Ảnh minh họa : Nữ danh ca Pháp Sheila giới thiệu album "Venue d'ailleurs". © Guillaume Malheiro
Trong tấm hình được gọi là ''Bức ảnh chụp của thế kỷ'' (La photo du siècle) thực hiện vào tháng 04/1966, nhà nhiếp ảnh người Pháp Jean Marie Perrier đã tập hợp được 46 nghệ sĩ trẻ ăn khách nhất làng nhạc Pháp thời bấy giờ. Nữ ca sĩ Sheila, lúc ấy mới tròn đôi mươi, đứng cùng một hàng với France Gall, Michèle Torr, Frankie Jordan và Serge Gainsbourg. So với các đồng nghiệp nữ cùng trang lứa như Françoise Hardy, Sylvie Vartan hay France Gall, gương mặt của Sheila có vẻ như ít quen thuộc hơn với giới yêu nhạc Pháp lời Việt.
La « Photo du siècle » est une photographie prise par Jean-Marie Périer en 1966 pour le magazine Salut les copains.
Bốn giọng ca thuộc hàng thần tượng nhạc trẻ ở Pháp
Ngay từ lúc ban đầu, nhóm sản xuất (Claude Carrère và Jacques Plait) đã cố tình xây dựng một hình ảnh Sheila khác với các thần tượng nhạc trẻ cùng thời. France Gall là búp bê tóc vàng nhí nhảnh biết hát. Françoise Hardy là hình tượng của nàng thơ trong trắng khát khao tình yêu của độ tuổi mới lớn. Sylvie Vartan lộng lẫy kiêu sa, đẹp nhất đêm nay nhờ tà áo dạ hội thêu tay. Còn Sheila mãi là cô bạn hàng xóm, dễ gần gũi, cởi mở và hòa đồng với mọi người.
Trong bộ phim tài liệu truyền hình ''Toutes ces vies-là'' (Tất cả những cuộc đời ấy) phát hành trên kênh France 3 hồi đầu tháng Giêng năm 2023, Sheila tên thật là Annie Chancel nhắc lại cô ký hợp đồng ghi âm đầu tiên vào mùa thu năm 1962 và sự nghiệp của cô thật sự cất cánh vào mùa xuân năm 1963 với nhạc phẩm ''L'école est finie'' (Giờ tan lớp). Chỉ ba năm sau đó, Sheila trở thành giọng ca ăn khách nhất trong số các thần tượng nhạc trẻ khi là ca sĩ đầu tiên ghi âm phiên bản tiếng Pháp của nhạc phẩm ''Bang Bang'' (Khi xưa ta bé).
Bản nguyên tác tiếng Anh là của tác giả Sonny Bono sáng tác cho vợ mình, thời hai nghệ sĩ này đi hát chung trong ban song ca Sonny & Cher. Tuy vậy, đa phần giới yêu nhạc lại quen nghe bài này qua phiên bản của Nancy Sinatra, sau khi đạo diễn Quentin Tarentino chọn bài hát để minh họa cho bộ phim ''Kill Bill'' (Cô dâu báo thù) của ông, phát hành vào năm 2003, tức cách đây đúng hai thập niên.
Kể từ những năm 1966-1967 trở đi, Sheila bắt đầu thay đổi hình ảnh và phong cách, theo đề nghị của nhóm sản xuất. Cô bé thuở nào nay đã trở thành một phụ nữ có nhan sắc. Các bản nhạc ít còn nhắc tới lứa tuổi học trò ngây thơ, tình bạn cùng trường dần nhường chỗ lại cho tình yêu đôi lứa. ''Adios Amor'' đánh dấu cho sự chuyển hướng này. Nội dung ca từ nói đến quan hệ giữa một phụ nữ và một người đàn ông đã có vợ. Nhìn chiếc nhẫn cưới trên tay tình nhân, người phụ nữ (thứ ba) thà đoạn tuyệt với người mình yêu còn hơn là phá vỡ hạnh phúc của một gia đình. Để minh họa cho yếu tố ''ngoại tình'', nhóm sáng tác đã khéo léo cài đặt vào điệp khúc hai chữ Tây Ban Nha, trong một bài hát được viết toàn bằng tiếng Pháp.
Click để nghe Sheila hát "Adios Amour"
''Vĩnh biệt tình yêu'' có tới ba lời Việt
Một khi ăn khách, giai điệu ''Vĩnh biệt tình yêu'' được phóng tác sang nhiều thứ tiếng kể cả tiếng Anh, Ý, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ và tiếng tagalog của Philippines. Còn trong tiếng Việt, bài hát có ba lời khác nhau. Lời Việt đầu tiên là của tác giả Phạm Duy. Nữ danh ca Thanh Lan ghi âm bài này lần đầu tiên vào năm 1973, rồi sau đó bài hát được ca sĩ Ngọc Lan ghi âm lại. Trong phần điệp khúc theo cách đặt lời của tác giả Phạm Duy, có những câu như sau : ''Adios amor thôi vĩnh biệt tình yêu / Thôi ta ra đi giữ mãi nhau làm chi / Adios amor thôi vĩnh biệt tình yêu / Thôi ta đi thôi để sống kiếp đơn côi''.
Phiên bản thứ nhì mang tựa đề "Thôi ta xa nhau" là của hai tác giả Vũ Xuân Hùng và Trần Quốc Bảo. Còn phiên bản thứ ba được cho là của tác giả Lữ Liên, ăn khách qua lối diễn đạt của nữ danh ca Khánh Hà. Phần điệp khúc dùng lời hoàn toàn khác với phiên bản trước và có những câu mở đầu như sau : Cho em ra đi như cánh chim biệt lối / Cho em xa anh trong giấc mơ chiều tối / Khi ta chia tay, xin chớ bao giờ nói / Cho em van xin, tình yêu hãy lên ngôi...
Sau nhạc phẩm ''Khi xưa ta bé'', giai điệu ''Vĩnh biệt tình yêu'' tạo cơ hội cho Sheila chinh phục hạng đầu thị trường châu Âu và Nam Mỹ. Đây là giai đoạn hợp tác với nhóm sáng tác gồm Claude Carrère, Jean Schmitt, hai anh em tác giả Paul và Lana Sebastian người Armenia sinh trưởng tại Iran và nhất là Jacqueline Misrahi tác giả người gốc Ai Cập từng viết nhạc phẩm kinh điển ''Oh mon amour'' cho nam danh ca Christophe. Trong giai đoạn hoàng kim kéo dài gần một thập niên (1967-1976), nhóm sáng tác này đã tạo ra nhiều bản nhạc ăn khách cho Sheila như ''Les Rois Mages'' hay ''Les Gondoles à Venise'', trước khi nữ danh ca kết thúc hợp đồng, chuyển sang khai thác dòng nhạc sôi động disco từ năm 1977 trở đi.
Click để nghe Ngọc Lan hát "Vĩnh biệt tình yêu"
Năm 2023 đánh dấu 60 năm thành công sự nghiệp của Sheila. Ca sĩ người Pháp đã cho ra mắt 27 album phòng thu, 40 tuyển tập và khoảng 10 album hợp tác với nhiều nghệ sĩ khác. Tổng cộng, Sheila đã bán hơn 80 triệu đĩa hát trong 6 thập niên liền. Sheila mất một thời gian dài để thoát khỏi tầm ảnh hưởng lớn của nhà sản xuất Claude Carrère.
Trong giai đoạn ''tự lập'', giọng ca Sheila không ăn khách nhiều như trước kia, nhưng nữ ca sĩ người Pháp vẫn cảm thấy hài lòng vì có thêm quyền chọn lựa các dự án ghi âm của mình. Dù vậy, trong mắt của công chúng Pháp, Sheila vẫn giữ mãi hình ảnh của một người nghệ sĩ hiền hòa dễ mến... khi tình bạn chưa tan, lúc tình yêu vừa đến
Tuấn Thảo
Theo: RFI Tiếng Việt
Click để nghe Khánh Hà hát "Vĩnh biệt tình yêu".