Người có đạo đức sẽ không cô độc, mà sẽ có người cùng chí hướng đồng hành (ảnh minh họa Meeyland)
Người quân tử có đạo đức sẽ không cô độc
Trong xã hội, quan hệ láng giềng là mối quan hệ tiếp xúc nhiều nhất, và cũng là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất giữa người với người. Tục ngữ có câu: “Bà con xa không bằng láng giềng gần”. Mối quan hệ láng giềng gần gũi, hòa thuận là điều kiện không thể thiếu cho cuộc sống hạnh phúc.
Ở góc độ này, “lân” có thể mở rộng thành tình bạn rất thân thiết gần gũi, giúp đỡ lẫn nhau tương tự như hàng xóm láng giềng, nên hàm ý của “đức bất cô, tất hữu lân” là: Một người có đạo đức sẽ không bị cô lập, người đó sẽ có bạn bè xung quanh làm chỗ dựa, như vậy sớm muộn gì người đó cũng sẽ thành công!
Người quân tử có đạo đức cao thượng, tất có bằng hữu kết giao (ảnh minh họa Vietq)
“Đức bất cô, tất hữu lân” không chỉ là kinh nghiệm sống, mà còn thể hiện quy luật trong cuộc sống. Người xưa nói: “Đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu”, vạn sự vạn vật trên đời đều có xu hướng tiếp cận những điều gần gũi với mình, những thứ giống nhau hoặc tương tự sẽ luôn đi cùng nhau.
Vì vậy, chúng ta thường nói: “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”. Những người trong cùng một nhóm thường có tâm tính, chí hướng và con đường giống nhau. Khoảng cách giữa những người cùng chí hướng có thể rất gần hoặc rất xa về thời gian và không gian, nhưng dù ở gần hay xa thì cuối cùng họ cũng sẽ cộng hưởng với nhau.
Vì vậy, hãy nỗ lực tu dưỡng đạo đức của bản thân, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chú trọng tuân thủ các quan niệm đạo đức, không ngừng rèn luyện và ước chế bản thân, để trở thành một người có tấm lòng khoan dung, quang minh chính trực, không thẹn với trời đất, chắc chắn sẽ kết giao được nhiều bạn bè có đạo đức cao thượng. Đồng thời, đạo đức cao thượng cũng có thể hóa giải nhiều tranh chấp và giải quyết vấn đề một cách hòa bình.
Tây Bá Hầu dùng đức để cảm hóa mọi người
Thuở xưa, người dân Ngu Quốc và Nhuế Quốc có tranh chấp về ranh giới ruộng đất. Họ cùng nhau đến Tây Kỳ để mời Tây Bá Hầu (Chu Văn Vương) giúp họ phân xử. Họ đến lãnh thổ thuộc quyền quản lý của Tây Bá Hầu, thấy rằng người dân ở đó tôn trọng lẫn nhau như những người có học vấn và có tiết tháo. Khi họ đến Kinh thành, họ thấy các sĩ phu ở đó tôn trọng nhau như Tam Công và Cửu Khanh.
Tây Bá Hầu đã dùng đức để cảm hóa người dân (ảnh Thuvienphongthuy)
Người dân 2 nước này thấy tình cảnh như vậy thì rất xúc động, và cảm thấy vô cùng xấu hổ. Họ suy nghĩ lại thì thấy rằng những cánh đồng mà họ đang tranh chấp chỉ là ruộng nhàn rỗi, họ không cần phải giành nhau nữa, họ liền bắt tay chào tạm biệt nhau rồi mỗi người trở về nước của mình.
Bằng cách này, tranh chấp đã được giải quyết nhờ cảm hóa đạo đức cao đẹp của quan lại và dân chúng nhà Chu. Triết gia thời xưa từng nói: “Hành vô ngôn chi giáo”, ý chỉ dùng phương pháp không lời mà dạy dỗ, Tây Bá Hầu đã làm được điều này.
Khổng Tử nói: “Đạo đức của Văn Vương rất vĩ đại, có thể nói đã đạt đến trình độ không ai có thể bì được. Không cần cố ý hành động, mà khiến con người trở nên thay đổi, không cố ý làm gì thì đã đến gần thành công. Điều này là do Văn Vương là người tỉ mỉ, thận trọng, chân thành và cung kính đối với mọi người, do đó đã cảm hóa được Ngu Quốc và Nhuế Quốc, nhờ đó mà đất nước trở nên hòa bình và yên ổn”.
Người nhân đức sẽ không lo lắng
Cốt lõi trong tư tưởng đạo đức của Khổng Tử là “nhân”, ông nói trong “Luận ngữ – Tử Hãn”: “Trí giả bất hoặc, nhân giả bất ưu, dũng giả bất cụ” (知者不惑, 仁者不憂, 勇者不懼). Nghĩa là, người trí tuệ thì không bị mê hoặc, người nhân đức sẽ không lo lắng, người dũng cảm sẽ không sợ hãi.
Người nhân đức có tấm lòng vô cùng khoan dung và bình tĩnh, nên sẽ không lo lắng (ảnh Kienthuc)
Sở dĩ một “người nhân từ” có thể đạt được “không lo lắng” là bởi vì người đại nhân đại nghĩa thường có một tấm lòng vô cùng khoan dung và bình tĩnh, có thể bỏ qua nhiều chi tiết vụn vặt, không so đo tính toán đến chuyện được mất nhất thời. Những người bình thường sẽ luôn lo lắng phiền não về những chuyện được và mất nhỏ bé, cảm thấy chán nản trước một số thất bại nhỏ, đương nhiên họ không thể đạt đến trạng thái “không lo lắng” của người nhân từ.
Có câu ngạn ngữ: “Chúng ta không thể phát triển chiều dài của sinh mệnh, nhưng chúng ta có thể phát triển chiều rộng của sinh mệnh”. Cuộc đời chúng ta dài bao lâu? Chúng ta không biết. Dòng sông chứa được bao nhiêu nước không phải là do chiều dài con sông quyết định, mà là phụ thuộc khoảng cách 2 bên bờ sông. Sự khoan dung này là gì? Đó là tình cảm nhân ái. Hãy cố gắng làm người nhân đức thì bạn sẽ không cô độc, cũng không lo phiền.
Uyển Nhi / Theo: nguyenuoc