Nhân sinh ngắn ngủi, điều quan trọng là phải tìm ra được ý nghĩa của sinh mệnh (ảnh chụp màn hình learnreligions
Thiền tông được Bồ-đề-đạt-ma truyền qua Trung Quốc vào năm 520. Tương truyền rằng Bồ-đề-đạt-ma từng đến gặp Lương Vũ Đế để truyền Phật pháp nhưng thấy cơ duyên không hợp nên đến chùa Thiếu Lâm. Ông quay mặt vào vách ngồi Thiền hơn 9 năm để chờ người có duyên hỏi đạo. Theo sử sách ghi lại, có 6 vị tổ sư nổi tiếng của Thiền thông . Bồ Đề Đạt Ma, được tính là tổ sư đầu tiên của Thiền Tông Trung Hoa, gọi là Sơ Tổ. Nhị tổ là Đại sư Huệ Khả; tam tổ là Đại sư Tăng Xán; tứ tổ là Đại sư Đạo Tín; ngũ tổ là Đại sư Hoằng Nhẫn và Lục Tổ là Đại sư Huệ Năng.
Dưới đây là câu chuyện luân hồi của vị ngũ tổ thứ 5 của Thiền tông có tên là Hoằng Nhẫn.
Nhân duyên chuyển sinh của thiền sư Hoằng Nhẫn
Ngũ tổ Hoằng Nhẫn là người ở xứ Hoàng Mai, huyện Tầm Dương (nay là huyện Cửu Giang, tỉnh Giang Tây). Có thuyết nói Sư là người Kỳ Châu (nay là huyện Kỳ Xuân, tỉnh Hồ Bắc). Khi sư vừa sinh ra đã có dị tướng. Lúc Hoằng Nhẫn còn nhỏ, vị đại sư khi nhìn thấy ông đã khen rằng: “Đứa trẻ này chỉ kém Như Lai có bảy tướng”.
Ngũ tổ Thiền Tông Hoằng Nhẫn cũng có một đoạn nhân duyên chuyển sinh khá nổi tiếng. Kiếp trước ông vốn là một ông lão trồng thông dưới chân núi Phá Đầu. Bởi ngưỡng mộ tứ tổ Thiền tông Đạo Tín nên thỉnh cầu cho mình được cạo đầu xuất gia.
Sư phụ Đạo Tín thấy ông tuổi đã cao nên mới an ủi rằng: “Ta thấy tuổi của ông cũng đã già rồi. Cho dù có thể nghe Đạo thì cũng không đủ thời gian mà truyền rộng nó tới chúng sinh. Như thế thì có ích gì đâu. Nếu ông đi đầu thai, ta có thể đợi ông mấy chục năm”.
Thiền sư Hoằng Nhẫn đã muốn đi tu từ kiếp trước nhưng tuổi đã cao, đành phải chờ đến kiếp sau mới có thể hoàn thành tâm nguyện (ảnh minh họa fodizi.net)
Mẹ thiền sư Hoằng Nhẫn mang thai đầy bí ẩn
Ông lão bái biệt tứ tổ và đi đến bờ suối. Ở đây ông nhìn thấy một cô gái đang giặt quần áo. Ông bước tới vái chào và hỏi: “Xin cô có thể cho tôi tá túc nhà cô được không?”
Cô gái nói: “Trên tôi có cha và anh trai. Việc này ông phải hỏi cha và anh của tôi mới được”.
Ông lão nói: “Ta cần cô đồng ý trước rồi mới đi hỏi họ được”.
Cô gái thấy trời đã nhá nhem tối, trong khi ông lão thì đã già rồi. Suy nghĩ một lúc rồi cô cũng gật đầu đồng ý cho ông lão tá túc qua đêm. Mấy tháng sau, cô gái chưa chồng bỗng nhiên có thai. Cha mẹ cô gái vô cùng hổ thẹn với làng xóm, ra sức tra hỏi cô xem chuyện gì đã xảy ra.
