Nàng Tô Tiểu Tiểu (Ảnh: Ally, Epoch Times)
Nàng là mỹ nhân hoa nhường nguyệt thẹn, là tài nữ văn chương lai láng, có thể xuất khẩu thành thơ, nàng đã dành cả cuộc đời để viết nên một câu chuyện truyền kỳ. Mặc dù vậy, nàng lại có thân thế vô cùng bí ẩn, liên quan đến câu hỏi “Tô Tiểu Tiểu là ai” cũng có rất nhiều ý kiến khác nhau.
Hậu thế cho rằng Tô Tiểu Tiểu là danh kỹ thời Nam Tề, rằng câu chuyện về nàng như thế này thế kia, rằng những đại văn nhân và thi sĩ như Bạch Cư Dị, Lưu Vũ Tích, Đỗ Mục... đều hết lời ca tụng nàng, và rằng lăng mộ của nàng vẫn luôn là điểm du lịch trứ danh ở Hàng Châu, thậm chí Hoàng đế Càn Long cũng từng hữu ý đến viếng thăm nàng.
Kỳ thực, Tô Tiểu Tiểu hoàn toàn không phải là kỹ nữ mà là một tài nữ hồng nhan bạc mệnh. Vậy rốt cuộc nàng là ai? Huyền thoại về nàng đã hình thành như thế nào? Chúng ta hãy cùng lần lượt đi qua các thời đại để hiểu rõ về nàng.
Thời Nam Tề
Ghi chép sớm nhất về Tô Tiểu Tiểu xuất hiện trong tập thơ “Ngọc Đài Tân Vịnh” thời Nam Bắc triều, trong đó có bài “Tiền Đường Tô Tiểu ca” với bốn câu thơ ngắn:
“Thiếp thừa du bích xa
Lang kỵ thanh thông mã
Hà xứ kết đồng tâm
Tây Lăng tùng bách hạ”
妾乘油壁車,
郎跨青驄馬.
何處結同心.
西陵松柏下.
Bản dịch thơ của Điệp Luyến Hoa:
Thiếp đi xe du bích,
Chàng cưỡi ngựa đốm xanh.
Đồng tâm nơi nào kết?
Dưới tùng bách Tây Lăng.
Đoạn thơ trên kể về một giai nhân ở Tiền Đường (nay là Hàng Châu) tên là Tô Tiểu Tiểu, nàng đem lòng yêu chàng trai cưỡi con ngựa lông trắng xanh ở Tây Lăng (nay là bờ tây sông Tiền Đường). Ngày ấy, dưới tán cây tùng bách, cả hai đã trao lời thề non hẹn biển, ước nguyện trọn đời bên nhau.
“Nam Tề Thư - Lương Chính Truyện Tự” viết: “Vào thời Vĩnh Minh, trong hơn mười năm bách tính không có tiếng gà gáy chó sủa, nơi đô thành thịnh vượng, nam nữ giàu có nhàn nhã, ca múa hát hò, quần là áo lượt, giữa hoa đào và nước xanh, dưới trăng thu và gió xuân”.
Nam Tề khi ấy từng có một thời thái bình thịnh trị, xã hội giàu có an định, nam thanh nữ tú ăn diện điểm trang, quần là áo lượt tha thướt dạo chơi, vì thế rất tự nhiên xuất hiện bài thi ca dưới trăng trước hoa này.
Tuy nhiên, bài thơ hoàn toàn không tiết lộ thân phận của Tô Tiểu Tiểu. Nàng là kỹ nữ, là thôn nữ bình dân hay là tiểu thư quý phái? Chúng ta không biết, chỉ viết rằng nàng ngồi trên chiếc xe du bích (một loại xe được sơn màu), mắt mơ màng nghĩ về chàng trai cưỡi ngựa trắng xanh. “Nam Tề Thư” có đoạn viết rằng, tông thất hoàng gia thường ngồi xe du bích để vào cung gặp Thiên tử. Từ chi tiết này có thể đoán rằng Tô Tiểu Tiểu từng sống trong nhung lụa, gia cảnh giàu có.
Tranh vẽ nàng Tô Tiểu Tiểu của Kang Tao, 1746 (Ảnh: Wikipedia)
Vậy mối tình đẹp như mơ ấy có kết thúc viên mãn hay không, nàng và chàng có thể bên nhau bạch đầu giai lão được hay không? Những điều này chúng ta đều không biết, mọi ghi chép về nàng vào thời Nam Tề chỉ vỏn vẹn bấy nhiêu, và câu chuyện về nàng cũng kết thúc tại đây.
