Saturday, August 5, 2023

SẢN VẬT LẠNG SƠN (PHẦN 1)

Lạng Sơn là thành phố nằm phía Đông Bắc Việt Nam nổi tiếng với nhiều di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh. Du khách đến với Xứ Lạng không chỉ mãn nhãn với cảnh sắc hùng vĩ, thả hồn cùng sông núi, mà còn được thưởng thức nhiều sản vật mang đậm hương vị vùng núi rừng nơi đây.


Hồng không hạt Bảo Lâm

Hồng không hạt Bảo Lâm là loại cây ăn quả đặc sản của huyện Cao Lộc, nằm trong danh sách 50 loại trái cây đặc sản của Việt Nam.

Theo lời kể của những vị "già làng" trong vùng, lịch sử của những cây hồng không hạt đã có trên 100 năm, khi lớn lên họ đã thấy cây hồng hiện diện trong vườn, trên đồi nhà từ khi nào. Từ đó cây hồng không hạt đã gắn bó với biết bao thế hệ con người, gắn bó với đồng bào dân tộc Tày, Nùng trên vùng đất đồi núi biên giới nơi đây.

Hồng không hạt Bảo Lâm.

Giống hồng không hạt Bảo Lâm quả tròn, nhỏ có hình trái tim, không có hạt. Trên cuống có bốn tai nhỏ, khi hồng chín các tai hóa gỗ có màu nâu và hơi cong lên phía trên. Thân quả có 4 - 6 rãnh kéo dài từ cuống đến giữa quả làm nổi nhẹ 6 - 8 múi.

Quả chín vỏ có màu vàng đỏ hoặc màu vàng đất có ánh xanh lục, vỏ dày, nhẵn không bóng, thịt quả màu đỏ vàng da cam hoặc vàng đậm, mịn. Thịt quả ăn giòn, thơm, ngọt đậm, mặt cắt ngang của quả có hình hoa thị 8 - 12 cánh đều nhau, màu vàng đỏ đậm, hầu như không có đốm đen.

Giữa tháng 8 âm lịch là mùa hồng Bảo Lâm chín rộ được người dân thu hái bán tại vườn.

Người dân thường chọn cây hồng quả to đẹp, thân cây cao lớn chắc chắn rồi chặt lấy một đoạn rễ dài khoảng 30 - 40 cm, sau đó ươm cho đến khi nảy mầm. Với cách trồng này, khoảng 8 - 10 năm sau cây sẽ bói quả; nếu trồng bằng phương pháp ghép cành chỉ khoảng 3 - 5 năm. Giống cây hồng Lạng Sơn này chỉ hợp với thổ nhưỡng và khí hậu tại một số xã của huyện Cao Lộc.

Vùng núi giáp biên phía Trung Quốc cũng trồng hồng, nhưng chất lượng và vị ngon không thể bằng hồng Bảo Lâm. Theo kinh nghiệm của người dân, hồng Bảo Lâm tai quả nhỏ, hơi vểnh lên, rãnh sâu, còn hồng Trung Quốc tai quả cụp xuống, khi ăn không ngọt đậm đà.

Đào Mẫu Sơn

Sức hấp dẫn kỳ diệu của Mẫu Sơn thoạt tiên có lẽ bởi từ những cánh hoa dào độc đáo, đỏ thẩm huyền diệu và quyến rũ. Đào Mẫu Sơn nổi tiếng bởi vẻ đẹp rực rỡ của hoa, vị thơm ngon đậm đà của trái. Đào Mẫu Sơn cho hoa rực đỏ vào mùa xuân, cho quả ứng hồng, thơm ngon vào mùa hạ.

Đào Mẫu Sơn thường được trồng ở các khe núi sâu ở vùng núi Mẫu Sơn có vị ngọt thanh đậm chất núi rừng.

Mỗi năm, tại Mẫu Sơn chỉ có duy nhất một mùa đào và chỉ diễn ra trong vòng một tháng. Cũng vì lẽ đó mà những trái đào dường như đã trở thành một sản vật vô cùng quý giá mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng riêng cho vùng đất này.

Có người lý giải rằng, do giống đào này trồng ở độ cao hàng nghìn mét so với mực nước biển, giữa khí lạnh và mây trời nên khi chín, quả có màu xanh nhạt, sáng trắng lên, ăn có vị ngọt lịm mà lại giòn tan, thịt đào đỏ au, có mùi thơm dịu dàng rất đặc trưng mà trái đào nơi khác không thể nào có được.

Quýt vàng Bắc Sơn

Quýt vàng Bắc Sơn được coi là cây xóa đói giảm nghèo cho các hộ đồng bào dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Dao, H’Mông nơi đây. Mùa quýt chín vào khoảng cuối tháng 11 dương lịch đến tháng 1 năm sau, cũng là thời điểm giáp Tết Âm lịch.

Quýt vàng Bắc Sơn

Cây quýt vàng Bắc Sơn là giống cây ăn quả bản đặc điểm tự nhiên là ưa ánh sáng, độ ẩm vừa phải, sinh trưởng tốt trong khe núi, thung lũng. Quýt nơi đây có hai lọai là quýt quả tròn và quýt quả dẹt.

Quýt quả tròn khi chín có màu vàng ươm, vỏ mỏng trung bình, dóc vỏ, ít sơ, vị ngọt đậm, thơm, trọng lượng quả từ 80 - 150g, khi bóc có lỗ rỗng ở giữa quả. Quýt quả dẹt có hai đầu lõm, hình hơi dẹt, khi chín có màu vàng ươm, vỏ mỏng trung bình, dễ bóc vỏ, có ít sơ, vị ngọt hơi chua, trọng lượng quả trung bình từ 100 - 150g. Quýt vàng Bắc Sơn của tỉnh Lạng Sơn là một trong những giống quýt có hương vị ngon nhất hiện nay.

Quýt Bắc Sơn có màu sắc hấp dẫn, vỏ căng mọng, bóng, ít hạt, vị ngọt đậm và hơi chua rất đặc trưng mà nơi khác không có được.

Theo người dân nơi đây, sở dĩ quýt vàng Bắc Sơn thơm ngon đặc biệt là bởi quýt vàng Bắc Sơn được trồng trên một vùng đất đai màu mở chủ yếu là đất feranit nâu đỏ hoặc màu vàng, ở độ cao 500 - 700m so với mực nước biển.

Sinh trưởng trong các thung lũng, các khe núi với khí hậu trong lành, mát mẻ nên cây sinh trưởng phát triển tốt đơm hoa kết quả tạo ra thứ quýt ngon với hương vị thanh mát hiếm có.

Thành Trung / Theo: doanhnhan
SẢN VẬT LẠNG SƠN (PHẦN CUỐI)