Chính