Friday, September 1, 2023

NƯỚC MẮM NGỰ TRỨ DANH Ở TRÀ VINH

Vùng Ba Động, Cồn Cù thuộc huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh từ thời khẩn hoang lập ấp tới giờ đã được trời phú cho “lộc rươi” để làm ra loại nước mắm trứ danh từng được vua Gia Long ưa thích.

Mùa hội vớt rươi

Kể từ khi lên ngôi hoàng đế (1802), vua Gia Long đã cho ghe bầu từ Huế vào tận làng nghề này mua nước mắm về dùng, từ đó nước mắm rươi còn được gọi là nước mắm Ngự.

Mùa hội vớt rươi

Theo người dân Ba Động, Cồn Cù thì rươi là một loài sên đất, nhỏ chỉ bằng cỡ que diêm quẹt, có chiều dài khoảng hơn 1 tấc, thân mềm nhũn màu sắc tươi rói và trong suốt. Đây là một loài sinh vật biển quý hiếm, sống chủ yếu ở vùng nước ngập mặn dọc theo những con sông, rạch và bãi bồi ven biển. Nhưng không phải vùng cửa sông ven biển ngập mặn nào cũng có rươi sinh sống, vì vậy, sự xuất hiện của rươi ở vùng này được coi là “lộc trời”.

Mùa rươi của miền Tây Nam bộ thường bắt đầu vào mùa gió chướng se lạnh thổi về, khi triều cường dâng cao nhất trong năm, dân gian gọi là mùa nước rong. Đây là thời điểm rươi bắt đầu xuất hiện, nhưng đỉnh điểm là vào hai ngày rằm (15) và 30 của các tháng 11, tháng Chạp, tháng Giêng âm lịch.

Hằng năm, bất kể thời tiết có thay đổi gì đi nữa, thì cứ đến hẹn là rươi lại xuất hiện, bởi đây chính là thời điểm giao hoan để loài rươi duy trì nòi giống. Nếu không được khai thác, hoặc khai thác không xuể thì sau khi rươi cái đẻ trứng xong, hàng triệu con rươi đực và cái sẽ quyện tròn vào nhau thành từng búi, từng mảng lớn trôi ra biển mà chết.

Vào mùa rươi, trên mặt những dòng sông, con rạch…, từng đám rươi dày đặc bập bềnh trôi, người dân trong vùng dùng vợt bọc bằng vải mùng nô nức đi vớt rươi đông như trẩy hội. Nhiều gia đình phải huy động cả nhà, thậm chí cả những người đang làm ăn ở xa trở về để ra sông, rạch vớt rươi. Bởi vậy từ lâu trong dân gian đã lưu truyền câu ca dao: “Dù ai buôn bán trăm nghề/ Ba mươi tháng Chạp nhớ về vớt rươi”.

Những năm được mùa rươi, nhiều hộ gia đình có đông người tham gia vớt rươi thu hoạch được vài ba chum sành, mỗi chum sành chứa được khoảng 200 lít nước mắm thành phẩm.

Thành phẩm nước mắm rươi

Làng nghề danh tiếng

Nước mắm đã xuất hiện từ lâu nhưng nước mắm rươi thì chỉ có ở vùng Ba Động, Cồn Cù và trở thành một đặc sản nức tiếng. Nước mắm rươi Trà Vinh có màu vàng óng tự nhiên như mật ong, hương vị rất riêng, ngọt về hậu nên rất hấp dẫn, người ta có thể dùng để kho cá, ướp đồ ăn và làm nước chấm đều rất tuyệt vời.

Về tên gọi nước mắm Ngự, người dân nơi đây kể rằng, tương truyền khi xưa trong những tháng ngày Nguyễn Ánh bôn tẩu tới xứ Ba Động, Cồn Cù thì được một phú hộ chăm lo phục dịch và đặc biệt mỗi bữa ăn đều có nước mắm rươi để chấm, hoặc kho cá. Nguyễn Ánh rất khoái khẩu với hương vị nước mắm rươi xứ này nên về sau, khi lên ngôi hoàng đế (1802), với niên hiệu Gia Long, hằng năm nhà vua đều cho đội ghe bầu vào Ba Động mua nước mắm rươi về dùng, từ đó dân làng nghề gọi là nước mắm Ngự.

Theo những bậc cao niên của làng nghề thì quy trình làm nước mắm cũng rất đơn giản, không có gì cầu kỳ, khó thực hiện, người dân nào cũng có thể làm được. Khi vớt rươi về không cần rửa sạch, vì con rươi vốn rất sạch, trung bình mỗi một cặp thùng chứa rươi khoảng 40 lít (gọi là một đôi rươi), pha tỷ lệ 8 lít muối hột và 20 lít nước sạch, được nước mưa là tốt nhất, rồi ủ rươi trong khạp, lu bằng sành đem phơi ở nơi có nắng ráo, cứ 10 đến 15 ngày giở nắp ra tiếp tục đè chìm xác rươi xuống.

Một cơ sở sản xuất nước mắm rươi

Thời gian ủ rươi khoảng 3 tháng, khi thấy xác rươi đã hoàn toàn chìm xuống đáy khạp, lu thì có thể ăn được, nhưng để đạt được chuẩn thật tuyệt vời thì cần ủ từ một năm trở lên.

Những năm gần đây, nhờ làng nghề truyền thống bắt đầu áp dụng khoa học công nghệ tân tiến vào quy trình sản xuất, nhằm đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và được đầu tư khâu đóng gói bao bì để lưu trữ, vận chuyển đi xa, nên sản phẩm nước mắm rươi Ba Động đã và đang được mở rộng thị trường, quảng bá thương hiệu.

Lương Định
Theo: giaoducthoidai