Tuesday, August 22, 2023

BẤT HÒA NHẬN THỨC (COGNITIVE DISSONANCE) LÀ GÌ?

Con người ta luôn tìm kiếm sự thống nhất giữa những niềm tin và cách nhìn nhận của mình. Vậy điều gì sẽ xảy ra khi một trong những niềm tin của bạn xung đột với niềm tin đã lỡ có từ trước ? Hoặc điều gì sẽ xảy ra nếu bạn làm ra những hành vi đi ngược lại với những niềm tin trong bạn ?

Nguồn: towards life-knowledge

Thuật ngữ bất hòa nhận thức được sử dụng để mô tả cảm giác khó chịu khi chủ thể có 2 niềm tin xung đột với nhau. Khi có sự bất nhất giữa những niềm tin và hành vi, chủ thể buộc phải thay đổi thứ gì đó để xóa bỏ hoặc giảm bớt sự bất hòa này.

Vậy chính xác thì bất hòa nhận thức vận hành và ảnh hưởng như thế nào lên cách tư duy và hành xử của chúng ta?

Định nghĩa

Nhà tâm lý học Leon Festinger đã đưa ra một học thuyết về bất hòa nhận thức, tập trung vào cách con người ta cố gắng đạt được sự thống nhất bên trong tâm trí mình. Ông cho rằng bên trong mỗi người đều có một nhu cầu bảo đảm những niềm tin và hành vi của mình phải nhất quán với nhau. Những niềm tin bất nhất hay xung đột làm ta cảm thấy cực kỳ khó chịu, vậy nên ai cũng cố gắng tránh né tình trạng này.

Trong cuốn Một học thuyết về Bất hòa nhận thức, Festinger đã giải thích rằng, “Bất hòa nhận thức có thể được xem là một tình trạng tiền đề đưa đến hành động hướng đến giảm bất hòa, như kiểu cơn đói khiến chủ thể hành động để giảm cơn đói. Đây là một kiểu động lực rất khác biệt với cái động lực mà bấy lâu nay các nhà tâm lý học vẫn đang tập trung, thế nhưng, lại vô cũng mạnh mẽ.”

Những yếu tố ảnh hưởng

Mức độ bất hòa mà ta cảm thấy có thể phụ thuộc vào một số các yếu tố khác nhau, bao gồm mức độ ta coi trọng một niềm tin cụ thể nào đó và mức độ bất nhất giữa các niềm tin.

Nói chung, cường độ tình trạng bất hòa có thể bị ảnh hưởng bởi một vài yếu tố.

– Những góc nhìn nhận nào càng mang tính cá nhân, của riêng chủ thể, như những niềm tin về bản thân, sẽ càng có xu hướng đưa đến bất hòa lớn hơn.

– Tầm quan trọng của những kiểu nhận thức này cũng đóng một vai trò nhất định. Những thứ nào liên quan đến niềm tin được coi trọng nhiều thường sẽ đưa đến bất hòa mạnh mẽ hơn.

– Tỷ lệ giữa những suy nghĩ bất hòa và những suy nghĩ hòa hợp có thể đóng một vai trò quyết định cường độ của những cảm giác khó chịu này.

– Bất hòa càng lớn thì áp lực giải tỏa cảm giác khó chịu càng gia tăng theo.

– Bất hòa nhận thức thường tác động mạnh lên hành vi và hành động của chúng ta. Hãy bắt đầu bằng việc xét một vài ví dụ về cách thức vận hành của nó.


Ví dụ

Bất hòa nhận thức có thể xuất hiện trong nhiều khía cạnh của cuộc sống, nhưng nó đặc biệt rõ ràng trong những tình huống khi hành vi của chủ thể xung đột với những niềm tin gắn liền với bản dạng cá nhân tự thân của người ấy. Ví dụ, hãy cân nhắc một tình huống: một người đàn ông coi trọng trách nhiệm của mình với môi trường vừa mới mua một chiếc xe mới, và rồi sau đó mới vỡ lẽ ra là xe này không tiết kiệm nhiên liệu lắm.

Xung đột:

– Người đàn ông cảm thấy việc bảo vệ môi trường là quan trọng.

– Ông ta đang lái một chiếc xe không thân thiện với môi trường.

Để giảm thiểu bất hòa giữa niềm tin và hành vi, ông này sẽ có một số lựa chọn như sau. Ông ta có thể bán chiếc xe này và mua một cái khác, tiết kiệm nhiên liệu hơn, hoặc ông có thể bớt chú tâm vào trách nhiệm của bản thân với môi trường. Nếu chọn phương án thứ hai, bất hòa của ông ta có thể được giảm thiểu hơn nữa nếu ông ta thực hiện các hành động làm giảm tác động của việc lái phương tiện ngốn nhiên liệu, như tận dụng phương tiện giao thông công cộng thường xuyên hơn hoặc đạp xe đạp đi làm mỗi khi có dịp.

Một ví dụ thường gặp hơn về bất hòa nhận thức xuất hiện trong các quyết định mua sắm hằng ngày. Hầu hết chúng ta đều muốn tin rằng mình có lựa chọn mua sắm đúng đắn. Khi một sản phẩm hoặc một món hàng ta mua chẳng ra gì thì nó xung đột với niềm tin trước đây của chúng ta về năng lực đưa ra quyết định của bản thân.


Thêm các ví dụ khác

Trong cuốn “Học thuyết về Bất hòa nhận thức” xuất bản năm 1957 của mình, Festinger đưa ra một ví dụ về cách đối phó của chủ thể với bất hòa có liên quan đến hành vi về sức khỏe. Những người hút thuốc lá sẽ tiếp tục duy trì hành vi này, thậm chí cả khi họ biết tác hại ghê ghớm của nó lên sức khỏe. Tại sao một ai lại có thể vẫn tiếp tục làm một hành vi mà bản thân họ biết là không tốt, thiếu lành mạnh?