Thời nhà Đường
Sau này, người con gái danh bất hư truyền thời Nam Tề đã trở thành nguồn thi hứng bất tận cho rất nhiều thi nhân tài hoa thời nhà Đường, như tể tướng Quyền Đức Dư, thi nhân Lý Hạ, Liễu Đạm, Bạch Cư Dị, Lưu Vũ Tích, Đỗ Mục, Ôn Đình Quân, v.v.
Trong số đó, Bạch Cư Dị là nhà thơ viết về Tô Tiểu Tiểu nhiều nhất. Lúc này hình tượng Tô Tiểu Tiểu đã được nhìn nhận như một ca kỹ nổi danh nhưng phận bạc.
Ví dụ như bài “Dương Liễu chi bát thủ kỳ 5”:
Tô Châu dương liễu nhậm quân khoa
Cánh hữu Tiền Đường thắng Quán Oa
Nhược giải đa tình tầm Tiểu Tiểu
Lục Dương thâm xứ thị Tô gia
Bản dịch thơ của Lương Trọng Nhàn:
Tô Châu dương liễu anh khoe,
Tiền Đường hơn hẳn nơi về Quán Oa.
Đa tình tìm Tiểu Tiểu ca,
Liễu xanh xứ thẳm ấy nhà Tiểu Tô.
Và bài “Dương Liễu chi bát thủ kỳ 6”:
Tô gia tiểu nữ cựu tri danh,
Dương liễu phong tiền biệt hữu tình.
Bác điều bàn tác ngân hoàn dạng,
Quyển diệp xuy vi ngọc địch thanh.
Bản dịch thơ của Lương Trọng Nhàn:
Tiểu nữ nhà Tô xưa nổi danh,
Tình chia tay trước gió dương xanh.
Bóc cành làm giả như vòng bạc,
Thổi lá vi vu điệu sáo thanh.
Tô Tiểu Tiểu thích trồng dương liễu trước nhà, lối vào nhà họ Tô có liễu xanh phất phơ trước gió. Hình ảnh ấy đã nhiều lần đi vào trong thơ Bạch Cư Dị: “Liễu sắc xuân tàng Tô Tiểu gia” (Tô gia sắc liễu, tràn trề vẻ xuân). Nhà thơ Đỗ Mục cũng có hai câu thơ miêu tả vẻ đẹp thơ mộng ấy: “Tô Tiểu môn tiền liễu phất đầu, Thiên lý vân sơn hà xứ hảo” (Bao lần cành liễu trước cửa nhà của Tô Tiểu phất phơ quét nhẹ đầu. Trong ngàn dặm mây và núi, không biết được nơi nào đẹp hơn thế).
Nói tóm lại, các thi nhân thời Đường đã cùng nhào nặn nên thân phận ca kỹ của Tô Tiểu Tiểu. Sinh thời nàng là một mỹ nhân tài hoa nhưng bạc mệnh, sau khi chết đi, mộ của nàng lại nhuốm màu hoang vắng thê lương. Các văn nhân lần lượt đến thăm viếng, lễ bái mộ nàng, sau đó lưu lại một bài thơ cảm thán kiếp hồng nhan.
Từ Ngưng đời Đường viết trong bài “Hàn Thực Thi”:
“Gia hưng quách lý phùng hàn thực
Lạc nhật gia gia bái tảo quy
Chỉ hữu huyện tiền Tô Tiểu Tiểu
Vô nhân tống dữ chỉ tiền hôi”
Tạm dịch:
Gia Hưng, Quách Lý gặp tiết Hàn Thực
Mặt trời xuống núi, nhà nhà thăm viếng, quét dọn rồi trở về
Chỉ có Tô Tiểu Tiểu ở trước huyện
Không có ai đưa tiễn và đốt tiền giấy.
Vào tết Hàn Thực, người ta đi tảo mộ, phần mộ nào cũng có người cúng bái, dọn cỏ, khói hương bốc nghi ngút, vàng mã lửa lập lòe. Duy chỉ có nàng Tô Tiểu Tiểu là cô đơn lạnh lẽo dưới ba tấc đất, bên trên cỏ dại mọc um tùm, càng tăng thêm vẻ thê lương cho giấc ngủ vĩnh hằng của một kiếp hồng nhan.
Dưới ngòi bút của các thi nhân, Tô Tiểu Tiểu từ một nữ nhi tình sâu nghĩa nặng trở thành ca kỹ xinh đẹp và đa tình trong mắt văn nhân.
