Vì sao Karate có thể thành công như thế? Một trong những nguyên nhân cơ bản là người sáng lập ra môn võ này vốn là một nhà giáo có năng lực, đã truyền dạy Karate như một thứ văn hóa chuẩn mực. Ông chính là đại sư Gichin Funakoshi, tổ sư của Shotokan Karate, người đã khởi đầu “con đường Karate” huyền thoại vang danh khắp năm châu bốn bể.
Từ Đường Thủ cho đến con đường Karate
Môn võ thuật nổi tiếng nhất của Nhật Bản nếu truy xuất theo nguồn gốc thực thụ thì có thể nói nó không hoàn toàn là võ Nhật. Karate có xuất xứ từ đảo Okinawa, tuy hiện nay đã thuộc Nhật Bản nhưng thời xa xưa nó là một phần của một vương quốc cổ tên là Lưu Cầu (RyuKyu).
Dù người Nhật và người Okinawa khá tương đồng nhau về mặt chủng tộc, nhưng văn hóa Lưu Cầu cổ xưa lại gần gũi và quan hệ mật thiết với văn hóa Trung Hoa hơn. Họ thần phục nhà Minh, theo lệ triều cống, xây dựng triều đình kiểu Trung Quốc, dùng chữ Hán và chịu sắc phong của vua Trung Quốc. Vào thế kỷ 14, Lưu Cầu đã thành một cường quốc có nền ngoại thương trên biển vào loại thịnh vượng nhất ở Đông Á, họ là trung tâm trung chuyển hàng hóa giữa Trung Quốc đến các nước Đông Á khác và Đông Nam Á.
Sau khi nhà Minh sụp đổ, làn sóng di dân từ Phúc Kiến sang Okinawa tăng vọt, họ đã hòa nhập vào cư dân bản địa và trở thành một thành phần quan trọng tại đây với nhiều đóng góp về văn hóa, kinh tế và dĩ nhiên cả võ thuật. Năm 1879, triều đình Minh Trị Thiên Hoàng giải thể vương quốc Lưu Cầu và sáp nhập vào Nhật Bản trở thành tỉnh Okinawa. Vua Shō Tai (上太王 Thượng Thái Vương), vị vua cuối cùng của Lưu Cầu, được chuyển đến Tokyo và được phong làm Hầu tước, cũng như nhiều quý tộc người Nhật khác, và qua đời ở đó năm 1901.
1. Tương đồng về loại võ công
Phúc Kiến nổi tiếng với trường phái võ công ngoại gia là Thiếu Lâm Nam Phái chuyên quyền thuật. Karate cũng nổi tiếng với quyền thuật và cũng là môn phái ngoại gia dương cương. Lưu phái Karate cổ xưa nhất của Okinawa mà ngày xưa đại sư Funakoshi từng học là Shorin-Ryu (Thiếu Lâm Lưu), cái tên đã đủ nói lên nguồn gốc của nó – Thiếu Lâm quyền pháp.
2. Gần gũi về địa lý và lịch sử giao thương
Ngôi chùa Nam Thiếu Lâm Phúc Thanh ở Đông Trương Trấn, huyện Phúc Thanh thuộc Phúc Châu là tỉnh lỵ và là thành phố cấp huyện lớn nhất của tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Từ Phúc Châu nhìn thẳng ra biển Hoa Đông là quần đảo Okinawa với khoảng cách không quá xa, suốt mấy trăm năm giao thương đường biển giữa Okinawa và Phúc Kiến đã vô cùng tấp nập.
Okinawa Karate Dojo
3. Tương đồng về nội hàm văn hóa trong quyền thuật
Môn vật Shima và các điệu múa dân gian Nhật Bản chỉ có thể bổ sung và ‘địa phương hóa’ môn võ Trung Hoa, biến nó thành Karate chứ không thể nào là nguồn gốc của Karate được. Hãy nhìn vào hệ thống bài quyền của Karate, ta sẽ thấy ngay nguồn gốc Trung Hoa rõ ràng.