Theo Festinger, một người có thể quyết định họ coi trọng việc hút thuốc hơn sức khỏe của chính mình, và cho rằng hành vi này vẫn “đáng làm” sau khi cân nhắc rủi ro và việc được tưởng thưởng.

Một cách khác để xử lý bất hòa nhận thức là giảm thiểu những trở ngại tiềm ẩn. Người hút thuốc có thể tự thuyết phục bản thân rằng các tác động tiêu cực lên sức khỏe đã họ thổi phồng quá mức. Anh ta cũng có thể xoa dịu những mối lo về sức khỏe bằng cách tự nói với bản thân rằng kiểu gì thì kiểu, mình cũng không thể tránh được tất cả những nguy cơ về sức khỏe đầy rẫy ngoài kia.

Cuối cùng, Festinger cho rằng người hút thuốc có thể cố thuyết phục bản thân mình rằng nếu mình thực sự ngừng hút thuốc thì mình sẽ bị tăng cân, và đây cũng là một nguy cơ về sức khỏe. Theo cách giải thích này, người hút thuốc có thể giảm thiểu trạng thái bất hòa này và tiếp tục hành vi hút thuốc hiện tại.

Làm sao để giảm thiểu hiện tượng này?

Theo học thuyết về bất hòa nhận thức của Festinger, con người ta cố tìm kiếm sự thống nhất trong suy nghĩ, niềm tin và quan điểm của bản thân. Vậy nên khi có xung đột trong các thành tố nhận thức này thì con người ta sẽ cố tìm cách giảm thiểu sự bất hòa và cảm giác khó chịu. Họ sẽ nhiều lựa chọn khác nhau để thực hiện.


Có ba chiến lược chủ đạo giúp làm bớt hay giảm thiểu bất hòa nhận thức:

Tập trung hơn vào những niềm tin ủng hộ hơn là những niềm tin hay hành vi mâu thuẫn. 

Ví dụ, con người biết rằng khí thải nhà kính khiến trái đất nóng lên và họ có thể có xung đột/bất hòa nhận thức nếu họ đang lái một phương tiện ngốn nhiều xăng. Để giảm sự bất hòa này, họ có thể tìm kiếm những thông tin giúp đối chọi lại sự liên tưởng giữa khí nhà kính và sự ấm lên toàn cầu. Thông tin mới này có thể giúp giảm bớt sự khó chịu và bất hòa mà người đó đang trải nghiệm.

Giảm tầm quan trọng của niềm tin đang mâu thuẫn.

Ví dụ, một người đàn ông quan tâm đến sức khỏe của mình có thể cảm phấy phiền muộn khi biết rằng ngồi lâu cả ngày có thể gây giảm tuổi thọ. Vì anh này phải làm việc cả ngày ở văn phòng và dành chủ yếu thời gian để ngồi, nên sẽ rất khó để anh này thay đổi hành vi để giảm thiểu cảm giác bất hòa. Để xử lý những cảm giác khó chịu này, anh ta có thể tìm một số cách để điều chỉnh hành vi bằng cách tin rằng những hành vi lành mạnh khác của mình có thể bù đắp đáng kể cho lối sống phải ngồi một chỗ này.

Thay đổi niềm tin đang mâu thuẫn để khớp với những hành vi hoặc những niềm tin khác.

Thay đổi nhận thức đang mâu thuẫn là một trong những cách hữu hiệu nhất để đối phó với tình trạng bất hòa, nhưng nó cũng là một trong những con đường gian nan nhất. Đặc biệt là đối với những niềm tin và giá trị tồn tại thâm sâu, việc thay đổi có thể cực kỳ khó thực hiện.

Kết luận

Bất hòa nhận thức đóng một vai trò quan trọng trong nhiều phán đoán, quyết định và đánh giá của chúng ta. Nhận biết được sự ảnh hưởng của những niềm tin mâu thuẫn lên quá trình ra quyết định có thể là một cách tuyệt với để cải thiện khả năng đưa ra những lựa chọn vừa nhanh hơn, vừa chính xác hơn. Niềm tin không tương khớp với hành động có thể đưa đến cảm giác khó chịu, nhưng những cảm xúc đó có thể cũng đưa đến sự thay đổi và phát triển tích cực. Trong một số trường hợp, bạn đơn giản là tìm cách hợp lý hóa xung đột đó, nhưng cũng có lúc, bạn có thể thay đổi hoặc niềm tin, hoặc hành vi để tạo nên sự thống nhất giữa chúng.

Ví dụ, nếu bạn tin rằng tập thể dục là quan trọng đối với sức khỏe nhưng lại hiếm khi dành thời gian để vận động cơ thể thì bạn có thể đang gặp tình trạng bất hòa nhận thức. Tình trạng này có thể khiến bạn phải tìm mọi cách để cảm thấy thoải mái hơn bằng cách tăng vận động thể dục mỗi tuần. Trong trường hợp này, thay đổi hành vi để gia tăng sự thống nhất với niềm tin và giảm tình trạng bất hòa nhận thức có thể đóng một vai trò tích cực trong đời sống và sức khỏe của bạn.


Tham khảo:

Baumeister, RF & Bushman, B. Social Psychology and Human Nature. Belmont, CA: Thompson Wadworth; 2008.

Cooper, J. Cognitive dissonance: 50 years of a classic theory. London: Sage Publications; 2007.


Nguồn: https://www.verywellmind.com/what-is-cognitive-dissonance-2795012

Như Trang / Theo: trangtamly



No comments: