Bánh ngải cứu nhân vừng
Bánh ngải cứu nhân vừng hay còn có tên gọi khác như: bánh ngải, bánh giầy ngải. Nguồn gốc của loại bánh này xuất phát từ các tỉnh miền núi phía Bắc như Lạng Sơn, Bắc Kạn, Cao Bằng. Ở Lạng Sơn, đây được xem là loại bánh đặc sản, có vị ngọt thơm, mềm dẻo.
Bánh ngải là món ăn truyền thống của dân tộc miền núi trung du Bắc Bộ. Món ăn thơm ngon, thanh mát và đặc biệt tốt cho sức khỏe.
Bánh ngải thường được làm nhiều vào dịp Tết Thanh minh, những dịp mừng lúa mới. Giống như tên gọi của nó, nguyên liệu chính của bánh là lá cây ngải - loại cây thuốc và cũng là một loại thực phẩm quý, có vị đắng, có tác dụng tuyệt vời trong việc an thai, cầm máu, điều hòa khí huyết, giúp lưu thông máu,...
Nguyên liệu chính làm bánh từ lá ngải tốt cho sức khỏe.
Nhân bánh là thành phần chính tạo ra hương vị thơm ngon cho bánh. Nhân được làm từ vừng đen rang chín giã nhỏ trộn với đường phên đã được nấu chảy trên bếp nóng và để đặc lại.
Bánh hấp dẫn với màu xanh đẹp mắt.
Bánh ngải thực ra là món bánh chay, làm từ gạo nếp nhưng rất dễ ăn, ăn rất thanh mát và không bị ngấy. Qua nhiều công đoạn chế biến tỉ mỉ người ăn sẽ không cảm nhận được vị đắng và hắc của lá ngải, thay vào đó thấy mùi thơm dịu, dẻo của gạo nếp, vị ngọt của đường và mùi hương từ vừng mang hương vị khó quên của người dân xứ Lạng.
Bánh chưng đen
Bánh chưng đen (còn gọi là bánh chưng cẩm) được biết đến là một món bánh độc đáo của người dân tộc Tày ở huyện Bắc Sơn. Sở dĩ món bánh này được nhiều người yêu thích bởi nó có màu đen của tro rơm nếp, có vị thơm, mềm và ăn mát hơn so với bánh chưng truyền thống. Bởi vậy mà thực khách gần xa khi biết đến và thưởng thức bánh chưng đen đều rất thích thú, gọi là món bánh "hạ hỏa".
Bánh chưng đen là món ăn không thể thiếu trong dịp lễ, tết của người Tày.
Để có bánh chưng đen, khâu chuẩn bị rất công phu và không hề đơn giản, cần đến sự khéo léo, tinh tế. Tất cả các nguyên liệu làm bánh từ lúa nếp, thảo quả cho đến thịt lợn, đỗ xanh… đều đặc biệt vì mang đậm phong vị vùng cao.
Ngay từ tháng 10 âm lịch, người Tày đã rục rịch chuẩn bị những công đoạn đầu tiên để gói bánh chưng đen. Sau vụ gặt lúa mùa, người ta chọn những cọng rơm nếp to, vàng ươm đem về phơi khô rồi đốt thành tro. Sau đó, họ vò kỹ, rây lấy phần mịn nhất rồi trộn với gạo nếp thơm để tạo ra màu đen bóng.
Gạp nếp đạt “chuẩn” phải chọn giống ngon nhất, hạt to tròn đem vo thật kỹ, xóc với một chút muối tinh. Thịt lợn là thịt ba rọi thái mỏng ướp với gia vị, thảo quả khô giã nhỏ trộn cùng tiêu, ớt bột. Cuối cùng, nhân bánh là đỗ xanh trộn hành mỡ, hạt tiêu và được bọc trong lá dong rừng tươi.
Nét độc đáo của bánh chưng đen Lạng Sơn là nhờ vào những nguyên liệu đặc trưng.
Bánh chưng đen được gọi là "đạt chuẩn" phải tròn trịa, đậm đà, khi bóc ra đường lạt gói phải hằn đều lên thân bánh.
Khi thưởng thức, người dân lấy chính sợi lạt quấn quanh thân bánh để cắt thành từng khoanh. Nhìn từ phía ngoài, bánh dẻo quánh, nhân đỗ vàng ươm, dậy mùi thơm của hành mỡ, hạt tiêu, lá dong....
Nem nướng Hữu Lũng
Nghe đến món nem nhiều người sẽ nghĩ ngay đến món nem chua nức tiếng gần xa của Xứ Thanh. Nếu như nem chua Thanh Hóa với vị chua dịu nổi tiếng gần xa thì nem Hữu Lũng lại được yêu thích bởi hương vị chua nồng thơm đặc trưng khi nướng lên.
Nem Hữu Lũng thường có kích thước lớn hơn so với các loại nem khác.
Nem nướng được làm từ các nguyên liệu gồm: thịt lợn, bì lợn, muối tinh, thính, bột ngọt… Thịt làm nem phải là thịt mông dai và mua lúc lợn mới mổ, còn hồng tươi, mang về thái bằng dao sắc, mỏng. Bì lợn cũng được luộc sơ, thái thật mỏng. Sau đó, thịt, bì đều được ướp với gia vị mắm, muối, hạt tiêu khoảng 30 phút rồi trộn đều với bột thính.
Thưởng thức hương vị thơm ngon khó cưỡng từ nem nướng Hữu Lũng
Nem nướng Hữu Lũng có vị thơm, ngậy riêng chính là nhờ bột thính. Thính được làm từ gạo bao thai pha với gạo nếp thơm, rửa sạch, phơi cho khô nước. Sau đó, đem rang đều tay, đến khi vừa đủ độ vàng, giòn, có mùi thơm nức thì đem xay nhỏ thành bột. Một chiếc nem thường được làm từ khoảng 2 - 3 lạng thịt, gói bởi 3 lớp lá chuối, bên ngoài buộc lạt tre hoặc dây tơ dứa.
Nem để nguyên lá đem nướng trên than hoa hồng rực cho đến khi cháy xém hết lớp lá chuối, trong quá trình nướng phải lật nem liên tục để tránh nem bị cháy một bên. Không nên để nem quá lâu mới đem nướng, nem sẽ rất chua.
Món nem này nếu nhìn bề ngoài chẳng khác mấy so với nem chạo, nem thính khá nổi tiếng ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Tuy nhiên, nem nướng Hữu Lũng Lạng Sơn rất đặc biệt với hương thơm nồng khi nướng, mùi chua ngai ngái của thịt đã lên men quyện vào nhau, khi ăn kẹp cùng với lá đinh lăng, lá sung chấm tương ớt. Vị chua, ngot, cay dịu tạo nên hương vị độc đáo khiến du khách đã thưởng thức một lần là nhớ mãi.
Thành Trung / Theo: doanhnhan
No comments:
Post a Comment