Trên đời này, vạn vật sinh ra đều chịu sự tác động của quy luật Nhân - Quả, và lối sống của một gia đình cũng không nằm ngoài sự tác động này. Cho nên, nếu một gia đình có truyền thống không tốt, các thành viên không biết làm nhiều việc thiện để tích lũy phước lành, con cháu lười lao động, không có chí tiến thủ, không có nề nếp gia phong thì cho đến một thời điểm nào đó, gia đình đó không còn giữ được sự thịnh vượng, thậm chí có thể suy vong.
Sự thịnh vượng của một gia đình ngoài điều kiện vật chất, tài sản do thế hệ trước để lại, còn phụ thuộc vào lối sống, sự chăm chỉ, đoàn kết, yêu thương đùm bọc lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình. Dù không giàu có nhưng nếu có chí làm ăn, nỗ lực lao động, anh chị em hòa thuận thì trong một thời gian ngắn cũng trở nên phát đạt.
Trong cuộc đời mỗi người có vô số con đường để đi, có vô số "cánh cửa" cần phải tự mình đóng lại để cuộc đời tươi sáng hơn. Trong đó, có 3 "cánh cửa" mà bất cứ gia đình nào nếu muốn thịnh vượng đời đời cũng nhất định phải "đóng lại", vì nó là thuận theo thiên thời, nếu càng cố ý bước vào, càng tự mình gặt lấy tai họa mà thôi:
1. "Đóng cửa" thù hận, tránh xa phiền não bằng việc hằn học, mâu thuẫn lẫn nhau
Nếu một gia đình mà các thành viên luôn sống trong thù hằn với người ngoài hay với người thân từ thế hệ trước để lại, đến đời con cái vẫn còn tồn đọng sự oán trách, không thể tha thứ cho qua thì gia đình đó sẽ sống khổ sở trong thù hằn cả đời. Trong lòng lúc nào cũng u uất, không thể tự giải thoát, tha thứ, gia đình như thế làm sao có thể thanh thản, đùm bọc và yêu thương lẫn nhau? Đến một lúc nào đó, các thành viên trong nhà rồi cũng sẽ xảy ra tình trạng mâu thuẫn, xung đột và chia rẽ bè phái.
Là những bậc cha mẹ, đừng để con cái mình nuôi dưỡng lòng hận thù lẫn nhau. Nếu là mối thù hận ở bên ngoài, ở đời của cha mẹ, ông bà thì cũng nên giải quyết dứt điểm ổn thỏa, đừng để đến đời con cháu giữ thù cũ hận xưa. Khép lại cánh cửa ân oán, không xích mích, mâu thuẫn mới giữ được phúc lành, chuyện đời trước là của đời trước, không vì thế mà ảnh hưởng đến đời sau.
Một gia đình muốn phát triển, thịnh vượng thì mỗi thành viên phải biết cách "lật sang trang" mới, học cách quên đi quá khứ, không để cách ứng xử của bản thân bị ảnh hưởng bởi những chuyện không đáng.
2. "Đóng cửa" lòng tốt vô tội vạ, giúp đỡ người khác nhưng cũng phải có trí tuệ
Lòng tốt là bản chất của mỗi người, giúp đỡ người khác cũng là một việc tốt cần phải phát huy, nhưng chúng ta không thể giúp đỡ người khác một cách vô tội vạ. Có câu: "tri nhân tri diện bất tri tâm", lòng người khó đoán,biết mặt nhưng không thể biết lòng biết dạ, thế nên đừng dành lòng tốt của mình một cách "bừa bãi" cho người khác.
Trên đời này, không phải sự hào phóng nào của bạn cũng có thể đổi lấy lòng biết ơn của người khác. Như câu chuyện về người nông dân và con rắn: một người nông dân quá tốt bụng đến mức không chịu lắng nghe người khác, cuối cùng lại bị chính con rắn do mình cứu lấy cắn chết.
Trong cuộc sống, đối với những người không biết ơn thì không xứng đáng để bạn để tâm và cố gắng giúp đỡ họ. Sẽ là khôn ngoan nếu lòng tốt được đặt đúng chỗ, biết giúp đỡ người một cách có trí tuệ.
3. "Đóng cửa" lòng tham vô đáy, kẻo tự chuốc họa vào thân
Cổ nhân dạy: Cái họa lớn nhất là sống không biết đủ, cái hại lớn nhất là lòng tham lam.
Một gia đình muốn có phúc lâu dài thì các thành viên trong nhà phải học cách biết đủ, biết cư xử phải phép, làm việc gì cũng không được quá tham lam, sống ngay thẳng, đừng thấy cái lợi trước mắt mà không phân biệt phải trái đúng sai. Đạt được điều mà bản thân cần đó chính là phúc, tham lam quá nhiều ắt sẽ nhọc tâm.
Có người vì quá tham lam mà vô tình gây họa, tài sản tiêu tán, để lại "mớ hỗn độn" cho con cái đời sau, và chính thế hệ con cháu đời này phải chịu tổn thương do người đời trước để lại.
Làm giàu là việc không thể đạt được trong một sớm một chiều, thế nên đừng vì lòng tham vô đáy mà rước họa vào nhà. Nếu biết làm việc chân chính, chăm chỉ và nỗ lực, không ngại khó khăn, vận may ắt sẽ đến. Đến một thời điểm nào đó sẽ nhận được quả ngọt, gia đình hạnh phúc.
Sướng khổ trong đời này đều bắt nguồn từ cái tâm của chúng ta. Nếu muốn sống vui vẻ thì đừng tham lam, muốn được như vậy thì phải thông tỏ.
Nếu một gia đình có các thành viên sống cùng nhau với sự đoàn kết yêu thương, có nguyên tắc và chí tiến thủ, cùng nhau tiến bộ và hỗ trợ lẫn nhau, thì sẽ cùng nhau xây dựng gia đình hạnh phúc và viên mãn đời đời, con cháu hưởng phúc.
Cổ nhân có câu: "Tích thiện chi gia, tất hữu dư khánh; bất tích thiện chi gia, tất hữu dư ương" (Nhà tích thiện, ắt phúc có dư; nhà không tích thiện, ắt họa có dư). Gia đình biết làm việc thiện, tích phúc thì con cháu đời sau sung sướng, viên mãn. Muốn được như vậy thì mỗi người phải biết cách tránh xa thù hận, lòng tốt không đúng chỗ và lòng tham vô đáy.
Phương Uyên / Theo: Soha