Ví dụ như bài Taikyoku shodan (太極初段) nghĩa là Thái Cực Sơ Đoạn, Heian Shodan (平安初段) là Bình An Sơ Đoạn, Jion (慈恩) là Từ Ân, Meikyō/Rōhai (明鏡) là Minh Kính, Unsu (雲手) là Vân Thủ, Nijūshiho (二十四步) là Nhị Thập Tứ Bộ, Hangetsu (半月) là Bán Nguyệt, Gankaku (岩鶴) là Nham Hạc. Tất cả ý nghĩa và tên bài quyền đều là hình ảnh thường thấy trong võ thuật Trung Hoa như Thái Cực, Hạc, Nguyệt, Vân Thủ…
Trước đây tại Okinawa, môn võ này được gọi là “Totei” theo ngôn ngữ ở đây, và được viết là 唐手 (Tangsho, Đường thủ, tức các môn võ thuật có gốc từ Trung Hoa). Vào thời kỳ Minh Trị, môn võ này bắt đầu được truyền vào lãnh thổ chính của Nhật Bản, thì chữ 唐手 (Tangsho) được phát âm theo tiếng Nhật là Karate và giữ nguyên cách viết này.
Vì sao Tangsho lại được phát âm thành Karate? Thực ra, vì Tangsho gợi nhớ đến sự liên quan của Trung Hoa và nguồn gốc Okinawa của nó, sẽ làm môn này khó phát triển mạnh tại Nhật, một quốc gia có tính bài ngoại cao và khá là tự cường. Vậy nên, các võ sư sáng lập đã thay thế chữ 唐 (Tang) bằng một chữ khác có cùng cách phát âm và mang nghĩa “Không”, đó là chữ Không 空 trong không gian, không có gì. Tên gọi Karate và cách viết 空手 bắt đầu như vậy từ thập niên 1960. Giống như nhiều môn khác ở Nhật Bản (Trà Đạo, Thư Đạo, Cung Đạo, Kiếm Đạo, Côn Đạo, Hoa Đạo…) Karate cũng được gắn thêm vĩ tố “Đạo”, phát âm trong tiếng Nhật là “Do” (viết là 道). Vì thế, nó có tên Karate-Do. Chữ “đạo” 道 này có nghĩa là con đường, Karate-Do là “con đường Karate” hay “con đường Không Thủ”.
Đại sư Gichin Funakoshi đã viết: “Mục đích tối thượng của Karate không phải nằm ở chiến thắng hay thất bại mà chính là sự hoàn thiện nhân cách của những ai luyện tập nó”.Vì thế, con đường Không Thủ – con đường Karate là con đường giúp võ nhân thông qua võ học mà hoàn thiện nhân cách chính mình, đạt đến Võ Đạo. Vì sao lại là Không Thủ? Thực chất nội hàm chữ Không 空 trong Không Thủ không phải nói đến tự vệ bằng tay không như nhiều người thường nghĩ.
Theo suy luận của người viết, người đặt ra chữ Không 空 này nếu không phải là đại sư Funakoshi thì chắc hẳn cũng là một cao thủ đệ nhất của môn phái, vô cùng tinh thâm văn hóa cổ truyền. Vì chữ Không này biểu ý cho nội hàm của Karate, của Võ Đạo mà hành giả nào cũng muốn đạt đến. Chữ Võ (武) được cấu thành từ chữ Chỉ (止) nghĩa là đình chỉ (làm cho dừng lại), và chữ Qua (戈) – tên gọi một món võ khí thời cổ. Ý nghĩa bề mặt của Võ là khả năng tự chế lấy bản thân hay làm cho dừng lại nạn can qua. Nhưng Võ để ngăn can qua thì mới chỉ là nghĩa căn bản nhất mà thôi. Đỉnh cao nhất của Võ là Võ Đạo, là đạt đến cảnh giới “vị tha vô ngã”, chính là cái “Không” của nhà Phật, cái “Vô” của Đạo gia, thiên nhân hợp nhất. Tại cảnh giới đó, không còn tồn tại sự bất hòa, nên dĩ nhiên không có đối thủ và cũng không cần tranh đấu nữa.
Người viết cho rằng vị cao nhân kia chọn chữ “Không” vì ông hiểu rằng Karate có nguồn gốc từ võ công miền Nam Trung Quốc, tỉnh Phúc Kiến, nơi có ngôi chùa Thiếu Lâm Phúc Kiến và trường phái Thiếu Lâm Nam Phái lừng danh. Mà Thiếu Lâm là ngoại gia công phu của Phật môn, nên ông chọn chữ “Không” của nhà Phật tượng trưng cho điều đó, vừa kín đáo biểu thị nguồn gốc của bản môn, vừa không làm cho người Nhật khó chịu về cái gốc Trung Hoa và nêu lên cái mục tiêu cao cả mà hành giả Không Thủ cần đạt đến – Võ Đạo.
Tĩnh Thuỷ / Theo: ĐKN
Link tham khảo:
No comments:
Post a Comment