Cô gái không nói rõ ràng được nên bị cha mẹ đuổi ra khỏi nhà. Bởi vì không còn nhờ cậy được vào ai, cô gái đành làm việc dệt vải và một số việc vặt cho những người đồng hương để kiếm sống.
Về sau cô hạ sinh được một bé trai trắng trẻo mập mạp. Nhưng người mẹ bất hạnh này do đã phải chịu tủi nhục trong suốt thời gian qua, cô nghĩ quẩn mà đem đứa con xui xẻo ném xuống sông.
Qua ngày hôm sau, cô gái nghĩ lại và thấy vô cùng lo lắng nên đã ra sông xem xét. Không ngờ, đứa bé ấy không những không bị chết đuối mà toàn thân còn không bị ướt, đáng yêu vô cùng. Cô gái kinh hãi liền ôm lấy đứa trẻ và từ đó hết lòng chăm sóc.
Căn cơ tu luyện Phật Pháp bắt đầu từ cái tên “Vô Tính”
Bức tranh vẽ thiền sư Hoằng Nhẫn (ảnh Drbachinese)
Khi đứa trẻ lớn hơn một chút, hai mẹ con đi ăn xin để kiếm sống qua ngày. Bởi không biết cha đứa trẻ là ai, nên mọi người đều gọi cậu là “Vô Tính (không họ)”. Năm Vô Tính lên 6, 7 tuổi đã rất thông minh lanh lợi, hoạt bát đáng yêu.
Ngày nọ, tứ tổ Đạo Tín đi hoằng pháp đến nơi này. Vô Tính nhìn thấy vị thiền sư thì kéo áo cà sa của ông không buông. Vô Tính còn thỉnh cầu ông độ cho mình xuất gia. Vị thiền sư nhìn thấy cậu bé tuổi còn nhỏ liền xoa đầu cậu mà nói: “Tuổi con còn nhỏ quá, sao mà xuất gia được?”
Vô Tính hỏi như oán trách thiền sư: “Sư phụ, trước đây ngài chê con già quá, giờ lại nói con nhỏ quá. Rốt cuộc khi nào mới đồng ý độ con xuất gia đây?”
Thiền sư nghe thấy chợt hiểu ra chuyện, vội vàng hỏi cậu: “Cậu bé, họ tên con là gì? Nhà ở đâu?”
Cậu bé trả lời: “Con tên là Vô Tính, nhà ở ngõ Thập Lý”.
Thiền sư lại hỏi: “Mọi người đều có tên họ, sao con lại nói dối mình không họ? Rốt cuộc con mang họ gì?”
Cậu bé trả lời: “Họ thì có, nhưng không phải họ bình thường!”
Thiền sư sư Đạo Tín hỏi lại: “Là họ gì?”
Cậu bé trả lời: “Con lấy Phật tính làm họ, cho nên gọi là Vô Tính”.
Xuất gia tu hành, hoàn thành tâm nguyện
Thiền sư Đạo Tín nghe thấy vậy thì rất vui mừng. Ông nghĩ tuổi còn nhỏ mà khẩu khí lớn như thế này, đúng là người của Phật môn. Ông liền cho người đến nhà thỉnh cầu mẹ của cậu bé chấp thuận cho con trai được xuất gia tu hành.
Mẹ của cậu bé sớm đã hiểu rõ được ngọn nguồn về sự ra đời của con trai mình nên lập tức đồng ý. Bà còn nói với con rằng: “Con vốn là đệ tử của Phật, bây giờ con nên đi theo Sư phụ của mình thôi.”
Cậu bé từ ấy theo đại sư Đạo Tín tu hành và sau này trở thành Ngũ tổ của Thiền Tông. Ông lấy pháp danh là Hoằng Nhẫn. Thiền sư Hoằng Nhẫn có nhiều môn đệ, trong đó nổi bật nhất là hai vị đại sư hình thành nên hai tư tưởng Thiền khác nhau là Lục Tổ Huệ Năng và hòa thượng Thần Tú.
Thanh Mai / Theo: nguyenuoc