1. Dông
Khi tới những khu du lịch Mũi Né, du khách thường nghĩ tới ngay các món hải sản tươi vừa được đánh bắt ngoài khơi về mà quên mất rằng nơi đây còn món đặc sản không đâu có được tới từ những cồn cát đầy nắng gió. Dông là loài bò sát thuộc họ thằn lằn, sinh sống trong cát. Người dân bắt dông bằng hai phương pháp chính là đào cát và câu. Những người đi bắt dông phải dùng cuốc xẻng để đào tới tận cùng của hang. Cách khác là đặt bẫy trước cửa hang chờ dông đi kiếm ăn.
Các món làm từ con dông là đặc sản mà bất cứ khu du lịch Mũi Né nào cũng có bán. Ảnh: Dulichsongcau
Dông thường được chế biến làm nhiều món ngon "bá cháy" như nướng, hấp, làm chả, gỏi, chiên… Tuy dông nướng nguyên con có phần “hù doạ" những người yếu tim nhưng chúng được tẩm ướp gia vị như muối, tỏi, ớt đậm đà, thơm nức, rất xứng đáng để bạn vượt qua sợ hãi để nếm thử. Thức ăn chính của dông là lá cây, chồi non nên thịt sạch, ngọt và dai. Đối với món chả dông, thịt sau khi được làm sạch, băm nhuyễn sẽ được trộn với ớt bột, nấm mèo, gói trong bánh tráng như nem bình thường rồi rán trên chảo dầu. Miếng chả giòn tan, thơm mùi thịt dông, chấm với nước mắm chua ngọt và ăn kèm rau sống.
2. Bánh canh chả cá
Bánh canh phổ biến khắp từ miền Trung tới miền Nam, là món ăn quen thuộc với người dân lao động. Ở mỗi địa phương, người ta lại có cách chế biến khác đi đôi chút để mang dấu ấn của quê hương mình. Còn khi có mặt ở Phan Thiết, nhất là khi ghé chân ở qua các khu du lịch Mũi Né, bạn đừng bỏ lỡ cơ hội nếm thử bánh canh chả cá đặc trưng chỉ có ở xứ này.
Bánh canh chả cá thơm ngon, hương vị đặc trưng, khác hẳn với các loại bánh canh khác. Ảnh: Jamja
Sợi bánh canh Phan Thiết gần giống sợi bún bò Huế, tức là màu trắng đục, rời nhau chứ không có màu trong suốt và hơi dính như các loại bánh canh miền Nam. Món ăn giản dị chỉ gồm sợi bánh, nước lèo và đôi ba miếng chả cá thơm ngọt. Từng thành phần đều phải hoàn chỉnh mới có thể làm nên tô bánh canh tròn vị. Nước lèo ngọt đậm nhờ vào nước ninh từ các loại cá thu, cá chai, cá bớp, cá nam,... cùng nấm rơm. Đây đều là những loại cá được đánh bắt từ chính vùng biển Mũi Né. Chả cá có 2 loại là chả cá hấp và chả cá chiên có hương vị beo béo, đậm đà, cay cay, khi cắn vào có cảm giác dai dai đã miệng.
3. Lẩu thả - khu du lịch Mũi Né nào cũng có
Bạn sẽ thắc mắc về tên gọi món ăn này bởi lẽ, lẩu nào mà chẳng “thả", có gì đặc biệt đâu. Nhưng cách chế biến và cách ăn của món ăn này sẽ khiến thực khách mê mẩn ngay từ lần đầu nếm thử. Lẩu thả cũng là món ăn đầu bảng xuất hiện trong hầu hết các cẩm nang du lịch Mũi Né. Món ăn này còn có tên gọi khác là bún thả, một món ăn dân dã, thân quen với những người dân vạn chài ở Bình Thuận.
Lẩu thả hay bún thả là món ăn truyền thống ở Phan Thiết. Ảnh: Nemtv
Thành phần món ăn bao gồm: thịt luộc, trứng chiên, xoài, cá mai, bánh đa nướng, bún, ăn kèm giá sống, rau vạn thọ, bắp chuối và rau thơm. Tất cả đều được thái sợi nhỏ như món bún thang ở Hà Nội. Phần nước lèo gồm các nguyên liệu như cá suốt tươi, khế chua, dứa, cà chua, ớt băm, không thể thiếu xương cá bớp, cá thu ninh kỹ với mía chẻ khúc và củ sắn để có vị ngọt ngọt, cay cay, chua chua. Khi ăn, người đầu bếp chần qua cá vào nồi nước lèo, bày các nguyên liệu ngay ngắn và chan thêm nước dùng nóng hổi. Từ món bún thả dân dã được các bà, các mẹ gánh đi bán khắp các con hẻm, món ăn đã được biến tấu trở thành lẩu thả xuất hiện trong các nhà hàng.
4. Gỏi cá mai
Một trong những món ăn xuất hiện nhiều nhất trong cẩm nang du lịch Mũi Né chính là gỏi cá mai. Mũi Né - Phan Thiết được ví như “thủ phủ" của các món gỏi cá, gỏi ốc tươi sống, mát bổ. Nhưng được nhắc tới nhiều nhất chính là gỏi cá mai - loài cá đặc trưng của vùng biển này và được sử dụng để nấu nhiều món.
Không nơi nào bạn có thể ăn gỏi cá mai ngon như ở Mũi Né. Ảnh: Ho Dao Dieu
Người đầu bếp chọn ra những con cá mai to, tươi sau đó đánh vẩy, rút xương, bỏ đầu đuôi và ngâm trong nước đá. Khi nào ăn, người ta sẽ vắt thêm nước cốt chanh để làm tái, cho thêm các loại nguyên liệu khác như cà rốt, rau răm, rau húng, hành tây, tỏi, ớt, chuối xanh, khế chua và lạc rang. Miếng cá thái mỏng, vị ngọt đậm, trộn đều với các nguyên liệu, ăn kèm bánh tráng, chuối xanh, khế chua và rưới nước chấm chua ngọt để tăng cường gia vị.
5. Bánh quai vạc
Bánh quai vạc gắn bó với đời sống người dân Mũi Né nói riêng và Phan Thiết nói chung từ ngàn đời. Người ta không biết đã làm và ăn bánh quai vạc từ bao giờ, chỉ biết rằng ngày nay, khi có nhiều món đặc sản bổ béo, thơm ngon hơn thì món bánh dân dã, giản dị này vẫn rất được lòng người. Bánh quai vạc có hình dáng giống với bánh bột lọc, cũng có màu trắng trong và nhân tôm.
Bánh quai vạc gần giống như bánh bột lọc, hương vị đậm đà, khó quên. Ảnh: Hukha.foodaholic
Bánh làm từ bột mì tinh, nhồi tới khi mềm dẻo, cắt nhỏ rồi được cán mỏng bằng chai thủy tinh. Bánh có nhân tôm, thịt được xào đậm đà với muối, tiêu, đường. Sau khi luộc chín bánh, người ta láng qua một lớp dầu ăn để bánh có lớp vỏ sáng bóng, hấp dẫn, lại tránh được việc bánh bị dính vào nhau khi xếp chung. Vị dai dai của vỏ bánh, quyện với vị vừa miệng của tôm thịt, chấm với nước mắm chua ngọt cay cay, giản dị vậy thôi mà khiến bao người đi xa nhung nhớ.
Tìm hiểu về cẩm nang du lịch Mũi Né, bạn chắc chắn không được bỏ lỡ những món ăn vừa bình dân, vừa ngon miệng lại mang đậm bản sắc văn hóa này. Hãy truy cập ngay Yeudulich để bắt đầu chuyến hành trình tới miền đất của cồn cát, của biển xanh và của những món ăn thơm ngon.
Theo: yeudulich
No comments:
Post a Comment