Saturday, September 9, 2023

LĂNG ÔNG BÀ CHIỂU, CHỐN LINH THIÊN CỦA NGƯỜI HOA

Ngày Tết, ngày Xuân, Lăng Ông Tả Quân ở Bà Chiểu rất đông người viếng.Trong tấm hình (ảnh dưới) có người Nam Kỳ, Bắc Kỳ và cả người Tàu (bà xẩm) đi viếng, cúng tế thành tâm dữ dằn.


Ngẫm chuyện xưa trong các đại tướng khai quốc công thần của vua Gia Long thì phe Nam Kỳ mạnh nhứt vì nhà Nguyễn trung hưng ở Phương Nam.

Tả quân Lê Văn Duyệt-người hùng trận Thị Nại là người võ tướng Nam Kỳ dữ dằn nhứt. Trong khi ông Nguyễn Huỳnh Đức cũng Nam Kỳ nhưng thái độ vừa phải, làm cho trơn tru, tỏ vẻ hiền lành thì ông Duyệt cá tánh rất mạnh.

Theo truyền thuyết, Lê Văn Duyệt cầm tinh Hắc hổ nên rất nóng tánh. Lê Văn Duyệt và Lê Chất cùng phe, đối chọi với phe Nguyễn Văn Thành và Đặng Trần Thường ở Bắc Thành.

Phe Gia Định mạnh nhứt vì ông Duyệt là phe làm ra tiền của, lúa gạo dồi dào, binh lính no đủ, rèn luyện hăng say, võ khí tối tân, trào đình cần Gia Định.

Vì là lãnh tụ phe Nam Kỳ nên ông Lê Văn Duyệt hầu như công khai ra mặt ở vô số vụ “đại sự”, ông va chạm nhiều người và không được lòng tân quân là vua Minh Mạng.

Vì Tả Quân có danh vọng với Nam Kỳ, có công nhiều lắm. Thời ông cai quản ông cho tự do thông thương, kinh tế thị trường, tự do truyền đạo.


Tả Quân Lê Văn Duyệt có tầm nhìn của một người Nam Kỳ open, lòng dạ thoáng, tầm nhìn xa. Thành ra chưa có vụ cấm đạo nào dưới thời ông khi ông còn sống.

Nhìn lại lịch sử Công giáo Nam Kỳ ta thấy thánh tử đạo ở Nam Kỳ rất ít, mà có hành hình là quan từ Bắc, Trung vô, người Nam Kỳ chính là người cưu mang những giáo dân Công giáo chạy loạn vì bức đạo từ Trung Kỳ và Bắc Kỳ vô.

Thanh và lương sống chung xóm, Nam Kỳ không có khái niệm xóm đạo biệt khu như Bắc Kỳ.

Ðến ngày 30 tháng 7 năm Nhâm Thìn (1832) Tả Quân Lê Văn Duyệt mất thì triều đình Huế ra tay “dẹp” tánh tự trị của Nam Kỳ, bắt đầu đánh vào cá nhân Tả Quân.

Vụ binh biến thành Phiên An của Lê Văn Khôi nổ ra và kéo dài từ năm 1833-1835.

Huế dẹp được nhưng triều đình cũng một phen xất bất xang bang.

Cả thảy 1.831 người trong thành đều bị chém đầu và vùi xác chung trong một hố ở Đồng Tập Trận gọi là Mả Ngụy – Mả Biền Tru. Trong đó có 800 người Tàu.

Đồng tập trận (Mả Ngụy)

Sử chép có một người tên “Bốn Bang” trước khi chết để lại bài thơ lục bát dài 308 câu kể lại sự kiện gọi là “Bốn Bang thư”, bài thơ này là của ông Lưu Hằng Tín.

Xin nhớ, Bốn Bang không phải tên người nào riêng lẻ, là bốn bang hội của người Tàu gồm Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu và Hải Nam. Tức là hiểu rằng có 4 bang hội Tàu hỗ trợ tài chánh và nhơn lực cho Lê Văn Khôi.

Triều đình áp giải về Huế xét xử và tử hình lăng trì, bêu đầu 8 người, cầm đầu trong đó có Lê Văn Cù – con trai 7 tuổi của Lê Văn Khôi (Khôi đã chết trước đó), một giáo sĩ Pháp tên Marchand (Cố Du), hai người Tàu tên Mạch Tấn Giai (người Tiều) và con trai nhỏ của ông này, Lưu Hằng Tín (người Quảng). Sau khi bêu đầu thì xác được đưa trả về Nam chôn.

Đại diện bang hội Tàu có thể thấy là ông Lưu Hằng Tín và Mạch Tấn Giai. Lưu Hằng Tín có lẽ là bang chủ Quảng Đông, lúc Tổng trấn Lê Văn Duyệt còn tại thế ông này cũng là con nuôi của ông Duyệt.

Chúng ta biết cuộc nổi loạn Lê Văn Khôi bắt nguồn từ chính sách triệt phiên, cấm đạo, nuốt hết lợi ích Nam Kỳ và bế quan tỏa cảng của vua Minh Mạng. Những cái này ông Duyệt còn sống lại cho tự do.

Phe Lê Văn Khôi bao gồm: Dân điền chủ Nam Kỳ, Cố đạo, giáo dân Công giáo, người Tàu bốn bang – kể cả con cháu Mạc Cửu ở Hà Tiên, người Miên (con trai ông Nguyễn Văn Tồn ở Trà Ôn), Tiểu vương Chàm ở trấn Thuận Thành (Bình Thuận) một số người dân tộc ở Tây Nguyên cũng có dính líu.

