Tuesday, September 12, 2023

TÌNH CA KHANG ĐỊNH – LẮNG NGHE GIAI ĐIỆU KỂ

“Tình ca Khang Định” (康定情歌) là một bài hát dân gian tiêu biểu có nguồn gốc từ vùng Khang Định, Tứ Xuyên. Là một bản tình ca với giai điệu đẹp, chứa đựng nỗi niềm của những người trẻ với khao khát về một tình yêu cao cả, ca khúc đã đón nhận nhiều sự đồng cảm và nhanh chóng được lan truyền trên thế giới. Bài hát đã được NASA chọn là bản nhạc tiêu biểu của Trung Quốc để đưa vào vũ trụ và được UNESCO đề cử là một trong mười bài dân ca có ảnh hưởng nhất thế giới.


Có khá nhiều câu chuyện xoay quanh nguồn gốc của bài hát. Chuyện kể rằng ở Thành phố Khang Định có một cô gái Tây Tạng xinh đẹp tên là Đóa Lạc. Mỗi buổi sáng cô phải ra đường để bán đèn dầu thông. Người dân Khang Định cứ nghe giọng cô rao bán đèn, đều mở cửa nhìn ra. Cũng có kẻ mua đèn, nhưng đa phần đều là để chiêm ngưỡng nhan sắc người con gái ấy. Giai điệu mà Đóa Lạc xinh đẹp cất lên sau này được cho là đoạn nhạc truyền cảm hứng cho tác giả Ngô Văn Quý viết nên “Tình ca Khang Định” vào năm 1946.


Một câu chuyện khác được kể lại. Khoảng năm 1930, có một chàng học sỹ họ Lý đem lòng yêu một cô gái người Khang Định. Cô gái ấy ngoại hình xinh đẹp, tháo vát, tính tình chịu thương chịu khó. Thế nhưng, chuyện tình của hai người đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ gia đình chàng trai, bởi cô gái này cũng cùng họ Lý. Không được gia đình ủng hộ, không cung cấp sinh hoạt phí cho ăn học, cuối cùng, người thư sinh này phải nương nhờ vào cô gái, được cô giúp đỡ hoàn thành chuyện học hành. Người ta cho rằng, chàng họ Lý chính là tác giả của “Tình ca Khang Định”, trao tặng cho người con gái anh thương. Trong đó có câu “Có cô con gái lớn nhà họ Lý… Biết cách lo toan chuyện gia đình” – lấy hình tượng của người con gái có thật trong câu chuyện trên.


Từ xa xưa, hát dân ca chính là một hình thức kể chuyện bằng giai điệu. Hầu hết các bài hát dân gian quen thuộc bắt nguồn từ cuộc sống thực tế người dân, lồng ghép khéo léo những giá trị nhân văn và màu sắc văn hóa bản địa. Bài ca đặc trưng vùng Khang Định được tạo ra với sự kết hợp giữa phong tục tập quán của người dân địa phương và vẻ đẹp thuần túy trong con người Tây Tạng. Đây cũng chính là khuôn mẫu, mang lại không gian cho sự phát triển của các bài hát dân ca về sau này.


Bản “Tình ca Khang Định” thể hiện được đầy đủ những giá trị nét đẹp ở một con người. Mượn hình ảnh của “cô con gái lớn nhà họ Lý” thông minh, tháo vát, hào phóng và tốt bụng, bài hát đã tả hiện thành công và đề cao nét đẹp ở cả ngoại hình và nội tâm của con người thời bấy giờ. Ngoài khiến khán giả đồng cảm hơn với nhân vật, ca khúc còn thể hiện niềm mong mỏi của người dân, hướng tới những gì chuẩn mực và tốt đẹp nhất.


Chuyện tình dang dở được kể lại qua lời hát chân thực và đơn giản đã chạm đến trái tim khán giả. Tình ca Khang Định chứa đựng sự khao khát và niềm ngưỡng mộ của những cặp đôi trẻ dành cho tình yêu vào thời điểm đó, thể hiện niềm hi vọng của người Khang Định về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Giai điệu cất lên vui tươi, nhẹ nhàng, cũng đủ để bộc lộ mạnh mẽ những cảm xúc, ước nguyện của những người mong muốn được đến với nhau, cùng sống cuộc sống trọn vẹn, không bị áp đặt theo tiêu chuẩn trong quan niệm hôn nhân truyền thống. Giá trị tình yêu được đề cao, trai gái bình đẳng nắm lấy cơ hội tìm hiểu nhau và tiến tới yêu đương, tiến tới hôn nhân với một tình yêu tự do, chân thành đến từ cả hai phía.


Mưu cầu được hạnh phúc, được tự do sống cuộc sống mà mình mong muốn luôn thường trực trong mỗi con người. Bất kể sự thay đổi của thời gian hay không gian, một điều thiêng liêng còn lưu giữ mãi chính là vẻ đẹp bất tận của tình yêu, của tình cảm con người. Đây không chỉ là một bài hát của những người Khang Định với ước vọng về một tình yêu đẹp, mà còn là một bài thơ hay chứa đựng nét văn hóa đặc trưng của vùng đất này. Bản nhạc dân gian với biết bao lời ca tụng còn được lưu truyền đến ngày nay, vang vọng từ nơi núi sông hùng vĩ, đọng lại trong lòng lữ khách những âm điệu xao xuyến về những câu chuyện trên Khang Định – mảnh đất mang tên một bản tình ca.

Theo: diamondtour
Link tham khảo:




No comments: