Thursday, September 14, 2023

VÌ SAO KẾT HÔN GỌI LÀ "KẾT TÓC", TÁI HÔN GỌI LÀ "TỤC HUYỀN"?

Văn hóa Á Đông luôn đề cao nghĩa phu thê, vậy nên nghi lễ trong hôn nhân cũng được đặc biệt coi trọng.


“Chu Lễ” bàn về ý nghĩa của hôn lễ: “Sau khi thông qua các nghi lễ kính cẩn và trang trọng, vợ chồng mới tương thân tương ái. Đó là nguyên tắc cơ bản của ‘hôn’, từ đó xác định sự khác biệt giữa nam và nữ trong hôn nhân, tạo ra nghĩa vợ chồng”. Những lễ nghi thời nhà Chu cho rằng hôn nhân bắt đầu từ sự cung kính và coi trọng lễ nghĩa, bảo trì thái độ tôn trọng, như vậy vợ chồng mới có thể chính thức bước vào hôn nhân. Đây là cơ sở đặt nền móng vững chắc cho một gia đình hạnh phúc.

Vì vậy, từ xưa đến nay nghi lễ hôn nhân chính thức và công khai luôn được coi trọng. “Kết tóc phu thê” là chỉ người bạn đời trong cuộc hôn nhân đầu tiên. “Người vợ kết tóc” vốn là danh từ chuyên dùng để nói về người vợ đầu tiên. Vậy tại sao gọi là “kết tóc”? Đây là danh từ đến từ trong hôn lễ.

Trong “Nghi lễ – Lễ cưới truyền thống – Hôn lễ” có chép: “Chủ nhân vào phòng, tự mình tháo bỏ khăn trùm đầu trang sức cho vợ”. Vào đêm tân hôn, chàng rể đích thân tháo sợi dây tơ buộc tóc đầy màu sắc của cô dâu. Lễ nhà Chu có tục “cởi khăn trùm đầu”, nhưng tục “kết tóc” thì chưa thấy. Trong thơ nhà Hán đã xuất hiện thuật ngữ “kết tóc”, ví dụ như trong thơ Tô Vũ: “Kết tóc đã thành phu thê, đôi bên yêu thương không nghi ngờ”. Cũng trong bài thơ Nhạc Phủ thời Hán cổ là “Khổng Tước Đông Nam Phi” cũng có câu: “Kết tóc cùng chăn gối”.


Trong nghi lễ thời Hán cũng có lễ kết tóc. Trong đêm tân hôn, tân lang và tân nương dựa theo trật tự “nam tả nữ hữu”, mỗi người cắt một lọn tóc rồi buộc chung lại với nhau, coi đó như là tín vật kết nối vĩnh hằng. Đây là đặc điểm quan trọng nhất trong hôn lễ thời cổ, cách nói “kết tóc phu thê” cũng xuất phát từ trong nghi lễ này.

Hình thức nghi lễ trên cũng được ghi lại trong cuốn sách viết về tập quán dân gian đời nhà Tống là “Đông Kinh lục hoa mộng – Cưới vợ”. Trong tác phẩm có chép: Nam tả nữ hữu, lưu lại ít tóc, hai gia đình đưa ra tấm vải lụa, trâm kẹp tóc, lược gỗ cần có đầu tiên (loại trang sức làm đẹp có thể buộc tóc giống như loại bông lúa viền tua). Trong lúc nam nữ kết hôn sẽ có vải tơ, trâm kẹp tóc, lược gỗ, một ít tóc dùng để búi tóc, chúng là những sản phẩm cần thiết dùng trong lễ cưới. Sau khi kết tóc, dùng lụa nhiều màu nối hai chén rượu lại với nhau để cùng uống gọi là ‘rượu giao bôi’

Vào thời nhà Tống, từ “búi tóc” thay đổi thành “kết tóc” như một biểu tượng của sự kết hợp nam nữ để có một cuộc hôn nhân vĩnh hằng. Chữ “Kế” (髻) trong chữ viết cổ có nghĩa là kết, buộc, dùng chung với chữ “Kết” (結) cũng nghĩa là kết. Hai chữ này ý nghĩa giống nhau, cũng là chữ ‘kết tóc’ được dùng thời cổ.

Phu thê kết tóc.

Bài thứ nhất trong 18 bài thơ “Tử Dạ Ca” của Triều Thái đời nhà Đường đã miêu tả cảnh vợ chồng kết tóc như sau:

“Em đã cắt tóc mây, tóc tơ chàng cũng cắt.
Tìm nơi vắng không người, kết nên mối đồng tâm”

Phu thê kết tóc là thể hiện của đôi bên quyết tâm trọn đời bên nhau. Đó là kiểu thề ước trọn nghĩa tình đã truyền tụng trong thơ cổ: “Kết tóc trọn đời phu thê, cùng nhau thề non hẹn biển”. Chỉ những cặp đôi phối hôn đầu tiên (nguyên phối) mới gọi là “kết tóc phu thê”, người vợ cưới đầu tiên mới được gọi là “vợ kết tóc”.

Thời cổ đại ví vợ chồng như “cầm sắt” (đàn cầm và đàn sắt), cách gọi này có khởi nguồn từ rất sớm. Trong “Kinh thi – Tiểu nhã – Thường lệ” viết: “Thê tử kết hợp khéo léo như là hợp tấu đàn cầm đàn sắt”, vì vậy các thế hệ sau ví vợ chồng như đàn cầm và đàn sắt. Đàn cầm đàn sắt hòa âm như tình cảm vợ chồng được điều chỉnh cho hòa thuận. Bài thơ “Trần liệt phụ thi” của Dưỡng Sĩ Kỳ đời Minh có câu: “Kết tóc thành phu thê, điều chỉnh đàn cầm đàn sắt cho khúc nhạc hòa hợp vào nhau”. Hồi thứ 52 sách “Tỉnh thế nhân duyên truyện” mô tả tình cảm vợ chồng hòa hợp và trường tồn như cầm sắt: “Đôi phu thê trẻ, cầm sắt hài hòa, trai tài gái sắc, như cá gặp nước”.

Đàn cầm đàn sắt mà bị đứt dây là chỉ người vợ đã qua đời. Dây đàn đứt (đoạn huyền) sau đó phải thay dây đàn mới, như thế mới có thể gẩy đàn. Vì vậy người đàn ông mất vợ rồi tái hôn gọi là “tục huyền”.

Kết tóc không chỉ là lời thề ngọt ngào cho cuộc hôn nhân đầu tiên, mà còn là kỳ vọng trăm năm hạnh phúc. Đôi nam nữ cùng nhau lập gia đình, vợ chồng cùng hợp thành một thể, đó cũng là lúc mỗi người đang bước trên con đường trưởng thành trong hôn nhân. Sau khi trải qua những tháng ngày chung sống, cùng thực hiện những thệ ước và trách nhiệm đối với gia đình, vợ chồng mới có được “ngày tháng lâu bền của phu thê kết tóc”, và đó là món quà ý nghĩa vĩnh hằng.

Dung Nãi Gia / Theo: epochtimes
Biên dịch: Thủy Châu