Ban đầu hình tượng Phi thiên được vẽ trên đỉnh hang, các góc tường, phía trên đầu của các vị Phật và Bồ tát chủ thể trong mỗi gian động. Chúng ta có thể thấy hình tượng ban đầu còn giữ nguyên ảnh hưởng của Quy Tư Tây Vực (Tân Cương), Phi thiên còn mang tướng nam, mình ngắn, đầu tròn bầu dục, mũi to, mắt sáng, phần thân trên lộ thể, dưới mang quần dài, nét vẽ đơn giản, thô khỏe.
Hình tượng Phi thiên sang thời Bắc Ngụy đã mở rộng phạm vi như trong khám Phật và các tác phẩm Biến Kinh Đồ. Tuy vẫn giữ nét đặc trưng của Phi thiên Tây Vực nhưng họa nét chi tiết đã biến đổi rất nhiều. Điều đó đã hình thành phong cách đặc trưng của Phi thiên Đôn Hoàng. Ví dụ trong bức Biến Kinh Đồ hang 226 Bắc Ngụy, hình ảnh Phi thiên phiêu diêu sinh động, mặt trái xoan bầu bĩnh, mũi to miệng nhỏ, ngũ quan cân xứng, thân mình thon dài, y áo trang nghiêm, tựa như cánh hạc lưng trời đang rải hoa trong gió, cho không gian ngập tràn hương thơm.
Tạo hình Phi thiên thời Tùy vẫn trong quá trình dung hòa, kế thừa và sáng tạo. Tạo hình này chủ yếu thể hiện qua hình thể khác nhau: dáng thân thon dài, tỷ lệ tốt, eo thon mềm, trang phục cũng phong phú hơn, có hình mặc áo kín toàn thân, có hình phần trên hiển lộ, hoặc mặc váy ngắn, hoặc mặc váy dài, tất cả như một vườn khoe đua nhau khoe sắc. Diện mạo của Phi thiên thanh tú, đầy đặn, tròn trịa, như đóa hoa đang trong độ viên mãn. Tư thế bay phong phú, hoặc bay lên, bay xuống, hoặc ngược gió, thuận theo gió tất cả như đang phiêu bồng giữa mây trời. Hang 427 là một hang lớn nhất được tạo ra thời Tùy, tổng có 108 thân Phi thiên. Toàn bộ tạo hình Phi thiên trong hang này, đầu đều đội mũ, phần thân trên hiển lộ, đeo rất nhiều trang sức, ngang lưng quấn giải lụa đa sắc, phía hạ thân mặc quần dài. Tuy do phong hóa của thời gian và khí hậu, màu sắc đã biến đổi nhưng vẫn thể hiện được sự tuyệt diệu, tài hoa của cổ nhân.
Đến đời Đường, tạo hình Phi thiên trong hang Mạc Cao đã hoàn thành quá trình tiếp nhận và định hình phong cách, đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình. Khắp bốn vách động đã được vẽ kín bởi những tác phẩm Biến Kinh Đồ có kích cỡ lớn. Hình ảnh Phi thiên không còn chỉ xuất hiện trên đỉnh động, khám Phật mà phần lớn xuất hiện chung trong các tác phẩm Biến Kinh Đồ. Trong tác phẩm Biến Kinh Đồ “Kinh Quán Vô Lượng Thọ”, Phi thiên bay trên không trung, mây ngũ sắc cát tường đưa Phi thiên sà xuống, có hình Phi thiên lại cưỡi mây bay lên, tay tán hoa khắp bầu trời, tay cầm lẵng hoa hoặc đang tấu nhạc bằng các loại nhạc cụ như Tỳ bà, tiêu, sáo… tạo nên một tác phẩm hội họa diễn bày ý kinh sống động, hoan hỷ đúng như tư tưởng diễn tả về cảnh Tây Phương Cực Lạc.
Ngoài ra, ở các tác phẩm đời Đường còn xuất hiện thêm hình ảnh Phi thiên song thân (hai thân song song), như hang số 321, có Phi thiên song thân trên mé tường phía nam của khám Phật. Tư thế bay rất mềm mại, tuy rằng nước da của Phi thiên đã bị phong hóa chuyển màu đen nhưng diện mạo, tư thế vẫn còn rất rõ ràng, sắc nét. Mình thon dài, đầu bay ngang, ngực vươn ra phía trước, cơ thể bay ngang, hai tay đang tán hoa, y áo bay theo gió, toàn cảnh như đang bay từ trên xuống dưới, tựa như hai con chim én sà xuống từ trên không trung. Trong các tác phẩm bích họa thời kỳ này vẫn còn hình ảnh Phi thiên khỏa thân, Phi thiên đồng tử.
Bước sang thời Ngũ Đại, thời Tống và các thời sau đó, hình tượng Phi thiên không còn thấy sức sáng tạo, dần dần theo công thức hóa. Tuy đặc điểm phong cách vẫn khác nhau, như xuất hiện Ngũ Thân phi thiên nhưng các đời về sau có phần thua kém đời trước, mất đi sức sống, sức sáng tạo, sức gợi tả của nghệ thuật vốn có.
Từ thế kỷ thứ 4 (Thập lục quốc) ra đời cho đến thế kỷ 14 (triều Nguyên), hình tượng Phi thiên đã có tuổi hơn ngàn năm là một đóa hoa đặc sắc trong lịch sử tạo hình, khuôn mẫu mỹ học của hội họa nhân loại.
Thực đáng tiếc vào thế kỷ 14, Con đường tơ lụa qua đây đã bị lãng quên bởi đã có những sự lựa chọn khác như các tuyến đường giao thương trên biển, Đôn Hoàng đã bị bỏ hoang và kiến thức về các hang động mờ dần trong ký ức.
Cho đến năm 1900, khi đạo sỹ Vương Viên Lộc tìm ra hang Mạc Cao, rất nhiều thương buôn học giả phương tây từ Anh, Pháp, Nga và sau này là Nhật đã đến mua, khai thác, trong số họ, đáng tiếc nhất phải kể đến giáo sư Langdon Warner của Harvard. Ông đã đốt một số bức tranh tường bằng cách sử dụng giải pháp hóa học, chiếm đoạt nhiều tác phẩm cùng một bức Di Đà Tiếp Dẫn, đưa chúng về bộ sưu tập lịch sử của trường đại học
Ngày 15 tháng 10 năm 2018, chúng tôi – Đạo tràng Hương Tích do Phương trượng Trụ trì đời thứ 12 làm trưởng đoàn tới thăm hang Mạc Cao. Dưới sự khai mở, dẫn nhập giá trị nghệ thuật của Người, chúng ta biết, thủ pháp tạo hình và đặc biệt sáng tạo nghệ thuật về Phi thiên Đôn Hoàng đã ảnh hưởng quan trọng, không chỉ ở chính quốc (Trung Hoa) mà còn có sức lan tỏa ảnh hưởng đến nghệ thuật tạo hình mỹ học tới nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc… Ở Việt Nam, có thể thấy rõ qua các tác phẩm điêu khắc trên gỗ, lá đề……
Đạo Liên
Hà thành, Quý đông Mậu Tuất
Theo: diamondtour
No comments:
Post a Comment