Vì quá say mê tiếng hát của nghệ sĩ cải lương Kim Chung, ông Long đã bất chấp sự ngăn cấm của gia đình kết hôn với người phụ nữ này và thành lập đoàn cải lương mang tên vợ của mình.
Cô Kim Chung và ông Trần Viết Long trong ngày ra mắt phim Kiếp Hoa
Ngoài việc đam mê âm nhạc dân tộc, ông còn say mê điện ảnh. Năm 1952, người đàn ông này đã sản xuất phim nhựa Kiếp Hoa do ông viết kịch bản (ký bút danh Trần Lang). Đây là phim có âm thanh đầu tiên của người Việt thực hiện.
Trần Viết Long tận dụng tối đa nguồn nhân lực, vật lực của đoàn cải lương Kim Chung. Trong bộ phim đầu tay của mình, ông dành vai chính cho vợ (Kim Chung) và em dâu (Kim Xuân), hai ngôi sao cải lương thời đó.
Kim Chung và Kim Xuân
Kiếp Hoa đã trở thành một huyền thoại trong ký ức của những người Hà Nội năm 1953. Trước ngày ra rạp, ông chủ đoàn Kim Chung đã thuê một chiếc máy bay dân dụng thả các tờ quảng cáo xuống khu vực Bờ Hồ.
Công chiếu phim Kiếp Hoa
Để cho bộ phim thêm phần hấp dẫn, trang trọng và gây ấn tượng với công chúng trong buổi chiếu ra mắt, toàn bộ êkíp điều hành, bầu sô, đạo diễn… còn tổ chức một cuộc thi sáng tác bài hát làm nền cho phim với giải thưởng lớn. Cuối cùng bài hát Làng Tôi của nhạc sĩ Chung Quân (khi đó mới 16 tuổi) đã được chọn: “làng tôi có cây đa cao ngất tầng xanh…”
Một số cảnh quay của phim Kiếp Hoa được thực hiện ở Hongkong
Khi đình chiến Pháp – Việt 1954, theo làn sóng đồng bào di cư, vợ chồng ông đã quyết định chuyển một nửa đoàn cải lương Kim Chung vào Sài Gòn. Một nửa đoàn Kim Chung ở lại Hà Nội, do vợ chồng người em là Tiêu Lang và Kim Xuân quán xuyến. Tất cả đều hy vọng hai năm sau hai đoàn Kim Chung sẽ tái hợp. Nhưng do sự chia cắt đất nước, điều đó đã không xảy ra.
Ở lại Hà Nội, ông bà Tiêu Lang – Kim Xuân vẫn tiếp tục hành nghề tại rạp Kim Chung, lúc này đoàn do Sở Văn hóa Hà Nội quản lý về chuyên môn. Thời kỳ quân đội nhân dân Việt Nam về tiếp quản Thủ đô năm 1954, dân vùng tự do vào Hà Nội nghe cải lương nhiều, đoàn Kim Chung lại kiếm bộn tiền, nghệ sĩ rất phấn khởi, bảo nhau việc gì phải vào Sài Gòn cho khổ.
Nhưng đến năm 1955 cải cách ruộng đất ở nông thôn, cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh ở thành phố được đẩy mạnh, rạp Kim Chung cũng bị đánh thuế kinh doanh nghệ thuật, không còn ai đi xem hát nữa.
“Lúc này anh em buồn lắm, có người nói biết thế đi theo ông Trần Viết Long cho sướng”, ông Tiêu Lang kể.
Vợ chồng Tiêu Lang và Kim Xuân (phụ trách đoàn Kim Chung ở Hà Nội)
Nhưng rồi một năm sau Chính phủ sửa sai, mọi thứ lại dễ thở hơn. Cho tới năm 1966, đoàn Kim Chung lại lâm vào cảnh khó khăn, bị đưa vào quốc doanh thuộc Sở Văn Hóa, sau đó bị đổi thành đoàn Chuông Vàng cho hợp thời cuộc. Cái tên Kim Chung xem như bị xóa khỏi Hà Nội.
Còn nửa Đoàn Cải Lương Kim Chung do ông Long đưa vào Sài Gòn có một số phận hoàn toàn khác. Khi mới vào Sài Gòn do chưa quen đường đi nước bước nên bị chật vật. Nhưng nhờ ông bầu Long quyết đoán đã chơi trội hơn các đoàn khác. Ông thuê hẳn rạp Aristo để biểu diễn, sau đó đoàn ăn nên làm ra, nổi danh khắp Sài Gòn
Đoàn cải lương Kim Chung không những trụ diễn lâu dài tại rạp Aristo mà còn gây kinh ngạc cho giới cải lương qua việc diễn nhiều ngày chỉ có một vở hát “Trăng Giãi Đêm Sương” được diễn liên tục trên 40 đêm. Có thể nói rằng, đây là vở cải lương được hát liên tục trên sân khấu lần đầu tiên xuất hiện ở Sài Gòn. Và từ đó, chuyện hát nhiều ngày một vở diễn bắt đầu được các đoàn cải lương khác áp dụng.