Thời nhà Tống
Sau thời Ngũ Đại Thập Quốc, Tô Tiểu Tiểu lại trở thành một hình tượng trong văn chương thơ phú, hơn nữa hình ảnh khắc họa nhân vật cũng càng ngày càng cụ thể. Vào thời Tống đã xuất hiện hai câu chuyện khác nhau về Tô Tiểu Tiểu:
Câu chuyện thứ nhất là vào thời Bắc Tống, Trương Lỗi ghi chép một cố sự trong “Kha Sơn Tập” rằng, cháu trai của Tư Mã Quang tên là Tư Mã Dửu từng mộng thấy Tô Tiểu Tiểu khi ông đang trên đường đi nhậm chức. Sau khi tỉnh dậy ông liền viết một bài thơ đề tên là “Hoàng Kim Lũ”. Mãi tới khi đến Hàng Châu, ông mới phát hiện ngôi mộ Tô Tiểu Tiểu nằm bên cạnh ngôi nhà quan của mình. Về sau câu chuyện này được mở rộng thành tiểu thuyết tình yêu giữa người và ma gọi là “Tiền Đường dị mộng”.
Câu chuyện thứ hai là về một ca kỹ cùng tên với Tô Tiểu Tiểu (một thuyết khác cho rằng nàng tên là Tô Tiểu Quyên) sống vào thời Nam Tống.
Chuyện kể rằng, Tô Tiểu Tiểu và người chị gái Tô Phán Nô là những ca kỹ nổi danh ở Tiền Đường, hai chị em vừa có tài hát múa, lại vừa có tài văn thơ. Tô Phán Nô đem lòng yêu một thư sinh tên là Triệu Bất Mẫn, thấy Triệu Bất Mẫn cơ hàn không có tiền ăn học, nàng lại trợ giúp kinh phí cho chàng theo đuổi nghiệp bút nghiên.
Triệu Bất Mẫn học hành đỗ đạt, được làm quan. Tô Phán Nô vì thân phận ca kỹ của mình nên không thể theo chàng đi nhậm chức. Hai người lâu ngày cách trở, trong lòng luôn canh cánh nhung nhớ về nhau, cuối cùng cả hai đều mắc bệnh rồi qua đời.
Trước lúc lâm chung, Triệu Bất Mẫn phó thác cho em trai, bảo cậu hãy trao một nửa di sản của mình cho Tô Phán Nô, và căn dặn cậu rằng em gái của Phán Nô là nàng Tô Tiểu Tiểu là một kỳ nữ hiếm có, hy vọng hai người sẽ nên duyên đôi lứa...
Em trai Triệu Bất Mẫn lên đường thực hiện di nguyện của anh trai mình, nhưng tiếc là Tô Phán Nô đã qua đời rồi. Quan viên địa phương nghe được câu chuyện này thì vô cùng cảm động, quyết định xóa bỏ thân phận ca kỹ thấp kém của Tô Tiểu Tiểu để nàng và em trai của Triệu Bất Mẫn có thể kết thành phu thê, giai lão bạch đầu.
Như vậy đến triều Tống đã lưu truyền hai câu chuyện về Tô Tiểu Tiểu, một là Tô Tiểu Tiểu sống vào thời Nam Tề, và một là danh kỹ cùng tên sống vào thời nhà Tống.
Thời Minh - Thanh
Đến thời Minh và Thanh, hai nàng Tô Tiểu Tiểu cùng tên nhưng không cùng thời đại này lại bị dung hợp thành cùng một, hơn nữa còn kết hợp với câu chuyện của Tô Phán Nô vừa kể trên đây.
Đến những năm Khang Hy, trong tiểu thuyết “Tây Hồ Giai Thoại”, tác giả đã thêm thắt rất nhiều chi tiết, hình thành nên câu chuyện về Tô Tiểu Tiểu mà chúng ta biết hiện nay.
Trong câu chuyện này, Tô Tiểu Tiểu sinh ra trong gia đình ca kỹ, mẹ nàng mất sớm, còn cha nàng thì không rõ là ai, nàng sống cùng với một người dì họ Giả. Khi Tô Tiểu Tiểu mười bốn, mười lăm tuổi, nàng có tư dung mỹ mạo, sắc đẹp tuyệt luân, lại có tài văn chương thi phú nên được rất nhiều công tử hào môn đến cầu hôn. Mặc dù vậy, trong lòng Tô Tiểu Tiểu chỉ có duy nhất hình bóng chàng công tử cưỡi ngựa tên là Nguyễn Úc. Nhờ có dì Giả tác thành, hai người đã nên duyên kết thành phu thê.
Ba tháng sau, cha của Nguyễn Úc khi ấy là tể tướng đương triều đã ép chàng phải lập tức quay về Kim Lăng.
Trong những ngày chia xa mòn mỏi, Tô Tiểu Tiểu tình cờ gặp một cậu thư sinh nghèo tên là Bào Nhân. Nàng thấy Bào Nhân là người có chí lớn nên đã giúp đỡ kinh phí để cậu có thể lên kinh ứng thí.
Những năm sau đó, Tô Tiểu Tiểu vẫn tiếp tục kết giao với các văn nhân mặc khách và các quan viên có tiếng, mọi người ai ai cũng khen ngợi nàng, ai ai cũng yêu mến nàng. Nàng hiền hậu khoan hòa, dùng lễ đối đãi với mọi người nên ai cũng mến yêu. Khi gặp phải những kẻ lỗ mãng có thái độ khinh thường, ngạo mạn, Tô Tiểu Tiểu lại đọc bài thơ ung dung ứng đối, thể hiện phong thái của một bậc kỳ nữ tài hoa.
Mặc dù có tiếng thơm lừng lẫy, nhưng Tô Tiểu Tiểu vẫn quyết định tìm chốn đào nguyên để quy ẩn. Chỉ tiếc là đến lúc này nàng lại nhiễm phong hàn, hoa tàn ngọc nát mà qua đời.
Khi ấy, chàng thư sinh Bào Nhân năm xưa nay đã đỗ đạt vui mừng phi ngựa về báo ân, nào ngờ Tô Tiểu Tiểu đã yên giấc ngàn thu trong linh cữu. Chàng thương tiếc hết nước mắt, chỉ có thể dùng tiền của bản thân để tổ chức tang lễ và chôn cất nàng chu đáo.
Trong tiểu thuyết thời nhà Thanh, hình tượng Tô Tiểu Tiểu đã đi sâu vào lòng người. Hoàng đế Càn Long hai lần tuần du về phương nam, lần nào ông cũng đích thân đến thăm ngôi mộ trứ danh của Tô Tiểu Tiểu. Vì để nghênh tiếp thánh giá, quan viên địa phương đã tôn tạo lại ngôi mộ, dùng đá xây thành hình bát giác. Sau này người ta lại xây dựng thêm một ngôi mộ tượng trưng, gọi là “Mộ Tài Đình” (nghĩa là ‘đình mến tài’), từ đó nơi này trở thành một điểm thu hút khách du lịch ở Hàng Châu.
"Mộ Tài Đình" ở Hàng Châu (Ảnh: Wikipedia)
Đến nay, trên các trụ đá vẫn còn lưu lại những vần thơ thương tiếc về một kiếp hồng nhan mệnh bạc như sau:
Thơ Diệp Hách:
“Kim phấn Lục Triều hương xa hà tại
Tài hoa nhất đại thanh trủng do tồn”
Dịch nghĩa:
Vàng tô phấn điểm, xe hương Lục Triều đâu nhỉ?
Tài tình sắc sảo, mồ xanh một kiếp còn đây
Thơ Bì Lâm:
Thiên tải phương danh lưu cổ tích, Lục Triều vận sự trứ Tây Linh.
Hồ sơn thử địa tàng mai ngọc, Hoa nguyệt kỳ nhân khả chú kim.
Dịch nghĩa:
Nghìn thuở danh thơm lưu truyện cũ, Lục Triều phận mỏng hỏi Tây Linh.
Núi hồ là chốn vùi xương ngọc, ai kẻ đa tình, hãy luyện kim!
Thơ Từ Lan:
Đào hoa lưu thủy diễu nhiên khứ,
Du bích hương xa bất tái phùng
Dịch nghĩa:
Hoa đào nước suối trôi đi mất,
Vách thắm xe thơm hết hẹn hò.
Hậu nhân chúng ta không biết Tô Tiểu Tiểu trong truyền thuyết rốt cuộc là ai, nhưng bắt đầu từ thời đại nhà Đường, nàng Tô đã trở thành giai nhân trong mộng của các văn nhân, sống trong trí tưởng tượng của mọi người. Trải qua các triều đại, vị này vẽ thêm một nét, vị kia họa thêm một nét, dần dần khiến thân thế, tài nghệ, và cuộc đời của nàng Tô Tiểu Tiểu trở nên vô cùng phong phú, ly kỳ.
Trong các tác phẩm văn nghệ, Tô Tiểu Tiểu thông tuệ, đa tình, trung trinh, khảng khái, hơn nữa lại có tuệ nhãn nhận rõ anh hùng, đã trở thành huyền thoại lưu truyền đến thiên thu.
Theo Ally - Epoch Times
Minh Tâm biên dịch
No comments:
Post a Comment