Tượng Edison thời trẻ tại Michigan. (Ảnh: Matthew Gordon, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)
Chiều tối ngày 10/12/1914, một vụ nổ xảy ra tại nhà máy của Thomas Edison ở New Jersey. Một nửa nhà máy chìm trong biển lửa. Các xe cứu hỏa nhanh chóng có mặt để dập tắt đám cháy, nhưng sự hiện diện của những chất hóa học bên trong nhà máy và phòng thí nghiệm đã khiến nỗ lực của họ bị chậm lại. Ngọn lửa đêm hôm đó đã đốt cháy nhiều bản thảo công trình và nguyên mẫu tâm huyết của cuộc đời Edison.
Thomas Edison, chủ nhân của nhà máy, thay vì bật khóc, la hét hay chán nản, đã bình tĩnh đi tới gần cậu con trai Charles, người đang chứng kiến đám cháy. Với một giọng nói trẻ con, Edison bảo cậu con 24 tuổi: “Con đi gọi mẹ và đám bạn lại đây. Cháy lớn thế này đời người khó gặp!” Khi Charles tỏ ý bất bình, Edison đã nói, “Đừng lo con trai. Chúng ta vừa mới dọn dẹp được một đống rác.” Sau này, Charles đã kể về kỷ niệm đó khi viết lại những kỷ niệm về cha vào năm 1961.
Khi một phóng viên của tờ New York Times tới hiện trường, Edison đã nói với anh ta, “Mặc dù đã hơn 67 tuổi, nhưng tôi sẽ bắt đầu lại từ đầu vào ngày mai”. Và quả thật ngay ngày hôm sau, Edison bắt đầu công việc xây dựng lại nhà máy mà không nghỉ ngơi lấy một ngày.
Edison đã mất khoảng 1 triệu USD sau đám cháy (tương đương 23 triệu USD ở thời điểm hiện tại). Công ty bảo hiểm chỉ chi trả một phần ba số tài sản đó. Tuy nhiên, sau khi vay mượn từ Henry Ford, chỉ sau 3 tuần, Edison đã có thể khiến một phần nhà máy khởi động lại.
Toàn cảnh nhà máy của Edison sau vụ cháy năm 1914. (Ảnh: National Park Service)
Thomas Edison không truy cứu trách nhiệm hay đuổi việc bất cứ công nhân hay kỹ sư nào. Nhân viên của ông làm việc tăng ca, và chỉ một năm sau, nhà máy của Edison đã đạt doanh thu 10 triệu USD.
Người phương Đông thời xưa nói rằng Thượng Thiên khi ban tặng một lễ vật tốt đẹp cho một người nào đó, thường sẽ dùng “khổ nạn” làm giấy gói bọc ngoài. Từ ngoài mà nhìn có lẽ sẽ thấy món quà đó là một sự đau khổ, xấu xí, nhưng nếu có thể chịu khổ, dụng tâm đi mở nó ra thì có thể hiểu được nhã ý tốt đẹp của Thượng Thiên và thật sự nhận được món quà đặc biệt ấy.
Khi còn nhỏ, chúng ta tập đi trên đường, đương nhiên sẽ không thể tránh khỏi việc bị vấp ngã, nhưng chúng ta cũng không vì thế mà không dám tiếp tục đi nữa. Vì sao lại như vậy? Chính là bởi vì lúc nhỏ, người ta căn bản không coi “vấp ngã” là sự thất bại, không coi “vấp ngã” là một sự ngăn trở. Vì vậy mà trẻ con sẽ vẫn tiếp tập đi, vẫn tiếp tục tập chạy, càng đi thì càng thành thạo hơn, càng chạy thì càng vững vàng.
Đời người cũng là như thế, kinh nghiệm càng nhiều, tự nhiên sẽ biết được nên ứng phó như thế nào. Còn nếu luôn sợ hãi, không dám làm gì thì sẽ không thể tích lũy được kinh nghiệm. Khi chưa từng có loại kinh nghiệm tương tự thì gặp sự tình không thuận sẽ hoảng hốt, thất kinh, không biết nên xử lý ra sao. Cũng giống như lần đầu tiên gây dựng sự nghiệp bị thất bại, đầu tư thất bại thì có những người sẽ không dám nếm trải lần nữa trong đời. Nhưng có một số người, càng ở vào lúc khó khăn lại càng không ngừng dũng mãnh mà bước tiếp, không ngừng nhìn lại mình, kiểm nghiệm lại và cuối cùng đã thành công.
(Ảnh: Vizu, ЖЗЛ book, Wikipedia, Public Domain)
Khi đối mặt và liễu giải nhân sinh, con người không nên kết luận quá sớm, đừng dùng sự tốt xấu nhất thời để phán định một việc là may mắn hay bất hạnh.
Khi chúng ta thay đổi tâm thái, hoán đổi góc nhìn để xem xét một sự việc nào đó, chúng ta sẽ phát hiện ra rằng ở rất nhiều sự tình mà chúng ta cho là không hoàn mỹ, cuối cùng lại có sự an bài khác của Thượng Thiên, khiến nó trở thành một loại may mắn. Đúng như câu thơ cổ: “Sơn trùng thủy phục nghi vô lộ, Liễu ám hoa minh hựu nhất thôn”, núi cùng nước tận ta cho rằng đã hết lối, nhưng sau bóng liễu hoa tươi kia lại chợt thấy một thôn làng xinh đẹp.
Theo Vision Times tiếng Trung, Business Insider
An Hòa biên tập / Nguồn: trithucvn
No comments:
Post a Comment