Poster của Kim Chung năm 1957
Ban đầu khi mới vào Nam và thuê rạp Aristo, nhiều người đã nghi ngại cho đoàn Kim Chung. Một đoàn cải lương từ miền Bắc vào, lại thuê một rạp hát dài hạn, mà rạp đó lại là rạp Aristo, nơi mà các gánh cải lương khác trong Nam không gánh nào muốn về rạp này, trừ trường hợp bị kẹt rạp. Bởi nếu như đem so sánh với những rạp hát khác ở Sài Gòn, thì rạp Aristo nằm ở địa điểm bất lợi, chỉ có một con đường phía trước rạp, không có đường chạy ngang thông ra nhiều hướng như rạp Thành Xương, và còn kém xa hơn nữa nếu so với rạp Nguyễn Văn Hảo rộng rãi, lại là địa điểm thuận lợi cho khán giả từ miền Lục Tỉnh lên đậu ghe ở bến sông Cầu Ông Lãnh, vừa mua bán, vừa đi coi hát giải trí.
Do vậy mà hiếm đoàn hát muốn về đây, trừ trường hợp các rạp khác không còn trống, thì mới thuê mướn rạp Aristo này. Rạp còn có tên là Trung Ương Hí Viện, nằm trên con đường chạy dọc theo bờ tường rào nhà ga xe lửa, mà thời Pháp có tên là Colonel Grimaux (đường Lê Lai sau này).
Thuở đầu tiên nó chỉ là một khán trường nhỏ nằm trong một nhà hàng, nhưng vào khoảng những năm thập niên 1940, do khán giả đông, chủ nhân đã xây cất, mở rộng biến thành rạp hát. Có lẽ do yếu thế, ít đoàn hát thuê mướn, nên khi được đoàn Kim Chung thuê dài hạn (hợp đồng 5 năm và trả tiền từ năm một) thì chủ rạp đồng ý ngay, dù rằng giá thuê rất rẻ. Nghe nói khoảng một phần ba giá tiền cho các gánh nếu như thuê chỉ một tuần. Ông bầu Long có suy nghĩ nếu như giá thuê rạp rẻ thì dù ít khán giả vẫn không bị lỗ, vì không tốn kém di chuyển như hầu hết các gánh.
Thế nhưng, cái may mắn của đoàn Kim Chung là khi ký hợp đồng rồi thì đêm nào khán giả cũng đông chật rạp, là điều không ai ngờ được. Tuồng có sẵn ngoài Bắc mang hát lại hằng đêm, khán giả xem đông, không phải là khán giả của Sài Gòn, mà là khán giả thuộc đồng bào di cư miền Bắc, vào đây còn nằm tại Sài Gòn chưa được biết định cư đâu cả. Họ còn tiền bạc, họ đang nhớ đến quê hương miền Bắc, chợt có gánh hát ngoài Bắc vào, đương nhiên họ ủng hộ hết mình. Giai đoạn đầu của Kim Chung kiếm tiền dễ dàng, ăn bạc là vì thế.
Vợ chồng Kim Chung – Trần Viết Long
Có thể nói phần lớn tài danh sân khấu cải lương đã ở dưới trướng của Bầu Long. Các nghệ sĩ tên tuổi phục vụ cho Kim Chung người ta phải kể: Út Trà Ôn, Hùng Cường, Tấn Tài, Út Bạch Lan, Thanh Hải, Diệu Hiền, Lệ Thủy, Mỹ Châu, Thanh Kim Huệ, và 3 chàng Minh: Minh Cảnh, Minh Phụng, Minh Vương…
Đặc biệt ông Long còn cho đoàn hát đi diễn tại Pháp, những nơi có đông kiều bào Việt Nam sinh sống. Qua đợt diễn này ông hốt bạc, tiếng tăm của công ty Kim Chung lừng lẫy.
Một người nổi tiếng của đoàn là Bích Hợp – “cô đào thương đất Bắc”. Cô đẹp ở ngoài đời cho đến lúc lên sân khấu. Dĩ nhiên khi gia nhập nhập gánh Kim Chung từ khi gánh trụ diễn ở rạp Aristo, cô thường đóng vai đào nhì. Bích Hợp tuy làm đào nhì nhưng ăn lương như đào chánh .Tuy nhiên đôi khi cô thay Kim Chung đóng vai đào chánh như vai Phàn Lê Huê trong ”Phàn Lê Huê phá Hồng Thủy Trận”, rồi thay thế Kim Cương đóng vai Bàng Quý Phi trong vở “Xử án Bàng Quý Phi” và thay thế Bảy Nam đóng vai Ngọc Dung Hoàng Hậu trong vở “Phấn Hậu Cung” đã làm cho công chúng và báo chí nhiệt liệt tán thưởng.
đào Bích Hợp
Sau khi xảy ra biến cố 1975, ông Bầu Long và đào Kim Chung cùng gia đình đi Pháp. Đến năm 1981 thì ông về nước mang theo dự tính xây dựng lại đoàn Kim Chung. Nhưng rồi đã không làm gì được “lực bất tòng tâm”. Hai vợ chồng ông đều mất tại Sài Gòn.
Tổng hợp (theo Sài Gòn Văn Sử)
Nguồn: nhacxua