Vua Gia Long vì được người Tàu Minh Hương giúp trung hưng nhà Nguyễn nên ông có chánh sách “nhẹ tay”, Minh Hương được miễn lao dịch và miễn thuế thân.

Năm 1824, Minh Mạng buộc tất cả người Tàu di cư phải đóng thuế thân kể cả người Minh Hương, Lê Văn Duyệt phản đối.

Lê Văn Duyệt cũng chống lịnh cấm đạo Thiên Chúa, chống chủ trương trọng nông ức thương của Minh Mạng. Minh Mạng chủ trương triệt luôn quyền tự trị của người Chàm ở trấn Thuận Thành, ông Duyệt cũng phản đối.

Tranh Tả quân Lê Văn Duyệt.

Khi ông Duyệt còn sống, biết lão thần có uy tín lớn nên vua làm ngơ, khi ông Duyệt vừa qua đời thì vua Minh Mạng ra tay.

Trong đoạn văn sau trích trong “Ngọn cỏ gió đùa” sẽ thấy Hồ Biểu Chánh viết về vụ Lê Văn Khôi rất tự hào.

Vua Minh Mạng kêu là “giặc Khôi”, “mả Ngụy” nhưng Hồ Biểu Chánh lại ca ngợi những người làm binh biến đó là “bậc nghĩa sĩ anh hùng”, ca ngợi họ là “anh hùng vì ân nghĩa, vì phẩm giá mà nổi lên, chớ không phải là muốn cướp giựt của lương dân, hay là muốn khuấy rối trong xã hội”.

Chữ “độc lập” được Hồ Biểu Chánh nhấn mạnh với ông Lê Văn Khôi. Hồ Biểu Chánh cũng tự hào kể xuất thân Bắc Kỳ của Lê Văn Khôi.

Trong mắt dân Nam Kỳ, hễ ai sống chết đứng lên bảo vệ sự độc lập, giữ quyền lợi cho xứ Nam Kỳ thì không kể xuất thân, thành dân Nam Kỳ hết ráo trọi. Hồi xưa sao thì bây giờ con cháu cũng sẽ nhứt định như vậy.

Mời bạn đọc lại khúc văn sau:

“Người đời nay ai nghe nói ‘Giặc Khôi’ thì cũng tưởng là giặc chòm giặc khóm, tùng tam tụ ngũ rồi nổi lên đặng cướp giựt của lương dân, hoặc khuấy rối trong thôn xã.
Có người không rõ căn nguyên lại khinh khi Lê Văn Khôi đến nỗi con hư thì mắng nó là đồ ‘Ngụy Khôi đầu thai’ coi Khôi như người nghịch của mình, tưởng Khôi là một tên đê tiện”.


Ông Hồ Biểu Chánh lý giải một hồi căn nguyên rồi ông chép vầy: “Giặc anh hùng vì ân nghĩa, vì phẩm giá mà nổi lên, chớ không phải là muốn cướp giựt của lương dân, hay là muốn khuấy rối trong xã hội”.


Sau khi dẹp xong vụ binh biến của Lê Văn Khôi thì vua Minh Mạng kết án Lê Văn Duyệt có bảy tội đáng xử chém, hai tội đáng xử thắt cổ, một tội đáng xử sung quân.

Kết luận: “Còn cái xương khô trong mả không thèm gia hình” nên chỉ sai san phẳng nấm mộ, dựng bia đề tám chữ “Quyền yêm Lê Văn Duyệt phục pháp xứ” (Nơi tên hoạn quan chuyên quyền Lê Văn Duyệt chịu tội).

Thành ra Tả Quân Lê Văn Duyệt càng bị hạ nhục, bị xử khi đã chết thì cái tiếng linh của ông càng lan rộng trong dân gian. Một thời gian mồ mả bị san bằng xiềng xích càng làm tánh linh thiêng của ông rộng ra dân gian.

Chưa có một ông quan nào có địa vị tâm linh dữ dằn như ông Lê Văn Duyệt.

Dân kể giai thoại rằng những năm 1950 vua Thành Thái dịp Tết nọ lơn tơn đi chơi Lăng Ông, có ai đưa cho cựu hoàng cây nhang, ông nói rằng: “Nó (Ông Duyệt) phải lạy tao chứ tao không lạy nó”.

Có chuyện truyền rằng vua Thành Thái vào Nam Kỳ đi ngang Lăng Ông thì xe hơi bị chết máy, Thành Thái phải sai bỏ cái xiềng trên mộ ông mới nổ máy được (nhưng thực tế cái xiềng ấy đã được bỏ đi từ đầu đời Tự Đức).


Lăng Ông linh thiêng trong lòng dân Nam Kỳ, người Tàu Chợ Lớn kêu là “Lăng của phò mã gia gia”, nghĩa là “Lăng của cha ông phò mã”.

Tả Quân Lê Văn Duyệt là hoạn quan nên không có con. Ông nhận Nguyễn Hữu Khôi từ Bắc Kỳ vô làm con nuôi đổi tên là Lê Văn Khôi, cha này là dũng tướng.

Con thừa tự của ông Duyệt là cháu kêu là bác, con trai em ông Duyệt.

Lê Văn Yến con trai “Ông Tả Dinh” Lê Văn Phong được thừa tự bác ruột, vua Gia Long gả công chúa Ngọc Ngôn và trở thành Phò mã đô úy.

Nguyễn Gia Việt
Theo: saigonthapcam

No comments: